04/06/2021 11:33 View: 14962

Chú Đại Bi tiếng Việt bản chuẩn, dễ nhớ

Bạn đã nghe chú Đại Bi rất nhiều nhưng vẫn chưa học thuộc ? Bạn hay nghe chú Đại Bi tiếng Phạn nhưng bạn muốn nghe thêm chú Đại Bi tiếng Việt ? Các thầy trì chú Đại bi quá nhanh khiến bạn không theo kịp, không thể thuộc cả bài và chưa hiểu gì về thần chú này ? Hãy cùng Tamlinh.org học thuộc chú Đại Bi tiếng Việt cực nhanh với bản chuẩn ngắn gọn và đã được dịch cực kỳ sát nghĩa nhé. 

Xem thêm: Thần Chú Đại Bi: Ý nghĩa, công năng, oai lực & linh ứng khi trì chú

than chu dai bi tieng viet

Bản đầy đủ thần chú Đại bi tiếng Việt: 

Nam-mô Đại-bi Hội-Thượng Phật Bồ-tát (3 lần).
Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da.
Nam mô a rị da bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.
Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.
Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô, kiết mông độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ, thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. 
Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.
Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (3 lần khi trì biến cuối cùng)

Học chú Đại Bi qua hình ảnh

Chu dai bi tieng viet dich chuan

Học Chú Đại Bi qua bài nhạc: 

Cắt nghĩa các phần trong chú Đại Bi ? 

Trong tất cả Kinh điển và Mật Chú của Phật giáo đều chia làm hai phần: Phần hiển (Phần Kinh) và Phần mật (phần câu Chú).

  • Phần hiển: Là hiển bày ra ý nghĩa và chân lý trong Kinh để hành giả tụng niệm, hoặc nghiên cứu theo đó áp dụng tu tập, thì gọi là: “Tụng Kinh minh Phật chi lý,” để hiểu biết công năng của câu kinh và câu chú gọi là phần hiển. Ví dụ: Kinh Bát Nhã phần hiển từ “Quán tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã cho đếncâu…..Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết”: phần mật là phần câu chú: “Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề. Tát bà ha”. Kinh Lăng Nghiêm: phần tựa là từ “Diệu Trạm Tổng….cho đến hết lời tựa là phần hiển còn phần mật là 5 đệ Lăng Nghiêm. Phần hiển: Chú Đại Bi “Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi” câu Kinh này là phần hiển giải thích công năng và diệu dụng của 84 câu Chú ở sau, để giúp hành giả hiểu mà hành trì cho đúng mới có hiệu nghiệm.
  • Còn phần mật của Chú Đại Bi là phần “câu Chú” từ câu chú “tâm đà la ni cho đến câu 84. Ta bà ha” phần câu Chú là phần ẩn nghĩa chỉ là phạn ngữ chỉ có chư Phật mới thấu hiểu còn hàng phàm phukhông hiểu ý nghĩa, chỉ biết công năng và lợi ích để hành trì.

Giảng giải chi tiết 10 câu thần chú Đại Bi:

1. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da

Hàng ngày chúng ta vẫn thường tụng Nam mô A – di – đà Phật. Nam mô Bổn sư Thích – ca Mâu – ni Phật. Nhưng quí vị có biết Nam – mô có nghĩa là gì không? Chắc là rất ít người biết được. 

  • Nam – mô, phiên âm chữ Nama từ tiếng Phạn. Trung Hoa dịch là “Quy y”; cũng dịch là “Quy mạng kính đầu”. Có nghĩa là: “Con xin đem toàn thể sinh mạng của con về nương tựa vào chư Phật”. Cái bản ngã của chính mình không còn nữa. Mà con xin dâng trọn vẹn thân mạng mình lên chư Phật. Nếu chư Phật cho con sống thì con sống; bảo con chết thì con chết. Con hoàn toàn tin vào chư Phật. Đó gọi là “Quy mạng”.
  •  “Kính đầu” có nghĩa là hết sức cung kính và nương tựa vào đức Phật. Đó là ý nghĩa của Nam – mô.
  •  “Quy y” có nghĩa là đem hết thân và tâm của mình, đem hết cả mạng sống của mình trở về nương tựa vào đức Phật.

