04/06/2021 11:41 View: 1245

Truyện dài kỳ: Dì ghẻ (Tập 34)

Trưa hôm sau Nam và bà ngoại đang ăn cơm thì bác Dung từ bên ngoài sân chạy vào hớt hải, nhìn bà ngoại bác quên cả chào vội vàng nói:

- - Nam biết tin gì chưa…? Bố mày bị người ta chém nhập viện từ hôm qua đến giờ vẫn chưa tỉnh kìa…? Chết mất thôi..

di ghe tap 34, truyen truong le

Bà ngoại với Nam buông bát cơm hỏi lại:

- - Sao như thế được chiều hôm qua cái chú nhỏ nhỏ người a.ấy còn chở cái Hạnh ra đây gửi bảo bố nó đi làm xa tầm một hai tháng mới về cơ mà.

Nam hỏi dồn:

- - Có thật không hả bác…?

Bác Dung vừa thở vừa nói:

- - Thật chứ đùa à...Ôi mẹ ơi, con thấy người ta nói là bị chính em kết nghĩa chém đấy. Ban đầu con cũng đâu có tin, nhưng lúc đi chợ về gặp bạn học cùng lớp với bố mẹ thằng Nam ngày trước họ cũng bảo thế. Cái Hường nó đi rêu rao khắp chợ là chồng nó bị anh em chém, nó may chạy thoát không cũng chết rồi. Cả làng cả tổng người ta đang đồn ầm lên kia kìa. Nhà đấy đúng vô phúc mà...Mà không biết giờ này thằng Tuấn làm sao rồi..? Con định vào thăm mà nghĩ nhìn mặt con kia nên con không đi nữa.

Như hiểu ra vấn đề, vốn là người sống tình cảm nên bà ngoại buông bát cơm đang ăn dở đứng dậy bảo Nam:

- - Chiều cháu có phải đi học không..? Mà thôi học thì cũng xin nghỉ buổi chiều, thay quần áo đi rồi chở bà vào trong viện xem bố mày thế nào..? Lớn đầu rồi mà còn chém với giết..

Thằng Nam vẫn đang bàng hoàng, nhất là khi bác Dung nói người chém bố nó lại là chú Đại. Nó thấy bà bảo thế vội vàng đứng dậy khoác thêm cái áo rồi chạy ra sân lấy xe đạp đợi bà. Bác Dung chép miệng lắc đầu:

- - Từ đây vào viện xa lắm, hai bà cháu đạp xe thì đến bao giờ. Thôi lên xe máy con chở đi, con cũng muốn vào đó thăm bố thằng này ra làm sao..? Nam ra xe bác chở…

Bà ngoại cuống cuồng đội cái khăn xếp lên đầu rồi bà lịch kịch đi ra ngoài sân với vẻ mặt lo lắng. Hai bà cháu lên xe bác Dung chở đến bệnh viện, trên đường đi bác Dung cũng kể thêm một vài điều mình nghe được ở chợ. Đến bệnh viện bác Dung phải hỏi bác sỹ mãi họ mới nói ông Tuấn đang nằm ở đâu. Cả bà ngoại, bác Dung và Nam vội chạy đi tìm phòng ông Tuấn. Đến cửa phòng thì thấy mụ Hường đang ngồi bên trong cùng với một bà nữa đó chính là bà Nguyệt. Bà ngoại đi vào chào:

- - Chào hai cô, thế tình hình anh ấy bây giờ ra sao hả hai cô..? Vẫn chưa tỉnh lại sao..?

Mụ Hường nhìn bà ngoại không buồn trả lời, còn mụ Nguyệt thì nguýt dài một cái rồi trả lời trống không:

- - Mất bao nhiêu máu thế tỉnh sao được, không chết là may lắm rồi.

Bác Dung thấy mẹ già thì hỏi han lễ độ, trong khi đó hai con mụ kia thì trả lời kiểu mất dạy, bác kéo tay Nam lúc đó đang lấp ló ngoài cửa đi vào nói:

- - Này tôi nói cho hai cô biết, mẹ tôi có quan tâm đến bố thằng Nam thì mới bỏ dở cả bữa cơm đi vào đây thăm. Chứ không phải mẹ tôi đến đây xin xỏ hay cướp cái gì của các cô cả. Nói chuyện với người lớn thì nên lễ phép một chút. Thứ người gì đâu mà không có học…

Bà ngoại thấy vậy vội can bác Dung:

- - Thôi con, mình vào đây thăm người bệnh đừng to tiếng bệnh viện người ta lại đuổi ra bây giờ.

