Đây là câu hỏi có lẽ là cực kỳ bí ẩn và khó trả lời. Một ông thần nổi tiếng như thế, cả nước nghe tên, ngàn vạn đồng cô bóng cậu thờ phụng, cả triệu người đến khấn vái xin quan tước bổng lộc, nhưng lại chẳng biết ông ta là ai. Thần thánh – hầu như đều có gốc gác người thật, nhưng ông thánh này nổi tiếng thế, gốc gác lại không xa, mà không ai biết là ai, thì kể cũng lạ.
Trong chuyến đi công tác ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), ở đó vài hôm, nghiên cứu các tài liệu cổ, di tích lịch sử, lại phát hiện ra gốc tích ông thần đang được thờ cúng ở Nghệ An và Hà Tĩnh này, mới thực là thú vị.
Tại Thọ Xuân, hiện có ngôi đền nhỏ, thờ một vị là “Đức Uy hiển ứng tôn thần”.
Nhà nghiên cứu sử địa phương, là ông Hoàng Hùng, có mấy chục năm sưu tầm các vị tướng lĩnh, các thánh thần, các nhân vật nổi tiếng thời Lê ở vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ông sưu tầm từ các gia phả cổ, bia đá, sắc phong, tài liệu từ Viện Viễn đông Bác Cổ... Đại Việt sử ký... tóm lại là các tài liệu chính thống.
Các tài liệu chính thống này có ghi chép ngắn gọn về một nhân vật tên Lê Khôi, chính là “Đức Uy hiển ứng tôn thần”, thờ ở quê nhà Thọ Xuân.
Ông Lê Khôi là con anh thứ 2 của vua Lê Thái Tổ. Ông theo vua đánh giặc từ hồi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều chiến công lớn. Ông là một dũng tướng tài ba, quan thanh liêm được dân yêu mến.
Trận đánh ải Khả Lưu, Lê Khôi cùng Lê Sát xông lên trận tiền, bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng Hoàng Thành.
Ông cùng Phạm Vấn, Lê Sát phá giặc Minh ở thành Xương Giang, bắt sống Hoàng Phúc và Thôi Tụ, dẹp yên giặc Ngô, khôi phục Đông Đô.
Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong Bảo Chính công thần nhập nội thiếu úy. Thuận Thiên thứ 2 khắc biển công thần, đứng hàng thứ 2 trong bảng Đình Thượng hầu thập tứ nhân.
Thuận Thiên thứ ba 1430, Thái Tổ Lê Lợi sai Lê Khôi trấn giữ châu Thuận Hóa, vì người Man quấy phá.
Lê Khôi vào đây, dỡ bỏ trạm gác, dạy bảo dân trồng dâu cày ruộng, ngày đêm tập luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi biên cương. Lấy nhân đức cai trị. Đánh nhiều trận, bắt nhiều giặc, nhưng ông đều đối đãi tử tế, tha cho về. Giặc Chiêm vừa sợ và mến đức ông. Cống sứ Chiêm ra Bắc, đều ghé thăm ông.
Cũng năm này, Bế Khắc Thiệu, Nông Đức Thái bạo loạn ở Thanh Lâm, Thái Nguyên, Lê Khôi đem quân hợp binh cùng Lê Lợi đánh, bắt bọn Thiệu. Vua Lê tặng kim phù và áo bào.
Thuận Thiên thứ sáu, vua bệnh nặng, gọi Lê Khôi vào cung, bàn việc truyền ngôi cho Nguyên Long. Ông vâng lời một lòng giúp Lê Thái Tông việc nước.
Năm Thiệu Bình thứ tư 1437, Lê Thái tông cho ông làm Nhập nội tư mã, tham dự chính sự, coi việc quân ở đạo Hải Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa).
Thiệu Bình thứ sáu 1439, Lê Khôi đánh Ai Lao, bắt sống tướng Man là Đạo Mông.
