04/06/2021 11:42 View: 12073

Thắp hương: Vì sao nên thắp nhang số lẻ?

Vào ngày mồng 1, ngày rằm hoặc các dịp lễ tết, thắp hương cho ông bà tổ tiên được xem là một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nhưng cách thắp hương như thế nào? Ý nghĩa của việc thắp hương số lẻ? Khi thắp hương có phải mở cửa? ...

Cach thap huong, thap nhang, y nghia, huong dan

Thắp Hương (Nhang)

Nguyện đem lòng thành kính,
Gởi theo đám mây hương,
Phảng phất khắp mười phương,
Cúng dường ngôi Tam Bảo.

Lịch sử của nghi thức thắp hương

Chúng ta quay về lịch sử cội nguồn của thắp hương, khoảng năm 3700 Trước Công nguyên, từ nước Ấn Độ. Trong các đền thờ của vua chúa Ai Cập có rất nhiều những hình vẽ hoặc hình chạm trên tường mô tả nghi thức thắp hương.

Đến năm 618, vào đời nhà Tần mới có một vị Tăng từ Ấn Độ đem hương trầm sang Trung Quốc. Từ đó hình thức thắp hương được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh, sau đó được phổ biến đến khắp các nước láng giềng trong đó có nước Việt Nam ngày nay.

Ngày nay việc thắp hương đã trở thành một tập quán trong các ngày lễ hội như: Rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan, Vía Quán Thế Âm, ngày Tết hái lộc đầu năm, Phật đản và những ngày quan trọng trong gia đình như cúng giỗ, đám tang, đám cưới, tân gia… Hương dùng để cúng những vị Thần Phật như Phật Bà Quán Âm, Đức Mẹ Maria, Phúc Lộc Thọ, Thổ Địa, Táo Quân, Thần Tài hoặc để thắp cho những người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ đã mất. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng.

Ý Nghĩa của việc thắp hương?

Nén hương được thắp lên, gửi gắm nhiều thông điệp của trần gian đối với đất trời, tổ tiên, ông bà của mình, nó cũng làm gia đình ấm áp, lòng người được thanh thản hơn.

Khi thắp hương, khói hương chính là sự kết nối giữa dương và âm, tượng như khói hương khi bốc lên sẽ tan biến dần từ dương chuyển sang âm, từ đó mang thông điệp của chúng ta đến với cõi âm hay Trời Phật.

Cách Thắp Hương:

Thắp 1 nén hương:

Khi chúng ta thắp hương Thần Tài Thổ Địa, Đền Chùa thì thắp 1 nén hương để tỏ lòng thành kính, xin bình an cho bản thân và những người xung quanh, mọi việc được thuận lợi gọi là Bình an hương.

Thắp 3 nén hương

Với 3 nén hương thì có nhiều quan niệm khác nhau như là:

  • + Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam Giới ( Dục giới - Sắc giới - Vô sắc giới), Tam Thời ( Quá khứ - Hiện tại - Tương lai).
  • + Trong Phong Thủy thì 3 nén hương tượng trưng cho: Thiên - Địa - Nhân.
  • + Trong Đạo Giáo 3 nén hương tượng trưng cho Tam thanh hương: Ngọc thanh - Thượng thanh - Thái thanh.

Vì vậy khi cúng giỗ, động thổ, cưới xin và làm những việc quan trọng trong đời thì người ta thường thắp 3 nén hương lên bàn thờ và khấn: “Hoàng Thiên (Trời), Hậu Thổ (Đất), những chiến sĩ trận vong, cô hồn… (Nhân) phù hộ độ trì…

Việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương nhằm thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).

Thắp 5 nén hương:

5 nén hương này được gọi là Thiên địa ngũ hành hương, gọi tắt là Âm dương ngũ hành hương.

Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh.Theo Phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Chỉ khi quốc gia hay tập thể dòng tộc tổ chức những việc đại sự có ý nghĩa cao đẹp thì mới thắp 5 nén hương trên hương án tượng trưng cho cầu Ngũ phương, Ngũ Thổ, Ngũ hành - tức là khắp trời đất chứng giám lòng thành của người đại diện cho dòng tộc, địa phương, đất nước và cầu cho “Quốc thái Dân an”.

Thắp 7 nén hương:

7 nén hương này được gọi là Bắc đẩu Thất tinh hương với tên gọi lần lượt là : Thiên Xu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Khai Dương, Ngọc Hoành và Giao Quang. Cách thắp 7 nén hương cùng lúc để mời gọi Thần linh, Thiên tướng. Có thêm nghĩa nữa đó là 7 vía của nam giới.

Thắp 9 nén hương:

9 nén hương này được gọi là Cửu cửu liên hoàn hương, được bày theo 3 hàng và 3 cột. Trên mời Ngọc Hoàng Thượng đế, dưới mời Thập Điện Diêm vương.Cách thắp hương với 9 nén này là tín hiệu dùng để cầu cứu, trong trường hợp bất đắc dĩ và hầu như không có sự trợ giúp nào của con người thì mới sử dụng. Có thêm nghĩa nữa đó là 9 vía của nữ giới.

Lưu ý khi thắp hương:

Thắp hương phải có lời cầu khấn:

Khi thắp hương ở những nơi đường sá, đình miếu…, có khói hương lên như có lời mời. Lúc đó sẽ có các vong linh quanh đó kéo đến, người thắp hương phải khấn mời đích danh vong linh của người mình cầu về hiến hưởng thì mới được người đó, thần đó hiến hưởng và chứng giám.
Nếu không có lời cầu khấn thì lễ vật đó coi như vô chủ, ai hưởng cũng được. Thậm chí, thập loại cô hồn có thể kéo đến thụ hưởng.

Thắp hương và niệm:

Một điều chúng ta phải cần ghi nhớ là mỗi lần dâng hương trước bàn thờ không những dâng hương bằng tấm lòng thành kính của mình, mà còn phải có chánh niệm (sự tập trung). Nên cắm từng nén hương với hai tay (hoặc cắm bằng tay thuận nếu không thể cắm bằng 2 tay) và cắm cho ngay thẳng, tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, mặc cho bão táp phong ba không hề đổi dời.

Cách cắm hương vào bát hương:

Khi mới lập bát hương chúng ta cắm chính giữa 3 nén, sau đó mỗi khi thắp hương sẽ cắm vòng tròn ngoài cũng sát cạnh bát hương, khi cắm đủ vòng ngoài thì ta cắm vào vòng tiếp theo cho đến khi vào tâm của bát là 3 nén chính giữa. Nhiều nhà bây giờ bát hương chỉ cắm chen chúc nhau ở giữa nhưng hai bên bát hương không cắm, và cắm nghiêng ngả như thế là không tốt, tượng bát hương sum suê đầy đủ cũng giống quẻ Gia Nhân gia đình quây quần ngồi bên bếp lửa hạnh phúc bên nhau.

Khi thắp hương có phải mở cửa? 

Một trong những nguyên tắc khi cúng tế chính là phải mở rộng cửa. 

Khi cúng tế, thì phải mở rộng cửa cho sáng, bật đèn sáng lên cho thoáng, rót nước rót rượu mời rồi mới thắp hương. Mở cửa đón ông bà tổ tiên, đón tài lộc vào nhà, để cho bề trên có thể phù hộ độ trì cho tất cả thành viên trong gia đình mình. Và tiếp nữa về yếu tố sức khỏe thì khi mở cửa, không khí thoáng đãng thì sẽ đỡ mùi hương khói hương hơn là đóng kín cửa lại.

Tamlinh.org

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web