Mụ Nguyệt chẳng vừa:

- - Nhà tôi không cần cái thứ mắng cha chửi mẹ đến đây thăm nom. Có khi thằng Tuấn tỉnh dậy nhìn thấy mặt nó lại không tỉnh được nữa thì chết.

Bác Dung điên lắm rồi, nhưng thấy mẹ nói vậy nên nuốt cục tức vào bụng. Nam đứng đó không dám đi vào trong, nó nhìn bố vẫn đang hôn mê bất tỉnh nằm im không động đậy. Bỗng nhiên trong lòng nó có cảm giác ứa nghẹn ở cổ, dù sao đi nữa thì người nằm kia là bố nó. Đúng là có lúc nó thù ghét bố nó đến không muốn nhìn mặt, nhưng không hiểu sao giờ nhìn bố nó nằm kia nó lại thấy muốn khóc. Cái cảm giác mất mẹ nó đã trải qua một lần, sau đó là cảm giác mất đi ông ngoại, người ông mà nó yêu quý, người ông mà nó thương yêu sau đó đủ để nó hiểu được sự mất mát người thân là như thế nào.

Nó sợ, nó sợ rằng người bố nằm kia của nó sẽ không tỉnh lại nữa, nhưng nó cố kìm nước mắt không để nước mắt được phép chảy ra. Tuy vậy hai người đàn bà ngồi trong phòng kia như hai con chó săn chỉ trực nhe nanh khi nhìn thấy nó. Hai con chó đang canh một thứ đồ mà không muốn nó chạm vào. Mặc cho bà ngoại, bác Dung và Nam vẫn đứng ngoài cửa nhìn vào, hai con mụ tác quái không thèm để ý, dường như sự xuất hiện của ba người tựa như không khí trong cảm nhận của họ. Bác Dung khẽ kéo tay mẹ:

- - Thôi đi về thôi mẹ, người ta đã không hoan nghênh mình thì mẹ việc gì phải nhọc công. Nãy con đã nói rồi mà mẹ không có nghe.

Bà ngoại vẫn cố nhìn rồi bảo Nam:

- - Thằng bố mày từ trước đến giờ ưa bay nhảy, đi lại...Giờ phải nằm liệt một chỗ thế kia đúng khổ thân nó..

Bác Dung bực mình định quay đi thì đằng sau có tiếng gọi:

- - Nam đấy phải không cháu….?
Là bố mẹ chú Đại, hai ông bà có lẽ vừa đi từ nhà vào viện thăm bố Nam. Thấy Nam đứng ngoài cửa bèn gọi hỏi, Nam và bà ngoại quay lại:

- - Dạ..cháu chào ông bà…

Mẹ chú Đại xoa đầu Nam cười:

- - Ừ bà chào cháu, ngoan lắm...Thế còn đây là..

Nam vội đáp:

- - Dạ đây là bà ngoại với bác cháu, ban nãy bác cháu bảo bố cháu nằm viện nên bà ngoại với cháu vào đây thăm..

Bố chú Đai hỏi:

- - Sao hai bà cháu không vào bên trong lại cứ đứng ngoài thế này…

Dường như bên trong mụ Hường nghe thấy giọng quen quen nên mụ đi ra, thấy bố me chú Đại mụ ngay lập tức thay đổi thái độ ;

- - Ui, sao bố mẹ vào đây mà không bảo con về con đón, hai ông bà cứ nghỉ ngơi đi. Con đã nói có gì con gọi mà.

Bác Dung cau mặt đá một câu:

- - Đúng là cái loại mắt gián, cái loại nịnh bợ khốn nạn.

Mụ Hường thì sợ bác Dung từ cái đợt thằng Nam bị bố đánh vỡ đầu rồi. Cũng không hẳn là sợ vì mụ có tiền có đàn em chuyên đi đòi nợ. Nhưng nói về mồm mép thì mụ không đấu lại được bác Dung. Mụ cười xòa cho qua, bố chú Đại hỏi:

- - Sao bà với cháu nó đến thăm mà con không biết đường mời bà vào trong ngồi à…?

