Duyên là “Sự” người tính không bằng trời tính “Mưu sự tại nhân thành bại do Thiên”. Nhưng duyên đến trong thuận cảnh hay trong nghịch cảnh lại chính là thời vận mang đến cơ hội. Người có trí tuệ khéo tùy cơ ứng biến thay đổi hoàn cảnh thì biến dữ hóa lành, có thể thay đổi vận mệnh.
Duyên là gì? Nhân duyên là gì?
Mối tương quan giữa Thiên mệnh, Địa mệnh, Nhân mệnh tạo nên số phận liên hệ đến sinh mệnh của mỗi người. Đó là do Duyên nên mới gọi là Duyên số.
Duyên như sợi dây ràng buộc với mỗi người trong vòng tròn số phận. Duyên quyết định Nhân hay Quả, khi hội đủ nhân Duyên thì Quả mới hình thành. Giống như việc người ta đem một hạt giống tốt trồng ở mảnh đất màu mỡ nhưng lại gặp phải cơn mưa axit, hay nắng gắt khô hạn làm hạt cây có thể chết không thể lớn thành cây được đó là do Duyên, Duyên giống như điều kiện môi trường vậy.
Con người gặp gỡ nhau là do Duyên
“Nỉ ngã tương thức tất hữu duyên – Tôi bạn gặp nhau là có duyên”
“Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có Duyên gì hay không”
Gặp nhau do duyên mến nhau bởi có tình cảm. Duyên cũng là cảnh sắc, là hiện tượng, sự việc, sự vật, là môi trường xung quanh, là điều kiện dẫn đến hệ quả, là Cơ duyên.
Duyên ở mỗi người là khác nhau nên có người vô duyên, có người hữu duyên.
Duyên cũng mang tới sự may mắn hay bất hạnh đó là thời duyên nên mới sinh ra Duyên lành hay Duyên dữ, thiện Duyên hay nghiệt Duyên.
Duyên là cái mà người ta gọi là Thiên định:
“ Duyên do trời định Nợ do nhân tạo”
Đó là sự định đoạt hay sắp đặt của trời, cái Nợ đời vay trả đều do tự chúng ta tạo ra mà ảnh hưởng đến số phận.
Duyên là “Sự” người tính không bằng trời tính “Mưu sự tại nhân thành bại do Thiên”.
Biến dữ hoá lành
Nhưng duyên đến trong thuận cảnh hay trong nghịch cảnh lại chính là thời vận mang đến cơ hội.
Người có trí tuệ khéo tùy cơ ứng biến thay đổi hoàn cảnh thì biến dữ hóa lành, có thể thay đổi vận mệnh. Như Đại thi hào Nguyễn Du từng nhận xét trong Truyện Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” vậy Nhân định chính là sự giác ngộ trí tuệ và thay đổi môi trường hoàn cảnh sống, thay đổi Duyên, hay nhà Phật gọi là Cảnh chuyển: Giống như việc “Ta quay mặt nhìn sang hướng khác thì cảnh đã chuyển rồi”. Cảnh chuyển thì vận mệnh thay đổi. Đó là Giác Duyên (giác ngộ duyên).
Nhân duyên vợ chồng
Nhân duyên vợ chồng, theo lời Phật dạy là do duyên nghiệp từ kiếp trước mà thành. Tu trăm năm mới là bạn đồng hành, tu ngàn năm mới được cùng chung chăn gối. Thế nhưng nếu cứ đổ vào duyên nghiệp thì lại đánh mất tính thực tế. Vậy chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về chữ duyên chữ nợ đây?
Sự chọn lựa của mỗi người, chính là xuất phát từ lí trí mà ra. Nói thế có nghĩa là, chúng ta có tiền duyên với nhau, nhưng chính ở kiếp này tiền duyên đó có được gắn kết thành một chữ nợ bền lâu hay không chính là nhờ ở chính chúng ta. Trong hơn 7 tỉ người trên hành tinh này, có một người sẽ cùng chúng ta gắn kết cả đời, sinh con đẻ cái, hưởng vinh nhục, sẻ buồn vui, đó hiển nhiên là một trong những phúc phần mà tạo hóa đã ban cho con người, nhìn nhận và bồi dưỡng thế nào để chữ nợ đó thực sự mang đến cho chúng ta niềm an lạc trong cuộc sống mới chính là những gì mà mỗi chúng ta cần học hỏi suốt đời.
