04/06/2021 11:34 View: 10889

Bị ném hèo khi đi xem lễ hầu đồng

Ném hèo để bắt đồng là một trong những hình thức chấm lính bắt đồng của nhà Thánh. Theo các cụ xưa, nếu đi xem hầu đồng mà bị ném hèo là sẽ phải ra trình đồng mở phủ. Nhưng với thực tế hầu đồng mọc lên nhan nhản như hiện nay, cách bắt lính chấm đồng này có còn linh nghiệm?

Bi nem heo khi di xem hau dong

Lâu nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau về câu chuyện đi dự hầu đến giá Quan,giá Cậu bị ném hèo, hình thức ném hèo có thể ném quả cau, là họ cho rằng đó là một hình thức chấm lính bắt đồng nổi và những người bị ném hèo không bao lâu nữa sẽ phải chuẩn bị ra mở phủ trình đồng. Đây vẫn là câu chuyện gây nhiều nghi ngờ và tranh cãi của những người trong nghề, cũng như gây hoang mang cho những người ngoài cuộc. Vậy thì, câu chuyện ném hèo là chấm lính bắt đồng có thật hay không ?

Chúng ta nên tìm hiểu một cách rõ ràng xem thử, liệu đó có phải là sự thật, hay chỉ là những trò mà các Cô, Cậu đồng bày ra để mê hoặc lòng tin của người đời. Ném hèo được hiểu là trong một canh đàn, khóa lễ mà người đang dự hầu hoặc đi lễ hành hương bị một giá nào đó trong canh hầu ném quả cau, cây hèo... vào người mình, thì việc đầu tiên họ phải làm đó là phải chuộc hèo ( nếu như người ném hèo đang hầu giá Quan Hoàng Bảy, hoặc giá Cậu ) và tiếp đó, như trên đã nói, ném hèo là một hình thức chấm lính bắt đồng.

16 NĂM ĐỒNG, ĐI LỄ VẪN BỊ NÉM HÈO 

Đôi khi nghĩ cũng buồn cười, không biết khi đứng trên sập hầu, các ngài ảnh bóng tinh tường đến đâu mà các Cô, Cậu đồng ném hèo luôn vào những Thanh đồng đã có thể gọi là đồng cựu. Nhân duyên gặp gỡ, tôi có trao đổi với một cậu đồng đã có 16 năm ra hầu Thánh. Tôi có hỏi Cậu về việc ném hèo, Cậu phân trần nhỏ nhẹ: "Từ khi tôi bắc ghế ra làm tôi, đi hầu Cha, hầu Mẫu tôi cũng mới chỉ được nghe nói người có căn đồng số lính thì vốn dĩ đã được chấm lính từ nhỏ, tới lúc lớn lên cũng phải trải qua đủ muôn vàn thử thách, hành căn, hành cơ, gọi là tới giai đoạn bị bắt phải ra trình đồng cho yên căn, yên số, yên bản mệnh. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ ngày xưa có câu:

Chấm đồng từ thuở mười ba
Đến năm mười tám phải ra trình đồng

Các Cô, các Cậu bây giờ mượn bóng Thánh để bắt đồng, bắt bóng lung tung. Có nhiều người đi dự hầu bị ném hèo lại không hiểu biết nhiều đi về nhà mất ăn, mất ngủ hoang mang tột độ làm đảo lộn cả cuộc sống. Đã có khi, tôi đi hành lễ bị một cô đồng ném nguyên cây hèo vào người trong khi đang hầu giá Quan Hoàng Bảy, theo phép tắc nhà Thánh, tôi cầm cây hèo lên chuộc thì cô đồng xoa đầu tôi và phán :"Chuẩn bị ra mở phủ hầu ta, ta sẽ cho lộc nhé !". Ôi, lúc ấy mặt tái me, tái mét,chẳng lẽ lại đội nhà Ngài lên đầu mở phủ lần hai hay sao ? Rõ ràng là 16 năm đồng rồi, nhưng lần đầu tiên trong đời bị bắt đồng một cách trắng trợn như vậy ? Người ta muốn biết căn mệnh của một người đến đâu cũng phải về bản điện rồi làm việc,hầu là hầu chứ không phải hầu kiêm luôn cả bắt đồng thay nhà Thánh. Nhiều người thừa cơ rồi ném bừa, chứ chả có nhà Thánh nào lại đi ném như vậy cả..."

Đôi khi, đơn giản chỉ là việc ném hèo thôi, nhưng cũng gây ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

BẮT ĐỒNG CŨNG PHẢI "CHỌN" NGƯỜI GIÀU 

Những người trong cuộc họ nhận thức rõ một điều rằng,người đã bị chấm lính bắt đồng thì bất kể giàu nghèo, sang hèn hay xấu đẹp. Ấy thế mà bây giờ, hễ cứ thấy người giàu là các Cô, Cậu cứ mặc sức mà ném hèo. Đôi khi,cũng là hai người đứng xem hầu, nhưng thấy người nào vàng đeo nhiều hơn, mặt mũi tô vẽ sang chảnh thì bắt người đó. Người ngoài cuộc chẳng hiểu, lại cho rằng các Quan bây giờ cũng thích giàu có mới bắt đồng, bị của cải làm cho hoa mắt. Đa số những người bị ném hèo, đều nhận được lời truyền phán ra mở phủ trình đồng.

Câu chuyện ném hèo, coi như bị bắt đồng này gần như là một trong những trò mà các Cô, Cậu đồng bày ra để mê hoặc lòng tin cuả nhiều người. Có nhiều người không mang căn đồng số lích cũng bị ném hèo và phán ra mở phủ, ném hèo là chuyện nhỏ, thế nhưng đằng sau việc ném hèo với những người kém hiểu biết sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Bởi vì bản thân tôi đã từng chứng kiến người bị ném hèo đã trở nên hoang mang lo lắng, mất ăn mất ngủ mà tìm đến vị thầy đó để mở phủ trong khi bản thân lại không có căn đồng. Người trong cuộc như chúng tôi vẫn đùa khéo nhau rằng:" Đi lễ mà bị ném hèo, thôi thì cầm cây hèo mang về luôn xem thử lần sau có dám ném nữa không ?".

Một câu chuyện tuy đùa mà thật, đã là những Thanh đồng thì hơn ai hết mỗi người trong chúng ta phải hiểu được bản chất của việc hấu Thánh là gì để rồi còn giúp đỡ bách gia, chứ không phải mượn cái oai của nhà Thánh để rồi mê hoặc nhiều người. Đã được vinh danh thì phải nâng cao giá trị của Văn hóa tín ngưỡng mà mình đang theo. Hơn ai hết, các thanh đồng là những người sẽ góp phần đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phát triển vững mạnh.

Tamlinh.org

Tổng hợp