Trên thực tế, có rất nhiều nền văn minh cổ đại đã để lại những di sản vô giá cho các thế hệ sau. Dẫu vậy, vẫn có những nền văn minh biến mất một cách đầy bí ẩn.
Phù điêu trên dầm đỡ tại thành phố cổ Yaxchilan của nền văn minh Maya, thuộc Mexico ngày nay. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Dù cho các nhà sử học và khảo cổ học đã gắng sức tìm tòi khám phá nhưng tất cả đều đi vào ngõ cụt. Một số bí mật của họ được giữ kín (hoặc không bao giờ được phát hiện), đến nỗi nó khiến các nhà sử học trên thế giới vô cùng bối rối.
Dưới đây là 6 nền văn minh cổ đại bị biến mất một cách đầy bí ẩn:
1. Nền văn minh Maya – Sự biến mất bí ẩn
Maya là một trong những nền văn minh cổ đại nổi tiếng nhất, nhưng có một điều thú vị là chúng ta không biết nhiều về nền văn minh này. Đây là một nền văn minh Trung bộ Châu Mỹ, và dấu vết của họ dẫn đến những quốc gia khác nhau trong khu rừng rậm Nam Mỹ, các quốc gia bao gồm Belize, Guatemala, Honduras, Mexico và El Salvador. Trên thực tế, có rất ít bằng chứng do người Maya để lại đã được khai quật tự nhiên và những ẩn đố này khiến cho các nhà khảo cổ học cũng như nhân chủng học hiện đại tỏ ra bối rối.
Một số thông tin liên quan nền văn minh Maya đã được chúng ta biết đến bao gồm cả hệ thống lịch thú vị của họ. Điều đó cho thấy họ có kiến thức tuyệt vời về lĩnh vực Thiên văn học, cụ thể qua một số kỳ quan kiến trúc và một số thông tin về văn hóa của họ, tuy nhiên chúng ta vẫn không biết nền văn minh này đã biến mất như thế nào. Đế chế Maya dường như đã sụp đổ khoảng 1.000 năm trước, để lại các cơ sở kiến trúc sau đó đã trở thành những thị trấn ma giữa rừng.
Theo các nhà lý thuyết hiện đại, nền văn minh cổ đại này có thể đã biến mất bởi một thảm họa khí hậu và khiến dân số mất dần. Có lẽ hầu hết người Maya đã biến mất do hậu quả của hạn hán, khi nhóm nghiên cứu về nước trong các nhũ đá thạch cao mà họ tìm thấy ở Hồ Chichanacanab, Mexico. Các đồng vị nhẹ hơn có xu hướng bốc hơi nhanh hơn, vậy nên thạch cao còn lại với các đồng vị nặng hơn đã chỉ ra tình trạng hạn hán, và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những đồng vị nặng hơn trong thạch cao được phát hiện từ các di chỉ Maya.
Ông Nick Evans, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Phương pháp này có độ chính xác rất cao, gần giống như khi đo về lượng nước.”
Vào tháng 12/2019, các nhà khảo cổ đã khai quật những thứ được coi là tàn tích của một cung điện lớn từng được sử dụng bởi giới thượng lưu Maya khoảng 1.000 năm trước. Cấu trúc được phát hiện tại một địa điểm khảo cổ Kulubá trong nhưngx khu rừng ở bang Yucatán, Mexico. Công trình này cao gần 6m và dài khoảng 55m. Các nhà khoa học kết luận rằng cung điện được xây dựng từ năm 600 đến 900 sau Công nguyên khi nền văn hóa phát triển thịnh vượng, và tiếp tục được sử dụng một lần nữa từ năm 850 đến 1.050 sau Công nguyên, khi người Maya sụp đổ.
Dù cho nền văn minh Maya đã biến mất một cách bí ẩn, nhưng người Maya thì không. Hậu duệ của người Maya vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, nhiều người sống ở quê hương tổ tiên của họ, như Guatemala.
2. Nền văn minh của người Viking tại Greenland
Nhà thờ Hvalsey được xây dựng bởi người Viking tại Greenland. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Các nhà khảo cổ vẫn tự hỏi điều gì đã dẫn đến sự biến mất bí ẩn của các khu định cư Bắc Âu (Norse Settlements) của người Viking vào thế kỷ 15. Một số giả thuyết cho rằng đó là do Đại dịch hạch đen (Black Plague), một số khác lại tin rằng nguyên nhân đến từ những tên cướp biển Basque nham hiểm, tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng người Viking có thể đã không thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.
