17/03/2022 19:22 View: 561

Khối đá thiêng tại Tử Cấm Thành: Tuần san Cố Cung nói rằng nó rất "có hồn", rất lạ!

Du khách sau khi chiêm ngưỡng khối đá này tại Cố Cung đều phải cất lời khen ngợi vì những giá trị đặc biệt của nó.

Cố Cung thu hút khách du lịch vì những giá trị lịch sử và lối kiến trúc độc đáo. (Ảnh: Baidu)

Cố Cung (hay Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc) là một trong những tòa cung điện hoàng gia thời phong kiến lớn nhất trên thế giới. Nơi đây từng là nơi ở của nhiều đời hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Hiện nay, Cố Cung là địa điểm du lịch hút khách hàng đầu của đất nước tỉ dân này.

Khi đến đây, du khách không những được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của tòa cung điện mà còn được tận mắt chứng kiến các di vật quý giá – minh chứng cho lịch sử. Trong số vô vàn những bảo vật trân quý còn lưu lại trong Cố Cung, có 1 khối đá đặc biệt mang giá trị rất lớn. 

Đó là đá Tạo Vân. Năm 1935, trong kỳ thứ 433 và 434 của tập "Tuần san Cố Cung" từng nhắc đến khối đá trân quý này. Theo đó, đá Tạo Vân khoác lên mình một "tấm áo" màu nâu sẫm với chiều cao 1 thước 9 tấc, rộng 2 thước 1 tấc 1 phân. (1 thước = 1/3m, 1 tấc = 10 phân, 1 phân = 10mm).

Đặc biệt, theo lời chia sẻ trong tập san này thì đây là 1 loại đá rất 'có hồn’, khi gõ nhẹ vào sẽ phát ra âm thanh rất đặc biệt. Khối đá được đặt tên là Tạo Vân cũng chính bởi hình dạng giống như những áng mây bay trên bầu trời của nó. 

Chắc hẳn rất nhiều người sẽ tò mò, tại sao đá Tạo Vân được đánh giá là quý giá? Câu trả lời nằm trong 3 nguyên nhân sau.

3 NGUYÊN NHÂN KHIẾN ĐÁ TẠO VÂN TRỞ THÀNH KIỆT TÁC

Thứ nhất, đá Tạo Vân có lịch sử lâu đời nhất trong số những khối đá quý giá hiện có trong Cố Cung, Bắc Kinh. Trên thân đá có những vết tích rõ ràng nhất từ thời nhà Nguyên. Vị trí ban đầu của đá Tạo Vân cũng không phải ở Cố Cung mà là ở một ngôi nhà tranh ẩn sâu trong ngọn núi thuộc thành phố Côn Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày nay.

Tuy nhiên ngôi nhà tranh chứa đá Tạo Vân này đã bị hủy khi cuộc chiến tranh giành quyền thống trị thiên hạ giữa nhà Nguyên và nhà Minh nổ ra. Từ đó, khối đá này đã mất tích suốt một thời gian dài. Về sau, không ai rõ vì sao đá Tạo Vân lại xuất hiện trong Tử Cấm Thành.

'Dung mạo' đá Tạo Vân. (Ảnh: Baidu)

Nguyên nhân thứ hai tạo nên giá trị trân quý của đá Tạo Vân là bởi hình dạng đặc biệt của nó. Vẻ bên ngoài của khối đá là một lớp hoa văn uốn lượn bồng bềnh như những đám mây trôi lơ lửng trên bầu trời.

Hình dáng những áng mây trên đá Tạo Vân chân thật tới mức, khi du khách chiêm ngưỡng khối đá này, không ít người từng miêu tả rằng họ có cảm giác như đang cưỡi mây đạp gió. 

Nhiều người cho rằng, những họa tiết hình mây trên khối đá là do con người chế tác nên mới chân thật đến vậy. Nhưng thực chất, ‘hình hài’ của đá Tạo Vân hoàn toàn đều là nguyên bản.

Thứ ba, trên mặt đá Tạo Vân có rất nhiều nét bút tích được khắc lên bởi những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Cụ thể, những nhân vật này đến từ thời nhà Nguyên và nhà Minh. 

Hai chữ ‘Tạo Vân’ ở chính giữa khối đá là bút tích của nhà thơ Dương Duy Trinh thời nhà Nguyên. Bên trên cùng là 6 chữ "Ngọc sơn thảo đường tinh ngoạn" do nhà thư pháp nhà Nguyên – Trịnh Nguyên Hữu khắc lên.

Ngoài ra, những bút tích khác xuất hiện trên đá Tạo Vân còn thuộc về rất nhiều danh nhân, tài tử thời xưa như: Viên Tử Anh, Lý Đình Bích, Phương Ngoại Hữu, Trương Bá Vũ, Kì Nguyên Phác,.... Tất cả những nét bút tích này đã tạo nên cho đá Tạo Vân một giá trị nghệ thuật, lịch sử không thể đo đếm.

1 phần quang cảnh Cố Cung. (Ảnh: Baidu)

Đáng tiếc là, do sự tàn phá của thời gian, nhiều nét chữ được khắc trên đá Tạo Vân đã dần mờ đi. Vì vậy, khối đá này đã được công nhận là bảo vật cần được bảo vệ của Ban Quản lý Di tích Quốc gia.

Mang trên mình những giá trị vô giá, đá Tạo Vân quả thực xứng đáng là một trong những di vật đáng quý không nên bỏ lỡ khi du khách đặt chân đến Cố Cung.

Nguồn: SH