04/06/2021 11:46 View: 17376

Tại sao người chết phải buộc chân tay?

Khi nhà có người thân vừa qua đời, các gia đình thường làm lễ mộc dục (tắm gội) cho người đã khuất và trước khi nhập quan (bỏ vào quan tài) thì có nơi sẽ dùng dây vải để cố định tay, chân, vai...của người đã khuất lại. Vậy việc làm này có mang ý nghĩa tâm linh gì không? Tại sao người chết phải buộc chân tay?... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.

kham liem nguoi qua co, buoc tay nguoi chet

Không cột tay chân vào bả vai thì sẽ bị quỷ nhập tràng?

Theo phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều truyền thống kỳ lạ theo từng vùng địa phương. 

Đây cũng là một phong tục tập quán ở miền Bắc, những ông bà xưa dạy: khi trong nhà có người chết, không cột tay chân vào bả vai thì sẽ bị quỉ “nhập tràng”. 

Quỉ nhập tràng tức là những linh hồn người chết oan ức (chết bất đắc dĩ), chết tức tối, chết không kịp trối trăn gì cả, những linh hồn người này không đi đầu thai được, sống vất vưởng theo đình, theo miếu, theo cây cao, bóng mát, thấy người nào hạp với họ, thì bắt bịnh đau; thấy người nào chết, mà hơ hỏng không chịu cột tay chân, thì nhập vào, khiến cho thây  ma  bật  dậy  chạy  điên  khùng,  đụng  vào người nào thì người đó cũng chết theo, khi đụng như vậy, dù vào người hay cây cối thì thây ma cũng bật té chết trở lại. 

Do đó, người ta sợ trường hợp này xảy ra, nên mới cột tay chân vào bả vai để tránh trước tai họa cho gia đình và những người khác.

Tuy nhiên, trên thực tế thì điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học, không liên quan gì đến quỷ nhập tràng. 

Cột cố định tay chân vai người đã khuất để tránh tình trạng co quắp các cơ và tử thi di chuyển

Sở dĩ các cụ xưa hay gọi là quỷ nhập tràng vì không hiểu hết quá trình thay đổi của cơ thể con người sau khi chết. Vì vậy mà hiện tượng xác chết cứng đơ chuyển sang "tử thi di chuyển" đã khiến mọi người sợ hãi tột độ. Không chỉ vậy, đây cũng là nỗi ám ảnh đến hết cuộc đời đối với con cháu và người còn sống. 

Hiểu được những thay đổi của cơ thể sau khi chết sẽ giúp chúng ta xoá bỏ được định kiến và không còn sợ hãi. 

Con người khi chết đi, trai tim sẽ ngừng đập và mạch máu ngừng lưu thông, cùng lúc đó cơ thể sẽ chuyển sang hai màu rõ rệt. Máu không còn lưu thông trong cơ thể khiến cho nhiệt độ cơ thể bị giảm xuống cứ 0.8 độ C mỗi một giờ đồng hồ. Tiếp theo sẽ là hiện tượng thi thể cứng đơ. 

Sau một vài giờ đồng hồ kể từ khi cơ thể bắt đầu giảm nhiệt độ, hiện tượng xác chết cứng lại sẽ xuất hiện do sự suy giảm mức ATP (adenosine triphosphate: các phân tử vận chuyển năng lượng đến các tế bào). Sự suy giảm ATP sẽ khiến cho các bó cơ trong cơ thể bắt đầu cứng lại, bắt đầu từ vùng mí mắt và cơ cổ.

Hiện tượng xác chết có thể di chuyển. 

Hiện tượng đáng sợ này xảy ra khi các bó cơ mất dần ATP, các bó cơ sẽ có xu hướng dãn ra hoặc co lại tùy theo hướng vận động của cơ thể con người. Điều này có thể xảy sau vài giờ kể từ khi tim ngừng đập, máu ở bên trong cơ thể bị dồn xuống và đẩy hơi lên phía trên, cộng với sự co dãn của các cơ khiến cho tử thi có vẻ đang di chuyển.

--> Đây cũng chính là lý do tại sao chúng ta phải tắm rửa, nắn các khớp chân tay người đã khuất cho mềm ra và cố định lại bằng dây. Việc cố định (buộc chân tay) người đã chết lại sẽ giúp quá trình co cứng và di chuyển diễn ra từ từ và thầm lặng, không làm người còn sống sợ hãi. Đồng thời cũng tránh được trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan. 

