04/06/2021 11:46 View: 8910

Hoa bỉ ngạn: Ngải khóc (U linh ngải)

"Mạn Châu Sa Hoa, hoa ngàn năm nở, ngàn năm rụng, lá ngàn năm sinh ra, ngàn năm chết đi. Hoa lá vĩnh viễn không thể gần nhau, dù cùng sống trên một thân cây.” - Một loại hoa gắn với rất nhiều truyền thuyết bi thương và huyền bí. Vậy hoa bỉ ngạn có phải là một loại ngải? Trồng hoa bỉ ngạn có sao không? Hoa bỉ ngạn có độc không? Luyện ngải từ hoa bỉ ngạn có thật không? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.  

hoa bi ngan, man da la, man chau sa

Hoa bỉ ngạn là hoa gì?

Bỉ Ngạn còn có tên khác là Mạn Châu Sa, Mạn Đà La, San Ô Độc, Long Trảo Hoa, Spider Lily, Tử Nhân Hoa, Vong Xuyên Hoa, Hồng Hoa Thạch Toán, U Linh Hoa và Địa Ngục Hoa.

Đây là loại cây họ Ngải, thân thảo, có chiều cao từ 40-100cm, hoa mọc thành chùm, lá thon dài mọc lên từ gốc. Cây mọc sát nhau, hoa có 3 màu chính là màu đỏ, vàng, trắng nhưng phổ biến nhất là màu đỏ.. Bỉ Ngạn màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, Bỉ Ngạn màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa.

  • Tên tiếng Nhật: Higanbana, Shibito Hana, Yuurei Hana, Manjushage, Sutego Hana, Amisori Hana, Tengai Hana, Jigoku Hana…
  • Tên tiếng Anh: Red spider lily, Cluster Amaryllis, Shorttube Lycoris

Mùi hương của hoa này có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác thoải mái nhưng trong cây lại có độc tính nên không được dùng trong y học. Kinh điển Phật giáo thường nhắc đến việc Chư Thiên dùng hoa Mạn Đà La cúng dường Đức Phật, nó cũng chính là nguồn ý tưởng cho sự sáng tạo ra hình thức đàn tràng, các loại pháp khí Phật giáo cũng như nghệ thuật hội họa và kiến trúc Mandala.

Hoa bỉ ngạn có độc không?

Là một loài hoa mọc trên đồi, bên bờ sông, ven đường đi, ngoài bờ ruộng hay rất nhiều bên trong nghĩa địa. Củ của loài cây này thì lại rất độc bởi trong nó có chứa lycorine – chất độc thuộc nhóm alcaloid gây tổn hại không ít đến dây thần kinh.

Và theo truyền thuyết nhiều người xưa kể lại rằng có những người đã tuyệt mệnh bằng cách ăn củ của loài hoa này trong lúc đói. Cũng chính vì thế mà người Nhật họ ghét cay ghét đắng loài hoa này và cho rằng loài hoa này tượng trưng cho sự chết chóc và những điềm gở.

Và theo quan niệm dân gian thì người ta cho rằng loài hoa này chính là cửa ngõ để đi vào thế giới của những người đã chết. Tuy nhiên, cũng có người lại nói rằng vào những ngày mà trần gian gặp lại người âm giới thì bỉ ngạn chính là nơi để trú ngụ cho những linh hồn. Và cái tên của loài hoa này cũng có nguồn gốc từ đó.