Người Viking ở Greenland định cư trong thời kỳ ấm áp vào khoảng năm 1.000 sau CN, nhưng ngay cả trong thời kỳ lạnh giá được gọi là Kỷ băng hà nhỏ (Little Ice Age), họ vẫn sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và xây dựng các nhà thờ. Điều này đã làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên như đất và gỗ. Trong khi những người Eskimo săn hải cẩu, cá voi đã sống sót với khí hậu tương tự.
Việc định cư của người Viking bắt đầu từ năm 985 sau Công nguyên, khi Erik The Red dẫn đầu một đội gồm 25 chiếc thuyền đến thuộc địa Greenland. Người ta cho rằng có 2 thuộc địa trong khu định cư của người Viking, một Khu định cư phía Đông lớn hơn và một Khu định cư phía Tây nhỏ hơn. Trong hàng trăm năm, dân số của họ chỉ tăng lên đến con số 5.000 người.
Dù cho sự biến mất của người Viking tại Greenland vẫn còn là một bí ẩn, nhưng một số người tin rằng Kỷ băng hà nhỏ đã khiến họ diệt vong, hoặc người Viking đã chết vì đói và rét.
3. Nền văn minh thung lũng Indus
Con dấu Pashupati được tìm thấy tại khu vực khai quật ra nền văn minh thung lũng Indus. (Ảnh: Wikimedia Commons
Nền văn minh thung lũng Indus được cho là một trong những nền văn minh sớm nhất có công nghệ tiên tiến hơn những nền văn minh khác trong cùng thời đại. Nền văn minh này tồn tại cách đây ít nhất 8.000 năm, và họ bắt đầu thiết lập các khu định cư của mình ở Ấn Độ và Pakistan ngày nay. Nền văn minh thung lũng Indus là một trong 4 nền văn minh cổ đại vĩ đại (Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc), và có lẽ là nền văn minh lâu đời nhất. Các thành phố của nền văn minh thung lũng Indus có hệ thống vệ sinh đô thị được biết đến đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, người dân thung lũng Indus là những người đi tiên phong trong kỹ thuật luyện kim và sản xuất đồng, hợp kim đồng, chì và thiếc.
Có nhiều sự thật về nền văn minh tiên tiến chưa được khám phá đã bị mất tích một cách bí ẩn này, bao gồm cả những chữ viết chưa được giải mã cho đến tận ngày hôm nay.
Người Indus chiếm ít nhất 1 triệu km2 lãnh thổ, tức nhiều hơn so với những dân tộc nổi tiếng hơn họ thời đó ở Ai Cập và Lưỡng Hà, và người ta tin rằng họ đã đóng góp ít nhất 10% tổng dân số Trái đất trong thời gian này.
Trong khi sự biến mất của nền văn minh rộng lớn này vẫn còn là một bí ẩn, các nhà sử học trước đó cho rằng một cuộc xâm lược của người Aryan từ phía Bắc đã dẫn đến sự sụp đổ của Indus. Bên cạnh đó, có giả thuyết cho rằng chu kỳ gió mùa là lý do khiến văn minh thung lũng Indus sụp đổ bởi nó khiến nền nông nghiệp không thể phát triển được và khu vực từng là một nền văn minh rộng lớn trở thành bị bỏ hoang. Ngoài ra, cũng có khả năng đã xảy ra các trận động đất và hạn hán.
Có một giả thuyết kỳ lạ khác đằng sau sự biến mất của nền văn minh Indus, đó là đã có một cuộc tấn công bất thường vào nền văn minh này. Giả thuyết này dựa trên những bộ xương được phát hiện từ những gì còn sót lại của nền văn minh Indus. Người ta phát hiện ra các bộ xương bị đốt cháy ở nhiệt độ cao đến mức không thể tin được trừ khi có một cuộc tấn công nguyên tử vào thời điểm đó. Trong khi lý thuyết trên chưa được chứng minh, việc làm thế nào mà một quần thể khổng lồ như vậy biến mất hoàn toàn vẫn là còn một bí ẩn.