Khi làm lễ khâm niêm nhập quan, đưa thi thể vào quan tài vừa vặn thì tất cả các dây buộc tay, buộc chân, buộc vai... sẽ được cắt bỏ. 

Tại sao có thủ tục hú hồn trước khi nhập quan?

Vì đã có những trường hợp bị choáng, ngất, bất tỉnh nhân sự. Người ta dùng mọi thủ thuật để kích thích thì hồi tỉnh, trong đó có thuật hú hồn hú vía. Cũng có trường hợp đã tắt thở, tưởng là đã chết rồi nhưng sau một thời gian bỗng nhiên sống lại.

Do đó với một hy vọng dầu mỏng manh, mặc dầu trong muôn một, người sống tiếc thương muốn cứu vãn… nên cầm chiếc áo quần của người đã tắt thở, leo lên mái nhà chỗ cao nhất hú “Ba hồn bảy vía ông” hoặc “Ba hồn chín vía bà” về nhập xác. Hú ba lần không được thì cũng đành lòng chịu khâm liệm mà tin rằng như vậy hồn đỡ vất vưởng, biết tìm đường về nhà (Khâm liệm xong vẫn chưa nỡ đóng chốt áo quan). Đây là một phong tục chủ yếu để thoả mãn tâm linh.

Trường hợp chết đã cứng lạnh, người co rúm không bỏ lọt áo quan thì làm thế nào?

Theo kinh nghiệm dân gian: Hơ lửa và nắn dần cho thẳng ra, hoặc dùng cồn, rượu xoa bóp, nếu vẫn còn cứng lại thì có thuật dùng hai chiếc đũa cả để hai bên mép áo quan rồi cho thi hài lọt xuống dần, khi thi hài dã lọt vào áo quan rồi thì phải cắt bỏ những dây buộc chân, buộc tay, buộc vai, buộc mông để người chết có thể nằm thoải mái.

Người xưa dùng những vật gì lót vào áo quan?

Trong các ngôi mộ cổ khai quật được, ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu… Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng. Các thứ đó đều là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng.

Tại sao trước khi khâm liệm nhập quan có tục đưa người chết nằm xuống chiếc chiếu giải dưới đất?

Theo Phan Kế Bính :”Lấy nghĩa, người ta bởi đất sinh thì chết lại về với đất”.

Chúng tôi cho rằng tục đó phát sinh từ kinh nghiệm thực tế để dễ thao tác. Vả chăng, trong cơ thể người chết còn có điện trường sinh học, làm như vậy khả năng tích điện âm trong cơ thể người chết mới được giải thoát, đó là một phương thuật phòng xa hiện tượng “Quỷ nhập tràng”.

Cách phòng tránh hơi lạnh từ xác chết?

Hơi lạnh hay âm khí, tà khí có ở xác người chết không? Chưa ai đo nhiệt độ cụ thể trong thi thể người chết nhưng nhiều người đã công nhận rằng, theo cảm giác thì người mới chết lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ bình thường của con người cũng như của môi trường xung quanh.

Hiện tượng đó được giải thích như sau: Con người đang ở nhiệt độ bình thường (37oC), tự nhiên mất nhiệt thì nhiệt độ không chỉ hạ xuống tới hoà đồng với nhiệt độ môi trường mà còn tụt xuống thấp hơn, sau đó một thời gian nhiệt độ mới nhích dần lên tới thể ổn định.

Dân gian công nhận hiện tượng hơi lạnh ở nhà người chết mới chết là hiện tượng có thực, hiện tượng vướng phải hơi lạnh bị ốm cũng là hiện tượng phổ biến, nhất là đối với những người bị các chứng kinh niên như phong thấp, huyết áp cao, tâm thần… còn đối với những thanh niên mạnh khoẻ thì không mấy ai bị ảnh hưởng.

Có thuyết cho rằng: Những người đồng khí huyết (con cái với cha mẹ, anh chị em ruột hoặc gần huyết thống) thì không bị nhiễm hơi lạnh, không có phản ứng gì kể cả khi ôm ấp thi hài và khâm liệm. Tuy nhiên, để phòng xa, người ta vẫn kiêng không cho các bậc cao lão, phụ nữ có thai sắp đến ngày sinh hoặc sản phụ hài nhi đến dự khậm liệm, an táng và cải táng.

