15/03/2022 11:32 View: 472

Đội quân nhà Đường có 'tướng thần': Hành tung bí ẩn, 1000 năm sau mới 'phát lộ'

Năm 1900, những thư tịch nghìn năm ở Đôn Hoàng bị một đạo sĩ vô tình phát hiện. "Trở về" cùng những thư tịch này là "một đội quân" thần kỳ - Quy Nghĩa Quân.

Bích hoạ tả cảnh Quy Nghĩa Quân xuất trận (hang Mạc Cao, Đôn Hoàng)  

Trong hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng có một bức bích hoạ thời Đường dài 8m, nội dung thể hiện cảnh xuất chinh của một đội quân.

Nhân vật trung tâm của tranh là Trương Nghị Triều – thủ lĩnh của Quy Nghĩa Quân. Trong suốt 10 thế kỷ sau khi Quy Nghĩa Quân tan rã, thế gian gần như lãng quên sự tồn tại của đội quân này. 

Vậy Quy Nghĩa Quân đã xuất hiện như thế nào?

Tại sao những thông tin về đội quân này lại "giấu mình" trong hang động Đôn Hoàng lâu như vậy.

Sau vụ loạn An Sử, nhà Đường nhanh chóng suy yếu. Đế quốc Thổ Phồn đối địch khống chế Tây Vực, Con Đường Tơ Lụa bị gián đoạn. Trong suốt nửa thế kỷ sau loạn An Sử, nhà Đường ở trong trạng thái liên tục phát sinh phản loạn, không thể giành lại những vùng đất đã mất. Đến năm 850, một vị hoà thượng đến từ phía Tây xuất hiện ở Trường An (Kinh đô nhà Đường) để truyền tiệp báo: Quy Nghĩa Quân giành lấy Đôn Hoàng. 

Thành lập và chỉ huy Quy Nghĩa Quân là Trương Nghị Triều. Chỉ trong vài năm, Trương Nghị Triều đã chiến thắng quân Thổ Phồn, khôi phục quyền lực nhà Đường trên Con Đường Tơ Lụa. Vua Đường lúc bấy giờ là Đường Tuyên Tông phải thốt lên "Tây Vực có tướng thần".

Thế nhưng lịch sử đã ghi lại những sự kiện đầy trớ trêu.

Sau khi Đường Tuyên Tông băng hà, nhà Đường nhanh chóng suy yếu triệt để và kết thúc vào năm 907. Lịch sử Trung Quốc dần bước vào thời kỳ hỗn loạn mang tên "Ngũ Đại Thập Quốc". 

Quy Nghĩa Quân trong hoàn cảnh khắc nghiệt đã tồn tại và chống đỡ hơn một thế kỷ. Sang thế kỷ thứ XI, người Đảng Hạng nổi dậy lập nước Tây Hạ, Con Đường Tơ Lụa một lần nữa đứt đoạn. Danh xưng của Quy Nghĩa Quân cũng từ đó dần chìm vào lịch sử.

Tuy nhiên trong những ngày tháng cuối của Quy Nghĩa Quân có lẽ đã xảy ra một sự kiện đáng chú ý:

Một số nhà sư ở Đôn Hoàng đã quyết định dồn hết thư tịch ghi lại lịch sử Quy Nghĩa Quân của hơn 500 năm vào một hang động rồi bịt cửa hang lại. Những thư tịch này sẽ thoát khỏi mọi biến động lịch sử; cho đến năm 1900, những thư tịch này lại được phát hiện lần nữa và nổi tiếng thế giới với cái tên "Đôn Hoàng Di Thư."

Học giả châu Âu tham gia khai quật Đôn Hoàng đầu thế kỷ XX (ảnh: Sohu)

Nguồn: SH