hoa bi ngan mau do, man chau sa

Truyền thuyết về hoa bỉ ngạn

Ở cõi Thiên giới có nàng công chúa Châu Nhi, cô và Hoa tướng quân đem lòng yêu nhau say đắm. Hai người đã định xin Thiên đế ban hôn, ai ngờ đúng lúc ở góc trời có yêu ma quấy nhiễu, chàng phải cầm binh đi chinh chiến. Lúc trở về chàng mới biết Thiên đế đã gả công chúa cho Tiên tôn để kết tình hữu nghị, Hoa vào cung cầu gặp Thiên đế giải bày sự việc nhưng Người hạ lệnh giam chàng vào thiên lao. Châu Nhi trốn vào thăm tình quân và họ cùng bàn tính kế hoạch bỏ trốn. Hoa vốn là dòng Thiên tướng pháp lực cao cường, chẳng mấy chốc đã chạy khỏi thiên đình. Thiên đế biết được sai thiên binh thần tướng đuổi theo bắt lại. Cả hai bị binh mã bao vây, giữa trùng vây thập diện mai phục, tiến thoái lưỡng nan, chàng đành ôm lấy nàng, thi triển bí thuật biến hai người thành một loài hoa. Thiên binh thiên tướng không còn biết cách nào để mang họ về, đành đem tâu với Thiên đế và gọi loại hoa này là Mạn Châu Sa. Thiên đế không chấp nhận để thua, ông muốn Hoa và Châu Nhi phải vĩnh viễn phân ly nên đã ban ra trớ chú: "Mạn Châu Sa Hoa, ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn, lá ngàn năm sinh, lá ngàn năm úa. Hoa và lá dù ở trên một cây vẫn là mãi mãi không gặp nhau." Vốn dĩ chàng muốn là tán lá mạnh mẽ, mãi ấp ôm yêu thương và bảo vệ cho những cánh hoa mỏng manh kia, nhưng giờ thì chẳng lẽ ngàn năm ly biệt? Không ngờ hàng vạn năm trôi qua, trớ chú ấy cũng dần phai nhạt, đến một ngày thì hoa và lá cùng nhau bung nở. Thiên đế lại biết được, sai thiên binh thiên tướng mang hoa về trời, hoa và lá cùng bung nở nên đã khôi phục pháp lực, Mạn Châu Sa tìm đường trốn nhưng chân trời góc bể chẳng biết trốn đâu, cuối cùng đành tìm nơi đối nghịch với Thiên giới là Địa ngục mà trú thân.

Thiên binh thiên tướng ráo riết đuổi xuống Địa ngục, chúng sinh ở Ma vực chẳng ưa thái độ cao ngạo của họ và lại cảm thông cho mối tình ngàn năm của Mạn Châu Sa nên đã bênh vực, cuối cùng không ngờ xảy ra một trận Thần Ma đại chiến vô cùng khốc liệt. Tướng sĩ hai bên vong mạng vô số, máu của họ chảy vào gốc cây Mạn Châu Sa và được hấp thụ, hoa từ màu trắng tinh khiết cũng biến thành sắc đỏ yêu dị. Đột nhiên từ trong bông hoa phóng ra một luồng huyết quang chấn động khiến cho kinh thiên động địa, quỷ khóc thần sầu, vầng sáng ấy khiến cho binh tướng hai bên thảy đều tan biến. Chính vì sự chấn động này mà Thiên đế, Tiên tôn, Ma vương, Quỷ vương đều tụ họp xem việc gì xảy ra, Thiên đế vẫn đau đáu muốn mang Mạn Châu Sa về giam cầm nhưng tiếc thay máu của muôn ngàn tướng sĩ chảy vào tích thành oán khí ngút trời, Mạn Châu Sa giờ đây đã vượt khỏi tam giới, siêu thoát ngũ hành, không còn tuân theo quy luật sinh diệt nữa. Oán khí ngàn năm của Mạn Châu Sa tích tụ và đưa lối cho những chúng sinh luân hồi chốn âm ty. Vậy là Thiên đế quyết định để Mạn Châu Sa ở lại dưới cõi hoàng tuyền. Từ đó bên bờ Vong Xuyên dưới cầu Nại Hà có loại hoa đỏ rực dẫn đường cho những đôi tình nhân bị chia cắt, cho những kẻ si tình nhiều oán khí quay lại luân hồi sinh tử và thọ hưởng nhân quả được chú định. Về sau nhân gian còn gọi đó là hoa Bỉ Ngạn.

