14/03/2022 20:24 View: 1399

Bất ngờ ngôi mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng là mộ vua Mạc Đăng Dung

Bất ngờ ngôi mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng là mộ vua Mạc Đăng Dung. Theo lời anh Mạc Văn Trọng, sở dĩ, họ Mạc nhận là mộ vua Mạc Đăng Dung, là bởi được sự chỉ dẫn tâm linh rất đặc biệt, kỳ lạ.

 

Xem lại 

Như đã nói ở kỳ trước, trong một ngày mưa gió tối sầm đất trời, tôi theo chân một nữ tiến sĩ có khả năng tâm linh, và một nhà nghiên cứu phong thủy, là một viện trưởng thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, về thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), để xem xét ngôi mộ được cho là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhà tâm linh về ngôi mộ này, theo sự “dẫn dắt của cụ”, còn nhà nghiên cứu nọ thì phân tích câu đồng dao nổi tiếng Hải Phòng: “Ba Giá trông sang/ Ba đồng ngoảnh lại/ Mộ tại ao Dương” để đặt dấu hỏi về nơi đặt mộ nhà tiên tri lỗi lạc.

Đó là một ngôi mộ nằm giữa mỏm đất cao, giữa một thung lũng. Cạnh đó là một quả núi đá, đã bị đào phá nham nhở. Xung quanh, những công trường khai thác đá hoạt động ầm ĩ, mìn nổ ùng ục trong lòng đất suốt buổi trưa.

Ngôi mộ cổ được họ Mạc ở Thủy Nguyên nhận là mộ vua Mạc Đăng Dung. 

Ngôi mộ khá to, được xây cất cẩn thận. Trên quả đồi, còn có một ngôi nhà tạm. Rất nhiều người đang hương khói trên ngôi mộ đó. Xôi gà, khói hương nghi ngút. Hóa ra, ngày rằm, con cháu họ Mạc ở huyện Thủy Nguyên tề tựu về đây hương khói cho người nằm dưới mộ.

Tôi khá bất ngờ, khi mọi người gọi đó là mộ vua. Sau này mới biết, người dân trong xã Liên Khê đều gọi ngôi mộ đó là mộ vua. Và, theo hậu duệ họ Mạc ở vùng đất này, người nằm dưới mộ là vua Mạc Đăng Dung. Câu chuyện quanh ngôi mộ trở nên thú vị, đầy bí ẩn và thêm phần rắc rối.

 Người dân, con cháu họ Mạc cúng viếng bên ngôi mộ rất đông.

Thắp nhang khấn vái trước ngôi mộ xong, anh Mạc Văn Trọng tiếp tôi khá niềm nở. Tuy nhiên, việc đầu tiên là anh thể hiện sự bức xúc với với những doanh nghiệp, những đám đá tặc, đất tặc, silic tặc ở khu vực này.

Anh Trọng kéo tôi ra sườn đồi, chỉ con đường bê tông ở ngay dưới chân đồi, và bức xúc: “Chỗ này là thành Dền, của nhà Mạc. Vậy mà họ đem máy ủi máy xúc đào sạch, giờ không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Chỗ kia, là quả núi cực đẹp, nơi lưu giữ đầy dấu tích các triều đại, đặc biệt là các dấu tích nhà Mạc, cũng bị họ phá hết, thậm chí phá xong quả núi rồi, họ còn đào sâu xuống lòng đất tới vài chục mét, thành cái hủm luôn. Họ Mạc đã làm đề xuất giữ lại di tích Thành Dền này, các cơ quan văn hóa cũng đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc nghiên cứu khẳng định giá trị của di chỉ, nhưng họ phá hết và vẫn tiếp tục ngày đêm phá nốt”.

Hội thảo khẳng định giá trị của Thành Dền. 

Vừa bức xúc, anh Trọng vừa mở điện thoại cho tôi xem cảnh nhà cửa anh lúc bị ném gạch, lúc bị hắt sơn. “Bao năm nay, vì muốn giữ lại di tích cho họ Mạc, cho nhân dân, cho quốc gia, mà tôi bị đám xã hội đen dọa nạt gây khó dễ đủ kiểu. Nhưng, vì việc chung, tôi không sợ kẻ nào hết” – anh Trọng chia sẻ.

Chuyện doanh nghiệp và cá nhân phá hoại di tích khảo cổcó một không hai này, chúng tôi sẽ phản ánh trong loạt bài điều tra trong thời gian tới.

Vị trí Thành Dền của nhà Mạc nhìn từ vệ tinh. 

Quay trở lại ngôi mộ kỳ lạ, được gọi là mộ vua ở thôn Thiểm Khê. Theo lời anh Mạc Văn Trọng, sở dĩ, họ Mạc nhận là mộ vua Mạc, là bởi được sự chỉ dẫn tâm linh rất đặc biệt, kỳ lạ.