Bà ngoại thấy thế liền nói:

- - Thôi, bà cháu tôi cảm ơn hai ông bà. Gọi là đến thăm nhưng cũng có giúp được gì đâu. Bố nó vẫn chưa tỉnh lại, thôi giờ bà cháu tôi về đây. Không mọi người lại khó xử...Dung lấy xe đi rồi chở mẹ với cháu về.

Bà ngoại cũng đã già, so với bố mẹ chú Đại thì bà ngoại già hơn nhiều. Nhìn cảnh một bà lão quay lưng khẽ bước đi những bước chậm chạp khiến ai nhìn thấy cũng mủi lòng. Chỉ riêng hai con mụ ngồi trong phòng kia là không thấy điều đó. Mẹ chú Đại vội đi theo bà, ra đến ghế đá bệnh viện mẹ chú Đại nói:
- - Bà cứ ngồi xuống đây em có câu chuyện...Không dám giấu gì bà chuyện bố cháu Nam nằm viện tất cả là do thằng con của em gây ra.

Bà ngoại khẽ xua tay rồi nói:

- - Vâng tôi cũng có nghe qua rồi, nhưng anh Đại anh ấy là người tốt. Bà cháu tôi cũng đã được anh ấy giúp đỡ nhiều. Tôi không tin là anh ấy lại chém thằng Tuấn, chuyện này ắt phải có nguyên nhân.

Mẹ chú Đại nghe bà ngoại nói thì không cầm được nước mắt, bà vội cảm ơn:

- - Cảm ơn bà đã hiểu cho nó, tuy nó trước giờ là đứa sống ngoài xã hội nhưng em biết thằng Đại là người rất tình cảm. Chưa bao giờ nó làm gì có lỗi với người nhà, không phải con mình đẻ ra thì mình bênh nó đâu nhưng thực sự lần này tôi không hiểu tại sao nó lại làm như thế. Tôi chỉ được nghe vợ thằng Tuấn nói là anh em nó cãi nhau rồi cái Hường tham gia mấy câu, sau đó thằng Đại đòi đánh cái Hường thì thằng Tuấn ngăn lại, cuối cùng em chém anh đến đứt cả xương bả vai…

Bà ngoại nói:

- - Thế sao bà không gọi nói chuyện rồi hỏi anh ấy trực tiếp. Con cái dù có thế nào thì bố mẹ vẫn luôn là người chúng nó tôn trọng nhất. Không nghe đâu bằng nghe trực tiếp con mình đẻ ra. Nói bà thông cảm chứ phận làm cha mẹ dù con cái nó có nói dối, nó có lừa thì vẫn còn hơn để người ngoài họ lừa.

Mẹ chú Đại đáp:

- - Cả đêm hôm qua em gọi điện mà nó không nghe máy, thằng này nó làm gì không đúng là nó hay phóng xe bạt mạng rồi uống rượu lắm. Mặc dù bình thường nó rất bình tĩnh….Với lại ông nhà em lại rất nghiêm khắc, dù cho có là lý do gì đi chăng nữa thì nó vẫn là người chém anh. Cái đó không ai chữa được….Giờ một thằng thì nằm kia, còn một thằng đi đâu không biết. Em đến chết mất thôi bà ạ, già đến tuổi này rồi mà vẫn còn phải chứng kiến những cảnh đau lòng. Mà hai cháu ở ngoài đó với bà chắc bà vất vả lắm. Em nói điều này mong bà bỏ quá, em không có ý gì cả chỉ là nếu hai cháu ở đó mà bà vất vả thì hay bà để cho vợ chông em đón một cháu về ở cùng. Trên kia cũng chỉ có hai cái thân già thôi chứ có ai đâu..

Bà ngoại cười rồi trả lời:

- - Cảm ơn bà đã có ý tốt, nhưng ba bà cháu tôi vẫn lo cho nhau được. Cũng bao nhiêu năm rồi chứ có phải ngày một ngày hai đâu. Mới đây anh còn không được gặp em, giờ thấy hai đứa nó vui vẻ quấn quýt lấy nhau tôi nghĩ chẳng cái gì bằng tình cảm bà ạ. Ở đâu có anh có em cũng vẫn tốt hơn. Các cháu nó được ông bà quan tâm như thế là quý hóa lắm rồi, bà thấy đấy đến người thân họ hàng của tụi nó cũng có hỏi thăm được câu nào đâu. Khổ thân hai đứa nó, chẳng hiểu kiếp trước làm gì nên tội mà kiếp này lại khổ sở như thế...Lắm đêm nằm nghĩ thương con thương cháu mà không ngủ được bà ạ..

