09/03/2022 18:55 View: 1064

Bí ẩn đằng sau việc hiến tế trẻ em man rợ tại Peru thời cổ đại

Hiến tế trẻ em dường như đã xảy ra tương đối phổ biến trong các nền văn hóa của Peru cổ đại. Các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra dấu tích về việc dùng trẻ em làm đồ hiến tế gần xác ướp 1.000 năm tuổi ở Peru.

Hiến tế trẻ em dường như đã xảy ra tương đối phổ biến trong các nền văn hóa của Peru cổ đại. Trong đó bao gồm cả nền văn hóa Sican tiền Inca, hay văn hóa Lambayeque và những người Chimu, cũng như bản thân người Inca.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một xác ướp nam giới trong ngôi mộ ở thành phố cổ Cajamarquilla, ngoại ô Lima, Peru. Xác ướp nằm trong tư thế bào thai, hai tay che mặt và bị trói bằng dây thừng, có tuổi đời khoảng 35-40 tuổi vào thời điểm qua đời.

Các chuyên gia đặt tên cho xác ướp là Chabelo.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là xung quanh đó có khoảng 20 hài cốt khác bao gồm 8 trẻ em quấn trong những bó vải tang và 12 người lớn.

Trên cơ thể trẻ em có dấu vết bạo lực như gãy xương và một số trẻ là nạn nhân của hiến tế trong nghi lễ cổ xưa.

Các nhà khảo cổ cho rằng những trẻ em buộc phải 'đi cùng' một nhà quý tộc để sang thế giới bên kia.

Pieter Van Dalen Luna, giáo sư khảo cổ học Đại học Bang San Marcos, Peru cho biết: "Các xã hội Andean có nhiều tập tục, nghi lễ và thế giới quan của họ hoàn toàn khác với chúng ta. Chúng tôi nghĩ rằng một số người trong đó là con cái, vợ và người hầu thân cận nhất của xác ướp đàn ông kia. Họ là một phần của nghi lễ hiến tế để chứng minh người đàn ông là một nhân vật quan trọng, người đi cùng giúp người chết vượt qua chặng đường dài để đến thế giới bên kia".

Người đứng đầu nhóm khảo cổ, ông Van Dalen Luna cho biết: "Quan niệm về cái chết rất quan trọng đối với họ. Đối với họ, cái chết không phải là dấu chấm hết mà là sự chuyển đổi để sang một thế giới song song, là nơi ở của người chết".

Trẻ em đi cùng người chết được cho là một cách để xoa dịu các vị thần giận dữ và đe dọa kẻ thù.

Xác ướp của nam quý tộc nằm trong ngôi mộ dài khoảng 3 mét, sâu 1,4 mét.

Ngoài ra còn có nhiều con vật, đồ dùng như bình bằng đất sét trong ngôi mộ.

Van Dalen chia sẻ rằng mô hình chôn cất này khá quen thuộc vì nhóm khảo cổ từng tìm thấy ngôi mộ của Chúa tể Sipan, người cai trị từ 1.700 năm trước, có chứa nhiều trẻ em và người lớn bên cạnh.

"Chuyện gì đã xảy ra ở đây, tại sao lại có nhiều trẻ em trở thành đồ hiến tế như vậy?" là câu hỏi mà nhóm Van Dalen tiếp tục tìm hiểu bằng cách thực hiện thêm các phân tích ADN và xác định niên đại bằng carbon phóng xạ trên hài cốt để tìm hiểu về con người.

Thành phố Cajamarquilla có 4 kim tự tháp có tuổi đời khoảng 1.000 năm tuổi. Vào thời điểm đó, đây là những địa điểm quan trọng để người sống ở các vùng ven biển và miền núi của Peru thực hiện giao thương. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật được khoảng 1% khu vực này.

Do không tìm thấy dấu vết về hệ thống chữ viết vào thời đó ở Peru nên các nhà khoa học dựa vào các di tích khảo cổ để hiểu cuộc sống của con người thời gian này.

Nguồn: SH