04/06/2021 11:44 View: 16186

Đá có năng lượng thật không?

Đá có năng lượng không? Đây vẫn là câu hỏi cho rất nhiều cuộc bàn luận giữa 2 trường phái đối lập nhau mà bên nào cũng có lý do hợp lý để tin vào những quan điểm, ý kiến của mình là đúng đắn. Nếu nó không có, tại sao thực tế khi sử dụng đá làm đồ trang sức lại có những thay đổi rất rõ rệt? Nhưng nếu có năng lượng thì đó là dạng gì và tác dụng thế nào, liệu có chỉ ra rõ ràng được không? 

nang luong vong da, vong ngoc, phong thuy

Bài này tác giả viết dưới dạng quan điểm và hiểu biết cá nhân, còn phần nào chưa hợp lý, mong những người hiểu biết hơn bổ sung hoặc đính chính sửa lại giúp. 

Đá nào cũng có năng lượng?

Đá có năng lượng. Đó là sự khẳng định đầu tiên của tác giả, nhưng phải là đá tự nhiên, các loại vật liệu khác giả đá hoặc đá tái chế lại không có năng lượng này, khi đi vào chi tiết ta sẽ hiểu vì sao.

Năng lượng của đá tự nhiên

Năng lượng của đá tự nhiên chia làm 2 dạng chính là Năng lượng Cảm Ứng Từ và Năng lượng Bức Xạ Điện Từ đặc trưng.

1. Năng lượng cảm ứng từ của đá

Trong mỗi phân tử vật chất của bất kỳ chất hay nguyên tố nào cũng đều có Momen Động Lượng và Momem Từ Riêng (SGK phổ thông gọi đó là Spin), mọi phân tử đều có, nhưng bình thường chúng xếp hỗn loạn ngẫu nhiên và triệt tiêu lẫn nhau nên xét về tổng thể thì các vật đều không có Momen từ chung. 

Tuy nhiên, một số dạng vật chất, đặc biệt là vật có cấu trúc tinh thể tuần hoàn, cách sắp xếp đều đặn và song song, chúng có Momen Từ tổng cộng (là tổng các Spin cùng hướng) và khi có Momen Từ tổng cộng ấy, vật sẽ có Từ trường bao quanh nó. Các chất mang cấu trúc tinh thể thì đều có Từ trường này, mạnh yếu có thể khác nhau, nhưng đều có cả. 

Ví dụ: Sắt non, khi sắp xếp xong Spin nội tại sẽ trở thành Nam Châm vĩnh cửu, thứ ta đang sử dụng hàng ngày mà không biết nó là loại khoáng vật hoàn toàn tự nhiên vậy. Vật chất càng sắp xếp ổn định và đồng bộ thì Từ trường sẽ càng mạnh hơn.

Tương tự như vậy, một số loại đá, đặc biệt là đá có độ trong suốt cao (hoặc loại chứa nhiều khoáng kim loại) thì cũng có Từ trường này. Tuy chúng yếu tới mức ta khó cảm nhận bằng tay hay cảm giác nhưng thực tế chúng vẫn có và nếu được đo bằng các thiết bị hiện đại sẽ thấy năng lượng Từ của chúng.

Tác dụng của năng lượng cảm ứng từ - từ đá

Từ trường này, bình thường nằm yên thì chúng không có tác dụng gì cả, nhưng khi chuyển động, chúng sẽ tạo ra một môi trường biến thiên Từ chung quanh mình, mà ta học phổ thông là biết rồi, môi trường Từ biến thiên sẽ tạo ra Cảm Ứng Điện Từ, bất kỳ vật dẫn nào nằm trong môi trường này đều sẽ nhận được năng lượng và gia tốc vận động của mình mạnh mẽ hơn.