Nói tổng quát. Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da có nghĩa là “Xin quy y Tam Bảo vô biên vô tận trong khắp mười phương”. Đó chính là bản thể của Bồ – tát Quán Thế Âm. Quí vị nên khởi tâm Từ Bi mà trì niệm. Mặc dù đó là bản thể của Bồ – tát Quán Thế Âm, nhưng cũng có nghĩa là quy y với toàn thể chư Phật trong mười phương, suốt cả ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Khi quí vị trì niệm thần chú này. Không những chỉ nhắc nhở mình quy y với Tam Bảo thường trụ trong khắp mười phương vô biên vô tận mà còn khiến cho tất cả mọi loài hữu tình khi nghe được thần chú này cũng đều quay về quy y, kính lễ mười phương ba đời thường trụ Tam Bảo.

Quí vị có biết Tam bảo là gì không? Đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Quí vị nên biết rằng, trên thế gian này Phật bảo là cao quý nhất. Cũng thế, Pháp bảo và Tăng bảo là điều cao thượng và quý báu nhất. Không những cao quý ở thế gian mà còn cao quý đối với những cảnh giới xuất thế gian, cho đến đối với cõi trời phi tưởng phi phi tưởng nữa. Không còn có gì cao quý hơn Tam bảo trong Phật pháp nữa. Trong mười pháp giới thì cảnh giới Phật là cao nhất. Thế nên chúng ta cần phải cung kính quy ngưỡng và tín thọ nơi Tam bảo cao quý, phát khởi tín tâm kiên cố và thâm sâu, không một mảy may nghi ngờ.

Có người sẽ hỏi: Quy y Tam bảo sẽ có lợi ích gì? Tối thiểu nhất là khi quí vị quy y Phật rồi thì đời đời kiếp kiếp không còn đọa vào địa ngục nữa; khi quí vị quy y Pháp rồi thì đời đời kiếp kiếp không còn đọa vào hàng ngạ quỷ (quỷ đói) nữa; khi quí vị quy y Tăng rồi thì quí vị không còn bị đọa làm loài súc sinh nữa. Đây là những đạo lý căn bản của việc quy y Tam bảo.

Nhưng khi đã quy y rồi, quí vị phải tự nguyện và tinh tấn thực hành các việc lành, tương ứng với lời dạy của đức Phật thì mới xứng đáng gọi là quy y. Nếu quí vị vẫn còn giữ nguyên các tập khí ngày trước như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh dâm dục, nói dối, nghiện ngập và làm mọi điều mình thích để thỏa mãn ngũ dục thì quí vị không thể nào tránh khỏi đọa vào 3 đường ác (ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh). Bở vì trong Phật pháp không có sự nhân nhượng. Quí vị không thể nói: “Tôi đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng rồi, nên tôi sẽ không bao giờ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nữa. Vậy nên tôi có quyền làm điều gì tôi muốn…”

Quí vị phải thay đổi, chuyển hóa mọi tập khí xấu của mình và tích cực thực hành những việc thiện, dứt khoát không bao giờ làm những việc ác nữa. Nếu quí vị còn tiếp tục làm những việc xấu ác, thì quí vị sẽ bị đọa ngay vào địa ngục.

Đạo Phật không giống như ngoại đạo. Họ tuyên bố rằng: “Quan trọng nhất là niềm tin. Nếu có niềm tin thì dù có làm việc ác, cũng có thể vào được thiên đường. Còn ngược lại, nếu ai thiếu lòng tin, dù có gắng sức làm việc phúc đức, thì cũng sẽ rơi vào hỏa ngục”.
Nếu quí vị tin vào đức Phật mà vẫn tạo các nghiệp ác thì nhất định quí vị sẽ bị đọa vào địa ngục. Dù quí vị không tin vào đức Phật, mà vẫn gắng sức làm việc phước thiện thì quí vị vẫn được lên thiên đàng. Phật pháp không bao giờ mê hoặc con người bằng cách nói: “Nếu quí vị tin vào đức Phật, thì mọi điều sẽ được như ý.” Ngược lại, nếu quí vị tin vào đức Phật mà vẫn không chịu từ bỏ các việc ác thì quí vị vẫn phải bị đọa vào địa ngục. “Được rồi”. Quí vị lại thắc mắc: “Nếu đã tin Phật rồi mà cũng đọa vào địa ngục như không tin, thì tại sao phải quy y Tam bảo?”

