04/06/2021 11:34 View: 7055

Sự thật về các loại hoa không được dùng khi thờ cúng

Các loài hoa tuyệt đối không nên đặt lên bàn thờ vì kiêng kỵ về ý nghĩa. Những kiêng kỵ này có thật sự đúng? Bài viết hôm nay Tamlinh.org xin phép được viết vài dòng để giải oan cho các loài hoa bị hắt hủi, vì những người kém hiểu biết mà không được bén mảng đến ban thờ gia tiên hay ban thờ Phật thánh. 

cac loai hoa cam ky khi tho cung

Hoa là một trong 6 thứ cúng dàng thứ yếu của tín ngưỡng đạo Phật cũng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt chúng ta. Hương, Hoa, Đăng, Trà, Quả, Thực. Việc tiến cúng vật phẩm lên Phật, Thánh, hay gia tiên đều là thể hiện lòng thành kính. Từ xưa đến nay người Việt chúng ta đều lấy lòng thành kính mà sửa lễ tiến cúng chứ không câu nệ ở đồ tiến cúng. Vật phẩm tiến cúng dù đơn giản nhưng trang nghiêm thì lễ thành. Dù sang trọng mà cẩu thả thì lễ không thành.

Cổ nhân có câu Lễ nghi bất túc, thành kính hữu dư. Thế nên việc lễ bái cầu đảo nên xuất phát từ tâm thành kính và dâng tiễn lễ nghi trang nghiêm kính cẩn là đúng với truyền thống đạo lý. Còn việc nói thứ này cúng được, thứ kia không cúng được là quan niệm cực kỳ sai lầm và đẩy Phật Thánh vào chỗ thế tục hóa.

Kiêng cúng Hoa Ly vì Ly là ly biệt?

Hoa này là một loại hoa ngoại nhập từ châu Âu, ở châu Âu loài hoa này được tôn vinh như hoa của đức Mẹ Maria đồng trinh. Văn hóa người phương Tây không thấy có chỗ nào ghi là mang ý nghĩa ly biệt cả. Vì cái tên của nó phát âm theo tiếng tây mới như thế chứ ý nghĩa trong tiếng Việt thì từ lâu các cụ đã xếp các loài hoa họ loa kèn vào loài Huệ Tây. Do đó, nói loài hoa này không dùng để cúng được là sai. Bên Tây họ cúng đức mẹ được, họ làm hoa trên đầu cô dâu được, cớ sao ta lại không cúng Phật được.  

Không cúng hoa phong lan vì "phong" là phong tình, phóng túng? 

Phong Lan là một loài hoa đẹp, đồng thời cũng là loài hoa phân bố rộng rãi ở Việt Nam trong cả tự nhiên và nuôi trồng. Loài hoa này từ xưa đã được thuần hóa trồng làm cảnh trong các gia đình người Việt. Nếu như hoa phong lan không thích hợp thì người Việt đã đặt cho nó một cái tên khác, đồng thời không cổ súy việc chơi hoa lan. Ở rất nhiều tỉnh, đặc biệt là Nam Định có truyền thống chơi lan trong các nhà quyền quý từ hàng trăm năm nay. Sau này khi các loài lan được lai tạo nó trở thành loài hoa xa xỉ bậc nhất vì độ bền của hoa, sự đa dạng chủng loại và vẻ đẹp màu sắc của nó. Vậy không có lý do gì để nói hoa Lan không thích hợp để cúng dàng.

Không cúng hoa Nhài vì có câu "hoa nhài cắm bãi phân trâu"?

Hoa Nhài mới chính là loài hoa được trồng nhiều ở nơi đình đền chùa miếu. Thảm hại thay cho loài hoa tượng trưng cho sự thanh lịch hào hoa của đất kinh sư Tràng An, Thăng Long, Hà Nội… lại được cho là thứ hoa nhiễm bẩn, thế chả hóa ra người Hà Nội cũng gián tiếp bị câu ca dao đó xỏ lá ba que sao? Xin thưa rằng các bạn không nên suy diễn về câu ca dao đó để áp dụng vào hoa nhài. 

Con vợ không lấy thằng chồng dại
Như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu

Đây là câu ca dao thể hiện sự đáng tiếc cho một cặp sự vật hoặc sư việc không tương xứng khi ở cùng với nhau. Chứ không phải bông hoa Nhài nào cũng cắm bãi cứt trâu. Thật kém hiểu biết khi suy diễn câu ca dao như thế.

Không cúng hoa Đại vì hoa này gắn với sự tích tượng trưng cho sự quấn quít trai gái?

Hầu như đến 80% các đình đền chùa đều trồng hoa đại, đặc biệt các chùa từ miền Trung đổ vào. Sự tích của nó kể về câu chuyện tình bạn giữa cậu bé nghèo và chú hươu con. Khi cậu bé phải đi xa tìm thầy học chữ thì chú hươu con vẫn ngày đêm đợi chờ người bạn trở về. Nhưng chú đã không đợi được và chết ở ngay chỗ chia tay với cậu bé. Đến khi cậu bé trưởng thành trở về nơi cũ thì xác hươu đã mọc thành cây hoa Đại. Mà người ta nói là đọc trệch từ chữ Đợi mà thành, cành hoa đại cũng giống như sừng hươu, hoa của hoa đại giống như đốm sao trên mình hươu.