Thứ gọi là “vật dẫn” ấy chính là Hồng Cầu trong máu của cơ thể chúng ta (màu hồng của tế bào này thực tế do vi lượng Sắt – Fe tạo ra), các phần tử Sắt này khi đi ngang qua môi trường Cảm Ứng Từ, chúng sẽ được gia tốc cho nhanh lên, đó là cái Nhân ban đầu, tạo ra Quả tiếp theo là hệ thống máu luân chuyển tốt hơn trong cơ thể, Quả tiếp theo nữa là oxi được đưa đến mọi tế bào nhiều và nhanh hơn, Quả nữa là với động năng vừa đủ, chính Hồng cầu còn giúp phá vỡ các bã mỡ đóng cặn trong mao mạch, giúp giảm thiểu đi các hiện tượng nghẽn mạch, vỡ mạch, tai biến mạch máu của cơ thể chúng ta.

Và như thế, với các loại đá mang Từ trường, nó sẽ có tác dụng chủ yếu cho hệ Tuần hoàn của cơ thể, liên quan trực tiếp đến nó là hệ Thần kinh và Não bộ được bổ sung đầy đủ oxi hơn, giúp tỉnh táo, phấn chấn, sáng suốt và khỏe mạnh hơn. (Nói thêm về năng lượng tích cực và tiêu cực trong cơ thể, thực ra liên quan trực tiếp đến lượng oxi nuôi Não các bạn nhé)

2. Năng lượng bức xạ điện từ đặc trưng của đá

Dạng năng lượng thứ 2 là năng lượng Bức xạ Thứ cấp hay còn gọi là Bức xạ đặc trưng. 

Đá hay bất kỳ loại vật chất nào đều phản ứng với Bức xạ điện từ (có mặt khắp nơi chung quanh ta) theo 3 cách: Truyền qua, Phản xạ và Hấp thụ.

  • Truyền qua là cách mà các loại đá trong vẫn thể hiện, vì ánh sáng (cũng là bức xạ điện từ) đi xuyên qua được nên ta mới thấy nó trong như thế. 
  • Phản xạ là dạng truyền ngược lại của tia bức xạ khi đến với bề mặt vật, hệt như ta soi gương vào một vật bóng loáng vậy. 
  • Và hấp thụ là việc các phân tử, nguyên tử, các hạt vật chất cơ bản chúng nhận được năng lượng và nhảy mức tạo ra các trạng thái kích thích (vận động mạnh hơn lúc bình thường), ví như ta để một cục đá ra ngoài nắng, dù có truyền qua hay phản xạ thế nào một lúc sau ta cầm vào cũng thấy nó nóng lên (đang bị kích thích); hoặc ta nắm đá trong lòng bàn tay, hơi ấm của cơ thể ta (bức xạ nhiệt, hay cũng là bức xạ điện từ) truyền cho nó mà nó trở nên ấm hơn lúc đầu, đó chính là sự hấp thụ của đá.

Sau khi hấp thụ rồi, chúng đạt trạng thái kích thích một thời gian thì các phân tử sẽ dần trở lại trạng thái cơ bản ban đầu, nhảy từng mức độ thấp dần xuống, và mỗi lần xuống thấp đó nó lại phát ra một bức xạ để giải phóng năng lượng nó đang dư thừa. Kết quả bức xạ phát ra đó gọi là Bức xạ thứ cấp, mà mỗi loại phân tử có một cách “nhảy về” khác nhau nên Bức xạ thứ cấp ấy đặc trưng cho riêng mình loại phân tử ấy mà thôi.

Tác dụng của năng lượng đá trong phong thuỷ

Lẽ hiển nhiên, khi ta sử dụng đá trên người, bức xạ nó phát ra thì ta chính là người được thụ hưởng đầu tiên.

Cơ thể người cũng vậy, khi nhận được các bức xạ sẽ hấp thụ vào trong mình, tùy từng loại bức xạ, từng dạng năng lượng mà sự tác động của chúng khác nhau và tạo ra những phản ứng khác nhau. Và lưu ý rằng: Hệ thần kinh cũng lại là bộ phận phản ứng nhanh và nhạy cảm nhất với các bức xạ mình nhận được.

