Con rể của bà dì đã mất, cái chết đầy khó hiểu, dị hợm, chết vì tự bóp cổ mình... Bà dì cũng bị bệnh, lúc khỏe như trâu, lúc nằm liệt giường liệt chiếu. Đi bệnh viện khám đủ kiểu mà chả ra bệnh gì.
Mùa hè một năm nọ, nhân lúc cháu chắt được nghỉ hè đi du lịch hết, mẹ tôi nói với con em muốn lên Gia Lai thăm bà dì (là em ruột bà ngoại tôi).
Dì là người luôn nhận luôn được sự quan tâm, thương cảm nhất trong dòng họ ngoại. Chồng là liệt sĩ, một thân một mình dì nuôi dạy hai đứa con thơ. Giữa thời kỳ nhan sắc còn đẹp mặn mà, nhiều người để ý - bà vẫn ở vậy thủ tiết, thờ chồng.
Tôi vẫn còn nhớ như in lúc ngoài quê, một năm chị em tôi được 2 lần ra nhà bà. Lần đầu là vào Tết nguyên đán, lần còn lại là ngày giỗ ông (chồng của dì). Nhà Dì nghèo, nghèo lắm!
Lúc nhà chúng tôi có quạt máy MD (nhãn quạt xa xỉ lúc bấy giờ, 1 cái quạt máy mua mất hơn 1 chỉ vàng) thì nhà bà dì vẫn còn dùng quạt mo cau. Dưới cái nắng oi ả của miền bắc, tay ra sức mà quạt, mà phẩy, vẫn không xua được cái nóng như thiêu như đốt ấy. Trong nhà chả có gì ngoài 2 cái giường nan tre và 1 đống ngô đổ lù lù ngay giữa nhà.
Lại nói về quạt MD, thời gian đầu mới có quạt máy, trong làng luôn có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Có giai thoại về bà hàng xóm được con mua cho cái quạt máy, mọi người hỏi bà cảm giác thế nào? Có mát không? Bà bảo: Mát thì mát thật, nhưng mà mệt lắm! Tại cái quạt không chịu đứng im 1 chỗ, nó quay qua quay lại làm bà cũng phải chạy theo, mệt bở cả hơi tai.
Và rồi 2 cô con gái của Dì cũng lần lượt thành gia lập thất, nhưng chẳng may, cả hai cô đều nghèo khó như bà.
Một ngày mùa đông rét mướt, rét như cắt da, cắt thịt thì Dì nhận được 1 tin như lưỡi dao sắc bén đâm thẳng vô trái tim bà.
Hóa ra ... người chồng mà bà chờ đợi mấy chục năm, hàng năm vẫn cúng giỗ đầy đủ.... vẫn còn sống phây phây. Không chỉ vậy, ông còn đã có gia đình, vợ con rất đề huề.
Không thương binh, không mất trí, chả hiểu sao ông biết nhà cửa, vợ con vẫn đau đáu khóc thương, mà ông đành đoạn không về qua ngó nghiêng họ lấy 1 lần.
Bà dì đau lòng khi hằng ngày luôn phải nghe lời xì xầm bàn tán của xóm làng. Bà đành theo vợ chồng cô con gái lớn vào Gia Lai lập nghiệp.
Thời ấy thông tin liên lạc còn lạc hậu, muốn biết tin gì của nhau chỉ thông qua những lá thư tay, đi về mất cả 2-3 tháng trời, có khi thư bị thất lạc cả nửa năm mới nhận được. Mọi người ở nhà chỉ nghe trong Gia Lai cuộc sống cũng vất vả, khổ cực chẳng khác gì ngoài quê. Bà dì cũng sống chật vật lắm.
Khi có điện thoại bàn rồi bên ngoại mới hay, con rể của bà dì đã mất, cái chết đầy khó hiểu, dị hợm, chết vì tự bóp cổ mình... Bà dì cũng bị bệnh, lúc khỏe như trâu, lúc nằm liệt giường liệt chiếu. Đi bệnh viện khám đủ kiểu mà chả ra bệnh gì. Cô con gái thì lúc khỏe lúc lăn đùng ra hộc máu mồm. Có đêm đang ngủ cô lại ngồi bật dạy la hét om sòm, mắt trợn trừng ra ...trắng dã...
Cả gia đình dì cứ sống lay lắt với cuộc sống rối mù lên như thế...
Của cải tích góp được đều đội nón ra đi vì chữa bệnh. Cả hai mẹ con cứ ở nhà là thi nhau bệnh, thay phiên nhau uống thuốc. Bệnh đến nỗi liệt giường liệt chiếu nhưng đi hết bệnh này viện kia mà kết qủa vẫn bình thường ! Dì nhỏ ( con gái bà dì ) lâu lâu vẫn giật mình, la hét, có hôm đang giữa chợ ồn ào cũng nằm quay đơ ra, co giật sùi bọt mép.
