04/06/2021 11:47 View: 3506

Cách quan sát tinh thần & CỐT CÁCH của một người

Mỗi người mỗi tính cách, phẩm chất đạo đức, năng lực khác nhau. Có người tính ôn hòa, trầm tĩnh, có người tính mạnh mẽ, quyết đoán. Có người thông minh, tài giỏi; có người vụng về, có người xảo trá. Bài viết này Tamlinh.org sẽ hướng dẫn các bạn cách quan sát tinh thần & CỐT CÁCH của một người.

cot cach mot nguoi

Mười năm đèn sách, mười năm nuôi khí chất là phép tu dưỡng của người xưa.

Cốt cách và khí chất rất quan trọng cho đời người. Anh hùng hào kiệt, chân nhân quân tử là những người có khí chất tốt, cốt cách. Thành công, có địa vị là những người có hình tướng hiển đạt.

Sang hèn (quý - tiện) không phải chỉ căn cứ vào mũ cao áo dài, quan to bổng hậu mà còn phải căn cứ vào khí chất con người.

Khổng Tử cho rằng muốn hiểu được một người thì phải xem động cơ của từng việc làm, quan sát ngoại hình, thần sắc, thái độ của người đó. Tăng Quốc Phiên cho rằng khi nghe tiếng nói và nhận ra nét độc đáo của âm thanh thì chúng ta có thể hình dung được một người, tựa như người đó đang hiện diện...

Tăng Quốc Phiên (1811 - 1872) là một bậc kỳ tài thời nhà Thanh (Trung Quốc), ông được người đời sau mệnh danh là "Trung Hưng Danh Thần" và "Nhất Đại Quan Thánh" (thánh quan một thuở). Trong cuộc đời mình, ông đã làm hai chuyện đại sự kinh thiên động địa: một là, luyện tập quân sĩ vùng Tương (Hồ Nam ngày nay), trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, giúp cho triều đại nhà Thanh sắp diệt vong tồn tại thêm 50 năm nữa; hai là, tổ chức phong trào "Sư di chi trường kĩ" (ý chỉ học hỏi sở trường, điểm mạnh, đặc biệt là kỹ thuật tiên tiến của người Tây Dương) phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc thời cận đại.

Tăng Quốc Phiên có tổng cộng 13 cuốn sách về học vấn, nhưng còn lưu truyền lại đến nay thì chỉ còn Gia Thư và Băng Giám. Từ cuốn Tăng Quốc Phiên gia thư có thể thấy được phong cách đặc sắc của ông trên nhiều phương diện như: chính trị, điều quân, dạy học, trị gia. Cuốn Băng Giám nói đến Thuật nhìn người của ông.

Tăng Quốc Phiên được những người nghiên cứu về Nhân Tướng Học coi là người đại diện cho trường phái xem tướng qua việc nhận xét về Tinh thần khí phách, khí chất.

Thuật nhìn người của ông được vận dụng để phát hiện người có tài năng và dùng người cho công cuộc trung hưng nhà Thanh.

Tăng Quốc Phiên từng nhận xét: “Nhất nhân tinh thần, cụ hồ lưỡng mục. Nhất thân cốt tướng, cụ hồ diện bộ. Tha gia kiêm luận hình hài, văn nhân tiên quan Thần cốt”.

  • Ở đây chữ “ Cụ” là sự thể hiện, biểu lộ
  • Chữ “ Hồ”: Ở, tại
  • Tha gia: Chỉ tầng lớp công, nông, binh, dân thường, phàm phu tục tử.
  • Văn nhân: Chỉ người tầng lớp trên như nhà nho, quan văn, người có học thức.
  • Hình hài: là bề ngoài của cơ thể, dáng vẻ diện mạo của con người.

Ý nghĩa của câu trên là: Thần được biểu lộ ở đôi mắt. Cốt cách, tính khí đều thể hiện trên gương mặt. Người bình thường nhận xét qua hình hài, nhận xét kẻ văn nhân trước tiên phải xét đến thần cốt. Thần cốt được hiểu là thần thái và cốt cách.

Thần cốt được ví như cánh cửa để mở ra nội tâm của con người.