Có người hấp thụ phải hơi lạnh thì phản ứng tức thì. Có người trực tiếp khâm liệm, nhiễm hơi lạnh, bản thân khoẻ mạnh không việc gì, nhưng để phòng ngừa cho người ở nhà nên khi vaò nhà có người già, ốm yếu, trẻ sơ sinh vẫn phải xông khói rồi mới vào. Những người hàng xóm xung quanh nhà có tang lễ, nếu có cụ già trẻ nhỏ ốm yếu thường đặt sẵn ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ uế khí. Những người nghi bị chó dại cắn, gia đình thường tuyệt đối cách ly đám tang và nơi nghĩa trang, e rằng vướng phải hơi lạnh chưa kịp chạy chữa đã phát bệnh.

Những Tục Lệ Cần Giữ Khi Quàng Xác?

  • Tại sao có tục đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng đôi đũa trên bát cơm, cài quả trứng vào giữa hai chiếc đũa rồi thắp hương đặt lên trên đầu người chết suốt trong thời gian chưa nhập quan?
  • Tại sao người ta cắm một cái cọc bằng kim loại suốt chân giường người chết?
  • Tại sao khi chưa nhập quan, người ta luôn luôn thắp hương nến (nếu không có nến thì thắp ngọn đèn dầu) cho đến khi hạ huyệt không để tắt hương đèn?
  • Tại sao hai bên hương án, phía gần kề áo quan, người ta đặt hai cây chuối con?
  • Tại sao có tục dựng bó đuốc to ở giữa sân vào ban đêm trước lễ an táng (nếu để qua đêm), con cháu và thân nhân túc trực quanh linh cữu (lễ “Chúc thực” ban đêm, nghĩa là “lễ trồng bó đuốc”?)
  • Tại sao có tục kiêng ngăn người nhà không được đứng cạnh thi hài mà khóc, tránh nhỏ nước mắt vào thi hài?
  • Tại sao sau lễ nhập quan phải đốt lỗ hung (lỗ đào ở chính giữa giường người mới chết nằm khi chưa nhập quan. Chất đốt có thể dùng trấu, than , củi hoặc giẻ rách…).
  • Tại sao lễ tang là việc buồn lại đốt pháo? (Tục này chỉ có ở thành phố đối với người già).
  • Tại sao phải nhốt mèo khi nhà có người mới chết ?
  • Tại sao khi người chết trong nhà, người ta phải trèo lên mái nhà dỡ một vài viên ngói, hoặc lá tranh (đối với nhà bịt nóc và ít cửa)?

Những câu hỏi trên cùng có chung một câu trả lời: Đó là kinh nghiệm dân gian,dùng phép thuật điều hoà khí âm dương, thu hút tà khí để phòng chống hơi lạnh và phòng xa hiện tượng “Quỷ nhập tràng”. Xuất phát từ kinh nghiệm, dần dần bắt trước nhau trở thành phong tục.

Dùng khói lửa, ánh sáng mặt trời (đốt hương, nến, đèn, đuốc, than, trấu, dỡ mái nhà, mở rộng cửa, đào lỗ hung, đốt pháo…) để triệt tiêu hơi lạnh. Dùng bát cơm, quả trứng, cây chuối… để thu hút hơi lạnh (nếu bổ đôi quả trứng, có nhiều lòng đỏ đã trở nên xanh thẫm giống như những quả trứng dùng để đánh gió.). Nhốt mèo để đề phòng mèo nhảy qua xác chết, kiêng khóc nhỏ nước mắt vào thi hài hoặc cắm cọc kim loại dưới giường người chết, dỡ mái nhà… là những thuật triệt tiêu luồng điện âm dương hút nhau.

Ngoài ra, những người đến dự lễ tang, nhất dự khâm liệm còn có những thuật khác để phòng chống hơi lạnh như ngậm gừng sống, uống nước lá nhót, ăn trầu và xông khói vỏ bưởi, bồ kết trước và sau khi đến lễ tang.

Tamlinh.org (Tổng hợp)