Nói thêm về loại bức xạ điện từ. Chắc sẽ còn nhiều bạn nhớ về thang bức xạ điện từ trong SGK lớp 12, qua thang ấy mà ta biết hầu như mọi thứ bức xạ quanh ta đều mang bản chất là bức xạ điện từ hết, năng lượng của nó được đặc trưng bởi Tần Số & Bước Sóng. Nếu nhớ thì bạn sẽ nhớ ra có một khúc rất nhỏ trong thang ấy, từ mức bước sóng là 0.36 micromet cho đến 0.72 micromet chính là vùng được gọi là Ánh Sáng Khả Kiến, là ánh sáng ta vẫn nhìn thấy hàng ngày. Khi bước sóng thay đổi một chút thì tia sáng lại có một màu sắc khác nhau, và trong đó có 7 màu cơ bản là Đỏ - Cam – Vàng – Lục – Lam – Chàm – Tím, 7 sắc cầu vồng vẫn nhìn thấy => Điều này có nghĩa là MÀU SẮC LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN NĂNG LƯỢNG CỦA BỨC XẠ.

Và vì mỗi loại bức xạ khác nhau lại mang một năng lượng khác nhau, cho nên mỗi màu của đá cũng sẽ có một cách để tác động đến cơ thể ta khác nhau, tập trung vào từng bộ phận khác nhau. Nói nôm na cho dễ hiểu: 

  • Khi nhìn viên đá màu xanh lá, ta có cảm giác nhẹ nhõm, dịu dàng, trút bỏ được những mệt mỏi căng thẳng trong lòng mà thấy cơ thể mình đằm lại, bình tĩnh hơn 
  • Ngược lại nhìn vào một cục đá đỏ chói, ta thấy mính nóng nảy hơn, hào hứng hơn, nhiệt tình hơn và năng lượng vận động trong cơ thể tăng lên cùng sự hào hứng đó. 

Đó chính là tác dụng của những bức xạ khác nhau, hay cũng là những loại đá khác nhau, mà khiến cơ thể ta chịu những tác động khác nhau, hoàn toàn rất trực quan và thực tế.

Ngũ hành trong phong thuỷ

Trong thế giới tự nhiên, vạn vật đều có năng lượng, nói chính xác theo khoa học thì Vật chất chính là Năng lượng và Năng lượng cũng chính là vật chất (Albert Einstein đã chứng minh điều đó qua công thức nổi tiếng của ông: e = m.c.c), tất cả mọi sinh vật, mọi sự vật đều nằm trong sự vận động của Năng lượng. 

Nhưng, năng lượng bản thân chúng là cực kỳ đa dạng, mỗi dạng lại có cách vận động và tác động khác nhau, muôn hình vạn trạng, không sao đếm xuể được là có bao nhiêu cách cho Năng lượng vận động.

Nhờ những tính chất cơ bản đặc trưng nhất, và cũng giống với tự nhiên nhất, người xưa đã đặt tên cho các dạng năng lượng vận động là 5 Hành (hay Ngũ Hành) và lấy tính chất nổi bật nhất, giống với ngoài đời thực nhất để đặt tên cho dễ nhớ.

Vì thế mà ta có: Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ, ứng với đó là năm màu sắc đặc trưng cho các tính chất này là: Trắng - Đen - Xanh (lục) - Đỏ - Vàng. Có thể là vô tình, cũng có thể là hữu ý mà việc đặt tên ấy lại thực sự rất tương thích với những loại năng lượng mang màu sắc như tên gọi.

Ngoài ra một số màu khác gần giống tính chất thì đều được quy vào cùng nhóm với các màu đặc trưng ấy. Ví dụ Cam, Hồng, Tím nằm trong nhóm Hỏa, Xanh Hero quy vào nhóm Thủy, Nâu sậm quy vào nhóm Thổ, v..v...

Ngũ Hành không đứng độc lập, mà chúng đứng trong mối quan hệ qua lại, vận động và tương tác với nhau theo 3 dạng là: Tương Sinh - Tương Khắc và Tương Hợp ; ngoài ra còn có Tương Thừa và Tương Vũ là các trường hợp riêng của 3 dạng chính kia.

  • Tương Sinh - theo quy luật tự nhiên cho ra 5 mối quan hệ là: Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc; Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ và Thổ sinh Kim.
  • Tương Khắc - cũng gồm 5 mối quan hệ : Kim khắc Mộc; Mộc khắc Thổ; Thổ khắc Thủy; Thủy khắc Hỏa và Hỏa khắc Kim.
  • Tương Hợp - bao gồm các nhóm đồng chất cùng đứng với nhau thì làm tăng cường tính chất chính mình lên. Ví dụ Mộc - Mộc thành Lâm (giống như là nhiều cây thì thành rừng) vậy.

