Đạo Phật ra đời bởi đức Thích Ca tại Ấn Độ. Phật Pháp tồn tại và truyền thừa được hơn hai ngàn sáu trăm năm qua bởi các chư tăng học tập và lưu truyền giáo Pháp, do đàn na tín thí phát tâm công đức cúng dàng.
Tội bất kính khi nhét tiền vào tay Phật
Nhân dân đi chùa thường dâng hương - hoa - đăng - trà - quả - thực để cúng Phật và sau để chư tăng thọ dụng. Ngoài những đồ cúng đó chúng ta lại cúng kim ngân tịnh tài để nhà chùa sử dụng vào các công tác Phật sự.
Dâng đồ cúng khi đi đền, chùa lễ Phật thánh
Xưa kia, các cụ có nải chuối, quả bưởi, bông hoa trong vườn nhà thì ngày rằm, tháng tiết các cụ sẽ mang ra chùa cúng Phật. Việc cúng Phật không phải ai thích cúng gì thì cúng, thích đặt lễ như nào thì đặt mà phải được sự đồng ý của chư tăng hay các cụ thủ hương. Các cụ mang hoa quả ra chùa bạch với sư, được sự đồng ý của nhà sư các cụ mới sắp lễ và nhờ sư dâng lễ cúng Phật. Sau khi cúng xong, sư xin lộc Phật cho bao nhiêu thì xin bấy nhiêu.
Không như hiện nay, chúng ta mỗi người mâm lễ, chen chúc nhau dúi dấm vào ban nọ, góc kia để sao cho càng gần tượng càng tốt, càng nổi bật càng tốt.
Chính điều đó đã làm mất đi vẻ trang nghiêm thanh tịnh nơi thờ tự. Gây lộn xộn, bừa bãi chốn chùa chiền.
Theo Tamlinh.org, nếu ai phát tâm cúng Phật thì hãy nhờ các sư hay người quản chùa sắp xếp dâng lên. Còn Lễ vật khi chúng ta cúng thì đó là của thường trụ, sẽ do chư tăng quản lý. Tuyệt đối không tự ý lấy xuống và xin lộc mang về nhà. Tội đó được khép vào tội ăn trộm của tam bảo, quả báo rất nặng.
Dâng tịnh tài (tiền) khi đi lễ Phật
Thời xưa kinh tế khó khăn, việc ăn còn đói nên việc cúng chùa cũng rất hạn hẹp. Nhưng với tâm thành, mỗi người một li một lai, mỗi người một giọt giầu nén nhang hương hoa cúng Phật nên các cụ chỉ lấy một chút tiền lẻ dâng cúng.
Ban đầu tiền lẻ được cúng cho các vị sư để các sư lo dầu đèn cúng Phật, nhưng sau do quá nhiều người đi lễ chùa và các sư cũng bận rộn nên việc cúng trực tiếp thay bằng hòm công đức.
Hòm công đức trong chùa có nhiều vì để Phật tử không phải đợi lâu chứ không phải để Phật tử bỏ vào tất cả các hòm. Việc công đức cho vào một hòm, hay đưa cho ban quản lí đều công đức như nhau.
Thay vì chúng ta đi mỗi ban đút một chút tiền lẻ thì có thể tổng hợp lại mà đút vào một hòm công đức. Khi đến ban thờ khác chúng ta không cần phải công đức nữa mà chỉ chắp tay niệm Phật.
Việc cầm một cục tiền chắp tay lễ Phật rất phản cảm. Đi ngược lại giáo lý tính không của Phật giáo. Phật pháp không thể lấy tiền, lấy quyền mà cầu được. Phật pháp do tu mà chứng nên việc rải tiền khắp nơi sẽ không mang lại ý nghĩa gì. Bởi Đức Phật vốn là một thái tử. Nhưng vì tâm cầu giải thoát mà đức Phật đều rũ sạch của cải thế gian thì với vài ngàn đồng cố nhét vào tay tượng có ý nghĩa gì đâu.
Bên cạnh đó, tượng Phật là thanh tịnh, là cao quý thì chỉ mỗi việc lấy tay trần gian, còn nhuốm bẩn chạm vào thân Phật đã là bất kính rồi. Nữa là lấy tiền, bất tịnh như vậy chạm vào thân tượng thì bất kính biết nhường nào.
Đồng tiền chúng ta cúng Phật là cao quý, là thiêng liêng nhưng những đồng tiền đó phải đặt đúng vị trí mới tạo được công đức. Việc trải tiền lẻ khắp nơi không chỉ làm mất đi mỹ quan nơi thờ tự, mất đi vẻ tôn nghiêm chốn thiền môn thanh tịnh, mất đi bản chất triết lý vô thường của đạo Phật mà đôi khi còn gây thêm tội nặng. Với một cái tâm thành kính cúng Phật nhưng do thiếu hiểu biết chúng ta đã đang đi vào lối mê của thế tục.
Việc cúng tiền là cần thiết để mạng mạch Phật Pháp được phát triển. Nhưng cúng như thế nào thì chúng ta nên dùng tâm trí tuệ để thực hiện. Như vậy mới được phước báo mà tránh tội báo.
Tamlinh.org
(Sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn)