Đã là đồng nhân, là quan thầy mở phủ thì phải hiểu tại sao phải bóc trứng chọc chum chóe, tại sau phải quấn cầu, phó úy, tại sao lại có trồng cây đắp nấm…. chứ không phải chỉ chăm chăm học theo người đời hay các video trên mạng xã hội, để bắt chước theo kiểu có hình mà không có tướng.
Nghi lễ tôn nhang bản mệnh xưa (Nguồn: Do nhà nghiên cứu Maurice Durand ghi lại tại VN những năm 1940, 1950)
Khai hồ mở phủ
Từ xưa đến nay, việc khai hồ mở phủ đã biết đến mở phủ dọc và mở phủ chéo.
Mở phủ dọc là gì?
Đến giá quan, quan thầy thỉnh mời và hầu cả 5 quan, các quan lớn Đệ Nhất, quan lớn đệ nhị, quan lớn đệ tam, quan lớn đệ tứ lần lượt về chứng sớ, ban lộc tài,chải chuốt gỡ rối gỡ nghiệp, cắt tóc thề, bóc trứng soi lòng, chọc chóe khai hồ, tắm tưới cho đồng, cuốn cầu rũ tội trần gian … phó úy âm dương gửi căn gửi mệnh các cung các tòa .. nói chung là đủ các thủ tục khai hồ cho con đồng. Quan lớn đệ ngũ tán đàn.
Mở phủ chéo là gì?
Đến giá quan, quan thầy thỉnh mời quan đệ nhất chứng sớ chứng đàn, quan đệ nhị - quan đệ tam chọc chóe khai hồ dẫn đồng quan đệ tứ phê biên ....hoặc quan đệ tam - quan đệ tứ khai hồ dẫn đồng… phó úy, quan đệ ngũ tán đàn. (Quan điểm như trên nhiều trang mạng xã hội vẫn đưa tin rằng mở phủ chéo áp dụng cho con đồng kiêm chi đôi nước là không đúng; đồng tứ phủ và đồng kiêm chi đều mở phủ chéo được).
Còn sang khăn thì giá chầu nhị, chầu lục hoặc chầu bé .....tùy căn cơ con đồng, và cũng là xin lộc tài cho con đồng. ( không sang khăn các giá hoàng và cô)
Thứ tự hầu các quan về chứng lễ sớ và khai đàn mở phủ
Thứ tự hầu các quan về chứng lễ sớ và khai đàn mở phủ xưa và nay cũng có sự khác biệt.
Thứ tự hầu các quan về chứng lễ sớ và khai đàn mở phủ xưa kia thì:
+ Với đồng sát Thiên- Thoải – Đồng theo dòng Khâm Sai - Đồng Kiêm Chi đôi nước (Tứ Phủ và Nhà Trần):
Quan lớn đệ nhất Thượng Thiên- Quan lớn đệ Tứ Khâm Sai – Quan lớn đệ Tam Thoải Phủ - Quan lớn đệ Nhị thượng ngàn – Quan lớn đệ Ngũ (Luôn có quan lớn Đệ Tứ và Quan lớn Đệ Tam khai hồ dù là mở phủ chéo hay dọc) quan khâm sai hầu trước quan giám sát.
+ Với đồng sát thượng ngàn:
Quan lớn đệ nhất Thượng Thiên - Quan lớn đệ Nhị thượng ngàn – Quan lớn đệ Tam Thoải Phủ – Quan lớn đệ Tứ Khâm Sai - Quan lớn đệ Ngũ ( Luôn có quan lớn Đệ Nhị và Quan lớn Đệ Tam khai hồ dù là mở phủ chéo hay dọc). Ngày nay cũng đa phần là hầu các quan theo thứ tự này.
Đặc biệt, trong khóa mở phủ dù xưa hay ngày nay luôn có nghi thức: TRỒNG CÂY ĐẮP NẤM. Đây là nghi thức bắt buộc trong đàn mở phủ ngoài ý nghĩa tâm linh còn có ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Trồng cây đắp nấm là gì?
Trồng cây đắp nấm là nghi thức quan lớn về trong lễ mở phủ thực hiện lấy nước từ chóe mở phủ tưới cho cây sau đó sang tai lai lời chỉ định các cây này sẽ được trồng ở đâu, lí do tại sao.
Xưa kia mở phủ chéo cho đồng thì chỉ đến giá Quan lớn đệ nhị ngài mới thực hiện nghi thức Trồng cây đắp nấm, ( quan nhất ít khi trồng cây đắp nấm tưới tắm cho cây, )nhà ngài sau khi làm thủ tục về tâm linh xong sẽ chỉ định trồng cây ở đâu và bắt buộc phải có đủ 4 cây (là các loại cây non, cây giống ăn quả, lâu năm…) do gia chủ (người nhà tân đồng) chuẩn bị sẵn từ trước.