Ngoài quê mọi người cũng bao phen gom góp gửi tiền bạc vào phụ bà dì chữa bệnh. Rồi bẵng đi một thời gian, tự nhiên họ hàng mất hết tin tức của bà dì.
Sau nhờ facebook, dì nhỏ tìm ra chúng tôi, rồi xin số điện thoại của mẹ, gia đình bên ngoại tôi. Mọi người trò chuyện qua lại, dì nhỏ mời mẹ tôi lên nhà dì chơi cho biết nhà.
Lên nhà dì, mẹ tôi khá ngạc nhiên vì mới qua có vài năm mà nhà bà dì khác qúa. Trước nghe nói của cải bán hết để chữa bệnh, gia đình được liệt vào danh sách hộ nghèo của xã, con cháu đói khát, bỏ dở việc học hành. Nay lên thấy nhà lầu, xe tay ga đắt tiền, nội thất hiện đại mới cứng.
Nhìn lên bàn thờ, mẹ tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài hình thờ ông bà nội dì nhỏ, ông bà cố tôi ( ông bà ngoại mẹ tôi ), hình thờ chồng dì nhỏ, thì có thêm 2 bảng tên thánh (G...,M... ). Mẹ tôi mới hỏi: ủa nhà thờ ai nữa ? Sao không có hình mà có mỗi tên thánh vậy ?
Dì nhỏ mới bảo, chị nghỉ ngơi, cơm nước trước đã, rồi tối đến 2 chị em mình tâm sự sau. Cơm nước xong xuôi, tối đấy dì nhỏ mới nằm thủ thỉ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nghe.
Dì bảo: Khổ lắm chị ạ, giờ nghĩ lại thôi mà ốc ác em còn nổi đầy người. Mẹ em ( bà dì ) lúc đó tự nhiên cứ như người bệnh giả vờ, không chịu ra ngoài gặp ai, cứ ru rú trong nhà, người xanh lè xanh lét, bỏ nhà thờ nhà thánh, không chịu đi lễ, nghe nói tới đi nhà thờ là bà giận. Lúc thì nằm liệt giường đái ị không tự chủ được, lúc thì khoẻ re như người bình thường.
Chồng em thì cứ lúc tỉnh, lúc điên, người ốm dặt dẹo chẳng làm được chuyện gì. Có 1 sáng, em đi chợ về thấy anh ấy “đi” từ lúc nào , 2 tay còn bóp chặt lấy cổ của mình, mắt vẫn còn trợn ngược lên. Công an kết luận không có ngoại lực tác động vào nên cho gia đình làm đám tang và chôn cất.
Từ lúc đấy em hay gặp hiện tượng bóng đè, có lúc em như bị người ta bóp cổ nghẹt thở. Lúc thì ngã vật ra giãy đành đạch. Nhiều đêm em đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy vì có 1 người đàn ông cao to, đen thui đứng lù lù ngay trước đầu giường. Làm em sợ không dám ngủ tiếp nữa.
Hiện tượng đó cứ tái đi tái lại mấy tháng liền.
Sau có cô trong nhóm sinh hoạt giáo xứ, vì thương hoàn cảnh gia đình nhà em nên chỉ em lén đi tìm thầy. Thầy này chuyên lo việc tâm linh, em mời thày về tận nhà xem dùm đất đai gia đạo.
Thày phát hiện ra ngay sau khu nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi heo của nhà em có 2 ngôi mộ.
Gọi lên hỏi thì họ nói họ là 1 đôi tình nhân. Lúc chiến tranh loạn lạc bị chết vì bom đạn, được chôn cất tại đây. Nhà em lại không hay biết, để nhà vệ sinh với nuôi heo ngay trên đầu của người ta nên người ta rất oán.
Thày hướng dẫn nhà em nên đưa 2 ngôi mộ ấy về nghĩa trang nhà xứ chôn cất cho đàng hoàng ... nhưng chính họ năn nỉ không muốn đi đâu. Họ xin được ở đây, tên thánh của họ là (G... , M...) hàng năm tới ngày giỗ xin đọc kinh cho họ, đừng nuôi heo hay phóng uế lên đầu họ nữa. Họ sẽ phù hộ cho gia đình bình an, làm ăn suôn sẻ.
Em xây cất lại mộ cho khang trang, dẹp luôn chuồng heo và nhà vệ sinh đi.
Đúng thật như họ hứa chị ạ. Em và mẹ tự nhiên khoẻ khoắn lại, em chạy chợ buôn bán, gặp thời gặp thế, buôn gì trúng nấy, tiền bạc tuôn vào ào ào. Con em được đi học lại, có người đỡ đầu dạy nghề cho. Nhờ vậy em mới có cơ ngơi như ngày hôm nay.
Hai ngôi mộ ấy đang ngoài góc vườn, ngay sau ngôi nhà cũ, mai em dẫn chị ra xem nhé!....
Tamlinh.org
AN NHIÊN