Trong các trường hợp bất thường, một Hành nào đó được tăng cường lớn hơn rất nhiều so với các Hành khác thì mối quan hệ của nó với những Hành kia cũng không bình thường nữa mà trở thành quan hệ Tương thừa và Tương vũ. Ví dụ:

  • Hành Thủy vì lý do nào đó trở nên cực thịnh, nó sẽ áp chế các hành khác không theo luật Sinh - Khắc bình thường nữa, không sinh Mộc mà thậm chí diệt Mộc (gây úng thủy, thối rễ chết cây) hoặc cuốn trôi Mộc luôn (lũ lụt chẳng hạn), khi đó ta có mối quan hệ Thủy Thừa Mộc. 
  • Ngược lại, bình thường Thổ sẽ khắc Thủy (đất ngăn nước) nhưng nếu Thủy quá lớn nó sẽ chẳng coi Thổ ra mùi gì, cuốn phăng luôn cả Thổ (lũ quét, vỡ đê, vỡ đập) thì ta có mối quan hệ Thủy Vũ Thổ (tức là Thủy coi thường Thổ).

Ví dụ tương tự về các hành khác các bạn cứ hình dung những hoàn cảnh trong cuộc sống sẽ thấy rất nhiều, giống như cháy lớn mà dùng xô nước nhỏ dập lửa thì nào có dập nổi đâu, khi đó sẽ là quan hệ Hỏa Vũ Thủy vậy. 

Con người chúng ta cũng không nằm ngoài những quy luật ấy. 

Khi ta còn sống tức là ta có năng lượng trong người, nhưng vẫn có những loại năng lượng vượt trội hơn một chút. Nói cho dễ hiểu thì trong ta cũng có đủ Ngũ Hành, nhưng nhờ thời điểm ta ra đời, hoàn cảnh môi trường tác động khiến một Hành trở nên lớn hơn một chút, được gọi một cách khái quát hóa thì đó là đại diện cho Cung Mệnh (hay Mạng) của ta. 

Với 5 Hành như vậy, cung mệnh của chúng ta cũng chia ra 5 loại mệnh đặc trưng bởi Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Ở đây chúng ta nói về tính chất đặc trưng của sự vận động năng lượng nội tại chứ không phải về khả năng hay cấu tạo con người, không phải như các Dị Nhân có năng lực thần kỳ, chỉ là cách mà năng lượng trong ta vận động có cùng tính chất với các Hành trong Phong thủy mà thôi. 

Và cũng lưu ý thêm rằng, vì việc chia Cung Mệnh là theo sự khái quát hóa những đặc tính NA NÁ GIỐNG NHAU CHỨ KHÔNG PHẢI HỆT NHƯ NHAU, vì thế không phải 2 người cùng một cung mệnh thì lại có thể giống hệt nhau về tính cách lẫn số phận, đến trẻ sinh đôi khác nhau có mấy phút thôi thì số phận đã khác rồi chứ nói gì là cùng Cung Mệnh hay Bát Tự.

Và vì các cung mệnh ấy mà cách chúng ta tương tác với vạn vật cũng sẽ có sự khác nhau, tạo nên sự muôn hình vạn trạng của cuộc sống này, với những thứ “hợp” với ta nó sẽ có tác dụng tốt hơn những thứ “kỵ” với mệnh của ta.

Chính vì việc “hợp” và “kị” ấy mà người xưa mới tìm cách cải thiện phần nào số mệnh của mình bằng cách tăng hấp thụ những phần năng lượng thích hợp, giảm những phần năng lượng không hợp và bổ sung những phần còn thiếu (bổ khuyết) để tạo nên sự cân bằng trong mỗi người. 

Các loại đá liên quan đến phong thuỷ như thế nào?

Thứ họ chọn để làm việc đó tốt nhất là Đá – Ngọc, nhờ chúng cải thiện, biến đổi những năng lượng chung quanh ta thành loại năng lượng phù hợp với ta nhất để ta hấp thụ vào, một “tấm màng lọc” hay một “cục pin” hữu hiệu cho ta. 

