04/06/2021 11:40 View: 13828

Bí ẩn về 12 đường kinh lạc trên cơ thể: Kinh lạc tắc nghẽn vạn bệnh sinh

“Kinh lạc tắc nghẽn vạn bệnh sinh”, cơ thể có 12 đường kinh lạc vận hành có quy luật theo từng giờ rất rõ ràng. Để hiểu rõ hơn về các đường kinh lạc của từng tạng phủ, bài viết dưới đây giúp mọi người hiểu để tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình và gia đình.

12 kinh lac, chua benh

1. Thủ thái âm Phế kinh

Đây là kinh khởi nguồn đầu tiên của 12 kinh lạc tuần hành nên còn được gọi là: “ Lục phủ ngũ tạng chi hoa cái”.

Tuần hành vào giờ Dần (từ 3-5 giờ sáng): đưa máu mới qua Phế (phổi) trao đổi khí cac bonic lấy oxy rồi về Tâm (tim) để đưa huyết dịch đi nuôi toàn thân. Giờ Dần ngủ tốt thì sắc da hồng, linh hoạt, tinh khí mạnh hay nguyên thần đầy đủ.

Giờ này vệ khí đi sâu bên trong cơ thể không còn bảo vệ và đóng mở lỗ chân lông nữa nên lúc này thân nhiệt hạ xuống, tà khí rất dễ xâm nhập vào bì mao do các lỗ chân lông bị bỏ ngỏ. Tà khí xâm nhập vào trong sẽ theo đường kinh chạy thẳng vào Phế gây bế tắc. Người bị tà khí nhập sẽ phát bệnh mạnh nhất vào giờ Dần, đột ngột ho từng cơn mạnh hay thở khò khè hen suyễn, khó thở… .

Dưỡng sinh:

Giờ này nên thức dậy uống một ly nước ấm hoặc ly nước gừng để bổ dương cho cơ thể, thực hành các động tác thể dục giúp máu lưu thông được tốt, khi cơ thể hoạt động thì vệ khí đi ra ngoài điều khiển đóng mở chân lông không cho tà khí xâm nhập, vệ khí đi đến đâu người ấm lên đến đó, Phế sẽ khỏe lại và hết các cơn ho. Giờ này chữa bệnh cho Phế là hiệu quả nhất và người bị bệnh phổi cũng dễ ra đi giờ này nhất. Ban đêm không nên ngủ nơi có gió lùa và phải mặc quần áo để tránh gió là vì vậy.

Chủ trị:

Ho hắng, hen suyễn, hụt hơi, khái huyết, hầu họng, sưng đau, trúng gió, tức ngực, hố trên xương đòn và cạnh trong phía cánh tay đau, tê, bả vai buốt lạnh.

Kinh gồm có 11 huyệt, hai bên 22 huyệt nhưng khi chữa bệnh chỉ cần dùng các huyệt: Trung phủ, Xích trạch, khổng tối, Liệt khuyết (huyệt lạc), Kinh cử, Thái Uyên (huyệt nguyên), Ngư tế, Thiếu thương.

2. Thủ dương minh Đại tràng kinh

Giờ Mão (5-7 giờ sáng):

Giờ Mão Đại tràng hoạt động thải chất độc và cặn bã.“Phế và Đại tràng tương quan biểu lý”. Phế mang máu mới đến Đại tràng giúp Đại tràng đi vào trạng thái hưng phấn, hoàn thành quá trình hấp thụ dinh dưỡng trong đồ ăn, thải chất cặn bã, đây là thời gian đại tiện tốt nhất, nên tập thói quen đi đại tiện vào giờ này. Tân dịch của Phế và Đại tràng có quan hệ mật thiết với nhau. Khi tân dịch của Phế giảm thì tân dịch của Đại tràng giảm theo và ngược lại khi tân dịch của Đại tràng giảm thì kéo theo tân dịch của Phế cũng giảm theo nên khi muốn nhuận tràng thì thêm thuốc nhuận Phế hoặc khi muốn nhuận Phế thì phải có thêm thuốc nhuận Tràng.

Nếu khí lực của Đại tràng quá vượng thì phân được truyền tống nhanh, dẫn đến không đủ thời gian tế bí biệt trấp gây tiêu chảy, ngược lại khí lực của Đại tràng kém thì truyền tống chậm, phân lưu lại lâu tại Đại tràng dẫn đến tế bí biệt trấp nhiều hơn, phân khô hơn và gây táo bón.