Năm Bảo Đại thứ nhất 1440, theo vua đánh Thuận Hóa. Bảo Đại thứ hai, ông ép tù trưởng Man Nghiễn ra hàng. Khuất phục Thuận Hóa. Công lao quá lớn, được phong Nhập nội đô đốc. Phạm việc nhỏ to, vua đều hỏi ông mới quyết định.
Sau này, vì việc riêng, không rõ việc gì, mà ông bị cách chức. Ông về nhàn cư ở nhà, vui vầy với dân làng, không bất mãn oánh trách.
Lê Nhân Tông lên ngôi, coi ông là bậc nguyên thần cũ, nên năm Thái Hòa thứ nhất 1448, vời ông ra làm Nhập nội thiếu úy, coi việc phủ Nghệ An.
Sử chép, khi Lê Khôi quay về trấn Nghệ An, nhân dân đứng đón ông chật hai bên đường. Chỉ vài năm chính sự được công bằng, kiện cáo được xét xử thỏa đáng, mùa màng tốt tươi, dân yên vật thịnh, tiếng ca tụng ân đức của ông lan truyền từ thành thị đến làng xã ngõ vắng. Tính ông bình dị, gần dân nên được nhân dân cả vùng yêu mến tin tưởng.
Năm Thái Hòa thứ hai 1449, chúa Chiêm Thành là Bí Cái dốc hết lực lượng trong nước ra cướp thành Châu Hóa. Năm thứ ba lại đem quan đánh thành An Dung (thuộc Châu Hóa). Lê Nhân Tông sai quan tư đồ Lê Thận (Nguyễn Thận), đô đốc Lê Xí (Nguyễn Xí) đem quân đánh dẹp, sai Lê Khôi đem quân đi tăng viện. Chiêm Thành thua to phải bỏ chạy về nước. Vua phong Lê Khôi là Nhập nội tham dự việc quan trọng triều chính, nhưng vẫn giữ trấn Nghệ An.
Thái Hòa thứ tư 1451, Lê Nhân Tông sai đô đốc Lê Khả (Trịnh Khả) đánh dẹp phương Nam, Lê Khôi đem quân bản bộ tiến trước. Khi đến đất địch, tướng giặc biết có quân Lê Khôi bèn gọi sang hỏi: “Có phải Tư Mã đến đấy không?”. Ông bèn bỏ mũ trụ ra cho giặc nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa lạy xin hàng, nộp cống vật địa phương. Quân Lê Khôi đi đến đâu giặc tan đến đó. Ông đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cái, rồi mới thu quân về.
Trên đường về, Lê Khôi bị bệnh nặng và mất ở chân núi Long Ngâm, gần cửa biển Nam Giới, tức địa gianh Hà Tĩnh, không xa Hưng Nguyên thuộc Nghệ An bây giờ. Quân sĩ thương xót, kêu khóc vang trời dậy đất, vua bỏ triều ba ngày, sai quan đến phúng điếu, tăng chức Nhập nội đô đốc.
Các tài liệu cổ ở Điện Sơn (Thọ Xuân) còn ghi rõ, người dân đất Hoan Châu (Nghệ An) bây giờ thương tiếc và nhớ ân đức của ông nên lập miếu thờ phụng.
Lê Khôi là người làng Lam Sơn (Lương Giang, nay là làng Cham, thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là em Thái úy Lê Khang, con Hoàng Dụ Vương Lê Trừ, gọi Lê Thái Tổ là chú ruột.
Năm Quang Thuận thứ tư 1463, triều vua Lê Thánh Tông, con trai ông làm nhập nội Đại hành khiển tâu xin dựng bia ở Nam Giới (Hà Tĩnh giờ) để ghi sự tích. Vua sai thượng thư Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia để khắc và được tấn phong Chiêu Trưng Vương.
Đấy là sơ lược phần chính sử, còn phần huyền tích về Lê Khôi, thì cũng được nhiều tài liệu, gia phả, truyền miệng ở vùng Thọ Xuân ghi chép lại.
