04/06/2021 11:47 View: 1857

Chữ TÂM trong các pháp môn tu luyện

“Chưa cần xem tướng người, mà trước tiên hãy nghe giọng nói của người ấy. Chưa cần nghe giọng nói người ta mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ấy. Chưa cần xem hành vi người ta mà trước tiên hãy xem xét cái tâm của người ấy" - Vậy chữ Tâm trong các pháp môn tu luyện ở đây là gì?

chu tam khi tu luyen

Tâm là gì?

Tâm của con người được nhìn nhận như là một vị trí trung tâm của cơ thể sống. Tâm vô hình mà lại như hữu hình. 

  • Có khi Tâm được ví như là trái tim vì nó điều khiển cảm xúc, sự cảm nhận, tâm là phản xạ điều khiển của hệ thần kinh trung ương. 
  • Có khi Tâm là trí tuệ, trí nhớ trong tàng thức của não bộ, tâm khởi lên Ý niệm, vọng tưởng, ý niệm có tà kiến và chính kiến. 

Thiện hay ác, tốt hay xấu, chính hay tà, động hay tĩnh, nó hư hư thực thực, mơ mơ màng màng, sắc sắc không không, như thật như huyễn là trạng thái mà những môn tu luyện như Thanh Tịnh Thiền của Đức Phật Như Lai, hay các môn tu luyện của Đạo gia, các môn khí công dưỡng sinh, khí công trong võ thuật nói đến trước khi đạt đến sự Tĩnh lặng. 

"Định" là sự bình lặng, an định

Tâm thiền định là gì?

Tâm thiền định là trạng thái tĩnh lặng, cắt đứt gạt bỏ được những tạp niệm, tâm không chướng ngại, không phiền não, không vọng tưởng, không chấp trước. 

Đạt Ma sư tổ từng nói: “Thọ đạt Tâm không vắng lặng là Thiền”. Tâm hoạt động ở hai trạng thái Vô thức và có Ý thức. Khi đạt thiền, thiền sâu hay nhập định Khí công đã gạt bỏ tất cả tạp niệm là những ham muốn, tham vọng trong lòng không còn Động nữa, thì Não bộ và cơ thể hoàn toàn vận hành ở trạng thái Vô thức.

Điều này giống như sự vận hành điều khiển hơi thở, nhịp tim, khí huyết là sự hoạt động tự nhiên tự động của một cơ thể sống, tư duy trong tàng thức như sự vận hành của giấc mơ đó là trạng thái mơ mơ màng màng một nửa rơi vào vô thức, một nửa bị ý thức chi phối làm ảnh hưởng, pháp môn Thiền tông nói đến đó là những ý niệm vọng tưởng, chấp ngã.

Chỉ khi đạt đến trạng thái tĩnh lặng thiền sâu, nhập định sự hoạt động của cơ thể hòa hợp tự nhiên, khí huyết trong kinh lạc lưu thông thì cơ thể mới hấp thu năng lượng từ vũ trụ vào con người đó là quá trình “Hô hấp khí công”. Các nhà khoa học chứng minh được trong quá trình này xuất hiện hiện tượng quang hợp các nguyên tố vi lượng khi luyện khí công, con người như hòa nhập vào thế giới tự nhiên giữa trời và đất và phát huy được những năng lượng siêu nhiên, là trạng thái thông thiền trong Thiền định.

Ở trạng thái có Ý thức tức có sự tác động của Ý niệm là những ham muốn, tham vọng khởi lên gọi đó là những tạp niệm, nếu khi tu luyện không cắt đứt được sự suy tưởng này thì cơ thể như rơi vào Ma giới, nếu tập khí công sẽ không thể điều khiển được dòng khí luân chuyển trong Kinh lạc gây ra sự hỗn loạn gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”.

Tư duy có ý thức điều khiển tác động đến quá trình vận hành hoạt động của cơ thể bằng cách suy diễn logic, tốc độ của các hạt tư duy khi suy nghĩ có thể đạt đến tốc độ của ánh sáng 300.000km/s. Các nhà khoa học đã đo được khối lượng và trọng lượng của các hạt tư duy và nó là vật chất, chịu những lực tác động của vật lý.

Tốc độ tư duy ở trạng thái Vô thức còn nhanh hơn rất nhiều lần khi tư duy có ý thức. Khi vật chất di chuyển sẽ sinh ra công, một số người có năng lực siêu nhiên, trí tuệ siêu việt như đức Phật Như Lai chắc chắn não bộ và hệ thần kinh trung ương của họ có khả năng vận hành ở trạng thái vô thức khác với người bình thường và bản thân cơ thể họ có khả năng kiểm soát được trạng thái này.

