09/04/2022 10:46 View: 1379

Hoá giải lời nguyền 'ai giàu ba họ, ai khó ba đời'

Một trong những vòng tuần hoàn nổi tiếng của tài sản trong các gia đình nhiều đời là: "Đời ông đi mua, đời cha đi xây, đời con đi bán, đời cháu đi ăn xin". Vậy nên Nhiều người chăm chỉ làm việc, tích góp tài sản nhưng sợ con cháu ăn xài, phá của.

 

Vòng tuần hoàn của tài sản trong các gia đình 

Một trong những vòng tuần hoàn nổi tiếng của tài sản trong các gia đình nhiều đời là: "Đời ông đi mua, đời cha đi xây, đời con đi bán, đời cháu đi ăn xin" (đời ông đi mua đất, đời cha bắt đầu đi xây dựng trên đất, đời con bắt đầu đi bán đất, đời cháu lại quay về điểm xuất phát của đời ông cố). Nó đã tạo ra gần như một lời nguyền là "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".

Từ đó đã tạo ra nỗi sợ hãi rất lớn khi bạn có ý định để lại sản nghiệp của mình, của tổ tiên cho con cháu. Gần như đây là điều lo lắng bất an nhất khi bạn cân nhắc vấn đề này. Thực vậy, khi bạn giàu có bằng sự nỗ lực vươn lên, và sinh ra trong nghèo khó thì bạn sẽ trở nên rất quý trọng tài sản của mình có được, trân trọng những gì tổ tiên của bạn đã để lại.

Nhưng khi con cháu bạn sinh ra và lớn lên trong nhung lụa thì gần như chúng sẽ có xu hướng trở nên ù lì, bị động và không biết giá trị của tiền bạc, trở thành những kẻ "phá gia chi tử", tiêu tiền như nước, dốc tài sản của tổ tiên vào những cuộc ăn chơi không lối thoát. Vậy làm gì để để lại tài sản, sự nghiệp của tổ tiên cho con cháu mà không bị chúng tiêu sài hết toàn bộ sinh kế?

Bạn phải hiểu được quy luật tạo ra của cải, tài sản của xã hội loài người cũng như điểm cân bằng để đạt đỉnh của sự thịnh vượng mà duy trì nó để điểm đó không bị sụp đổ. Những gia đình bại sản chính là không hiểu rõ được điểm cân bằng và quy luật sản sinh tài sản này. Chính việc không hiểu được quy luật làm cho họ vi phạm những nguyên tắc cân bằng, tương xứng gây ra thất thoát tài sản, sinh kế.

Đại gia đình công tử Bạc Liêu

Vậy quy luật đó là gì?

Nói theo ngôn ngữ triết học thì đó là sự cân bằng của tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất. Tư liệu sản xuất chính là các nguồn lực đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất của cải, hàng hóa của xã hội loài người. Phương thức sản xuất chính là trình độ vận hành tư liệu sản xuất để tạo ra của cải, hàng hóa của xã hội. Giữa tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất phải có sự tương xứng, phù hợp mà tôi gọi là điểm cân bằng.

Ví dụ: để vận hành một hệ thống máy gặt đập liên hoàn thì người nông dân phải cần một trình độ nhất định về kiến thức vận hành cỗ máy, cần các kĩ thuật để sản xuất, sửa chữa cỗ máy của các kĩ sư cơ khí, kĩ sư công nghiệp, kĩ sư tự động hóa, các giáo sư về khoa học vật lí, hóa chất (xăng, điện...).

Ở đây có sự tương xứng giữa trình độ của tư liệu sản xuất (cỗ máy liên hoàn) và phương thức sản xuất (trình độ của những người đảm bảo cho cỗ máy được vận hành). Ngược lại ở những quốc gia nghèo nàn, lạc hậu như ở Châu Phi thì không thể vận hành được, có mua về vẫn không thể sửa chữa khi hỏng hóc... Đây là điểm mất cân bằng giữa tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất nên họ chỉ có thể cân bằng với việc tạo ra một cái lưỡi cày với con trâu, hoặc sức người. Nói theo ngôn ngữ đời sống bình thường thì tôi từng gọi là "kẻ đi săn và con mồi". Tức là quy mô tổ chức của cuộc săn phải có sự tương xứng với thành quả con mồi có được.