Chân chính quy y Tam bảo có nghĩa là phải từ bỏ việc ác, quay về đường thiện, sửa đổi mọi lỗi lầm. Như một người được khai sinh lại với tên mới, từ đây chỉ làm thuần túy những việc lành. Không làm những việc xấu ác nữa. Như thế mới đạt được lợi ích thiết thực. Chính vì vậy mà câu chú: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da có nghĩa là: “Quy y Tam bảo vô cùng vô tận trong khắp mười phương”.

Khi quí vị trì niệm chú này, cũng có thể giúp tiêu trừ được những ách nạn cho quí vị. Lúc gặp tai chướng, quí vị hay thường trì niệm: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da thì tai chướng ấy liền được tiêu trừ. Tai nạn lớn sẽ biến thành tai nạn nhỏ, và nếu gặp tai nạn nhỏ thì cũng sẽ được tiêu sạch. Chú này được gọi là “Tiêu tai pháp”, là một trong năm bộ chú hộ ma.

Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da: cũng còn được gọi là “Tăng ích pháp”. Nghĩa là từ trước đến nay quí vị đã từng gieo trồng nhiều thiện căn, và vẫn thường trì tụng chú này, thì thiện căn của quí vị sẽ tăng trưởng thêm gấp nhiều lần, lợi lạc không kể xiết. Nên chú này được gọi là “Tăng ích pháp”.

  • Quí vị có thể niệm toàn bộ chú Đại Bi, hoặc chỉ cần niệm câu chú đầu tiên này thôi: Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da là “Thành tựu pháp”, bất luận quí vị muốn điều gì, thì sở nguyện sở cầu của quí vị đều được thành tựu như ý muốn. Nếu quí vị không có con trai mà muốn cầu sinh con trai, hay niệm Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da sẽ sinh được con trai. Nhưng quí vị phải trì niệm với tâm trí thành, không phải chỉ niệm một hai ngày rồi thôI, mà phải niệm liên tục ít nhất là trong ba năm. Nếu quí vị không có được bạn tốt, mà muốn gặp được một người, hay niệm Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da thì liền gặp được ngay bạn lành. Nếu quí vị trì niệm được toàn thể bài chú Đại Bi thì quá tốt, nếu không chỉ cần niệm câu đầu tiên Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da, cũng sẽ thành tựu những công đức không thể nghĩ bàn.
  • Câu chú này cũng còn được gọi là “Hàng phục pháp”. Năng lực của câu chú đó có thể hàng phục thiên ma, chế phục ngoại đạo khi nó nghe đến câu chú này.
  • Tuy vậy, câu chú này không phải là “Câu triệu pháp”. Khi quí vị trì niệm một câu chú thuộc trong “Câu triệu pháp” thì tất cả các loại yêu ma quỷ quái khắp nơi đều đến trình diện và có thể bắt giữ, hoặc sai khiến được chúng. Vậy nên, câu chú Nam mô hắc ra đát ra đá ra dạ da này có công năng rất mạnh, không thể suy lường được. Nếu nói chi tiết, thì không thể nào cùng tận được.

Tóm lại, trong câu Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da, thì Nam mô có nghĩa là “quy mạng kính đầu”. Hắc ra đát na là “bảo”. Đá ra dạ có nghĩa là “Tam”. Da nghĩa là “Lễ”. Nghĩa toàn câu là: “Xin đem hết thân, tâm, tính mạng của mình quy y và kính lễ Tam Bảo vô tận vô biên trong khắp cả mười phương, suốt cả ba đời”. Chúng ta phải cúi đầu đảnh lễ thường trụ Tam bảo.

Vì sao gọi là vô tận vô biên? Vì chư Phật trong thời quá khứ là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời hiện tại là vô cùng vô tận. Chư Phật trong thời vị lai là vô cùng vô tận. Cho nên Tam bảo là vô biên vô tận.

2. Nam mô a rị da

  • Nam mô như đã giảng ở trên, nghĩa là “đem hết thân tâm, tánh mạng quy y và kính lễ, học tập chư Phật và chư Bồ – tát”.
  • A rị có nghĩa là “Thánh giả”. Có nghĩa là người xa lìa tất cả các ác pháp. Nên Nam mô A rị da có nghĩa là kính lễ các bậc Thánh giả, người đã xa lìa tất cả các pháp bất thiện.

