07/04/2022 07:59 View: 5806

Sùng Nghiêm Diên Thánh: Chùa cổ linh thiêng tại Thanh Hoá

Tại làng Duy Tinh xã Văn Lộc huyện Hậu Lộc hiện có ngôi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh uy nghi, linh thiêng là minh chứng thuyết phục.

 

Chùa có từ xa xưa, người già cũng không nhớ nổi, truyền thuyết còn lưu rằng: Quan quân nhà Lý khi đi chinh phạt phương Nam có lập đồn trú bên cạnh chùa. Một lần vua Lý Nhân Tông cùng Thái úy Lý Thường Kiệt đi kinh lý phương Nam vào tháng hai năm Bính Thân (1116) có ghé thăm đồn.

Vua đi vãn cảnh chùa lòng cảm khái lâng lâng trước cảnh đẹp chùa thiêng, đất đai rộng rãi tốt tươi, dân cư thuần hậu, đời sống an lạc, đủ đầy đem lòng ưu ái ra ân cho xây lại chùa to lớn bề thế. Thống phán Chu Nguyên Hạo cai quản lộ Thanh Hóa được giao chủ trì xây dựng. Chùa tọa lạc trên đất Duy Tinh, thời lý thuộc quận Cửu Chân trấn Thanh Hoa. Nơi đây là thủ phủ thời bấy giờ.

Mãi sau này vẫn là trung tâm chính trị kinh tế của phủ rồi huyện Hậu Lộc. Chùa dựng nơi dân cư đông đúc, giao thương sầm uất, có đường bộ nối liền các nơi, có sông Nhà Lê chảy qua tạo nên sự gần gũi ấm áp, thân thiện ai ai cũng muốn đến chiêm bái

Nghìn năm bia đá Sùng Nghiêm

Nghìn năm bia đá Sùng Nghiêm đã mòn, mà văn bia vẫn còn đọng lại một niềm tự hào về cảnh chùa thâm nghiêm, sùng kính, nức tiếng thời ấy:

“Ngắm xem: rường nhà cong cong như cầu vồng nhô ra sau cơn mưa, ngói uyên ương phơi dưới gió như sập sè múa lượn. Nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh; đấu chạm trổ như phượng múa lân chầu. Mái cong cong lấp lánh dưới mặt trời hiên lượn quanh co trước gió. Tường vách chung quanh, một cõi bụi trần không lẫn; hành lang bao bọc bốn mùa hiên cửa thanh hư. Bên hữu có vườn thơm, khóm lan mềm mại đẫm móc; phía tả có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi... Chùa chiền ngăn nắp, tượng Phật trang nghiêm... Chính giữa thì đặt tượng Hiền kiếp Thích ca mâu ni Phật, tượng Ca Diếp đứng một bên, tượng Từ Thị đứng một bên. Chạm bia đá đặt ở đài hoa, cùng phụng sự dưới chân xe Pháp. Thứ đến tượng Phật tu hành có nhiều công đức ngồi trên ngọn núi Ma Li, đời sau gọi là Trần - đa - la - tạng đặt ở dưới cửa Phật gọi là Hộ Pháp. Còn thừa hơn một ngàn cân đồng đem đúc một quả chuông lớn. Dựng giá lớn ngoài hiên chùa, treo bằng dây đồng, đánh bằng vồ gỗ... cho đến tranh vẽ ở tường vôi, mọi duyên nhân quả, muôn nghìn biến hóa, hết nỗi diệu huyền... những người tai nghe mắt thấy đều ra sức làm điều thiện, răn bỏ điều ác. Có thể gọi là sánh với Vương - Xà thành và An dưỡng giới”.

Trải bao biến thiên của trời đất những nắng mưa bão lũ, sự hưng phế của các triều đại, chùa xưa đã thay đổi diện mạo. Diện mạo hiện còn là kết quả của nhiều lần trùng tu tôn tạo. Dẫu kiến trúc có đổi thay ít nhiều nhưng đất xưa vẫn được giữ gìn, cảnh trí vẫn kế thừa nâng cao, niềm sùng kính vẫn còn nguyên vẹn.