Sự tích là sự tích nhưng Hươu chính là loài vật sống nhiều nhất ở nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên. Hình ảnh 2 con hươu chầu bánh xe Pháp luân là hình ảnh tượng trưng cho giáo Pháp của Phật được luân chuyển vô cùng. Với sự tích như thế, với màu sắc và hương thơm như thế.... hoa Đại xứng đáng được dùng là đồ cúng.

Hơn nữa ở các nước theo đạo Phật người ta thường xâu hoa đại thành chùm để cúng Phật hoặc đeo vào cổ cúng dàng chư Tăng. Thế mà một số báo đài lại viết rằng không cúng bằng hoa Đại được, thật quá hàm hồ.

Không dùng hoa xuyến chi vì cái tên xấu xí?

Trần đời có ai dùng hoa  xuyến chi hay còn có tên khác là hoa "cứt lợn" để cúng đâu mà một số trang báo lại cảnh báo là không cúng được hoa cứt lợn. Hoa dại thì cúng rất ít người đem cúng. Tuy nhiên, hoa cứt lợn lại là một loại cây thuốc và giữ mùi cho một số loại hương liệu không bị mất mùi rất hay. Ví dụ nhiều nhà trồng thuốc lào khi phơi khô thuốc thường đóng thêm một nắm cây cứt lợn phơi khô ở trên để giữ mùi cho thuốc.

Không dùng hoa phù dung vì hoa này gắn với tích không hay?

Phù Dung chính là một loài hoa có họ rất gần với Mẫu đơn và Thược dược. Về truyền thuyết loài hoa này hơi na ná như thuyết tam sinh tam hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nàng tiên Phù Dung vâng lệnh vương mẫu giáng trần, hết hạn phải về tiên nhưng trót yêu và có 2 người con với chàng thư sinh Động Tân nên lại giáng sinh lần nữa, nhưng nàng thì quá trẻ mà chàng thì đã già lại không xứng duyên với nhau. Cứ như thế duyên nợ ba sinh cuối cùng nàng hóa thành cây hoa yêu kiều mang tên Phù Dung.

Một loài hoa có tích thể hiện tình yêu thầm lặng và bất tử theo quan niệm á đông. Có đến chết vẫn còn yêu nhau thì có tội tình gì mà không dâng cúng? Ở nhiều làng quê, những bó hoa đĩa cúng tuần vẫn có Râm Bụt và Phù Dung.

Hoa râm bụt không dùng thờ cúng vì có chữ “râm” đằng trước.

Râm bụt; phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, còn có các tên gọi khác mộc cận, chu cận, đại hồng hoa, phù tang, phật tang) (danh pháp hai phần: Hibiscus rosa-sinensis), là loài cây bụi thường xanh thuộc họ Bông hoặc Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc Đông Á. Nó thường được trồng làm cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn, màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay cánh đôi.

Có một số cho rằng loài hoa này vốn có tên gốc là hoa dâng bụt (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật), về sau do đọc trại mà thành dâm bụt.
Có ý kiến khác, dâm bụt nguyên tên là râm bụt, râm: che bóng, Bụt: Phật. Râm Bụt là cái lọng che Phật (vì hoa có hình dạng giống cái lọng)[1]. Nhà văn Sơn Tùng có viết tác phẩm văn học với tựa đề Hoa Râm Bụt

Sự tích cây Râm Bụt là cái ô màu đỏ của cô gái chí hiếu chí tình dâng cúng Phật để che râm cho Phật, rước Phật đến chữa bệnh cho mẹ cô gái. Khi Phật đến nhà để cứu mẹ cô gái ngài đã để lại cái ô đỏ nhỏ xíu nhưng tràn đầy hiếu nghĩa và thành kính của cô gái lên bụi cây trước nhà và vì thế đã có loài hoa này. Bụt là cách người Việt gọi Phật từ cổ theo phiên âm trực tiếp từ Ấn Độ. Buddha tức là Bụt Đà sau gọi là Bụt. Hoa râm Bụt tức là che mát cho Bụt (tức Phật). 

Với tích này của hoa Râm bụt thì không có lý gì lại cấm không được đặt hoa râm bụt lên đĩa hoa thờ cúng.

Không dùng hoa lan móng rồng (lan cua) vì cánh hoa trông giống móng rồng sẽ tạo ra sát khí trên ban thờ?

Hoa lan móng rồng, hay hoa móng rồng đều là những loài hoa thơm quý từ xưa dùng để dâng cúng, có thể nói nó là loài hoa cúng truyền thống. Giờ một số người lại gán cho nó cái tội đằng đằng sát khí hỏi rằng có cái oan nào còn oan hơn. Nếu vậy các bát hương đồ thờ khi vẽ hoặc đục chạm con rồng không được làm móng hoặc răng vì nó đằng đằng sát khí, không được vẽ há mồm nữa sợ sẽ nuốt mất người đi cúng.

Tóm lại...

Hoa gì, quả gì, vật phẩm gì không phải là thứ quy định được cúng hay không được cúng. Mà quan trọng là ở lòng thành kính, cách đặt bày trang nghiêm thanh tịnh nhằm thể hiện sự kính tín biết ơn và tận tâm cúng dàng thì đều thành tựu cả.

Đừng cuồng tín tới mức xem xét phải cúng hoa gì, quả gì. Lễ nghi bất túc, thành kính hữu dư thì đảo cũng thông mà cầu cũng ứng.

Còn như quá mê tín dị đoan đến mức xét nét cúng quả gì, dâng hoa gì xong sắp đặt xô bồ, tùy tiện thì thiết nghĩ cũng chẳng có phúc nào. 

Tamlinh.org 

Thầy Trí Minh (Sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn)