Tamlinh.org vui lòng cho tôi hỏi, nếu hàng ngày trì chú 108 biến chú Dược Sư và 21 biến chú Đại Bi tại nhà có được không? Không hiểu sao trong thời gian trì chú mình tự cảm thấy mình nóng tính hơn.
Trả lời: Có rất nhiều quan điểm về việc trì tụng chú Đại Bi, tuy nhiên, tất cả các sư thầy đều khuyên chúng ta nên trì tụng chú Đại Bi tại chùa hoặc ban thờ Phật tại nhà.
Lý do tại sao thì rất ít người đề cập đến, tuy nhiên, với hiểu biết hạn hẹp của mình thì Tamlinh.org xin chia sẻ hai quan điểm như sau:
1: NÊN TRÌ TỤNG CHÚ ĐẠI BI TẠI CHÙA HOẶC TRƯỚC BAN THỜ PHẬT TẠI NHÀ
Một số thầy tâm linh cho rằng: với chú Dược sư bạn có thể trì niệm tại nhà. Nhưng với chú Đại bi thì không nên, chỉ nên trì chú Đại bi khi nhà bạn có ban thờ Phật. Tại sao lại vậy?
Trước khi trả lời câu hỏi này, bạn cần phân biệt rõ Kinh Phật và Thần chú của nhà Phật, cần hiểu rõ ý nghĩa của từng loại, ứng dụng thực tế cũng khác nhau. Nếu như Kinh Phật viết ra để mọi người đọc và làm theo lời Phật dạy thì mỗi bài chú (or mỗi câu chú) lại có công năng và oai lực riêng.
Không nên trì chú Đại Bi ở nhà khi không có ban thờ Phật?
Theo một số người: "Chú Đại Bi. Là Phật Bà Quán Thế Âm dùng Hồng danh 81 vị Phật chuyên tiêu giải tà quỷ, diệt ma linh. Uy lực rất lớn, khi trì tụng cùng pháp đàn, nhiều người cùng trì, sẽ sinh ra một luồng sức mạnh tống đẩy, hút hết các linh hồn, tà linh, âm linh trong phạm vi tác động... đưa về cõi Không không, cõi A Di Đà. Nhưng nếu hiểu rằng, các vị vong linh, còn lang thang nơi cõi này, là vì duyên nghiệp chưa dứt, còn phải tu hành để trả nghiệp, hoặc còn phải trầm luân nơi lục đạo luân hồi... thì họ làm sao mà đi được.
Khi bạn trì tụng tại nhà, chú vẫn có tác dụng, tác động đến họ, nhưng không đủ lực siêu dẫn họ đi... mà lại vô tình như đánh vào người họ, công phu tu tập bị ảnh hưởng... sẽ sinh niềm hận.
Mỗi loại thần chú, đều có tác dụng mạnh yếu, dùng trong các trường hợp khác nhau. Đồng thời, các bạn cũng phải hiểu trì chú Đại bi cũng là đang nguyện trả nghiệp nên phải cân nhắc khi trì tụng. Nếu nghiệp quả còn gánh nặng thì nên trả dần dần vì cái gọi là Nghiệp thì khó trả hết một lần lắm. Các bạn nếu có thời gian nên ghé các chùa và trì tụng chú Đại bi tại chùa, sẽ được chư Phật gia trì thêm cho sức mạnh.
Những người yếu bóng vía cũng nên cẩn thận khi trì chú, các bạn đọc kinh làm theo lời Phật dạy thì rất tốt, nhưng trì chú thì nên có ban thờ Phật hoặc tốt nhất là lên chùa trì tụng cùng các sư thầy. Nếu muốn tạo phước hãy năng đi chùa, công đức, từ thiện, giúp người nghèo khổ khó khăn là đã và đang tạo phước rồi."
Trên thực tế, dù là người có tín tâm và tín lực gia trì khi tụng kinh độ âm, ban đầu vô cùng lợi lạc nhưng vì số lượng vong linh lang thang, vong hữu duyên và cả vong oan gia theo nhau mà kéo đến càng đông, đến một lúc nào đó tự thân tín niệm gia trì của người tụng trở nên quá yếu và không đủ lực gia trì độ âm cho vong kéo đến xin độ nữa, thì tự khắc những âm khí xung quanh quá lớn ám vào người tụng. Điều này khiến riêng khí huyết cũng suy giảm mà thần hồn cũng kém đi, thành ra ngày càng mệt mỏi, cơ thể suy yếu, sắc diện kém, dễ nổi sân, cáu gắt vô cớ…
Nếu không hiểu và không biết điểm dừng, biết cách thức kiềm chế kiểm soát vong ma kéo đến hoặc tạm thời dừng tụng kinh độ âm đúng lúc để gia trì thêm khí huyết bản thân và kêu cầu thổ địa, gia tiên, thậm chí có lễ kêu cầu Thành Hoàng bản cảnh gia hộ đuổi bớt vong ma …nếu được chấp thuận và hỗ trợ thì dần dần sẽ trở lại bình thường. Sau khi có chuẩn bị vững mạnh hơn về khí huyết, tâm tính trở lại bình thân thuần thiện và được sự gia hộ thì bắt đầu tụng tiếp cũng chưa muộn.
