04/06/2021 11:48 View: 3827

Xem tướng: Quan sát sự tương phản của các nét tướng

Sự Tương phản của các Nét tướng làm mất đi sự cân xứng, đoan chính, đối nghịch với sự hài hòa tổng quan như: To thì to quá, nhỏ thì nhỏ quá. Dài thì dài quá mà ngắn thì lại ngắn quá, sự tương phản của Tướng Giầu-nghèo, Quí-Tiện, Sang-Hèn, Sướng-Khổ .v.v.. Tương phản là sự đối nghịch của các nét tướng và tướng cách ( tổng quan nhiều nét tướng có chung ý nghĩa là một loại tướng cách). 

Tuong cach tuong phan giau ngheo

Tướng cách tương phản Giàu (Phú) – Nghèo (Bần)

Tướng giàu sang hiện lên trong từng chi tiết

Nếu tướng giầu (Phú) hiện lên mặt cần phải có cái bụng phối hợp, có đôi mông, dáng đi, bước chân làm căn cứ.

  • Tướng giầu ở lưỡng quyền cần có mũi làm kho đụn và môi (Kim tài, Địa tài) làm sự chi thu.
  • Tướng giầu hiện ở mũi thì hai cánh mũi đầy đặn bằng bặn, lỗ mũi vừa vặn.
  • Tướng giầu hiện ở mắt tất phải xem phối hợp của ấn đường, trán, đầu, chẩm, bộ vị liên quan đến học đường.
  • Tướng giầu hiện ở tai (tai trắng hơn mặt rất giàu) Tai mọc cao hơn lông mày chủ sự phát triển của trí tuệ, lỗ tai rộng và sâu, dáng tai to và dài, dái tai (Thùy châu) dày và hướng về phía trước, thế của tai phải cứng và chắc.
  • Tướng giầu hiện ở thân thì nhìn eo, lưng tròn đầy dầy dặn.
  • Tướng giầu hiện ở tay thì bàn tay thật dầy, chắc, da dẻ tươi nhuận.

Các cách cục trên đây nếu có Trí tuệ thông minh, kiến văn quảng bác, tiếng nói đúng cách nữa tất là người giàu có lớn, nếu tiếng nói bất ứng thì cũng sung túc một thời. “Trí tuệ thị Tài Phú chi nguyên” Trí tuệ là nguồn gốc của sự giàu có là nói đến người có trí tuệ thông minh có thể tạo dựng được sự nghiệp giầu có.

Tướng nghèo hèn khắc hoạ như sau

Tướng nghèo hiện lên mặt mà bụng hóp, miệng nhỏ chẩu ra như thổi lửa hay lộ khẩu mà răng xỉn, hôi hám, mồm lép sắc ám đen, hai bên khóe miệng cung xuống như thuyền lật, là nét tướng nghèo khó suốt đời.

  • Tướng nghèo hèn hiện lên lưỡng quyền, mũi hếch, môi dúm nhiều lúc thiếu ăn.
  • Tướng nghèo hèn hiện lên mũi, Gián đài - Đình uý (hai cánh mũi) mỏng, trơ xương là nét tướng bần tiện, vay nợ như chúa chổm.
  • Tướng nghèo hèn hiện lên mắt thêm ấn đường lõm thâm quầng thì hãm tướng, cực khổ.
  • Tướng nghèo hèn hiện lên thân mình, co ro như dáng cò lội nước, cả đời không có nhà ở đường hoàng
  • Tướng nghèo hèn hiện lên qua dáng đi như chim nhún nhảy cả đời lao tâm khổ tứ lao động cực nhọc.
  • Tướng nghèo hèn hiện lên tai khô mốc sắc ám, lỗ tai nhỏ quá, luân – quách đảo lộn không có dái tai thì vừa ngu vừa nghèo.
  • Tướng nghèo hèn hiện lên bàn tay gân guốc gầy gò, nghèo, cay đắng.

Các cách cục ở trên đây nếu có tiếng nói có âm lượng thì còn đủ ăn đủ mặc. Nếu tiếng nói bất tương ứng thì tối ngày bôn ba xuôi ngược, lao tâm vất vả.

  • Giàu: Lông mày trông vui như ẩn ngũ sắc, mắt sáng rực rỡ, thanh âm ngữ điệu có âm lượng, giầu đến mấy đời. Sống mũi cao đẹp, lưỡng quyền đầy đặn, tiếng nói như chuông đồng, địa các đầy đặn, khuôn mặt phúc hậu, đất nhà lộc phát. Bàn tay đầy ụ, mềm mại, tiếng nói vang vang, giỏi làm kinh tế buôn bán thuận lợi.
  • Nghèo: Nhất lộ, nhị lộ (mắt lộ, mũi hếch, tai lộn vành), tinh thần ám đục, có áo không quần. Đầu nhọn, đít tóp, thanh âm khí trệ có tướng ăn mày. Bụng chân như que củi, mặt khô lạnh như xác chết, thần khí trọc ám, tiếng nói lí nhí hoặc ồ ạt, nuốt tiếng nghẹn lời thì tướng nghèo tứ cố vô thân, tha phương cầu thực.

