Không có cuốn sách giáo khoa hướng dẫn cách điều trị trẻ tự kỷ tại nhà tổng thể nào cho tất cả. Tamlinh.org chỉ liệt kê ra đây những gì các bạn cần làm, dựa trên kinh nghiệm của một phụ huynh sau gần 10 năm biết đến tự kỷ.
Đây là danh sách những gì bạn cần làm một cách tổng thể, toàn diện (lưu ý là những can thiệp này nhiều khi hòa trộn lồng ghép vào nhau trong cùng một bài học):
- - Can thiệp hành vi
- - Can thiệp giao tiếp - ngôn ngữ
- - Can thiệp vận động, điều chỉnh rối loạn giác quan
- - Can thiệp y sinh (nếu có những vấn đề về sức khỏe và/hoặc nếu thấy tin tưởng một trị liệu y học nào đó)
Bạn phải làm các can thiệp trên trong các hoạt động sau:
- - Chơi cùng con
- - Làm cùng con: dạy con các kỹ năng tự phục vụ bản thân và làm việc nhà
- - Học cùng con: từ mẫu giáo đến học nghề
- - Đưa con vào môi trường hòa nhập: nhóm bạn tại nhà, các điểm công cộng, trường học, chỗ làm việc, hoạt động cộng đồng...
Trước hết, bạn cần ổn định tinh thần, không sợ hãi, không trông chờ người khác, dừng việc đi hỏi lung tung khắp nơi xem ở đâu có chỗ can thiệp tốt không, bác sĩ tốt không, giáo viên tốt không, rồi đưa con đến trăm sự nhờ họ mà bản thân mình thì chả hiểu gì. Bạn bình tĩnh bắt đầu theo những bước sau nhé:
Bước 1: Phụ huynh tìm hiểu và nhập cuộc
- Hiểu về tự kỷ:
Tự kỷ là khuyết tật chưa có biện pháp nào chữa khỏi, nhưng có thể can thiệp để có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Can thiệp là một quá trình dài nên gia đình phải tham gia chứ không có nơi nào hoàn hảo để gửi gắm hết.
- Chẩn đoán và đánh giá:
Bạn đưa con đến gặp chuyên gia để làm chẩn đoán và đánh giá kỹ càng. Nên tìm đến chuyên gia có bằng cấp đào tạo rõ ràng về rối loạn phát triển, tự kỷ hoặc giáo dục đặc biệt. Chuyên gia phải làm việc riêng với con bạn ít nhất một vài giờ, và bạn được tham gia vào quá trình đó. Bạn được hỏi đáp các vấn đề của con và được nhận một bản đánh giá về con, cùng với hướng can thiệp hoặc kế hoạch can thiệp. Bạn có thể gặp một vài chuyên gia và so sánh kết quả. Việc này có làm bạn tốn phí một khoản tiền nhưng đó là cần thiết. Mỗi chuyên gia chỉ giỏi và sâu một hoặc một vài lĩnh vực thôi.
- Sắp xếp lại cuộc sống và công việc của bản thân:
Mỗi ngày bạn phải dành ra ít nhất vài giờ để thực hiện chơi, học, làm việc nhà cùng con. Có thể phân công cho các thành viên gia đình hoặc thuê thêm giáo viên, người giúp việc...
- Tìm kiếm các khóa học dành cho phụ huynh và đọc tài liệu:
Tài liệu nói là nhiều nhưng cũng không nhiều lắm đâu. Tài liệu chính thống đã tải lên đây bạn cứ đọc dần khoảng 1,2 tháng là hết. Còn các khóa học thì khó mà có hệ thống được, bạn tìm được khóa nào thì học khóa đấy thôi, nhớ lưu ý học khóa do người có bằng cấp hoặc nơi có uy tín mở. Học đủ nhiều sẽ tự biết sắp xếp kiến thức lại.
- Bắt đầu chơi và làm việc nhà cùng con
Nếu chưa có kinh nghiệm lắm thì cứ chơi như chơi với trẻ thường, miễn sao làm con vui là được. Sau đó học được những kỹ năng từ tài liệu hoặc từ chuyên gia thì bắt đầu áp dụng dần.
Bước 2: Thực hiện can thiệp chuyên sâu và bài bản hơn
- - Hiểu rõ về mặt mạnh mặt yếu của con mình và hướng can thiệp tốt nhất cho con
- - Học và đọc để hiểu sâu dần về các phương pháp, các trường phái khác nhau trong việc trị liệu tự kỷ. Suy nghĩ và lựa chọn phương pháp phù hợp trong từng giai đoạn. Quyết định chi tiền hay thuê chuyên gia cho phương pháp nào mình tìn tưởng và thấy phù hợp.
- - Lập kế hoạch can thiệp theo ngày, tuần, tháng. Trong kế hoạch phải có các mục tiêu cần đạt được và các bước, các bài để đạt được mục tiêu đó
- - Tham gia các diễn đàn để trao đổi, thảo luận cũng như chọn lọc thông tin
Bước 3: Liên kết cộng đồng
- - Tham gia các nhóm cha mẹ để cùng tổ chức những hoạt động cho con như lớp kỹ năng, chương trình vui chơi, học tập, học nghề... Tổ chức các hoạt động cho cha mẹ như tìm hiểu các nghiên cứu mới, các mô hình hỗ trợ cho người tự kỷ
- - Tìm hiểu và tham gia vận động nhận thức cộng đồng và vận động chính sách xã hội. Một xã hội có nhận thức đúng và nhân văn thì cuộc sống của người tự kỷ (trong đó có con mình) sẽ an toàn và hạnh phúc hơn.
Chi tiết KINH NGHIỆM điều trị trẻ tự kỷ từ phụ huynh
Chúc các cha mẹ mới can đảm và vững tin lên nhé.
Tamlinh.org (chia sẻ từ mẹ Mai Trần)