Tâm phát sinh Ý nghĩ từ những chính niệm hay tà niệm

Ý nghĩ là sự tư duy hình thành tư tưởng, tư tưởng khởi sinh cử chỉ, động tác, thái độ, ngôn ngữ, hành vi tạo nên các Thức đó là động tác Hành động của bản thân. Đó là những Hình tướng hay sắc Tướng biểu hiện bên ngoài cơ thể. Chính những Ý niệm khởi lên từ chính niệm hay Tà niệm mà tạo nên hành động Tốt hay xấu, Thiện hay Ác, Tĩnh hay Động.

Thông qua kỹ năng quan sát Tướng mà ta có thể hiểu được nội tâm, nội tình tấm lòng của người đó. Từ suy nghĩ đến hành động là một phương pháp tư duy suy diễn logic, động lực để giúp thay đổi từ Xấu thành Tốt xuất phát từ ý thức Giác Ngộ. Do đó nói Đạo Phật là đạo Giác ngộ theo tiếng Phạn cổ thì từ Buddha tức (Phật) được dịch nghĩa là Giác ngộ.

Chúng ta có thể phân biệt được thật giả của hành động đánh giá được sự tốt hay xấu từ suy nghĩ, tư tưởng, ngôn hành của người đó dựa vào quá trình diễn biến tâm lý từ suy nghĩ đến hành động. Qua sự nhận xét Tâm hồn, phẩm đức có thể hiểu được chân tướng của một người. Người xưa nói rằng “Tướng do Tâm sinh” chính là như vậy.

Ý thức tác động đến Tâm và chi phối quá trình TÂM sinh Ý nghĩ, Ý nghĩ sinh Tư tưởng, Ngôn ngữ, Hành vi, Hành động.

Tướng do tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển

Trong thuật xem tướng thì chữ tướng này thông thường là nói về tướng mặt, tức tướng mạo một người. “Tướng do tâm sinh” có nghĩa là: người ta có tâm cảnh thế nào thì sẽ có tướng mạo là thế ấy. Tư tưởng và thành tựu của một người có thể nhìn ra được thông qua biểu hiện đặc trưng của khuôn mặt. Nhất cử nhất động, từng ý từng niệm trong cuộc sống, qua thời gian lâu dần sẽ ngưng kết và cố định lại ở trên khuôn mặt. Điều này cũng có nghĩa là: “Có ở bên trong thì ắt hiển hiện hình tướng ra bên ngoài". 

Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ tác dụng lên thân thể; nếu như tâm niệm an hoà tĩnh tại, thần thanh khí sảng, cách nhìn rộng mở, lỗi lạc quang minh, thì sẽ khiến khí huyết hài hòa, ngũ tạng an định, các chức năng, các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết hoạt động bình thường, thân thể khỏe mạnh, và sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái ngời ngời, khiến ai trông thấy cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy thân thiện an hoà, và tự nhiên muốn gần gũi, muốn được kết giao cùng.

Nếu một cá nhân không làm chủ nổi cái tâm của chính mình, thì sẽ bị động theo ảnh hưởng và lôi kéo của hoàn cảnh bên ngoài, chính là “tâm tùy cảnh thiên” (tâm thay đổi theo cảnh) rồi. Nếu có thể làm được bất động tâm, thế thì, chính là đã chế ước được ngoại cảnh không cho phát sinh biến hoá. Thế nên, Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Vạn vật thế gian đều do hình tướng biến hoá ra, tâm bất động, vạn vật sẽ bất động, tâm bất biến, vạn vật sẽ bất biến".

Do đó có thể nói, bất kể hoàn cảnh hay tướng mạo như thế nào đi nữa, thì đều là “tâm” mình quyết định; “tướng” là chiếc gương của “tâm”.
Sách «Tứ Khố Toàn Thư» luận thuật rằng: “Chưa cần xem tướng người, mà trước tiên hãy nghe giọng nói của người ấy. Chưa cần nghe giọng nói người ta mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ấy. Chưa cần xem hành vi người ta mà trước tiên hãy xem xét cái tâm của người ấy". Đây cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người. Sự thay đổi tướng mặt chính là do tâm thay đổi mà biểu hiện ra bên ngoài.

Tuân Tử viết: “Xem tướng ngoại hình không bằng xem tướng tâm, luận về tâm không bằng luận về đức”. 

Sách "Thái Thanh Thần Giám" - cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trong thuật xem tướng thời xưa, có luận về đức thế này: “Tu đức là trên hết, mà biểu hiện là tu dưỡng hành vi", và: "Đức ở trước ngoại hình, ngoại hình ở sau đức"; "Bỏ ác theo thiện thì có thể tiêu tai tránh hung".

(Bài viết là quan điểm cá nhân chỉ mang tính chất tham khảo)