Nếu cứ u mê phiến diện cho rằng cứ tụng liên tục không suy xét là có lợi lạc, thì đến khi khí huyết suy kiệt khó lòng gượng dậy và lúc này tụng kinh cũng không thể có tín lực gia trì nữa, thành ra tụng suông tụng bừa… lợi bất cập hại như trường hợp những người tụng kinh không đủ tâm đủ tín.
Vậy ở nhà muốn trì chú thì nên trì chú gì?
Các bạn có thể tụng các bộ Kinh điển của nhà Phật, Phật ở tại tâm, nên không nhất thiết phải có ban thờ ở nhà. Mà khi đọc kinh các bạn nên nhất tâm hướng Phật là được
Ngoài kinh Phật các bạn cũng có thể trì niệm chú Dược sư để cầu an gia đình, sức khoẻ, tinh thần minh mẫn. Khi trì chú thì quay mặt Hướng Đông. Nếu các bạn đi ở trọ thì không cần trang thờ hay treo hình. Quan trọng là giữ lễ, chứ thờ mà không đủ lễ thì sẽ tội thêm.
2: TU TẬP TỐT, TĨNH TÂM KHI TRÌ NIỆM THÌ TRÌ CHÚ ĐẠI BI Ở ĐÂU CŨNG ĐƯỢC
Bên cạnh quan điểm trên, cũng có quan điểm cho rằng: Chú Đại bi không phải là tâm chú mạnh nhất nhưng cái tâm người trì tụng mới là chìa khoá..Tâm không tĩnh, nhắm mắt mà trì thì mới là nguy hiểm. Đại bi tâm chú còn có thể dùng hộ thân lấy khí nên với những người tu tập tốt, tĩnh tâm được khi trì niệm thì không cứ ở nhà mà ở đâu cũng có thể trì chú Đại bi.
Tụng kinh
Trì chú
Niệm Phật....
Cách hành trì khác nhưng đích đến thì không.
Tụng là đọc thành tiếng rõ ràng những câu chữ trong kinh. Do tâm duyên trú theo lời kinh nên nhớ câu kinh. Do duyên nhớ câu kinh thì tâm không chạy. Nhờ không chạy mà được tâm yên ổn.
Trì chú niệm Phật cũng vậy.
Như vậy cốt lõi của việc tụng kinh là để nhất tâm, an ổn. Như vậy tụng mỗi thời kinh, mỗi giờ mỗi phút thì mình cảm thấy nhẹ nhàng, buồn phiền dứt sạch. Đó là đúng
Còn tụng kinh để mong cầu cho Phật bồ tát cứu khổ cứu nạn, mong cầu linh ứng, tuy không phải là sai nhưng mà bị lầm lỗi.
Còn việc đọc kinh đọc chú, mà thấy điều nọ điều kia, thấy nhiều trở ngại, khó khăn, tai hoạ ....cũng không phải gì lạ. Đó là hiện tượng rất bình thường, những chướng ngại khi niệm Phật mà tất cả những người Phật tử đều nên biết.
Nói để dễ hiểu hơn thì điều này cũng giống như việc ở thế gian nếu mình hay đi cùng nhóm bạn hư, đến khi mình quay lại tu tập ngoan hơn thì nhóm bạn này sẽ tìm cách quấy phá để kéo mình lại con đường hư cùng họ.
Việc chúng ta tu tập tại gia, đọc kinh trì chú ở đây cũng vậy, khi mình cố gắng tu tập luôn có những chướng duyên nghịch cảnh xuất hiện để cản trở, để phá đường tu tập của mình. Hay những oan gia trái chủ họ theo để phá....
Không những người tụng kinh trì chú, mà người ngồi thiền cũng gặp những chướng duyên.
Ngay cả Đức Phật ngồi thiền khi xưa cũng bị ma vương quấy phá, vậy giờ đây chúng ta gặp khó khăn một chút đã là gì.
Khi Phật bị quấy phá ngài có chạy trốn hay hô hoán người cứu chăng? Không, ngài chỉ dùng trí tuệ để phá ma vương. Vậy thì bây giờ chúng ta cũng vậy.
Khi mình quyết tâm tu dưỡng thì những chướng ngại kéo tới, phá mình thì mình lại phải càng cố gắng,
Dùng trí để soi, biết rằng đây là nghịch cảnh nợ nần chướng duyên của mình gây hoặc người ta thử thách. Như vậy thì chúng ta càng nỗ lực tu, họ phá nếu mình biết cách tu sẽ càng chóng tiến.
Và như thế cũng để biết rằng tại nghiệp mình nặng nên khi tụng kinh trì chú xong các bạn nên hồi hướng cho họ, sám hối xong cũng hồi hướng hết cho họ. Mong họ từ đòi nợ chuyển sang hộ trì quá trình tu tập giúp mình, cùng tu tập với mình.