Nhưng phải là đá ngọc tự nhiên chứ không phải loại khác (nhựa tổng hợp, thủy tinh nấu hay đá nhân tạo, đá keo, … đều đã bị xử lý qua nhiệt, làm mất liên kết và cũng xáo trộn cấu trúc Từ riêng, vì thế năng lượng và cách chúng vận động năng lượng không còn được bao nhiêu nữa, gần như về MO nên không dùng làm đá Phong thủy được nữa). 

Các vật liệu khác không phải hoàn toàn không có năng lượng gì, chỉ là cách chúng VẬN ĐỘNG VÀO RA, HẤP THỤ VÀO HAY BỨC XẠ RA không nhiều, mạnh và bền bỉ như đá nên ít được sử dụng hơn mà thôi chứ thực ra trong cuộc sống thực thì gần như bất cứ thứ gì áp dụng được ta đều áp dụng hết cả: đi xe cũng chọn màu, làm nhà cũng chọn màu chọn hướng, máy móc, sách vở, thậm chí là bút viết, v..v… đều có thể được lựa chọn sao cho phù hợp nhất với cuộc sống và công việc của ta, vì thế mới có khoa học Phong Thủy ra đời và tồn tại cả mấy ngàn năm không hề thui chột đi bao giờ.

Trong đá có 2 cách bổ sung năng lượng cho ta như ở trên đã nói, và vì chúng phát mạnh hơn nhiều loại vật liệu khác, lại có ngoại hình đẹp đẽ và bền chắc, vì thế chúng mới được chọn làm vật dụng tối ưu để cải thiện phong thủy:

  • Triệt tiêu những năng lượng kị và bổ sung những năng lượng hợp
  • Khiến cho nội tại của ta cân bằng hơn, các bộ phận trong cơ thể hoạt động nhuần nhuyễn, nhịp nhàng và ăn ý hơn. 
  • Não bộ cũng tỉnh táo và sáng suốt hơn, sức khỏe được cải thiện là bước đầu tiên dẫn ta đến cái đích cuối cùng là SỰ THÀNH CÔNG trong công việc và cuộc sống sau này. 

Như vậy chẳng phải các loại đá rất có ích cho ta đúng không nào?

Tuy nhiên, đá không chỉ có duy nhất 2 lợi ích về năng lượng, một số loại đá đặc biệt, là những hóa thạch từ vật liệu khác tạo thành (Hổ Phách chẳng hạn), hoặc những loại đá mang khả năng “thu – phát” khác thường (Thạch Anh) thì chúng sẽ có thêm những đặc trưng khác nữa. 

Ma tà, quỷ có thể trú ngụ trong miếng đá phong thuỷ không?

Trên một số group tâm linh, một số bạn kể về mặt ngọc của bạn ấy bị người khác chê là có quỷ và xúi không nên dùng thì tác giả khẳng định luôn 100% là miếng ngọc đó không có quỷ hay thần gì hết.

Đá có thể có khí (năng lượng) tốt hay xấu chứ không phải nơi thích hợp cho Quỷ, Thần hay các Vong Ma trú ngụ, bản thân các thực thể ấy luôn tìm những môi trường phù hợp để ẩn náu trong đó: 

  • Môi trường ấy phải có sự tĩnh lặng
  • Phải mang năng lượng phù hợp để bổ sung cho chúng
  • Đồng thời cũng phải tránh nguồn bức xạ mạnh từ mặt trời

Vì thế chúng không bao giờ tìm cách trú tại các vật dụng ta sử dụng hàng ngày. Nhà hoang, cây cối um tùm hoặc tán cây cổ thụ xum xuê thì có thể, những chỗ ấy mới thích hợp để chúng bổ sung năng lượng mà duy trì sự tồn tại của mình, chứ không tà ma quỷ quái nào lại chui vào trong miếng đá phong thuỷ nhỏ để trú ngụ. 

Bản quyền thuộc về tác giả: Anh Nguyen Hoang

Sao chép trích dẫn, diễn đọc vui lòng ghi rõ nguồn & dẫn link từ web