Dưỡng sinh:

Sau khi vận động thể dục xong nghỉ 10-15 phút để ổn định lại huyết mạch rồi đi vệ sinh thải những chất cặn bã tích trữ của ngày hôm trước. Các bệnh của Đại tràng thường trở nặng vào giờ này.

Chủ trị:

Đau bụng, sôi bụng, ỉa chảy, lỵ, hầu họng sung đau, răng đau, mũi chảy nước trong, đau trước vai, đau ngón tay trỏ, sốt nóng hoặc rét run.

Kinh gồm 20 huyệt, hai bên 40 huyệt nhưng chỉ cần dùng các huyệt: Hợp cốc (huyệt nguyên), Dương khê (huyệt lạc), Thủ tam lý, Khúc trì, Tý nhu, Kiên ngung, Đại chùy, Nghinh hương.

3. Túc dương minh Vị kinh

Giờ Thìn (7- 9 giờ sáng):

Giờ này thủy cốc trong Vị (dạ dày) không còn, Tiểu Tràng và Đại tràng đều sạch sẽ, dinh dưỡng tích trữ của cơ thể đã vơi nên cơ thể cần nạp thêm năng lượng. Đây là thời gian nên ăn sáng để ổn định dinh dưỡng. Ăn sáng vào giờ này dễ tiêu hóa, hấp thu tốt. Vị tính ghét thấp nên thức ăn dạng thấp vị không nghiền nát được,Tỳ (lách) không vận hóa được thức ăn, Vị không truyền tống được thức ăn xuống Tiểu trường nên thức ăn tích lại ở Vị gây vị khí nghịch dẫn đến đầy bụng, nôn ói… Đồ ăn quá khô nóng sẽ làm nóng Vị khiến môi khô nẻ, nhiệt… Còn nhịn ăn sáng sẽ dễ bị bệnh tật.

Dưỡng sinh:

Ăn sáng bằng các loại thức ăn ấm nóng. Nếu Vị đói sẽ không ngừng tiết axít, lâu dần sẽ gây loét dạ dày, viêm dạ dày, tá tràng, túi mật… Sau khi ăn khoảng một giờ có thể mát xa kinh Vị giúp điều tiết công năng của Vị. Các bệnh của Vị thường khởi phát và trở nặng vào giờ này.

Chủ trị:

Sôi bụng, chướng bụng, đau dạ dày, nôn mửa, chảy máu mũi, liệt mặt, hầu họng sung đau, đau ngực bụng, đau trên đường kinh đi qua, sốt đau.

Kinh gồm 45 huyệt, hai bên 90 huyệt khi chữa bệnh chỉ dùng các huyệt thông dụng là: Cự liêu, Địa thương, Giáp xa, Lương khâu, Độc tỵ, Túc tam lý, Phong long( huyệt lạc), Giải khê, Xung dương (huyệt nguyên), Hãm cốc, Nội đình, Lệ đoài.

4. Túc thái âm Tỳ kinh

Giờ Tỵ (9-11 giờ trưa)

Tỳ(Lách) là cơ quan điều hành toàn bộ việc tiêu hóa, hấp thu, bài tiết, lại quản về huyết. Công năng của Tỳ tốt thì việc hấp thu và tiêu hóa tốt, chất lượng huyết tốt, môi sẽ hồng mịn. Môi trắng cho thấy khí huyết không đủ, môi thâm cho thấy khí lạnh nhiễm kinh Tỳ. Tỳ ưa táo mà ghét thấp, vận hóa thức ăn là nhiệm vụ của Tỳ dương và Tỳ khí tuy nhiên để cho vận hóa được Thủy cốc cũng cần phải có sự hỗ trợ của Tỳ âm. Do Tỳ âm được nuôi dưỡng bằng tinh khí từ vận hành của Tỳ dương nên trừ khi chỉ có nguyên nhân làm tổn thương trực tiếp đến Tỳ âm, nếu không thì Tỳ âm chỉ hư khi mà Tỳ khí đã hư trước đó. Vì vậy trên lâm sàng ít khi gặp chứng Tỳ âm hư mà thường hay gặp Tỳ dương hư hoặc Tỳ khí hư.

Dưỡng sinh:

Tỳ vị bất hòa, tiêu hóa và hấp thu không tốt, Tỳ hư khiến trí nhớ suy giảm… Đây là thời gian kinh Tỳ vận hành khai huyệt, cũng là thời gian bảo vệ Tỳ tốt nhất, các bệnh của Tỳ thường phát vào giờ này.

