14/03/2022 19:50 View: 939

Ly kỳ tìm mộ Trạng Trình: Có hay không việc nguỵ tạo chứng cớ quách gỗ?

Nhóm nhà nghiên cứu, ngoại cảm ngầm khẳng định luôn rằng đã tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri vĩ đại của Việt Nam.

Như đã nói ở kỳ trước, một nữ tiến sĩ đã đích thân gặp nhà báo Phạm Dương Ngọc theo chỉ dẫn của “cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm” để tố việc một nhóm nhà nghiên cứu, tâm linh đã âm thầm khai quật một ngôi mộ, ở một địa điểm bí mật, để công bố đã tìm thấy mộ Trạng Trình.

Xem lại Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn “gặp” nhà báo

Dù câu chuyện đầy sự huyễn hoặc, song phóng viên đã tích cực vào cuộc tìm hiểu. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, phóng viên vẫn chưa xác minh được cuộc quật mộ nào diễn ra ở Hải Phòng hoặc Tứ Kỳ (Hải Dương) liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm theo lời "báo" cả.

Hành trình tìm chủ nhân ngôi mộ cổ

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu, thì phóng viên có được trong tay một tài liệu trình bày hết sức “khoa học”, có vẻ như có sức thuyết phục cao, khẳng định việc tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm là thật.

Tài liệu này có tên “Hành trình tìm chủ nhân ngôi mộ cổ phát lộ ngày 7 tháng 4 năm 2014 tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng”. Tên hai cơ quan ghi ở phần đầu tài liệu dày 45 trang này gồm: Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người và Hội khảo cổ học Việt Nam.

Các nhà khoa học, nhà tâm linh đang nghiên cứu chiếc quách gỗ mà họ cho là thứ cải táng xương cốt cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Sở dĩ, tôi nói tài liệu hết sức “khoa học”, vì sử dụng hình ảnh, tên tuổi những nhân vận có uy tín, sức ảnh hưởng trong giới nghiên cứu, đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người rất có uy tín trong giới khảo cổ học Việt Nam. Tất nhiên, đây vẫn là ngôi mộ gây tranh cãi gay gắt vào thời điểm năm 2017.

Theo đó, vào 7/4/2014, bà Bùi Thị Hiền (tự xưng nhà ngoại cảm) cùng người dân thôn Hạ Đồng đào được một chiếc tiểu gỗ màu đỏ sẫm, có mùi thơm, có nhiều chữ nho, ở độ sâu 1,5m, tại sân nhà bà Hiền.

Trong tiểu gỗ có hài cốt đã cải táng còn nguyên hình hài, khi chuyển sang tiểu sành, xương bị vỡ vụn, chỉ còn một đoạn xương ống chân và chút xương đầu không bị vỡ vụn. Chiếc tiểu sành có hài cốt chuyển sang được đem đi chôn, còn tiểu gỗ được người dân đem ra bờ sông cọ rửa, lưu lại trong sân nhà bà Hiền đến đầu tháng 5/2014. Lúc đó, bà Bùi Thị Hiền thường xuyên “trò chuyện” cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và tin rằng đó mà mộ cụ.

Đầu tháng 5, nhà văn Nguyễn Thụy Kha, người tích cực nghiên cứu về cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mang chiếc tiểu gỗ về Hà Nội. Ông thuê một căn phòng ở 59 Tràng Thi, bảo quản chiếc tiểu gỗ, lập bàn thờ. Chiếc tiểu gỗ được lưu ở đây cho đến ngày 7/12/2016. Các nhà ngoại cảm, các nhà nghiên cứu thường xuyên đến “gọi vong cụ” và nghiên cứu chiếc tiểu này.

 Tiểu gỗ khi mới được đào lên, và sau khi rửa sạch. Phần mái đã bị sập hoàn toàn.

Sau đó, là liên tục các cuộc làm việc của “trung tâm tìm mộ” với bà Bùi Thị Hiền tại nhà bà Hiền, gồm các GS.TS khả kính, các nhà ngoại cảm, các nhà nghiên cứu tâm linh và những nhà trí thức quan tâm đến việc tìm mộ cụ.

Điều đáng quan tâm, là PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã lấy mẫu gỗ gửi đến Trung tâm Hạt nhân TP.HCM để xác định niên tại gỗ làm tiểu bằng phương pháp carbon phóng xạ.

Kết quả khẳng định mẫu gỗ có tuổi trên dưới 1.700 năm.

Với những người có hiểu biết, thì kết quả này không có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng, mẫu gỗ đã khẳng định chắc chắn là cái cây mọc lên trước khi cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ra đời. Nếu mẫu gỗ có tuổi dưới 500 năm, thì bác luôn thông tin đây là mộ cụ.

Cụ Nguyễn Văn Duyệt, 91 tuổi, nhà nho, trú thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), là người được mời đến nhà bà hiền khoảng 2 tuần sau khi đào được mộ. Cụ là người đầu tiên và duy nhất đọc được hai chữ trực tiếp trên tiểu gỗ trước khi chữ bị mờ theo thời gian. Hai chữ đó là “Nguyễn Bình”.

 PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia khảo cổ hàng đầu Việt Nam (quần áo trắng bên phải) rất tích cực nghiên cứu ngôi mộ này.

Nhà giáo Ngô Văn Hiển, người chụp được những bức ảnh tiểu gỗ đầu tiên rất quý. Sau đó, cụ Lương Bắc Tưởng, nhà nho ở Hải Phòng, thông qua bức ảnh nhà giáo hiển chụp, đã đọc được hai chữ “Kim Lan”. Đây là tên thời nhỏ của cụ Nhữ Văn Lan, ông ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phần trên của tài liệu nói ông Hiển chụp tiểu gỗ, nhưng các chữ nho thì ông Hiển “vẽ lại”, vì bản thân ông không dịch được. Từ bản vẽ chữ nho của ông Hiển, nhà thư pháp Lê Thiên Lý dã dịch được một đoạn như sau:

“Giá độc tất đạt/ Trạng Trình khiếu phong/ Tâm dĩ nhật chính/ Tầm tự quang long/ Trùng mộc chủ tôn/ Trung sinh nam cự”.

Ngày 7/12/2016, với những thông tin “quan trọng” này, thì cuộc bàn giao hiện vật đã diễn ra. Chiếc tiểu gỗ từ 59 Tràng Thi đã được đưa về Bảo tàng TP. Hải Phòng.

Điểm thú vị nhất là cuộc mổ xẻ nghiên cứu chiếc tiểu gỗ ở Bảo tàng Hải Phòng, với sự vào cuộc của nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường. Khó hiểu nhất, là đã diễn ra một cuộc tìm kiếm thẻ tre ở chiếc tiểu này, theo chỉ dẫn của “nhà ngoại cảm” có tên Trần Lệ Giang. Bà này bị ốm, đang điều trị ở Hà Nội, song gọi điện chỉ đạo PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng các chuyên gia của Bảo tàng Hải Phòng để tìm thẻ tre trong tiểu gỗ.

Sau khi đo đạc, nghiên cứu kỹ lưỡng tiểu gỗ, thì nước mưa được mang từ Vĩnh Bảo lên, được đổ vào bồn chứa đã đặt tiểu gỗ. Gỗ mục gặp nước thì tự bung ra.

Lấy chiếc thẻ tre từ trong tấm ván. 

Đúng 1 tháng sau ngày quách gỗ về Bảo tàng Hải Phòng, ngày 7/1/2017, Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành tìm chiếc thẻ tre trong tấm ván địa còn nguyên lớp sơn ta phủ kín. Lớp sơn ta chưa có sự tác động của con người, như sự niêm phong của tiền nhân.

Bóc lớp sơn ta, thì lộ ra chiếc thẻ tre được giấu bên trong.

Tiền nhân đã khoét một cái rãnh, rồi nhét thẻ tre vào đó. Ông Nguyễn Lân Cường chụp kỹ lưỡng chiếc thẻ tre và đo được kích thước như sau: dài 265mm, rộng 9,76mm, dày 3,79mm.

Ông Nguyễn Lân Cường còn tuyên bố, đây là lần đầu tiên thông qua ngoại cảm mà tìm được một hiện vật là chiếc thẻ tre trên đó có những chữ Nho. Nhà thư Pháp Lê Thiên Lý phát biểu đã đọc được hai chữ Xuyên và Đạt ở thẻ tre khi chụp ảnh và phóng to.