Theo các tài liệu dân gian, Cử Sót được sai làm tượng Lê Khôi để nhân dân thờ phụng ở Thuận Hóa. Trong lúc tìm gỗ để làm tượng, thì đêm nằm mộng có cây gỗ đinh hương trôi từ biển Hà Tĩnh vào. Hôm sau, dân chài báo, có cây gỗ đinh hương rất lớn trôi từ biển Triều Khẩu vào thật. Nhưng, Cử Sót không rõ mặt tướng Lê Khôi, nên không biết chạm khắc thế nào, thì đêm ngủ lại được thần báo thấy ai ngồi lên cây gỗ thì đẽo giống người đó.
Hôm sau, Cử Sót ra chỗ cây gỗ, có anh khóa sinh mặt mũi nhâng nháo đi đến ngồi lên cây gỗ. Cử Sót liền bắt khóa sinh đó lại, rồi đẽo tượng. Đẽo xong, khóa sinh liền hiến bộ tóc dài với râu, để dính vào tượng cho giống. Giờ thì ko còn râu tóc đó nữa vì lâu quá rồi.
Ngoài những thông tin gia thế, và dân gian ở Thọ Xuân, cực kỳ kỹ lưỡng, chi tiết, rất khớp với ông Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An, thì có một thông tin tham khảo, nhưng lại trùng khớp đến kinh ngạc, đó là những bài hát văn về ông Hoàng Mười. Nội dung các bài hát văn cổ nói khá kỹ về thân thế sự nghiệp của ông Thánh này.
Các chi tiết khớp bao gồm: Xuất thân hoàng tộc, thân thích với vua Lê, vâng lệnh vua vào trấn Nghệ An, được dân đón tiếp, bị kỷ luật mất chức, rồi lại được vua vời đi đánh giặc khi Chiêm Thành quấy phá, rồi nhiều bài hát văn có đoạn đi đánh Chiêm, giặc hỏi có phải “quan Tư Mã”, khi bỏ mũ giặc sợ hãi đầu hàng....
Ở Hà Tĩnh (vùng giáp Nghệ An) có tới 7 ngôi đền thờ ông Hoàng Mười (chỗ ông Lê Khôi chết), còn Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), bên kia sông, thì có một ngôi đền to đoàng. Đền này xây dựng về sau, từ năm 1634, mãi gần 200 năm sau khi Lê Khôi chết. Đền đổ nát, đến tận 1995 mới xây dựng lại, được bịa tạc thổi lên nhiều huyền thoại mới nổi tiếng như hiện nay.
Giống như những vị thánh khác, để hút được khách, thì phải thổi vào đó nhiều huyền thoại ly kỳ to tát. Rằng, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, là người giời giáng trần giúp đời. Rằng, ông là con của vua cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên này nọ. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước.
Lại còn truyền thuyết khác, ông này cũng là tiên, giáng trần trở thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Sự tích được lưu truyền nữa là câu chuyện ông Mười giáng sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua dẹp giặc Minh, sau được giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh (cũng chính là nơi quê nhà). Những giai thoại kỳ bí này đã phủ lên ngôi đền một bức màn tâm linh huyền ảo và linh thiêng.
Tuy nhiên, nếu xét về mọi mặt, thì Lê Khôi con người bằng xương bằng thịt thực sự, là một vị tướng ít được nhắc đến trong chính sử, mới chính là ông thánh Hoàng Mười.
-------------------------------
Nhận định và các thông tin trong bài viết hoàn toàn dựa trên ý kiến chủ quan của tác giả. Không đại diện cho tôn giáo hay tổ chức nào. Những thông tin trên đây chỉ để các bạn đọc tham khảo, là cách tiếp cận khác về ông hoàng Mười. Truyền thuyết về ông vẫn giữ nguyên giá trị, Tamlinh.org không bao giờ dám thay đổi.
Tamlinh.org
Nguồn: Nhà báo Phạm Ngọc Dương