Về vấn đề chọn lựa nhân duyên, nhiều người lại tin vào phước phần của mỗi con người. Người có phước thì chọn đúng, người vô phước ít phước thì chọn sai. Có những người ban đầu cực kì hài lòng với chọn lựa của mình, nhưng cưới nhau về một thời gian, lại thấy người kia thay đổi 180 độ và cảm thấy vô cùng bế tắc trong hôn nhân của mình. Ấy là bởi vì chưa tạo được phước lớn vậy, nên cuối cùng đành có duyên nghiệp không tròn vẹn như mong cầu….
Điều này, thuộc về vấn đề nhân quả của mỗi người.
"Thằng gù dựa hốc cây đa
Tán nhầm cô gái ngậm hoa méo mồm!"
Ngày xưa ở một làng nọ có một anh chàng mặt mũi khôi ngô tuấn tú nhưng mỗi tội từ lúc sinh ra bị cái lưng gù bẩm sinh nên đã lớn tuổi mà chưa lấy được vợ. Bà mẹ anh ta rất buồn và tìm một bà mối nổi tiếng để nhờ mai mối. Bà mối biết được ở một làng nọ có một cô gái dáng dấp khá xinh đẹp lại đảm đang mỗi tội từ lúc sinh ra lại có cái miệng bị méo nên đã đến tuổi cập kê mà không anh nào ngó ngàng tới, bà mẹ cô này cũng nhờ bà mai mối để cô gái tìm chồng. Bà mối bèn lập mưu để hai người gặp mặt địa điểm là gốc cây đa đầu làng. Dặn dò chàng trai là dựa lưng gù vào hốc cây đa để che cái xấu đi rồi chờ khi nào có cô gái ngậm một bông hoa trên miệng làm ám hiệu thì đúng là cô gái đó. Về bên cô gái thì bà mối lại dặn cô gái đi qua cây đa đầu làng chàng trai là người đứng dựa ở gốc cây đa và bảo cô gái ngậm một bông hoa để che đi cái miệng méo. Cuộc hẹn hò đã diễn ra rất thành công, về nhà cả hai người đều mơ tưởng về nhau rất đẹp rồi hai bên tổ chức đám cưới... Khi đã về ở với nhau thì cả hai mới ngã ngửa khi những cái xấu trên cơ thể lộ ra. Họ có con với nhau và cô gái ru con vẫn ấm ức: " Ầu ơ con ngủ đi nha, con sinh chỉ tại hốc đa đầu làng..." anh chàng gù đang bổ củi ngoài sân nghe vậy cũng thấy tưng tức bèn xen vào ru con: " Con ơi con ngủ đi mà, Con sinh tại cái miệng hoa mẹ mày". Họ sống rất vui vẻ và hạnh phúc! HẾT.
Các cụ xưa nghiệm ra một điều là "Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo, nồi nào thì vung nấy" vợ chồng là Duyên nợ tái sinh nếu biết chấp nhận nhau thì sẽ có được, cái đẹp thì phô ra cái xấu thì biết che đậy lại!
Thế nên, chọn lựa nhân duyên trong đời này, dẫu biết vạn sự tùy duyên nhưng vẫn rất cần đến lý trí để có thể phân định được đâu mới là điều phù hợp nhất với mình. Và khi đã chọn lựa được rồi, thì từ tình yêu sôi nổi ban đầu, nên dần chuyển hóa nó thành tình thương để có thể sống trọn cả đời vì nghĩa, như thế mới bền lâu.
Suy cho cùng thì, trong cõi nhân sinh, có mấy ai hạnh phúc vẹn toàn. Sự cố gắng đến từ một phía luôn là sự cố gắng vô vọng. Cả tình yêu hay đạo vợ chồng, tất thảy đều như một sợi dây căng hai đầu, đứt rồi là vĩnh viễn lìa xa. Hãy trân quý nó như trân quý chữ duyên chữ nợ mà chúng ta đã se sợi tơ tự nghìn năm nay, để ngàn năm sau gặp gỡ sum vầy…
"Vạn sự tuỳ duyên" trong Phật giáo là gì?
Phật giáo hay nói đến “vạn sự tùy duyên” bởi những lý do sau:
“Vạn vật nhân sinh duyên, vạn vật nhân sinh diệt”:
Nghĩa là, trên thế gian này, vạn sự vạn vật đều do nhân duyên hợp thành, con người sinh ra và có mặt trên thế gian này cũng là một đại nhân duyên. Tùy duyên, chính là một loại thái độ sống thuận theo tự nhiên. Không ai biết trước cuộc đời ta sẽ gặp gỡ ai, sẽ vấp phải việc gì, chỉ có thể tùy duyên mà đón nhận.
“Duyên như có như không”.