3. Bà lô yết đế thước bát ra da

  • Bà lô yết đế có nghĩa là “quán” trong danh hiệu Quán Thế Âm Bồ – tát. Cũng được dịch là “quang” từ danh hiệu Vairocana (Tỳ – lô – giá – na) nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu – hào quang chiếu khắp mọi nơi. Còn được dịch là: “Sở quán sát” nghĩa là cảnh giới được quán chiếu, được quán sát đến.
  • Thước bát ra da có nghĩa là “tự tại”.

Ý nghĩa toàn câu là quán chiếu quán sát một cách rộng khắp và tự tại. Đó chính là ý nghĩa của danh hiệu Bồ – tát Quán Tự Tại, Bồ – tát Quán Thế Âm. Có nghĩa là quan sát, lắng nghe âm thanh ở cõi thế gian để cứu độ một cách tự tại.

4. Bồ đề tát đỏa bà da

  • Bồ đề xuất phát từ tiếng Phạn là Bodhi. Có nghĩa là Giác. Tát đỏa có nghĩa là “độ” là vượt qua (bể khổ) cũng như đưa người khác vượt qua (bể khổ) đến bờ giải thoát. Bồ Đề tát đỏa bà da có nghĩa là một vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát và giúp cho mọi chúng sinh được giác ngộ giải thoát như mình.
  • Bà da có nghĩa là “đảnh lễ”.
  • Da có nghĩa là khấu đầu đảnh lễ. Cúi đầu đảnh lễ ai? Đảnh lễ các vị Bồ – tát đã tự giác ngộ giải thoát cho chính mình rồi, còn giúp cho người khác được giác ngộ giải thoát.

Câu thần chú này là muốn nhắc đến Bồ – tát Bất Không Quyến Sách áp đại binh. Nghĩa là khi quí vị tụng câu thần chú này thì Bồ – tát Bất Không Quyến Sách đem binh tướng của cõi trời đến để hộ trì cho quí vị.

5. Ma ha tát đỏa bà ha

Ma – ha có 3 nghĩa: Đại: lớn; Đa: nhiều; và Thắng: hoàn hảo.

  • Ma – ha với nghĩa là Đại: tức chỉ cho người phát tâm bồ đề rộng lớn.
  • Ma – ha với nghĩa là Đa: tức chỉ cho số lượng. Có rất nhiều người phát tâm bồ đề.
  • Ma – ha với nghĩa là Thắng: tức nói đến những người đã phát tâm bồ đề rộng lớn đều đạt đến chỗ thành tựu viên mãn, được nhiều lợi lạc rất thù thắng.

Tát – đỏa nghĩa của chữ Tát – đỏa trong câu chú này không giống như nghĩa trong câu trên. Trong câu chú trên, Tát – đỏa có nghĩa là “độ” – vượt qua bờ bên kia. Có nghĩa là giải thoát. Còn trong câu chú này. Tát – đỏa có nghĩa là “Dõng mãnh giả” là người can đảm, không sợ hãi. Cũng có nghĩa là “Tinh tấn giả”, là người tu hành rất siêng năng.

Bà – Da Hán dịch là “Hướng tha đảnh lễ” nghĩa là: “Con xin đê đầu đảnh lễ các vị đại Bồ – tát, là những người rất dõng mãnh, rất tinh tấn, không bao giờ sợ hãi, và nguyện phát tâm bồ đề trước chư vị Bồ – tát này.”

Các vị đại Bồ – tát đã tự giác ngộ, giải thoát cho chính mình rồi còn phát nguyện giúp cho vô số chúng sanh khác được giác ngộ và giải thoát như mình.

6. Ma ha ca lô ni ca da

  • Ma – ha có 3 nghĩa: lớn, nhiều và thù thắng như trên đã giảng.
  • Ca – lô Hán dịch là “Bi”.
  • Ni – ca nghĩa là “Tâm”.

Hợp lại, Ma ha ca lô ni ca có nghĩa là “Tâm đại bi”. Da có nghĩa là đảnh lễ, như đã giảng ở trên. Toàn câu chú Ma ha ca lô ni ca da có nghĩa là: “Cúi đầu đảnh lễ thần chú Đại bi tâm Đà – la – ni.”