Bỉ ngạn hoa  

Sau khi truyền thuyết này được luân hồi vô số lần, có một ngày Phật đi ngang qua đây, thấy một gốc cây hoa trên mặt đất có khí độ phi phàm, đỏ rực như lửa, Phật liền đi tới trước mặt nó xem xét tỉ mỉ, chỉ vừa mới xem đã có thể nhìn thấu được huyền bí trong đó. Phật cũng không bi thương, không phẫn nộ, Ngài đột nhiên ngửa mặt lên trời cười dài ba tiếng, đưa tay rút bông hoa này ra khỏi mặt đất. Phật cầm hoa ở trong tay, cảm khái nói:

- “Kiếp trước các ngươi đã bị một lời nguyền  không thể gặp lại nhau,  sau bao nhiêu lần luân hồi, yêu nhau lại không thể nào tay trong tay, cái gọi là phân phân hợp hợp bất quá chỉ là duyên sinh duyên tẫn mà thôi, trên người của ngươi đã có lời nguyền của thiên đình, khiến các ngươi dù duyên tẫn cũng không tán, duyên diệt cũng không phân, ta không thể giúp ngươi cởi bỏ lời nguyền này được, chỉ có thể mang ngươi đi tới miền cực lạc, cho ngươi tha hồ nở rộ ở đó thôi .”

Trên đường đi tới miền cực lạc, lúc đi ngang qua sông Vong Xuyên trong địa phủ,  Phật không cẩn thận để nước sông làm ướt quần áo của mình, mà nơi bị ướt kia lại chính là chỗ Phật cất gốc cây hoa đỏ nọ,  khi Phật tới được bờ bên kia Vong Xuyên rồi, cởi gói đồ của mình ra nhìn lại, liền phát hiện đóa hoa đỏ rực ấy đã biến thành màu thuần trắng. Phật trầm tư chỉ trong chốc lát, liền cười to nói:

- “Đại hỉ  không bằng đại bi,  khắc ghi không bằng quên lãng, đúng đúng sai sai, sao có thể phân rõ được chứ, hoa tốt, hoa tốt nha.”  

Phật đem đóa hoa này trồng ở miền cực lạc,  gọi nó là Mạn Đà La hoa, bởi vì nở ở miền cực lạc (bỉ ngạn), nên còn được gọi là Bỉ Ngạn hoa.

bi ngan hoa trang, man chau sa

Mạn Châu Sa hoa

Thế nhưng Phật không biết rằng, khi Ngài ở trên sông Vong Xuyên, hoa bị nước sông làm phai màu đã đem tất cả màu đỏ của nó để lại dưới nước, suốt ngày khóc thét không ngừng nghỉ, khiến kẻ khác nghe thấy mà bi thương. Bồ Tát Địa Tạng  thần thông phi thường, biết được hoa Mạn Đà La đã sinh trưởng, liền tới bên bờ Vong Xuyên, ném một hạt giống vào giữa lòng sông.

Chỉ trong chốc lát một đóa hoa càng đỏ tươi hơn trước đã bay ra khỏi nước, Địa Tạng bắt lấy nó giữ trong tay, thở dài nói:

- “Ngươi thoát thân đi, còn được tự do tự tại. Vì sao phải đem hận ý vô tận này để lại trong chốn địa ngục vốn đã khổ hải vô biên chứ ? Để ta cho ngươi làm sứ giả tiếp đón, chỉ dẫn linh hồn đi về phía luân hồi, nhớ kỹ màu này của ngươi, cực lạc đã có Mạn Đà La hoa rồi, vậy ta gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa vậy. ”

Sau khi trốn tránh được sự truy sát của Thiên Tướng, Thiên Binh, mặc dù được sự khích lệ của Đức Phật khuyên giải nên quay về kiếp luân hồi nhưng với tình yêu thủy chung giữa Châu Nhi và Chàng Hoa - hai người đã tình nguyện ở lại bên bờ dòng sông Vong Xuyên dòng sông chia lìa sinh tử để làm công việc chỉ dẫn cho các linh hồn đi về phía luân hồi.

