09/03/2022 18:48 View: 804

Hoạn quan cuối cùng nhà Thanh tiết lộ cuộc sống kỳ dị chốn hậu cung

Vị thái giám cho biết, ngay cả khi thời đại đã thay đổi, các quý tộc, chủ nhân trong hoàng cung vẫn coi mạng sống của những người hầu như bùn đất.

Hồi ký cuối đời của thái giám Trung Quốc cuối cùng đã giúp hậu thế hình dung ra cuộc sống của vua chúa, phi tần đằng sau bức tường cao của Tử Cấm Thành.

Hồi ký cuối đời của thái giám Trung Quốc

Trong thời phong kiến Trung Hoa, cuộc sống thực sự của những vị hoàng đế, cung tần mỹ nữ, cung nhân, thái giám... đằng sau bức tường thành cao vút của Tử Cấm Thành diễn ra như thế nào, có giống với những gì được khắc họa trong những cuốn truyện hay bộ phim cổ trang?

Những giai thoại, tin đồn, thêu dệt thì vẫn luôn có quá nhiều, nhưng sự thật thì chỉ những "nhân chứng sống" mới có thể thực sự giải đáp.

Tôn Diệu Đình (1902 - 1996) được các nhà sử gia gọi là hoạn quan cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.

Đến cuối đời, ông đã chia sẻ, tiết lộ rất nhiều câu chuyện thú vị bản thân được chứng kiến và trải nghiệm trong quãng đời ở trong cung điện.

Thái giám cuối cùng của nhà Thanh

Tôn Diệu Đình là một trong những "nhân chứng sống" cuối cùng của nhà Thanh.

Tôn Diệu Đình xuất thân trong một gia đình vô cùng nghèo. Để kiếm cái ăn, cha mẹ ông đã đưa ra quyết định tự "tịnh thân" cho con trai 15 tuổi tại nhà để ông có thể vào cung làm việc, kiếm tiền.

Thế nhưng số phận Tôn Diệu Đình lại quá trớ trêu. Sau 3 ngày 3 đêm nằm đau đớn hôn mê vì bị "tịnh thân", khi mở mắt tỉnh dậy, ông hay tin Hoàng đế Phổ Nghi vừa mới ký "sắc lệnh thoái vị", đặt dấu chấm hết cho lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Dẫu vậy, Phổ Nghi và hậu cung của mình vẫn lưu lại trong Tử Cấm Thành sống xa hoa y như trước.

Vì vậy, sau khi vào cung làm thái giám, Tôn Diệu Đình vẫn phải trải nghiệm những luật lệ khắt khe của triều đình nhà Thanh.

Tử Cấm Thành: Khắt khe, tàn khốc và nhiều bi kịch.

Những gì diễn ra trong Tử Cấm Thành thực sự khắt khe, tàn khốc và nhiều bi kịch.

Vị thái giám cho biết, ngay cả khi thời đại đã thay đổi, các quý tộc, chủ nhân trong hoàng cung vẫn coi mạng sống của những người hầu như bùn đất.

Bấy giờ, tình hình loạn lạc, nhân dân sống trong cảnh lầm than nhưng các nương nương trong hậu cung vẫn được hưởng những đãi ngộ "trên trời" mà người thường không tưởng tượng được.

Trong hồi ký của mình, ông miêu tả: "Phi tử hậu cung có cuộc sống cực kỳ xa hoa, ngay cả tắm rửa cũng chưa bao giờ phải tự mình động tay, từ việc cởi quần áo cho tới lúc bước chân vào bồn tắm đều do các cung nữ, thái giám hầu hạ.

Trong quá trình tắm rửa, cung nhân không chỉ cần phục vụ cẩn thận mà còn phải quỳ rạp dưới đất để bày tỏ sự cung kính. Bởi vì thời gian tắm rửa của các phi tần thường kéo dài rất lâu, cho nên đối với cung nữ, thái giám mà nói mỗi lần hầu hạ những vị chủ tử này đi tắm đều hết sức mệt mỏi".

Tôn Diệu Đình từng trực tiếp hầu hạ Hoàng hậu Uyển Dung khoảng 1 năm.

Tôn Diệu Đình kể lại rằng khi phục vụ Hoàng hậu Uyển Dung, ông không được phép nhìn thẳng vào mặt chủ nhân mà toàn bộ quá trình đều phải quỳ. Ví dụ khi phục vụ Hoàng hậu rửa tay, thái giám phải quỳ ở một độ cao thích hợp, vừa đủ để không quá thấp khiến hoàng hậu phải cúi xuống, cũng không quá cao để bà phải giơ tay.

Nếu sơ sẩy quỳ không đúng độ, họ phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Những việc tưởng chừng như tầm thường này thực ra rất khó hoàn thành. Nhiều thái giám già hoặc sức khỏe không tốt mỗi lần hầu hạ chủ nhân xong mồ hôi trên người đều ướt sũng.

Cô đơn vô tận & nhàm chán

Dù làm thái giám và cung nữ sẽ bị ức hiếp, bị coi như cỏ rác nhưng với Tôn Diệu Đình, làm hoàng đế và hoàng hậu ông thấy cũng không khá hơn là bao vì họ phải chịu đựng nỗi cô đơn vô tận.

Họ cũng bị những ràng buộc, xiềng xích, luật lệ vô hình trói buộc, chưa bao giờ có được cuộc sống tự do.

Các phi tần trong cung điện nhà Thanh mỗi ngày có lối sống sinh hoạt cũng nghiêm khắc và nhàm chán theo một cách riêng. Họ phải thức dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày để rửa mặt, thay xiêm y, trang điểm.

Khẩu phần cơm của mọi người cũng được phân chia cao thấp nhằm thể hiện rõ cấp bậc. Các hoạt động trong ngày nhìn chung đều quay quanh đi vấn an những người có địa vị cao hơn, đến thăm, trò chuyện với các vị phi tần khác.

Đến chiều tối, các vị phi tần chỉ ngồi đợi Hoàng đế lật thẻ bài gọi vào thị tẩm. Nếu không được gọi đến, họ kết thúc một ngày dài và tất cả mọi năm tháng đều lặp đi lặp lại như vậy. Hậu cung nhìn chung chính là nơi chôn vùi cuộc đời của biết bao nhiêu con người, nhưng không thể có lối thoát.

Sau khi Vua Phổ Nghi bị đuổi khỏi hoàng cung, vị hoạn quan về quê và sống dựa vào anh em, họ hàng nốt phần đời còn lại.

Nguồn: SH