Nơi lưu giữ nhiều di sản quý báu tuổi thọ hàng nghìn năm

Điều quý báu nhất là tại chùa còn lưu giữ nhiều di sản quý báu có tuổi thọ hàng nghìn năm là minh chứng cho một vùng đất cổ, cho sự hiện diện liên tục, sự kế thừa của cư dân nơi đây.

Tấm bia nhà Lý dựng năm 1118

Trước hết phải nói về tấm bia nhà Lý dựng năm 1118, dù nắng mưa đã bào mòn, đạn thù đã bắn phá để lại dấu tích lồi lõm trên mặt bia nhưng may mắn thay nội dung văn bia đã được ghi lại, họa tiết hoa văn được dập lại cho hay về một thời danh thơm nức xa gần của chùa và cung cấp nhiều sử liệu cho ta biết rằng: nơi đây từng là trung tâm thiền viện của Phật giáo với rất nhiều kinh kệ, thi thư, nhiều bản khắc kinh vẫn còn được lưu giữ bảo quản.

Là cứ liệu quan trọng giúp cho việc tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo thời Lý cũng như kiến trúc mỹ thuật thời Lý.

Bộ hiện vật gốc từ thời Lý

Ngôi chùa cổ nhất xứ Thanh này còn lưu giữ được bộ hiện vật gốc từ thời Lý đó là ba bệ sen bằng đá ở trung tâm Phật điện. Đây là những tác phẩm điêu khắc đá có tuổi thọ cao nhất hiện còn ở Thanh Hóa và hết sức có giá trị về lịch sử cũng như kiến trúc mỹ thuật xứng là những bảo vật của Quốc gia.

Mỗi bệ là mỗi tòa sen tuyệt đẹp cho thấy kỹ thuật đục đá thủ công tinh xảo, phản ánh năng lực thẩm mỹ, tâm tư tình cảm và tài hoa của nghề đục đá xứ Thanh. Ngoài hai tuyệt tác nói trên còn phải kể đến bộ thềm đá chạm khắc rồng mà chùa còn lưu giữ được. Hình rồng được chạm khắc tinh xảo, mang đặc trưng Rồng thời Lý mình tròn nhẵn thân dài uốn lượn uyển chuyển ở tư thế thoát tục khi là long vũ lúc là long vân.

Tượng gỗ sơn son thếp vàng

Trong chùa còn nhiều pho tượng gỗ, to bằng người thật có niên đại rất sớm, được sơn son thếp vàng. Thu hút sự chú ý là tượng Ngọc Hoàng thượng đế đặt ở giữa hai bên là hai vị thần Nam Tào, Bắc Đẩu cùng với pho Kim Đồng và Ngọc nữ hướng về trung tâm điện.

Còn nhiều pho tượng khác được chế tác diệu nghệ tinh vi góp phần làm cho việc thờ cúng thêm uy nghiêm, rực rỡ.

Chùa được trùng tu có giá trị đó là vào năm 1938, hiện vật ghi nhận kỳ trùng tu này là chuông đồng cao khoảng 80 cm nặng khoảng 5 tạ, và các pho tượng gỗ cùng một số kết cấu gỗ còn lại trong chùa.

Lần đại trùng tu là năm 2000 từ kinh phí chống xuống cấp của di tích và một phần rất đáng kể từ sự lạc quyên của nhân dân và các nhà hảo tâm tiến cúng. Khuôn viên ngôi chùa rộng rãi thoáng đãng.

Chùa có hai cung, cung nhất và cung trong, có sư trụ trì, tụng niệm ngày đêm hương khói. Có tam quan cao lớn trên có giá chuông, còn có nhà thờ tổ, nhà tả vu, hữu vu. Đường vào có cầu cong dẫn lối phía dưới có ao sen thơm mát như ngàn xưa.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ngày đêm vẫn tấp nập khách hành hương tế lễ, niệm phật cầu quốc thái dân an, vạn vật tốt tươi, hy vọng muôn sự tốt lành, nhà chùa đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong huyện và tăng ni Phật tử, tín đồ của Phật và nhân dân các huyện lân cận và khách thập phương. Chùa đã được công nhận là Di tích văn hóa cấp Quốc gia. Hương thơm danh tiếng ngôi chùa cổ linh thiêng vẫn mãi mãi đằm sâu trong tâm thức nhân dân.

Theo Nguyễn Hữu Ngôn/Văn Hiến