Có nghĩa là “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Có duyên hay vô duyên, thiện duyên hay nghiệt duyên đều đã định trước, tưởng có duyên mà vô duyên, tưởng vô duyên mà hữu duyên.
“Duyên là nhân quả”.
Phật giáo tin rằng, mọi mối duyên trên đời đều bắt nguồn từ nhân quả. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà chưa tới lúc chờ khi hội đủ Duyên. Ai cũng không thoát khỏi quy luật chi phối nhân duyên này. Cho nên, mọi mối duyên đều có lí lẽ, tránh không được, trốn không xong. Phật giảng, hành thiện thì kết thiện duyên, khuyên chúng sinh làm điểu tốt để hưởng phúc lành.
“Duyên đến, duyên đi”.
Có nghĩa là trong cuộc đời, không có bữa tiệc nào là không tàn. Ấy là vì duyên đến rồi đi, nó không phải là hiển nhiên, nó là quá trình. Có duyên thì hợp, hết duyên thì tan, việc nào cũng vậy. Cho nên, đừng vì tiếc nuối kết quả mà bỏ lỡ sự tươi đẹp của hành trình. Mấu chốt là tận hưởng những điều đang diễn ra. Cố chấp, tham lam chỉ làm duyên nghiệp thêm dày.
“Duyên đến thì nên giữ, Duyên hết thì nên đi”. Con người sinh ra là một đại nhân duyên khi con người chết đi là khi đã hết nhân duyên với cõi tạm trần gian này rồi để tìm một nhân duyên mới đầu thai trong luân hồi.
Vạn sự tùy duyên là vậy, ai hiểu được lý lẽ này ở đời thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, bởi có duyên thì hợp, hết duyên thì tan, việc nào cũng vậy.
Cách đón duyên lành, đuổi duyên dữ đi như thế nào?
Nhưng cuộc đời lắm ngả, nên hai chữ “tùy duyên” còn phải được hiểu theo một ý rất linh hoạt, đó là phải đón duyên lành đến như thế nào và đuổi Duyên dữ đi thế nào.
Thiền sư Trần Nhân Tông từng khuyên: “Ở đời vui đạo phải tùy duyên/ Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền” (Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên – Cư trần lạc đạo).
Theo thiền sư Trần nhân Tông, tùy duyên có nghĩa là đói thì ăn, mệt thì ngủ. Nhưng ăn ra ăn và ngủ ra ngủ; việc nào ra việc ấy, không trộn lẫn nhau, không thấy việc nào quan trọng hơn việc nào; việc nào đến trước thì giải quyết trước, không nôn nóng. Nghệ thuật giữ gìn sự thanh thản trong tâm hồn ngay giữa bao sự phiền nhiễu của đời thường chính là thái độ tùy duyên.
Đó là ta luôn có ý thức chủ động trong mọi hành động.
Lẽ dĩ nhiên, không ai bắt buộc ta phải tùy duyên. Nhưng khả năng tùy duyên của ta càng lớn thì sự thanh thản trong tâm hồn sẽ càng lớn. Chỉ khi nào ta đã tìm thấy giá trị hạnh phúc chân thật nơi chính mình thì ta mới chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Hòa nhập mọi hoàn cảnh để giúp người giúp đời mà không bị hòa tan, đó chính là mẫu người lý tưởng nhất của xã hội trong mọi thời đại.
Tướng học nhờ có nhân sinh quan sâu sắc, thế giới quan toàn diện mà hiểu được số mệnh của con người trong cảnh sắc đời người. Người ta thay đổi vận mệnh là nhờ sự thay đổi Duyên phận bằng Cảnh chuyển. Vạn sự tùy theo Duyên đến mà đón nhận hay thay đổi, cái gì đến trước thì làm trước, cái gì đến sau thì làm sau.
Vạn sự tùy duyên chính là qui luật thuận theo tự nhiên. Con người muốn có số phận tốt hơn đều phải giác ngộ và thay đổi đó là nhờ có Duyên giác nhờ có sự nhận thức của trí tuệ, nhờ sự hiểu biết dẫn đường, định hướng, trợ Duyên giúp chủ nhân thay đổi hoàn cảnh, vận mệnh của các bậc Thầy.
Kết luận
Tự bây giờ, mỗi chúng ta nên tập cho mình thái độ trân trọng và cân nhắc với mỗi nhân duyên đến trong cuộc đời. Hãy tự mình cảm thấu được những đạo lý nhà Phật, để tạo dựng nên thái độ sống đúng đắn nhất, trân trọng từng nợ duyên trong đời, vì vốn dĩ, đã đi qua đời nhau, ắt hẳn là đều có nguyên do của nó.