Viện nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người đã đề nghị Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Bảo tàng Tự nhiênViện Hàn lâm khoa học Việt Nam chụp chiếc thẻ tre bằng các thiết bị hiện đại, dưới góc độ và nguồn sáng khác nhau.

Lúc mới lấy thẻ tre ra khỏi quách, không ai nhìn thấy chữ, nhưng hình ảnh chụp được, thì có dấu hiệu có chữ. 

Ngày 16/1/2017, đã diễn ra cuộc hội thảo về ngôi mộ này. Thông tin chốt lại, thì các nhà nghiên cứu đã đọc được 7 chữ trên chiếc thẻ tre: “Cù Xuyên Mạc Triều Trạng Nguyên… Tại”.

Quá trình ghép lại tấm ván tiểu, thì PGS. Nguyễn Lân Cường tiếp tục chụp nhiều ảnh và TS. Cung Khắc Lược đã dò tìm từng nét chữ thông qua ảnh chụp, rồi chữ đầu tiên ông đọc được là chữ Triều, tiếp theo là hai chữ Trạng Nguyên, chữ thứ tư là Mạc. Tiếp theo là bốn chữ “Mộ tại Ao Dương” viết bằng chữ Nôm.

Ngày 15/2/2017, tại Bảo tàng Hải Phòng, ông Cung Khắc Lược đọc được 9 chữ là Đạt và hàng chữ “Mạc triều Trạng Nguyên mộ tại Ao Dương”.

Sau đấy, thạc sĩ khảo cổ Nguyên Kính Cát đọc được tới 30 chữ trên thẻ tre, trong đó có dòng sau: “Đại Việt thành thiên hạ chính thế thăng thọ khai thiên môn” (Nước Việt mà thành thiên hạ yên ổn thì đất nước mới được bền vững và tương lai mới mở ra).

Ngôi mộ được "báo" với phóng viên là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Mặc dù, các thông tin trên trình bày, sắp xếp có vẻ khoa học, khách quan và chưa đưa ra kết luận cuối cùng, tuy nhiên, sự sắp xếp đó ngầm khẳng định luôn rằng đã tìm thấy mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó chính là ngôi mộ của nhà tiên tri vĩ đại của Việt Nam.

Tuy nhiên, vụ tìm mộ bằng ngoại cảm, kết hợp tâm linh, có dấu ấn của chuyên gia khảo cổ nổi tiếng Nguyễn Lân Cường, đã không được chính quyền Hải Phòng chấp nhận, thậm chí còn bị bóc mẽ là lừa bịp, ngụy tạo.

Theo đó, chiếc quách gỗ hình chữ nhật, có lòng dài 84cm, rộng 15,5cm, dày 5cm, thì chỉ có thể nhét vừa được mấy khúc xương chân người, không thể nhét vừa hộp sọ người lớn. Một người như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, chẳng nhẽ xương cốt lại được nhét vào chiếc quách dành cho trẻ sơ sinh và chôn đơn giản như vậy?

Ngoài ra, hài cốt trong quách cũng chỉ là nghe kể lại, chứ cũng không ai nhìn thấy. Khi chính quyền yêu cầu bà Hiền cung cấp nơi cải táng bộ xương từ cái quách này, để làm giám định AND, thì bà ta bảo không nhớ chôn ở đâu.

Theo ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc bảo tàng Hải Phòng, hôm lấy chiếc thẻ tre từ quách gỗ ra (do sự chỉ đạo từ xa của nhà ngoại cảm), mọi người đều xúm vào xem xét, chụp ảnh, và khẳng định không hề có chữ. Ngoài ra, cái thẻ tre bé tí tẹo, chiều ngang chưa nổi 1cm, thì không rõ viết được chữ gì lên đó. Thế nhưng, một thời gian sau, thì ầm ĩ cả nước với thông tin trên thẻ tre có chữ “Mạc triều trạng nguyên, Cù Xuyên…”. Nhiều người đặt câu hỏi, có kẻ nào đó đã bắn chữ lên chiếc thẻ tre đó để ngụy tạo.

Còn tiếp… Phần 3: Thực hư về ngôi mộ sấm truyền

Nguồn: VTC