Nếu đàn sói quá đông chỉ để đi săn một con thỏ nhỏ thì cả đàn sẽ lãng phí sức lực, không đủ ăn dẫn tới tranh giành... dẫn tới chết đói. Do đó đàn săn lớn sẽ chọn các con mồi lớn hơn, các đàn săn nhỏ sẽ chọn các con mồi nhỏ... đây gọi là điểm cân bằng. Khi con mồi lớn không còn hoặc không tương xứng thì đàn săn lớn sẽ phải tự tan rã thành các đàn nhỏ hơn để có đạt điểm cân bằng.

Áp dụng trong mô hình quản lí tài sản của các gia tộc

Khi ở một xã hội có các tư liệu sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ thì chỉ có trình độ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, giản đơn mới phù hợp để có được điểm cân bằng. Sau khi phát triển lên một quá trình tích lũy lâu dài về cả của cải, vật chất, khoa học kĩ thuật... thì tư liệu sản xuất sẽ tăng lên (phát minh ra nhiều công cụ, phương pháp sản xuất hiện đại, hiệu quả hơn, năng suất cao hơn) thì trình độ phương thức sản xuất cũng sẽ tăng dần lên để đạt điểm cân bằng (yêu cầu về lao động qua đào tạo ngày càng tăng).

Trong những gia đình giàu có về sau thì tư liệu sản xuất của họ đã tích lũy tới một mức rất lớn, có thể coi là khổng lồ. Và khi chuyển giao tài sản cho con cháu sẽ diễn ra ba xu hướng của phương thức sản xuất:

- Mất cân bằng theo hướng phương thức sản xuất không đáp ứng được tư liệu sản xuất: lúc này do trình độ của con cháu/ người thừa kế yếu kém không đáp ứng được việc quản lí, vận hành tư liếu sản xuất của tổ tiên để lại khiến gia tộc tiêu tái tài sản dẫn tới thời kì "bại gia, bại sản" theo lời nguyền "không ai giàu ba họ".

- Mất cân bằng theo hướng phương thức sản xuất quá cao trong khi tư liệu sản xuất không đáp ứng được trình độ đó: lúc này con cháu của bạn dốc tư liệu sản xuất của tổ tiên vào cuộc đua không lối thoát, không có kết quả khi chúng đem đi đổi lấy những thứ chúng cần nhưng không đủ.

  • Trạng thái cân bằng khi mà bạn chăm lo giáo dục con cháu để nó đạt tới trình độ phù hợp, cân bằng với tư liệu sản xuất. Lúc này điểm cân bằng thiết lập thì tài sản, sự nghiệp sẽ được chuyển giao thuận lợi mà không phải lo lắng gì cả.

Vậy làm sao để đạt được điểm cân bằng?

  • - Phải chăm lo giáo dục con cháu để chúng có thể sở hữu một phương pháp sản xuất phù hợp với tư liệu sản xuất bạn đang có.
  • - Nếu con cháu bạn không thể sở hữu trình độ tương xứng hãy chia nhỏ tư liệu sản xuất ra nhiều phần và giao cho nhiều người thừa kế khác nhau mà mỗi phần phải đạt được điểm cân bằng với chính người thừa kế.
  • - Cho thuê tư liệu sản xuất của bạn. Khi con cháu, người thừa kế của bạn không đáp ứng được thì việc thuê ngoài người có phương thức sản xuất phù hợp để có thể đạt trạng thái cân bằng là điều thường thấy.
  • - Làm từ thiện, vâng cho đi những phần tư liệu sản xuất bị dôi ra vượt xa khả năng của người thừa kế tư liệu sản xuất cũng là một cách để thiết lập điểm cân bằng. Nếu giữ lại sẽ làm mất cân bằng và nuôi dưỡng sự tiêu sài quá mức sẽ dẫn đến thâm hụt.

Tác giả: Tuệ