Thần ở đây phải hiểu đó không phải là tinh thần hay tâm thần mà trong Y học người ta hay nói. Thần trong nhân tướng học bao gồm: Ý chí, nghị lực, sự nhận thức hiểu biết, cá tính, sự tu dưỡng, khí chất, thể chất, tài năng, địa vị, kiến thức thực hành từng trải trong cuộc sống là trạng thái tinh thần bên trong của con người.

Cốt cách là tướng xương cốt, nhân phẩm nhân cách.

Thần là biểu hiện của Hình, Hình là chỗ dựa của Thần, Thần được bao hàm trong Hình “Thần tàng vu hình” thần được cất giấu ở trong hình. Thần và Hình có sự liên hệ tương hỗ với nhau không tách rời tách biệt.

Thần, Hình, Khí, Huyết có sự liên hệ với nhau: Hình dưỡng Huyết, Huyết dưỡng Khí, Khí dưỡng Thần. Hình toàn thì Huyết toàn, Huyết toàn thì Khí toàn, Khí toàn thì Thần toàn. Thần ẩn giấu ở bên trong không thể nhìn thấy được, Khí coi dưỡng Thần là gốc của sinh mệnh (Thọ căn).

  • Khí mạnh khỏe thì Huyết điều hòa
  • Huyết khô thì Khí tản, Thần thoát.
  • Mệnh quí hay tiện do thần thanh hay trọc được Hình biểu lộ ra bên ngoài.
  • Mắt sáng thì thần thanh, mắt hôn thì thần trọc.

Thần được phân ra Thanh hay Trọc, Tà hay chính, Động hay Tĩnh. Người ta nhận xét tính chất mạnh yếu của Thần và Hình bằng cách phân biệt Thần hữu dư hay Hình hữu dư, Thần bất túc hay Hình bất túc. Tướng học nhận xét: Thà thần hữu dư mà hình bất túc còn hơn là hình hữu dư mà thần bất túc.

Hình tướng tốt mà không có khí chất tốt vẫn kể là bất túc.

Sách tướng viết: “Cốt vi quân nhục vi thần, xương là vua thịt là bầy tôi”. Xương với khí chất đi liền với nhau cho nên ta có thể gọi là khí chất hay cốt khí hoặc cốt chất đều được cả.

Ngụy Diên đời Tam Quốc có cái xương chồi sau gáy, Khổng Minh coi cái xương đó là tướng tài giỏi nhưng phản trắc. Cốt chất thế nào, khí chất như thế.

  • Cốt chất xấu, khí chất tất hẹp hòi, gian tà, ti tiện.
  • Cốt chất tốt độ lượng, bao dung, sang trọng.
  • Chỉ có tướng da, tướng thịt ngoại hình hiển đạt mà không có cốt tướng hiển đạt thì sự hiển đạt không lâu bền.
  • Chỉ có tướng da tướng thịt ngoại hình quyền cao chức trọng mà cốt chất hèn hạ thì quyền cao chức trọng thật chưa vẹn toàn.
  • Trái lại, tướng da tướng thịt ngoại hình cô hàn bần bạc mà cốt chất cao quý thì thân phận tuy thấp kém nhưng danh đức độ ít người theo kịp.

Cho nên phép xem tướng trước phải xem cốt cách.

Chương tổng luận sách “Thần Tướng Toàn Biên” có chép lời của Thành Hoà Tử giảng như sau:

  • - Tướng mạo thanh cổ, cử động cẩn thận, lễ độ, đàng hoàng, tính tình trầm tĩnh, thanh thản, ăn nói đâu ra đấy, dõng dạc, tinh tế. Đấy là cốt chất của chính nhân quân tử.
  • - Hình mạo cổ quái, cử chỉ âm độc, ăn nói đi đứng tà dâm, thường có sát phạt chi tâm. Đấy là cốt chất của loại người bất thiện.
  • - Hình mạo tú lệ, cử động phong nhã, thông minh sáng suốt, tính tình hòa nhã, ưa học hỏi tu luyện. Đấy là cốt chất của thần tiên.

Những lời trên đây, Thành Hòa Tử muốn cho người đọc thấy hình dung của cốt chất. Đọc kỹ và suy ngẫm sẽ có thể nhận và thấu đáo được.