Theo đó, năm 2009, Công ty Tân Phú Xuân, khi đào phá núi Phụ Gia, ở ngay cạnh đó, đã trúng ngôi mộ này. Ngôi mộ nằm sâu so với mặt quả núi tới 13m. Từ sườn núi phía bờ sông Đá Bạc thẳng đến ngôi mộ khoảng 60m. Thật khó tưởng tượng, ngôi mộ lại nằm sâu như thế. Những người đào mộ đoán rằng, phải là mộ của vua chúa, có nhiều kẻ thù, cần phải đào sâu chôn kỹ, mới kín đáo như vậy, nên rất sợ hãi.

Phía trên ngôi mộ là một lớp than củi đen. Phía dưới, là những tấm gỗ khổng lồ, xếp thành hình chữ nhật, mộng đóng khít cực kỳ nguyên vẹn. Bên trong “ngôi nhà gỗ” đó, là một quan tài khổng lồ, được làm bằng gỗ lim cực kỳ chắc chắn, nguyên vẹn.

Đoạn Thành Dền đắp đất từng cao bằng nóc nhà bị doanh nghiệp phá hoại để làm đường vào mỏ đá. 

Doanh nghiệp này sợ đụng phải mộ vua, không dám phá mộ, nên đã thuê thầy bà cúng bái cẩn thận, dùng máy cẩu nhấc nguyên vẹn toàn bộ ngôi mộ cùng quan tài, đưa lên xe tải, chở ra mỏm đồi bên cạnh quả núi Phụ Gia để chôn. Ngôi mộ tồn tại từ đó đến nay.

Một ngày, hai doanh nhân khá có tiếng, gặp một nhà ngoại cảm rất nổi tiếng ở Hà Nội, để hỏi về ngôi mộ đó, thì nhà ngoại cảm bảo rằng, đó là mộ của vua Mạc Đăng Dung. Thế là, ngôi mộ được con cháu họ Mạc ở Thủy Nguyên xây sửa, tôn tạo, bảo vệ hiện trạng đến nay.

Điều thú vị, là một nữ tiến sĩ, nhà tâm linh, theo sự “dẫn dắt của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm”, thì lại khẳng định ngôi mộ này là của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cụ Khiêm sống ở thời Mạc, cũng giấu kín mộ lúc lâm chung, nên ngôi mộ bí ẩn, chôn rất sâu trong lòng núi này, khiến những người có nhận thức bình thường rất tin tưởng nếu đem ra mổ xẻ, phân tích.

 Quả núi Phụ Gia đã bị múc sạch, chỉ còn lại mặt bằng thế này.

Từng là nhà báo có ít nhiều kinh nghiệm về các loại hình mộ táng, từng đi theo nhiều nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu khai quật mộ cổ, tiếp cận với nhiều tài liệu mộ cổ ở Việt Nam, nên tôi cũng có những suy đoán cho riêng mình.

Không khó khăn gì, tôi tìm được anh Trịnh Văn Hoài, nhà ở cạnh khu vực có tên Đấu Đong Quân (nơi nhà Trần tập hợp đếm quân như kiểu đong gạo), cách “mộ vua” độ cây số.

Anh Hoài pha trà, mời thuốc nước dưới gốc cây trước cổng nhà. Tôi ngỡ ngàng, khi trên mặt bàn, thứ đựng đầy tàn thuốc lá, là một chiếc bình cổ bằng gốm, tuổi cỡ gần 2.000 năm. Thấy tôi tò mò, phán đoán tuổi cổ vật, anh Hoài cười và công nhận có tí chút hiểu biết. Rồi anh dẫn tôi ra vườn cây. Tôi thấy la liệt chum, bình, vò cổ, toàn bằng gốm, vứt lăn lóc gốc cây, đựng nước. Anh bảo, toàn là đồ cổ, có thứ đến 4 ngàn năm, còn lại hầu như cỡ 2000 năm.

 Anh Trịnh Văn Hoài bên trái và anh Mạc Văn Trọng bên phải.

 Tủ kính đầy cổ vật của anh Hoài.

Rồi anh dẫn vào trong nhà, mở chiếc tủ kính, cho tôi xem vô số cổ vật. Kinh ngạc nhất là chiếc ấn bằng ngọc. Nhìn những món đồ, đặc biệt là là những mảnh gốm của một ngôi nhà mô hình thu nhỏ, tôi đoán ra chúng được lấy từ những ngôi mộ Hán, từ thời Bắc thuộc, hình thức mộ táng mà tôi từng có nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu.

Còn tiếp…

Nguồn: VTC