Như vậy các bạn sẽ không còn phải sợ hay lo lắng việc tụng kinh, trì chú ở đâu mới tốt.
Cứ việc tu hành tụng niệm...
Chướng duyên tới càng tinh tấn.
Đừng sợ, dần dần các nghịch cảnh sẽ hết.
Làm việc thiện phước - Long thần hộ pháp sẽ hộ trì. Đừng sợ.
"Khi các con biết tu là lúc cuộc đời bắt đầu thử thách đạo tâm con, con phát nguyện ăn chay thì thời điểm đó những món ngon xuất hiện mời gọi con nhiều hơn, con phát nguyện thương người thì thời điểm đó sẽ có nhiều người không dễ thương sẽ đến bên con.... Thử thách chỉ là chuyện nhỏ nếu đạo tâm con đủ lớn mạnh."
--------------------------
Nhà e không có ban thờ Phật, trước khi đi ngủ em hay ngồi trên giường mở Chú Đại Bi 5 biến trên youtube và đọc theo (em đang ở trọ ạ). E đọc được 1 thời gian thì cứ tầm nửa đêm con em lại khóc ré lên (cháu đã 5 tuổi rồi ạ). Em cũng sợ nên không đọc nữa thì bé không khóc nữa. Khi nghe pháp, e thấy các sư nói về công năng của chú đại bi, em rất tin, em lại tiếp tục đọc, nhưng e cũng rất sợ. - Hoà Đinh
-----------------------
Lúc trước em hay đọc chú đại bi 7 biến truớc khi ngủ. Nằm nguyện và đọc chú xong rồi ngủ luôn. Nhưng từ lúc có biến cố lớn. Em không còn đọc nữa. Nay em đọc được bài này, chắc do em đọc chú này là nguyện trả nghiệp nên phải trả thật - Duyên Đoàn
-----------------------
Trước đây mình có đọc cả chú đại bi do bị ma tà quấy nhiễu làm điên đảo thân tâm. Quả thực là khó nhớ nhưng sự khổ sở phải chịu đựng khiến mình quyết tâm. Sau đó không hiểu có được hưởng sự nhiệm màu không. Nhưng sau này ma quỷ không trêu ghẹo quấy nhiễu nữa. Đêm ngủ rất ngon. Sau vì bản thân mang quá lắm bệnh mình lại đọc kinh dược sư. Không biết như thế nào nhưng vô tình mình lại biết được các bài thuốc dân gian chữa bệnh rất rẻ tiền. Tìm hiểu thật sự không đến nơi đến chốn. Chỉ là lúc ngủ chắp tay niệm vậy thôi. Còn bài kinh dược sư trên youtube các thầy niệm như nào mình đọc nguyên như vậy. Thật sự các bài kinh Phật dạy cho chúng ta rất nhiều chứ không còn là những câu chữ vô nghĩa. Nay lại đọc được bài này của bạn thật sự lại mở mang tầm nhìn. Cảm ơn bạn - Huy Trần
-------------------------
Đức Phật có chỉ rằng: Người mà nghe kinh nghe pháp, tụng kinh, trì chú, niệm Phật mà tự dưng phát khóc, hoặc sởn gai ốc.... Là bởi duyên lành nhiều đời nhiều kiếp với phật pháp mà giờ đây có duyên gặp lại thì có hiện tượng vậy. Ví như mình có người yêu thương mà họ lại phải đi xa, bẵng thời gian có duyên gặp lại thì mình cũng vui mừng cảm xúc lạ thường vậy. Tuy nhiên nói là duyên tốt. Nhưng mà hoài thì không tốt. Tại sao?
Tác dụng của chú là để tâm yên định lắng lặng, còn diệu dụng là cái phụ. Nói trì chú
- Trì là nắm giữ
- Chú là mật ngữ
Câu chú là mật ngữ mà mật ngữ thì không giải nghĩa. Vì không biết nghĩa nên cứ trì tụng thao thao bất tuyệt. Tâm duyên nhớ theo câu chú mà được an định.
Còn biết nghĩa thì tốt, nhưng khi trì chú nếu nghĩ song song phần dịch nghĩa thì tâm lại chạy theo nghĩa sẽ không định tâm được. Mà đọc tụng chú là để tâm an định. Nếu cứ đọc lại bị sởn gai ốc, nóng ruột, buồn ngủ, nóng tính.... nọ kia thì an sao nổi.
Nhớ là khi trì chú trọng tâm giúp cho tâm an định vắng lặng an ổn. Còn diệu dụng thần thông là phụ. Không nên chú trọng vào cầu xin lợi lạc cho ta mà lạc đường tà. - Tiến Dũng
-----------------------
*Lưu ý : Đây là những thông tin được ad tham khảo từ nhiều người trong quá trình nghiên cứu tâm linh, không đại diện cho tông môn nào. Các bạn có thể tham khảo hoặc không tuỳ theo nhận thức tâm linh và thế giới quan của mỗi người. Nếu có gì thiếu sót, Tamlinh.org mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Hoan hỉ.
Tamlinh.org