Ta thường nghe các cụ xưa nhắc con cháu khi trong nhà có giỗ, đó là chỉ cần chuẩn bị "bát cơm con trứng" là đủ, không cần mâm cao cỗ đầy quá linh đình. Vậy tại sao lại chỉ cần bát cơm con trứng? Do nghèo đói quá hay còn có ý nghĩa gì khác? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Giỗ là lễ tưởng niệm, nhằm tưởng nhớ và tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ (những người đã mất nói chung) đồng thời là dịp để con cháu họp mặt ôn lại truyền thống gia tộc, thăm viếng, chia sẻ, động viên nhau sống tốt đời đẹp đạo.
Sau đại tường (mãn tang tất cả con cháu xong) là ngày ngày kỵ giỗ hàng năm, người Phật tử có thể tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn mà xê xích tới lui một vài ngày cho phù hợp, thuận tiện.
Các cụ rất coi trọng giỗ, chứ không coi trọng cỗ.
Ngày giỗ lấy tâm thành là chính chỉ cần “bát cơm, quả trứng” cúng là đủ. Vì vậy, hầu như tất cả các gia đình ở Hà Nội, dù làm giỗ to nhỏ, nhiều ít, mâm cao cỗ đầy như thế nào thì gần cuối buổi lễ đều dâng lên bàn thờ một bát hoặc một liễn cơm và một quả trứng (hột) vịt hoặc gà luộc đã bóc vỏ, thêm một ít muối bên cạnh.
Theo phong tục xưa thì:
- Nhất thiết phải có một bát cơm úp (xới 2 bát cơm đầy rồi úp vào nhau)
- Một quả trứng gà tươi luộc chín
- Một đĩa muối. Ngày xưa các cụ thường sắp một chén muối đầy có ý nghĩa như "bồ muối" nhưng hiện nay nhiều gia đình đã giản tiện hơn là đĩa muối nhỏ.
Ý nghĩa của bát cơm, con trứng và đĩa muối trong ngày cúng giỗ
Có rất nhiều quan niệm xoay quanh ý nghĩa của đồ lễ đơn sơ này.
- Bát cơm úp tượng trưng cho sự đủ đầy, cầu mong người đã khuất không thiếu thốn và đói khát.
- Nhiều gia đình còn đặt trên ban thờ đĩa nhỏ muối và gừng, với ngụ ý sâu xa “gừng cay muốn mặn xin đừng quên nhau”.
- Trong mâm cơm cúng thường có quả trứng luộc, “quả” là có ý nhắc “ăn quả nhớ người trồng cây”; trứng ngụ ý truyền nối thế hệ, dòng tộc “từ trong trứng nở ra”.
Tuy nhiên, không chỉ là ý nghĩa dân gian, ý nghĩa của việc chuẩn bị bát cơm, trứng và đĩa muối còn được chi phối bởi thuyết Âm Dương, thể hiện sợi dây tình cảm giữa người đang sống và người quá cố.
Theo luận thuyết, sự vật có Âm Dương hài hòa thì mới phát triển sinh sôi. Ở bát cơm úp, phần chìm dưới bát thuộc Âm, phần nổi trên thuộc Dương. Quả trứng luộc cũng vậy, lòng đỏ bên trong thuộc Âm, lòng trắng bên ngoài thuộc Dương. Trong quả trứng còn mang mầm sống, thể hiện ý nguyện của con cháu là các bậc tiền bối qua đi sẽ luôn nảy sinh ra thế hệ mới kế tục.
Những kiêng kị trong ngày giỗ cần tránh
- Không nếm thức ăn. Khi chuẩn bị mâm cỗ cho đám giỗ, không nêm nếm trước thức ăn rồi mới bày lên, như vậy là tỏ ý bất kính với người mất.
- Không đặt lên mâm cúng các món sống như gỏi cá, món tanh như lươn, cũng không nên cúng các loại thịt như thịt chó, mèo, vịt…
- Không cúng mắm tôm hoặc các món mà người mất khi còn sống không ăn được.
- Bày chén bát riêng.
- Khi cúng giỗ, cần chuẩn bị bát đũa mới, không dùng những đồ mà người sống đang dùng.
- Không cúng hoa quả giả. Chuẩn bị hoa tươi quả ngọt để thắp hương cho người đã khuất là bày tỏ lòng thành kính với họ, vì thế đại kị dùng hoa giả, quả giả thắp hương trong ngày giỗ.
- Đám giỗ cho người chết trẻ (chết yểu) theo tập quán thường không được tổ chức. Sau khi hết tang, chuyển di ảnh lên ban thờ coi kết thúc việc cúng giỗ. Tuy nhiên ngày nay các gia đình vẫn làm giỗ cho con cháu không may chết trẻ để bày tỏ lòng thương xót.
- Không làm cúng giỗ online nếu ở xa, càng không nên dùng văn khấn giỗ bằng tiếng Anh nếu bạn là Việt kiều, đó là sự bất kính rất lớn với người đã khuất.
Làm đám giỗ, cúng gia tiên là phong tục thuần Việt hàng ngàn năm. Ngày nay, tuy đã có nhiều điều đơn giản hơn trong các nghi thức cúng giỗ, nhưng cơ bản vẫn giữ được những bản sắc riêng cần có. Việc thờ cúng cần được duy trì và tiếp nối qua nhiều thế hệ hơn nhằm lưu giữ nét văn hóa tâm linh của dân tộc.