7. Án

Án nghĩa là “Bổn mẫu”, là “Chú mẫu” mẹ của tất cả mọi thần chú; cũng chính là “Phật mẫu” mẹ của tất cả chư Phật. Mẹ của chư Phật có nghĩa là mẹ của nguồn tâm trong mọi loài chúng sinh, vì nguồn tâm của chúng sinh vốn có sẵn mọi trí tuệ, thường xuất sinh các pháp lành, nên gọi là “Bổn mẫu”. Thông qua năng lực của thần chú mà mười pháp muôn được hiển bày.

  • 1. Pháp môn thứ nhất là “Tự”: là đầu nguồn, làm xuất sinh mọi chủng tự.
  • 2. Thứ hai là “Cú”. Trong kinh văn hoặc trong thần chú, “Cú” có nghĩa là một câu.
  • 3. Thứ ba là “Quán”: là quán chiếu, quán sát, vận dụng năng lực quán chiếu mà hành trì.
  • 4. Thứ tư là “Trí”: là trí tuệ, dùng thanh gươm trí tuệ để cắt đứt tất cả phiền não. Trí tuệ tức là pháp môn lưu xuất từ Bát Nhã Ba La Mật, đó là trí tuệ viên mãn nhất. Còn “quán” là lưu xuất từ pháp môn Thiền định Ba La Mật.
  • 5. Thứ năm là “Hành”: nghĩa là tu tập, nương theo giáo pháp mà hành trì.
  • 6. Thứ sáu là “Nguyện”: nghĩa là cần phải phát nguyện, nương theo giáo pháp chân chính mà tu hành.
  • 7. Thứ bảy là “Giáo”: nghĩa là y cứ theo giáo pháp chân chính mà tu hành. Nếu quí vị không nương theo lời dạy của đức Phật mà tu hành, thì dù quí vị có tu hành đến nhiều kiếp như số cát sông Hằng đi nữa thì vẫn không có kết quả gì cả. Cũng như thể nấu cát mà mong thành cơm vậy.
  • Tuy nhiên, để có thể tu tập xứng hợp với giáo lý chân chính của đức Phật thì trước hết, quí vị phải thông hiểu về giáo pháp đó một cách tường tận.
  • 8. Thứ tám là “Lý”: nghĩa là đạo lý. Nếu quí vị có thể nhập được vào Phật pháp vi diệu thì mới có được sự hiểu biết thông đạt về giáo pháp ấy. Nếu quí vị không khế hội được diệu pháp này, thì quí vị chỉ là người tu tập trong sự mù quáng. Dù quí vị có tu hành bao lâu đi nữa, cũng không đạt được sự thành tựu.
  • 9. Thứ chín là “Nhân”: Trong đời này quí vị phải gieo trồng những nhân thù thắng, nhân tốt lành, nhân thanh tịnh, thì quá khứ quí vị sẽ gặt được quả thù thắng, quả vi diệu và quả thanh tịnh.
  • 10. Thứ mười là “Quả”: Quả tương ứng sẽ đạt được sau khi đã gieo trồng nhân. Đó là diệu quả, quả vị giác ngộ tối thượng.

Như vậy từ chữ án, xuất sinh ra mười pháp môn vi diệu. Nên khi quí vị trì niệm thần Chú Đại Bi, niệm đến chữ án thì tất cả các loài quỷ thần đều chắp tay vô cùng cung kính, không dám tỏ ra khinh suất hoặc lơ là khi nghe hành giả trì tụng thần Chú Đại Bi. Chữ án có một năng lực mạnh mẽ mà đến nỗi khiến cho các loài ác quỷ, ác thần đều phải cung kính chấp trì. Công năng của thần chú thật to lớn, thần lực thật không thể nghĩ bàn.

8. Tát bàn ra phạt duệ

  • Tát bàn ra, Hán dịch là “tự tại”. Nghĩa là khi quí vị trì tụng thần chú này, thì Tứ đại thiên vương đều đến làm Hộ pháp cho quí vị.
  • Phạt duệ, Hán dịch là Thế tôn, cũng dịch là Thánh tôn.

Nguyên câu chú này có nghĩa là Tự tại Thế tôn. Tự tại Thánh tôn, tức là Đức Phật tự tại, ý là xưng tán Phật bảo.