Không như ngày nay, khoa mở phủ thì gần như tất cả các giá quan lớn đều thực hiện tưới tắm cho cây, nhưng cũng chỉ có 1 -2 cây biểu trưng, chẳng bắt buộc là cây non, cây giống ăn quả nữa, cũng chẳng yêu cầu người nhà gia chủ chuẩn bị mang từ nơi xa đến mà có khi là mượn luôn chậu cây tại đền điện nơi mở phủ, khóa hầu xong lại mang cây trả về chỗ cũ.
Đôi khi thời thế thay đổi, thủ tục và những nghi thức thời hiện đại bị rút gọn, gọi là thực hành nghi lễ cho có chứ ít ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nghi thức này.
Trồng cây đắp nấm, sang tai lai lời và luôn có chỉ định rõ ràng
Xưa khi mở phủ, giá quan lớn đệ nhị thượng ngàn về, ngài trồng cây đắp nấm, sang tai lai lời và luôn có chỉ định rõ ràng phù hợp với căn cơ của từng con đồng:
- Đồng nhân này có duyên tu nhiều kiếp nơi cửa Phật, ngài sẽ chỉ định mang cây này trồng nơi sân chùa cho tâm tính được bình an;
- Đồng nhân này căn cơ sâu nơi cửa thoải, mang cây này trồng tại đền chỗ gần cung thờ cửa Thoải hoặc gần giếng hay ao đền chùa cho mát mẻ;
- Đồng nhân này được ăn lộc chúa bà Sơn Trang, mang cây này trồng lại cảnh cửa Chúa Bà; hoặc vườn chùa ngã ba đường hay cửa rừng
- Đồng nhân này được Thành hoàng bản cảnh gia hộ dẫn tu, mang cây này trồng tại đình làng...;
- Đồng nhân này được bà cô tổ đang phụng sự cửa Thánh gia hộ, mang cây này về trồng tại khu đất nhà thờ tổ dòng họ hay mang cây này về nhà trồng đắp..….
Thường thì chỉ định xong một cây hoặc 2 cây theo căn cơ con đồng còn đâu cho về trồng nơi nhà thờ tổ họ hay vườn nhà...,
Gia chủ cùng tân đồng cứ y theo đó mà thực hiện, trồng cây, chăm sóc, vui tới… Nhờ vậy mà xưa kia, 90% cây trong đền phủ và đình chùa là cây được chỉ định trồng từ các khóa mở phủ như vậy.
Lại nói, sau khi trồng cây, đồng nhân và những người trong gia chung thường thường đến đền/ chùa/ đình/ miếu vừa là lễ Thánh, vừa là qua vun xới thêm cho cây được tươi được tốt, cũng là ngưỡng mong chư Phật Thánh giang tay che chở cho con đồng cùng gia chung gia tiên đồng nhân được mạnh khỏe đề đa, gia chung hưng thịnh phát triển. Nên ngày nay trong đền/chùa cổ mới có những cây ăn trái đã lâu năm xum xuê trái quả và bóng mát, vừa làm đẹp quanh cảnh chốn linh thiêng, vừa là để lại cho con cháu hậu đại biết ơn và ghi nhớ tiền nhân gieo trồng quả phúc. Thật là ý nghĩa biết bao.
Nghi lễ trồng cây đắp nấm hiện nay chỉ còn là nghi thức
Đến nay, việc thực hiện nghi lễ trồng cây đắp nấm này chỉ là nghi thức về tâm linh không muốn nói là bề nổi, bởi khách quan cũng có mà bởi chủ quan cũng có:
- Vì rằng giờ đất chật người đông, thành phố lớn chung cư nhiều, nhà cửa san sát lấy đâu ra đất mà trồng cây ăn trái lâu năm?
- Rồi đền/ phủ / chùa cũng nhiều người tiến cúng cây cảnh, việc đưa cây giống nhỏ, mới vào tự đào tự chăm khó mà quản lý…
Thôi cũng là thích ứng với thời cuộc. Không ai chê trách việc này.
Kết luận
Thời thế thay đổi khiến ta phải rút ngắn hay điều chỉnh nghi thức cho phù hợp. Nhưng đã là đồng nhân mà đặc biệt là quan thầy mở phủ dẫn đồng thì luôn phải hiểu, phải rõ, phải biết căn nguyên lí do của từng nghi lễ, nguyên tắc khi hành đạo. Hiểu tại sao phải bóc trứng chọc chum chóe, tại sau phải quấn cầu, phó úy, tại sao lại có trồng cây đắp nấm…. chứ không phải chỉ chăm chăm học theo người đời hay các video trên mạng xã hội, để bắt chước theo kiểu có hình mà không có tướng.
Chỉ khi thực hành đúng và hiểu căn nguyên những nghi thức này thì chúng ta mới biết trân quý những nét đẹp, nét nhân văn truyền thống của đạo nhà, để đạo không bị mai một mà còn được truyền thừa từ đời này sang đời khác và ngày càng phát triển.
Đồng thầy Tự Tuệ Trần