Trong cuốn “Vi lô dạ thoại” của tác giả Vương Vĩnh Bân đời nhà Thanh có viết: “Vô tài phi bần, vô học nãi vi bần; vô vị phi tiện, vô sỉ nãi vi tiện; vô niên phi yểu, vô thuật nãi vi yểu; vô tử phi cô, vô đức nãi vi cô”, tức là

  • - Không có tiền bạc thì không phải là nghèo mà không có học mới là nghèo
  • - Không có địa vị không phải là thấp hèn mà không có liêm sỉ mới là thấp hèn
  • - Không được sống lâu không phải là yểu mệnh mà không có những việc đáng được kể lại mới là yểu mệnh
  • - Không có con không phải là cô độc mà không có đức mới là cô độc.

Sự tương phản ở tướng cách Sang (Quí hiển) hay Hèn (Hạ tiện)

Sang-Hèn là Quý hiển hay Hạ tiện. Người sang trọng có tính cách khoáng đạt bao dung độ lượng, phong thái đường hoàng, hành vi có đạo đức, cốt cách cao quí. Kẻ hạ tiện tiểu nhân thì ngược lại. Nhưng trong tướng học việc xét đoán các Nét tướng có sự Gia, Giảm, Thừa, Trừ để tổng quan quan sát.

Ngoài những nhận xét về TƯỚNG HÌNH thì còn phải tìm hiểu về TƯỚNG TÂM, Tâm Tướng là nét tướng tâm hồn nó có thể hoá giải được hết khuyết điểm của Hình tướng, "sống trong đời sống chỉ cần có một tấm lòng" như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói, đúng là như vậy:

Có một tấm lòng là sẽ có tất cả.

“Nhất Tiện phá cửu quí, nhất Quí đè cửu tiện”

Một nét tướng Tiện phá mất chín nét quí tướng hay chỉ một nét Quí tướng làm át đi chín nét tướng xấu “Nhất Tiện phá cửu quí, nhất Quí đè cửu tiện”. Khi quan sát phối hợp nét tướng trong tổng thể phải phân biệt rõ phẩm chất của các nét tướng trong số lượng của nó khi mới nhìn thì có vẻ quí nhưng suy xét kỹ thì thấy Tiện, tuy mới nhìn thì thấy Tiện nhưng quan sát kỹ lại thấy Quí đó là “Quí trung hữu tiện, Tiện trung hữu Quí”.

  • - Sự tương phản ở khuôn mặt Nam – Nữ: “Nam diện tự nữ, nữ tự nam, tâm trung hoài trước đa dâm dục” - Mặt con trai giống con gái, mặt con gái giống con trai toàn loại đa dâm dục.
  • - Sự tương phản của Thiên đình và Địa các (Trán với cằm): “Thiên địa nhược hãm định cùng đồ” - Trán hẹp má hóp cằm nhọn suốt đời đi làm công.

Sự tương phản của Khuôn mặt (Diện Tướng) có 8 điều Kị:

  • Đầu nhọn mặt nhỏ là một
  • Quyền cao mũi nhỏ là hai
  • Mắt to mắt nhỏ là ba
  • Mặt to miệng nhỏ là bốn
  • Miệng không có góc cạnh là năm
  • Miệng như tráng dầu là sáu
  • Mặt như trát phấn là bảy
  • Mặt như sắt rỉ là tám.

Sự tương phản của Khuôn mặt với Thân hình:

  • “Diện thô thân tế an lạc nhất sinh, Diện tế thân thô bần hàn đáo lão”- Mặt thô thân nhỏ nhắn suốt đời vui sướng, Mặt nhỏ thân thô nghèo hèn đến già.
  • “Thân phì diện sưu mệnh trường tính hoãn, thân sưu diện phì mệnh đoản tính cấp” - Thân mập mặt gầy, tính tình chậm, thọ mạng dài, Thân gầy mặt mập, tính táo cấp, thọ mạng ngắn.
  • “Dâm dật sương kỹ nhất định diện tế thân thô” - Gái điếm thường có tướng mặt nhỏ nhắn mà thân thể thô.

Sự tương phản của Mặt – Mũi:

“Diện đại Tỵ tiểu” - mặt to mũi nhỏ. Tiện tướng của phụ nữ chủ về tướng Dâm.

Sự tương phản của Tay với Chân:

“ Chi trường thủ đoản đa nhân tiện” - Chân dài mà Tay ngắn là tướng người hạ tiện.

Sự tương phản của Thân mình:

“ Thượng trường hạ đoản hề, vạn lý chi tiêu hán đằng dực” - Phần trên cơ thể dài phần dưới ngắn là tướng mệnh của kẻ có thể bay cao vạn lý. Lưu Bị tay dài quá gối làm vua nước Thục Hán.

“Hạ trường thượng đoản hề, nhất sinh chi tông tích phiêu linh” - Một người mà thân thể phần dưới dài phần trên ngắn thì cả đời lang thang nơi đất khách.

Tướng mạo thay đổi theo tâm thiện - ác

Tướng mạo của một người sẽ thay đổi theo tâm niệm thiện ác của người đó

“Tướng do tâm sinh” là quan niệm trong văn hóa Thần truyền, cả trong Phật giáo lẫn Đạo giáo. “Tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài; “tâm” là hoạt động bên trong; “tướng” là hư cấu bất thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “tâm”; “tâm” thế nào thì “tướng” thế nấy; “tướng” là tuỳ theo “tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tuỳ tâm chuyển”, “tướng tuỳ tâm sinh”. Cũng có thể coi “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm”.

Về mặt khoa học, Trung y cổ đại, sinh lý học hiện đại và tâm lý học đã phân tích đạo lý “tướng do tâm sinh” rất đơn giản. Tướng mạo của một người là sự kết hợp giữa “hình” và “thần”.

Hình là dung mạo có từ khi sinh ra. Thần thái quyết định bởi quá trình tu dưỡng. Từng ý từng niệm thể hiện trong sinh hoạt thường ngày của mỗi người, qua năm tháng đều ngưng tụ trên gương mặt của họ, gọi là “những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài” (hữu chư nội tất hình chư ngoại).

Tâm niệm nảy sinh sẽ tác động đến thân thể, nếu tâm bình hòa yên tĩnh, lòng thanh thản bao dung, quang minh chính đại, thì khí huyết hài hòa, ngũ tạng yên định, thân thể sẽ khỏe mạnh, nét mặt nhờ đó bình ổn, thần sắc sáng sủa, khiến người khác nhìn vào cũng cảm thấy dễ chịu, thoải mái, vì vậy mà việc giao tiếp thân thiện, vui vẻ.

Tuân Tử cho rằng: “Tướng hình không bằng tướng tâm, luận tâm không bằng luận đức”. Trong cuốn sách tướng thuật ảnh hưởng nhất thời cổ đại “Thái thanh thần giám” bàn về đức như sau: “Lấy đức làm đầu, biểu hiện trong hành động” (vi đức chi tiên, vi hành chi biểu), “Đức có trước hình, hình có sau đức” (đức tại hình tiên, hình cư đức hậu), “Bỏ ác theo thiện, trừ nạn tránh hung” (khứ ứa tùng Thiện, tiêu tai tị hung).

Từ tướng biết tâm, từ tâm biết mệnh

Khuôn mặt đẹp cũng là một loại phúc báo. Dù là phúc báo gì đều có căn nguyên của nó, giống như tài phú đến từ bố thí, tôn quý đến từ khiêm cung, khuôn mặt đẹp đến từ dịu dàng lương thiện. Đến trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng là thể hiện của tính cách một người.
Tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động lâu dài; cũng vì vậy, tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người. Nửa đời trước là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau, chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến trung niên, cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình.

Người có thiện tâm, thường từ trong ra ngoài tản mát ra một loại hào quang, thần thái toát lên vẻ an hòa, tự tại khiến người gặp gỡ thấy thoải mái ngay cả khi chưa nói chuyện. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí; cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, càng tiếp xúc càng thấy khuôn mặt dẫu đẹp cũng không có cảm tình.

‘Người ta là hoa đất’ – người là tinh hoa của trời đất, tự trong sinh mệnh đã đồng hoá với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ, khi sinh ra vốn đã bẩm thụ cái linh khí thuần khiết của đất trời. Người xưa dạy rằng, hành thiện có thể thay đổi số mệnh, cũng có thế thay đổi tướng mạo của mỗi người. Bất luận phúc báo nào đều là có căn nguyên tất nhiên của nó, giống như tài phú sẽ đến từ việc năng làm từ thiện, sự tôn quý đến từ sự khiêm nhường, dung mạo xinh đẹp sẽ đến từ tính ôn hòa thuần thiện.

Tamlinh.org (tổng hợp)