Do sống ở trước ngưỡng cửa của Địa ngục nên loài hoa này thường là nơi các hồn ma đau khổ, oan uổng trú ngụ, nương tựa để gợi nhớ lại những kỷ niệm đau buồn. Vì thế Mạn Châu Sa hoa là loài hoa duy nhất mọc và nở dưới hoàng tuyền.

Bỉ Ngạn ở bờ Vong Xuyên:

Khi các chơn hồn đã thọ lãnh nghiệp quả ở Địa ngục, họ sẽ đi qua dòng sông Vong Xuyên. Ở nơi đó, có người sẽ muốn buông bỏ cuộc sống thế tục nhiều đau đớn khổ ải, cũng có người muốn tiếp tục hoàn thành tâm nguyện, khi chúng sinh ở giữa dòng Vong Xuyên sẽ vô cùng bối rối, đau khổ, khi qua khỏi dòng sông quên lãng ấy thì sẽ thấy được an lạc cho nên hai bên bờ gọi là Bỉ Ngạn.

Hai bên bờ sông này có hoa Bỉ Ngạn phủ kín, chơn hồn chọn đường nào để bước tiếp cuộc luân hồi thì hoa Bỉ Ngạn sẽ hiện ra màu sắc ấy. Người ta tin rằng Bỉ Ngạn hoa chính là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho các linh hồn chọn đường siêu thoát, đầu thai hoặc tiếp tục vất vưởng ở dương gian.

Anh linh Bỉ Ngạn hoa:

Nếu Bỉ Ngạn hoa sống hơn 10 năm, hấp thụ linh khí thiên địa mà tánh linh dần thức tỉnh trở thành anh linh Bỉ Ngạn Hoa. Trong truyền thuyết thì Bỉ Ngạn Hoa và Tỳ Bà Tử là một nhóm thường đi cùng nhau trong Hỷ Lạc Thiên, chúng thường dùng sắc hoa và âm nhạc của mình để cúng dường Phật, Bồ tát ở khắp nơi.

Xung quanh người của Bỉ Ngạn Hoa tỏa ra hương thơm dễ chịu, khiến ai ngửi thấy tâm tình cũng thư giãn thoải mái. Mùi thơm của chúng cũng là thứ vũ khí mê hoặc rất nguy hiểm. Nếu để Bỉ Ngạn Hoa bị tổn thương, chúng sẽ hóa thành La Sát Nữ, lúc này toàn thân tỏa ra sát khí khiến tinh thần của kẻ nào tiếp cận sẽ bị trì trệ mệt mỏi. Những chúng sinh lúc sống thường thấu hiểu, đồng cảm và sống chia sẻ với chúng sinh xung quanh, khi lâm chung sẽ thác sanh thành Bỉ Ngạn Hoa.

Hoa Bỉ Ngạn là một loại ngải đặc biệt?

Truyền thuyết kể rằng bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền, khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó.

Chính vì vậy mà hoa bỉ ngạn có ý nghĩa là hồi ức đau thương, phân ly, khổ đau và là vẻ đẹp của cái chết.

Trên thực tế hay có thể nói là trên dương gian này cây hoa Bỉ Ngạn là một cây Ngải khá đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ khi thức ăn của các cây ngải khác là bỏng ngô, trứng gà ta hay thịt gà, huyết heo … Thì thức ăn của cây Bỉ ngạn ( hay còn được gọi là Ngải Khóc hoặc U – Linh Ngải tùy theo các thầy mỗi người gọi một tên khác nhau ) là sự đau buồn, là những tiếng khóc than bi ai. Vì thế nên ở một số nước người ta thường trồng làm cảnh ở vườn hoa, công viên. Chỉ những ai không biết thì mới mang cây về nhà để trồng.