Để cho rõ hơn xin xem lại lịch sử nước nhà thời hai vị vua Thành Thái và Duy Tân. Cả hai ông chấp nhận từ bỏ ngôi báu chịu thân phận kẻ lưu đầy chứ không làm vua bù nhìn cho bọn Pháp thực dân. Đấy là cốt chất bậc minh quân. Đem so sánh với vua Lê Chiêu Thống sang khóc lóc với Thanh triều rước voi về dầy mồ. Đấy là cốt chất của hôn quân.

Địa vị có thể ngang nhau mà cốt chất khác nhau thì quý tiện cũng khác hẳn. Địa vị cao thấp, hơn kém nhau nhưng cốt chất khác nhau thì quý tiện phải đặt vào sự nghiệp tiếng tăm, chứ không phải đặt ở mũ cao áo dài.

Vấn đề cốt chất hay khí chất xong rồi.

Bây giờ nói về hình tướng của xương cốt.

Cốt vi quân, nhục vi thần. Xương là chủ thể, thịt da là khách thể.

  • Xương thịt cần phải tương xứng.
  • Thịt nhiều xương nhỏ không được.
  • Thịt ít xương thô không được.
  • Tối kỵ người lúc nào cũng co ro như rét, sách tướng gọi là cốt hàn. Tướng cốt hàn thì nghèo, hèn chết non.

Về tướng xương, sách Khâu Ngọc Quảng viết: - “Đốt xương ví như kim thạch, cần vút cao lên chớ ngang ngạnh ra, tròn trịa đừng thô. Người mập nên béo lẳn không lộ thịt, người gầy nên vững chắc không khẳng kheo lộ xương. Xương thịt tương xứng khí sắc tương hòa là tốt. Cốt hàn xương co quắp phi yểu tắc bần”.

Sách “Thông Tiên Ngữ” viết:
- “Quyền cốt (xương gò má) cao, nở rộng với ngọc trẩm (xương sau ót giữa gáy và đỉnh đầu) u lên là làm quan to trong triều đình”.

Ông Thành Hòa tử nói:
- “Quyền cốt cao nhưng thô, mặt mày nở nhưng thịt mỏng hoạn lộ lao đao. Da dầy xương nặng, khí tục là nông phu. Xương quá lớn là thợ thuyền”.

Sách “Cửu Cốt Ca” viết:

“Phong long quang nhuận khí bột bột
Tiên lập triều ban chấp ngọc hốt”.

Phong long quang nhuận nghĩa là xương vững chắc, đầy đủ, cân đối, sáng sủa trông đẹp như một tác phẩm điêu khắc. Khí bột bột nghĩa là còn thấy nó có lực chưa hết, chưa tàn, trông khỏe như cành cây, thân cây được chăm non vun bón.

Cũng sách “Cửu Cốt Ca” có những câu:

  • - Có thịt không xương thì đi hầu.
  • - Có xương không thịt không ngôi vị.
  • - Quyền cốt chạy dài đến thái dương được dịp là làm loạn.
  • - Sống mũi cao thẳng lên trán quan cư thượng phẩm.
  • - Sau gáy xương nổi như cái trứng gà (ngọc trẩm) thông minh, minh mẫn.
  • - Quý cốt thiếu niên thị đế đình,

Vô quý cốt giả chung bạch đinh. (Có xương quý thành công sớm, không có thì suốt đời làm bạch đinh).

Cốt tướng lấy đầu làm chủ cho nên xem tướng chỉ cần xem xương sọ.

Xương đầu đã hỏng thì các xương khác không đáng kể nữa.

Về sau, những giang hồ thuật sĩ lập ra một lối xem tướng sờ xương dành cho những người mù. Để thêm phần quan trọng, họ nắn cả từng xương ngón tay ngón chân. Thật ra chỉ cần nắn xương sọ là đủ.

Giết tướng giặc, đám giặc phải tan. Đầu cũng như ông tướng giặc của thân thể. Nhìn một người nếu thấy người đó đầu quả muỗm, nhỏ mà thiếu góc cạnh, chẳng cần coi thêm, ta có thể hạ ngay một câu: Tướng chung thân bần khổ.

Tổng hợp