9. Số đát na đát tả

  • Chữ Số có hai âm là Shù và Shùo. Người ta thường niệm là “Shù”. Số Đát Na có nghĩa là “pháp” (Dharma). Pháp gì? Pháp này còn gọi là “Diệu thắng pháp”. Cũng gọi là “Cao thượng thắng sinh”. Có nghĩa là không có gì vượt trội hơn pháp này nữa. Thắng sinh có nghĩa là từ pháp này xuất sinh ra năng lực rất thù thắng. Còn một cách dịch khác của chữ Số là “Diệu sinh” hoặc “Thắng thân”. Diệu sinh tức là vượt lên trên mọi sự vi diệu. Thắng thân nghĩa là thể của pháp ấy rất thù thắng. Còn có một cách dịch khác nữa của chữ Số, là “Tối thượng thừa địa”. Nghĩa là cảnh giới của hành giả sẽ trải qua sau khi chứng được Thập địa của hàng Bồ – tát.
  • Đát Na là biểu tượng của Pháp bảo.
  • Đát Tả là biểu tượng cho Tăng bảo.

Cho nên toàn thể câu chú án tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tả là biểu tượng cho Tam bảo. Có nghĩa là chúng ta phải nên ngưỡng nguyện đến sự gia hộ của Tam bảo. Nên khi trì niệm đến câu thần chú này, có nghĩa là thỉnh cầu, ngưỡng nguyện đến lực gia trì của Tam bảo. Đát tả còn có nghĩa là dùng giáo pháp để răn dạy các loài quỷ thần và dùng thần chú để triệu tập quỷ thần đến mà dạy bảo chúng theo tinh thần chánh pháp.

10. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a lị da

Xưa nay dường như quí vị luôn luôn Nam mô với một người nào khác chứ chưa bao giờ Nam mô với chính mình. Người tu hành không cần phải đi Nam mô một khách thể nào khác mà phải Nam mô ngay với chính mình.

  • Nam mô có nghĩa là tôi, chính tôi quay trở về quy y với Tam bảo vô cùng vô tận khắp mười phương. Nam mô còn có nghĩa là đem tự ngã của chính mình thể nhập trọn vẹn vào cả pháp giới khắp cả mười phương. Tức là thể nhập vào Tam bảo vô cùng vô tận khắp cả mười phương.
  • Tất kiến lật có nghĩa là “hoàn toàn”. Tức là đem hết toàn tâm, toàn ý để quy y và đảnh lễ Tam bảo.
  • Đỏa y mông có nghĩa là “Ngã”. Đó chính là cái Ngã của Vô Ngã. Nên quí vị phải đem toàn tâm toàn ý đảnh lễ bản ngã của chính mình, nhưng đảnh lễ cái ngã của vô ngã. Như thế có nghĩa là không có mình hay sao? Ví như khi có người đánh quí vị, quí vị không cảm thấy đau; nếu họ mắng chửi, quí vị không thấy khó chịu; nếu họ nhục mạ, quí vị thấy như thể không có việc gì xảy ra. Quí vị không nhất thiết cần phải nhẫn nhục, vì nếu dùng phép nhẫn nhục, là quí vị đã rơi vào “đệ nhị nghĩa” rồi. Trong trường hợp này, quí vị không nhất thiết cần phải “nhẫn”, vì vốn không có một bản ngã để dùng pháp nhân và không có một bản ngã để cho pháp nhẫn ấy tác động tới. Có nghĩa là quí vị phải hành pháp nhẫn trong “vô nhẫn”. Đó gọi là Ngã của vô ngã vậy.
  • A lị da ở trên đã giảng qua, có nghĩa là “Thánh giả”. ở đây tức là phải hết lòng đảnh lễ “cái ngã” ấy của Thánh giả. Vô lượng vô biên chư Bồ Tát, hết thảy Thiên Long bát bộ đều phải đảnh lễ cái ngã trong vô ngã của bậc Thánh giả. Cái ngã ấy bao trùm khắp vô lượng vô biên vũ trụ. Có rất nhiều bậc Thánh giả. Họ là ai? Bài sau chúng tôi sẽ giảng rõ.

Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, bài chú này được Bồ tát Quán Thế Âm đọc trước một cuộc tập họp của các Phật, bồ tát, các thần và vương. Cũng như câu Om Mani Padme Hum rất phổ biến ngày nay, Đại Bi chú là chân ngôn phổ biến cùng với phật Quán Thế Âm ở Đông Á, bài chú này thường được dùng để bảo vệ hoặc để làm thanh tịnh.

Tamlinh.org