4. Nền văn minh của người Punt
Những người lính Ai Cập cổ đại đang tiến đến vùng đất của người Punt. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Punt được gọi là “Vùng đất của Chúa”, và người dân Punt là một nền văn minh gần như mang yếu tố thần thoại, trong đó có các hoạt động giao thương với một số quốc gia châu Phi cổ đại, bao gồm cả Ai Cập. Các ghi chép của Ai Cập nói về nhiều cuộc thám hiểm buôn bán đến vùng đất Punt, nhưng cho đến nay, không có nhà khảo cổ học hiện đại nào có thể tìm ra chính xác nơi đó là ở đâu.
Người ta tin rằng Punt thực sự là một vùng đất rất giàu có, nhưng có rất ít bằng chứng về Người Punt. Nó cũng được biết đến với việc sản xuất và xuất khẩu vàng, nhựa thơm, ngà voi và động vật hoang dã; và họ chỉ có quan hệ buôn bán với Ai Cập. Mặc dù vị trí chính xác của Punt vẫn còn bị tranh cãi bởi các nhà sử học, nhiều người tin rằng nó nằm ở đâu đó ở phía Đông Nam của Ai Cập.
5. Cư dân thuộc nền văn minh đảo Phục Sinh
Các bức tượng đá Moai của những cư dân thuộc nền văn minh đảo Phục Sinh tại Rano Raraku, Chi-lê ngày nay. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Đảo Phục Sinh, một trong những nơi xa xôi nhất trên thế giới đã được phát hiện bởi người Polynesia trong khoảng từ năm 300 đến 1.200 sau Công Nguyên. Mặc dù không có những chiếc xe vận chuyển hoặc động vật kéo xe, việc người dân đảo Phục Sinh có thể dựng lên hàng trăm bức tượng đá khổng lồ có tên Moai vẫn là một bí ẩn. Bức tượng đá Moai lớn nhất có chiều cao gần 10m và nặng khoảng 82 tấn. Nhưng đến những năm 1800, nhiều bức tượng đã bị lật đổ, và sau đó dân số nơi đây đã sụt giảm.
Tình trạng chặt cây được coi là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm liên tục dân số tại Đảo Phục Sinh. Các nhà khoa học đã phát hiện ra điều này từ việc phân tích các mảnh than củi, rằng người dân Đảo Phục Sinh đã chặt phá hầu hết mọi cây cối và chuột đã ăn hạt giống của các loại cây trước khi rừng có thể tái sinh. Điều này dẫn đến một thảm họa sinh thái, và ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của cư dân nơi đây. Điều này cuối cùng gây ra nạn đói hàng loạt và cuộc xâm lược từ châu Âu như là giọt nước tràn ly khiến cho dân số trên đảo Phục Sinh bị suy giảm.
Dẫu vậy, sự biến mất của người dân trên đảo Phục Sinh cũng như làm thế nào mà họ vẫn sống sót cho đến nay cùng với việc đúc nên những bức tượng đá bí ẩn ở một khu vực xa xôi như vậy vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
6. Ngôi đền Gobekli Tepe thuộc nền văn minh bí ẩn
Ngôi đền Gobekli Tepe thuộc một nền văn minh bí ẩn có niên đại 13.000 đến 12.000 năm được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Nếu bạn xem chương trình Ancient Aliens (Người ngoài hành tinh cổ đại) thường xuyên trên kênh The History, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ về người ngoài hành tinh, có thể bạn đã nghe nói về ngôi đền Gobekli Tepe. Đây là một kiến trúc được tìm thấy giữa tàn tích của nền văn minh bí ẩn dường như rất tân tiến, từ đó dẫn đến suy đoán về sự hỗ trợ đắc lực của người ngoài hành tinh.
Ngôi đền được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, có niên đại từ 13.000 đến 12.000 năm, nhưng chứa đựng những kỹ thuật kiến trúc dường như không thể có được vào thời kỳ đó và sẽ không xuất hiện lại trong nhiều thiên niên kỷ.
Các chi tiết về chức năng của cấu trúc này vẫn còn là một bí ẩn. Những cuộc khai quật đã được tiến hành từ năm 1996 bởi Viện Khảo cổ Đức, nhưng phần lớn vẫn còn đang được khảo sát. Năm 2018, địa điểm này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Nguồn: TTVN - Theo Buggedspace,