Hai bà già ngồi nói chuyện với nhau những điều đồng cảm, những lý lẽ sống làm người. Nam cũng ở đó nghe thấy hết, nhưng cái nó quan tâm duy nhất bây giờ chính là chuyện tại sao chú Đại lại chém bố nó. Người chú mà nó coi như thần tượng, coi như mục đích sống để phấn đấu bây giờ lại là người khiến bố nó suýt mất mạng. Bỗng nhiên mặt nó xám lại, nó không biết phải tin vào ai bây giờ nữa. Những người mà nó yêu thương, quý trọng tất cả đang dần dần rời xa khỏi nó bằng một cách nào đó. Cũng đã quá trưa, bác Dung giục hai bà cháu đi về, mẹ chú Đại chào bà ngoại rồi bảo Nam:

- - Khi nào rảnh nhớ lên nhà bà chơi nhé, chú Đại cứ hứa bảo cho cháu lên chơi mà chẳng thấy đưa lên ông bà gì cả.

Nam khẽ gật đầu rồi chào mẹ chú Đại, bác Dung lấy xe chở bà ngoại và Nam đi về trong cái nắng hiu hiu cùng những cơn gió se lạnh khẽ thổi qua. Đã cuối năm, chỉ còn hơn tháng nữa là Tết mà dường như không khí bao quanh Nam càng lúc càng tối lại. Mẹ chú Đại đi vào trong thì gặp chồng đang đứng ở sảnh đợi, bà nói:

- - Bên ngoại bố mẹ vợ trước của thằng Tuấn đúng là toàn người tốt, khổ thân hai đứa nhỏ….Cũng may sao còn có bà ngoại.

Bố chú Đại hỏi:

- - Thế bà không hỏi tình hình con bé như nào à..?

Mẹ chú Đại hốt hoảng:

- - Thôi chết, mải chuyện thằng Đại tôi quên mất. Nhưng bên đó họ tốt lắm, con cháu họ không để khổ đâu. Có dịp tôi cũng phải tìm nhà đến thăm bà ấy với các cháu nhiều hơn. Mà thằng Tuấn vẫn chưa tỉnh hả ông..?

Bố chú Đại đáp:

- - Vẫn chưa, nghiêm trọng lắm bà ạ. Thằng khốn nạ kia mà về đây tôi phải cho nó một trận. Con cái mất dạy đến thế là cùng, thà nó chém người ngoài tôi còn hiểu được, đằng này nó chém anh mình...Không thể tha thứ được.

Biết tính chồng là người cố chấp nên mẹ chú Đại cũng không dám nói gì nhiều:

- - Thì ông cũng phải bình tĩnh để đợi con nó về rồi hỏi cho ra nhẽ chứ. Ông không đẻ ra nó ông sao biết được, theo tôi thấy giờ nó mới là người đau nhất đấy. Thằng Tuấn mà có mệnh hệ gì thì không cần ông đuổi nó cũng không về đây đâu.

Hai ông bà lại trở về trạng thái im lặng, hơn ai hết họ hiểu con mình là người như thế nào, Nhưng sự thật thì vẫn luôn là sự thật, bác Dung chở hai bà cháu về đến đầu ngõ thì thả xuống rồi vội đi luôn. Nam dắt bà đi bộ về nhà một đoạn, về đến nhà thấy cổng mở. Dưới gốc me có người đang ngồi với điệu bộ thất thểu, đó chính là chú Đại. Bà ngoại mắt hơi kém nên hỏi Nam:

- - Ai đang ngồi trong sân nhà mình kia Nam..?

Nam khẽ nói:

- - Dạ là chú Đại ạ….

--------------------

Xem tiếp DÌ GHẺ tập 35

ĐỌC TRỌN BỘ DÌ GHẺ - TRƯỜNG LÊ 

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê