14/03/2022 09:10 View: 1287

Những giai thoại về Sấm Trạng Trình đầy kì lạ

Với khả năng thấu thị và tiên tri về số mệnh, vận mệnh.. tài tình, ứng nghiệm sau hàng trăm năm - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được dân gian truyền tụng một vị Thánh của đất nước

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, ít có ông Trạng nào tên tuổi lại được nhắc đến với nhiều giai thoại kỳ bí như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535), đời Mạc Đăng Doanh. Nhưng ông chỉ làm quan với nhà Mạc có 7 năm và sau khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần không được chấp nhận, ông xin về an trí tại quê nhà.

Giai thoại kỳ lạ về sự ra đời của Trạng Trình

Quê hương Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm bên bờ sông Hàn, còn có tên là sông Tuyết. Nơi đây ông đã mở trường dạy học và sau khi ông mất, các học trò đã mượn tên sông mà tôn ông làm Tuyết Giang Phu Tử. Trong đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có một vế câu đối như sau: “Lý học thâm nguyên Trình tiên giác” (Dịch nghĩa: Trạng Trình hiểu sâu sắc lý học, biết trước các việc). Chính khả năng này đã tạo nên màn sương huyền thoại xung quanh cuộc đời ông.

Giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết gắn liền với giai thoại về người mẹ của ông.  Truyện kể rằng, mẹ ông, bà Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Tiến sĩ Nhữ Văn Lan, là một phụ nữ tài năng mẫn tiệp, tinh thông lý số. Sống dưới thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), bà đã biết trước rằng nhà Lê sẽ suy yếu nên có ý kén một người chồng có tướng sinh quý tử để tính chuyện đại sự quốc gia. Kén mãi không gặp người vừa ý, mãi đến năm ngoài 30 tuổi, bà đành kết bạn với ông Nguyễn Văn Định, học trò Quốc Tử Giám và sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Mộng lớn của bà sẽ sinh ra con làm Thiên tử, chứ không chịu công hầu khanh tướng. Vì thế, hôm động phòng hoa chúc, bà cắm chiếc đũa ở ngoài sân và dặn chồng: “Khi bóng trăng đến chiếc đũa, ông mới được nhập phòng”. Đợi lâu quá, ông Định nóng ruột đẩy cứa bước vào, bà trách: “Ông vội vàng như thế, con cái sau này chỉ làm đến Tứ trụ hoặc đỗ Trạng nguyên là cùng, chứ không thể làm được Hoàng đế”.

Bức tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Vĩnh Long)  

Một hôm, khi bế con chơi ở bến đò Hàn, bỗng thấy một người tướng mạo phi phàm bà liền than rằng: “Sao ta không sớm gặp người này?”. Người đó chính là Mạc Đăng Dung. Thực ra, đây chỉ là giai thoại, chứ sự thực khi đó Mạc Đăng Dung mới chỉ là một cậu bé.

Hôm khác, bà đưa con về quê, dọc đường gặp một thầy tướng Trung Hoa. sau khi liếc nhìn dung mạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy tướng buột miệng khen: “Tướng mạo của thằng bé này không phải tầm thường. Nhưng vì nước da hơi thô nên chỉ làm đến Trạng nguyên thôi”.

Lớn lên, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học quan bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Một hôm, cụ Lương Đắc Bằng ốm, biết mình không sống được bao lâu, bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp để trên đầu giường, giở ra lấy một bộ sách quý. Cụ Bằng nói: “Thầy cho con cuốn sách quý này vì chỉ có con mới có thể hiểu được nó. Lúc thầy đi sứ qua Tàu, có gặp một cụ già trao cho thầy cuốn sách này và nói: ‘Ta không cho nhà ngươi mà nhờ người đem về giao cho một người An Nam’. Thầy ngạc nhiên hỏi tên người đó, cụ già bảo: ‘Không cần, chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai là người ấy được phần’. Sau này thầy mới biết cụ già đó là một dị nhân”.  Bộ sách ấy chỉnh là cuốn “Thái Ất thần kinh”. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhờ nghiên cứu cuốn sách này mà thông suốt được mọi việc trong quá khứ, tương lai. 

Câu chuyện trong dân gian

 Tối 30 Tết năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đang ngồi đàm luận lý số với một người học trò ở xa đến bỗng ngoài cửa có tiếng gọi. Ông sai gia nhân ra bảo người đó hãy chờ một chút. Trong khi đó, ông và người học trò ngồi bấm quẻ để xem thử người gõ cửa có chuyện gì. Cả hai thầy trò đều bấm  vào quẻ “Thiết đoản mộc tràng”, nghĩa là “sắt ngắn gỗ dài”. Người học trò nói: “Thưa thầy, sắt ngắn gỗ dài, theo ý con, người này vào đây chắc hắn chỉ có mượn cái mai đào đất. Chứ ngoài ra không có cái gì nữa”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cười: “Tôi lại đoán anh ta vào mượn cái búa”.

Quả nhiên người gõ cửa vào mượn cái búa thật! Anh học trò hỏi lý do thầy đoán đúng, Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích: “Như anh bấm quẻ cũng là giỏi nhưng mức đoán còn thấp. Anh nói sắt ngắn gỗ dài mà đoán vậy thử hỏi 30 Tết, người ta đến đây mượn mai để làm gì? Tôi đoán người ta đến mượn cái búa để bổ củi nấu bánh chưng. Bấm quẻ đã trúng, nhưng phán đoán phải có biến, linh hoạt mới tránh được sai lầm”. Người học trò nghe xong rất khâm phục. 

Lại có giai thoại khác kể rằng, ở quê ông có một người học trò nghèo tên Bùi Sinh, một hôm đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm về kế làm giàu. Ông hỏi năm, tháng, ngày, giờ sinh của anh ta rồi bảo: “Sáng mai, đúng vào giờ Dần anh cứ ra chỗ bờ sông mà đón, hề gặp cái gì, dù dơ bẩn thế nào cũng vớt lên, anh sẽ giàu đấy!”.  Bùi Sinh lạy tạ ra về.

Theo lời dặn, anh ta ra ngồi ở mé sông để đợi. Vừa lúc đó, trời đổ mưa xuống như trút nước, anh ta thối chí, định quay về. Nhưng nghĩ ráng kiên nhẫn xem lời cụ Trạng nói có đúng không. Ngồi chờ mãi, bỗng từ xa, một thây người chết theo sóng tạt vào bờ, chình ình ngay trước mặt anh ta. Theo lời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm hễ gặp gì vớt nấy nên mặc dù cái thây người đang thời kỳ phân hủy, anh vẫn cố gắng vớt lên. Khi đem được thây người lên bờ. trời bỗng tạnh mưa.

Nghĩ là điềm lành, anh ta xem lại đó là xác một người con gái, nhìn phục trang thì là người Trung Hoa, trên người đem theo rất nhiều ngọc ngà châu báu và vàng bạc. Bùi Sinh liền lấy lại số của cải đó và chôn cất người con gái xấu số một cách cẩn thận. Trên đường trở về, anh phục tài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vô cùng.

Sau đó chừng nửa tháng, bỗng có thông cáo rằng có một công chúa đi thuyền chơi Nam Hải, không may thuyền bị bão đánh, tất cả mọi người trên thuyền đều chết hết, không biết thi thể công chúa trôi dạt đến đâu. Nếu người Nam nào vớt được xác hãy báo sang thiên triều sẽ được trọng thưởng. Thế là Bùi Sinh được thưởng không biết bao nhiêu tiền của. Từ một anh học trò nghèo rớt mùng tơi, anh ta bỗng trở nên một nhà cự phú giàu nhất vùng.

Tiếng tăm của cụ Trạng Trình qua đó cũng được truyền đi khắp nơi.  Dân miền Vĩnh Lại quê hương Nguyễn Binh Khiêm hiếu học và trọng khoa cử, nhưng đỗ đạt lại ít. Trong khi các vùng xung quanh phát tích không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt. Trước thực trạng đó, dân Vĩnh Lại nghĩ lấy làm tức, các sĩ tử bèn rủ nhau đến hỏi Trạng Trình. Nhưng ông không trả lời, chỉ bảo thiên cơ bất khả lộ.

Làng Cổ Am: Quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi trọng người có học hơn kẻ giàu sang

Thấy mọi người có vẻ không hài lòng, Nguyễn Bỉnh Khiêm bèn làm một con ngựa đá để ở bên này bờ sông Vĩnh Lại. Trên lưng con ngựa ông cho khắc 2 câu thơ chữ Nho: “Hà thời thạch mã độ giang/Thứ thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu” (Dịch nghĩa: Bao giờ ngựa đá sang sông, thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng).

Ngày tháng trôi qua, con sông Vĩnh Lại mỗi ngày một lở thêm để bồi sang bên kia. Đến cuối đời Hậu Lê, con ngựa đá không biết chạy lại sang sông được. Dân làng Vĩnh Lại chờ đón tin mừng. Đi đâu cũng thấy bàn tán về chuyện con ngựa đá ở bờ sông Vĩnh Lại. Con gái khắp nơi thi nhau về làng Vĩnh Lại, trong đầu nghĩ mong mình có thể trở thành bà đô đốc hay bà quận công.

Giữa lúc ấy, cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn trong Nam xảy ra. Quân Tây Sơn thắng, thừa cơ đem quân ra tiêu diệt chúa Trịnh ở phía Bắc, trao lại quyền bính cho nhà Lê. Nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi Trịnh lại quay trở lại. Vua Lê phải mật báo Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân ở Nghệ An ra giúp.

Dẹp tan con cháu chúa Trịnh, Chỉnh lại chuyên quyền và ra mặt chống lại Tây Sơn. Nguyễn Huệ liền sai tướng Vũ Văn Nhậm đem binh ra đánh Chỉnh. Quân Nhậm tiến gần Thăng Long, Chỉnh đem vua chạy trốn. Nửa đường, Chỉnh bị quân Nhậm bắt sống, vua đành giả dạng dân thường mang ấn trong người chạy trốn đến vùng Vĩnh Lại. Dân làng Vĩnh Lại cho rằng đó là điềm trời xui, mới rước vua về đình và thảo hịch chiêu mộ quân sĩ chống lại quân Tây Sơn. Sẵn ấn tín, dân làng bức vua phải ký giấy phong tước cho mình.

Thế là chỉ trong mấy ngày, các thành viên trong làng đều được phong thành quận công, đô đốc.  Tương truyền, tướng Vũ Văn Nhậm đem quân tràn đến. Dân làng Vĩnh Lại chống cự không được, bao nhiêu đô đốc, quận công đều bị giết hoặc bị bắt.