Có người còn cho rằng: khi trồng cây hoa này ở trong nhà thì thường sẽ có nhiều chuyện buồn kéo đến làm cho gia đình gặp phải những chuyện đau buồn không thể ngờ tớ. Vậy nên những bạn thích hoa bỉ ngạn, phần vì vẻ đẹp của nó, phần vì thương cảm cho câu chuyện bi ai trong truyền thuyết mà nghĩ nó là loài hoa cho tình yêu rồi mang vềnhaf trồng thì nên cẩn thận. 

bi ngan hoa, hoa bi nga, man chau sa

Luyện ngải khóc - U linh ngải

Dân gian cho rằng: Các ngải Sư muốn trồng và luyện cây này thường phải mang cây vào sâu trong rừng, trồng cây vào một chỗ kín đáo, đánh dấu lại rồi sau đó hàng đêm ra chỗ trồng cây để luyện. Cây Ngải Khóc này có một năng lượng rất mạnh và có khả năng rủ rê những nàng ngải khác về ở trên cây rồi ỉ ôi buồn rầu, than phiền không chịu đi làm việc giúp cho các Thầy nên khi trồng luyện cây Ngải Khóc thì phải trồng riêng ra một chỗ . Nếu trong điều kiện không ở gần rừng núi thì phải trồng cây Bỉ ngạn riêng ra một mình xa những cây Ngải khác tránh để cây nghe được những tiếng kinh, chú luyện Ngải hàng ngày .

Khi luyện Ngải Khóc thì không cần cho ăn gì cả mà chỉ cần mang Ngải đi đến chỗ có nhiều tiếng khóc than như là nhà tang lễ hay nghĩa trang mà ăn (do cây hoa Bỉ Ngạn rất thích sự đau buồn, tiếng khóc than). Sau thời gian luyện 49 ngày cây hoa Bỉ Ngạn đã trở thành cây ngải có linh tính, lúc này khi cần làm việc gì, cần sai khiến Ngải Khóc đi làm việc các Ngải Sư sẽ bí mật tới chỗ trồng cây đọc chú sai cây đi tới chỗ này chỗ kia để làm việc theo yêu cầu của mình, đa số là gieo rắc các chuyện buồn phiền tới cho người khác. Một khi ngải Khóc xuất hiện ở đâu thì Hỉ thần sẽ bỏ đi ngay không ngự ở nhà đó nữa.

Thường người ta trồng cây Bỉ ngạn ở những nơi công cộng như công viên, vườn hoa vì hoa của cây Bỉ ngạn có sắc đỏ rực rỡ. Ở những nơi đông vui này thì cũng phải 7 năm đến 10 năm cây mới có thể thành cây ngải được mặc dù không có trì chú của các Ngải Sư. Còn nếu được trồng ở nơi có nhiều tiếng khóc than như nhà tang lễ hay nghĩa địa thì sự trở thành cây Ngải của cây Bỉ Ngạn càng rất nhanh vì ở đó chúng luôn được no nê tiếng khóc than mà chẳng phải đi kiếm ở đâu cả.

Cây Ngải Khóc – U Linh ngải là cây ngải thuộc họ Hành - Hẹ nhưng lại có tính năng ngược hẳn với những cây Ngải cũng thuộc họ Hành – Hẹ khác. Khi những cây ngải kia luôn mang lại niềm vui trong lĩnh vực tình cảm hay tài lộc thì cây Ngải Khóc là cây Ngải duy nhất mọc và nở hoa trên đường hai bên bờ con sông Vong Xuyên, luôn mang lại cho con người những nỗi buồn vô cớ. Đó là một cây ngải buồn !

Tổng hợp