Chủ trị:

Chướng bụng, đau dạ dày, nôn mửa, ỉa chảy, đầy hơi, vàng da, cứng lưỡi, đau tức cạnh trong đầu gối và đùi

Kinh gồm 21 huyệt, hai bên 42 huyệt nhưng khi chữa bệnh chỉ cần dùng các huyệt: Ẩn bạch, Đại đô, Thái bạch (huyệt nguyên), Công tôn (huyệt lạc), Tam âm giao, Địa cơ, Âm lăng tuyền, Huyết hải, Đại đao.

5. Thủ thiếu âm Tâm kinh

Giờ Ngọ (11-13 giờ):

“Tâm chủ thần minh, khai khiếu ở lưỡi, phát ở mặt”. Tâm chủ huyết mạch gồm 3 chức năng riêng biệt, Tâm dương hóa đỏ dinh thành huyết, Tâm khí thúc đẩy huyết vận hành đều đặn toàn thân, Tâm âm nuôi dưỡng mạch lạc toàn thân. Tâm và Phế phối hợp đưa huyết dịch đi nuôi dưỡng và ôn ấm các cơ quan tạng phủ trong cơ thể. Khi Tâm khí suy huyết hành vô lực dẫn đến huyết ứ trệ gây bệnh lý.

Tâm chủ hành huyết, Tâm tàng thần, huyết dưỡng thần, huyết là nơi trú ngụ của thần. Do đó, có mối quan hệ giữa huyết và thần. Khi có sự rối loạn của huyết đều được phản ảnh đến Tâm thần nên các chứng do huyết ứ cần cần chú ý đến Tâm thần. Tâm âm nuôi dưỡng mạch lạc, khi Tâm âm suy sẽ làm mạch lạc xơ cứng, giòn dễ vỡ gây xuất huyết.

Dưỡng sinh:

Giờ Ngọ nên nghỉ ngơi để an thần dưỡng tinh khí.. Một giấc ngủ ngắn vào giờ Ngọ có tác dụng dưỡng Tâm rất tốt, giúp buổi chiều tối sinh lực tràn đầy.

Chủ trị:

Đau tim, miệng khát, mắt vàng, sườn đau, hoặc cạnh trong bàn tay đau, long bàn tay nóng.

Kinh gồm 9 huyệt, hai bên 18 huyệt: Cực tuyền, Thanh linh, Thiếu hải, Linh địa, Thông lý (huyệt lạc), Âm khích, Thần môn (huyệt nguyên), Thiếu phủ, Thiếu xung.

6. Thủ thái dương Tiểu tràng kinh

Giờ Mùi (13-15 giờ):

Giờ Mùi phân trong đục, uống nước giúp hạ hỏa. Tiểu tràng (ruột non) phân biệt thanh trọc, Thủy cốc qua quá trình nghiền nát của Vị và vận hành của Tỳ, được truyền tống xuống Tiểu tràng. mặc dù được Tỳ vận hỏa lấy đi một phần tinh khí, tuy nhiên một số tinh chất vẫn còn tồn tại trong đó, nên khi xuống đến Tiểu tràng thức ăn một lần nữa được hỏa của Tiểu tràng gạn lọc lấy tiếp. Phần tinh khí này cũng được Tỳ vận lên Phế. Nếu dương khí của Tiểu tràng suy yếu, không thể phân thanh giáng trọc được, dẫn đến Đại tràng không thể thực hiện chức năng tế bí biệt trấp mà gây nên tiêu chảy.

Dưỡng sinh:

Tiểu tràng kinh vào giờ Mùi điều hòa dinh dưỡng trong ngày. Nếu tiểu tràng kinh nóng sẽ dễ ho khan, trung tiện. Lúc này uống nhiều nước, uống trà có lợi cho tiểu tràng thải độc hạ hỏa. Nếu Tiểu tràng nóng quá hay hàn quá sẽ cảm thấy đầy hơi trong bụng, khó tiêu nếu để lâu sẽ gây nên bệnh Đại tràng.

Chủ trị:

Tai điếc, mắt vàng, cổ sung, họng đau, bụng dưới đau, vai và phía sau cánh tay đau.

Kinh gồm 19 huyệt, hai bên 38 huyệt, khi chữa bệnh chỉ cần dùng các huyệt: Thiếu trạch, Hậu khê, Dương lão, Tiểu hải, Thiên tông, Kiên trinh, Quyền liêu, Thính cung, Uyền cốt (huyệt nguyên), Chi chính (huyệt lạc).

Xem tiếp PHẦN 2: 12 ĐƯỜNG KINH LẠC