04/06/2021 11:33 View: 25607

Sự tích CÔ BƠ

Cô Bơ Bông hay còn gọi là Cô Ba Thác Hàn, Cô Ba thoải cung hay Cô Ba Hàn Sơn. Cô đứng thứ ba trong hàng tứ phủ thánh cô. Cô thường ngự đồng với trang phục màu trắng, thắt ba đai đỏ, vàng, trắng. Cô đội khăn xếp thắt dải nét trắng, có khi cô lên khăn hoa màu trắng, có nơi cô lại lên khăn vấn.

than tich ve co bo

Cô ngự đồng làm lễ tấu hương, tay cô cầm đôi chèo, lưng giắt tiền đò, đầu cô cài ba nén nhang, cô chèo đò du ngoạn các đền các phủ. Chèo thuyền xong cô lấy dải lụa hồng đi đo gió đo mây. Lúc an tọa cô làm phép thần phù để chữa bệnh.

Xưa kia các cụ thường diễn tả lại cảnh cô sao thuốc cứu người trần gian, những ai bệnh tật, cơ hành xin thuốc cô (thường là những cách hoa hồng) về đun uống, hoặc là cô ra tay phù tàn hương nước thải để làm thuốc cứu người.

Thần Phù chỉ núi núi tan
Chỉ sông sông cạn chỉ ngàn ngàn bay
Thần Phù gọi gió thét mây
Ấn thiêng quyết lĩnh ra tay khảo trừ
Thần phù tay ấn có dư
Lĩnh của Phật Tổ đem về giúp dân
Nước thời lấy ở sông ngân
Đem về mà uống sạch không làu làu.

Nghe văn cô Bơ theo lối cổ: 

Trong tín ngưỡng tứ phủ, chúng ta có thể chia ra làm ba hình thái thần tích.

  • Một là thần tích do con người sáng tạo nên, đó là các vị thiên thần, thủy thần, sơn thần. Các vị thánh này không giáng trần.
  • Thứ hai là các vị nhân thần có thật trong lịch sử được dân gian đồng hóa vào các vị thiên thần. Đó là hình thái các vị thiên thần hạ sinh thành người để giúp dân giúp nước. Hình thái này phổ biến nhất trong thần tích của các vị thánh
  • Thứ ba là các vị thánh là nhân thần, sinh thời có công lao to lớn với nhân dân, khi thác hóa vua nhớ ơn nên phong thần, lập đền cho dân thờ cúng.

Đối với Cô Bơ. Từ thần tích chúng ta có thể hiểu theo hai cách sau:

  • Cách thứ nhất: Theo hệ thống tứ phủ, đối với từng Phủ Các Thánh Mẫu đứng đầu, dưới thánh mẫu là các thánh Chầu, dưới các thánh chầu là các thánh Cô. Thời điểm này các vị thánh đều là thiên thần, thủy thần, không xuất hiện trong lịch sử. Như vậy cô Bơ ở đây có sự phân biệt là Cô Bơ là thủy thần và Cô Bơ Bông là nhân thần.
  • Cách thứ hai: Theo hình thái linh thiêng hóa những con người có thật thì Cô Bơ là thủy thần, theo lời vua cha mà giáng sinh tại Vùng Bơ Bông - Thanh Hóa để giúp dân giúp nước.

Thần tích Cô Bơ theo hình thái linh thiêng hóa con người có thật

Trong bài viết này tamlinh.org xin được trích dẫn thần tích Cô Bơ theo hình thái linh thiêng hóa con người có thật.

Trung tuần đỉnh mười hai tháng sáu
Bỗng trên trời nổi ánh mây xanh
Thủy cung nhã nhạc tập tành
Rõ ràng cô Bơ Thoải giáng sinh phàm trần

Cô Bơ vốn là con vua Thủy tề dười Thủy cung, được phong là Thoải Cung công chúa, ra vào cung Quảng Hàn. Theo thần tích vào thời Lê Trung Hưng, Đức Thái Bà nằm mộng thấy một người con gái xinh đẹp, thướt tha mặc áo trắng, đến trước sập nằm dâng lên một viên minh châu, rồi bạch rằng "ta vốn là thủy cung tiên nữ, nay vâng mệnh cao minh đến đầu thái để sau này phù vua giúp nước" Thái bà thụ thai đến ngày 12/6 Thái bà hạ sinh một người con gái, nhan sắc giống trong giấc chiêm bao. Cô lớn lên thành người thiếu nữ xinh đẹp, lại giỏi văn thơ đàn hát.

Da tựa tuyết ánh hường tươi tốt
Hoa cười ngọc thốt, nét ngọc đoan trang
Áo trắng hoa chỉnh triện dung nhan
Tươi vẻ ngọc diện càng tươi sáng

Đến độ trăng tròn cũng là lúc nước nhà bị giặc minh xâm chiếm. Cô cùng thân mẫu lánh vào vũng Hà Trung Thanh Hóa, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh cô giúp vua Lê đánh giặc. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện sau:

“Vào thời mới khởi nghĩa, có một lần Lê Lợi bị giặc đuổi đến ngã ba Thác Hàn thì gặp một cô gái đang tỉa ngô. Cô đã lấy quần áo nông dân cho Lê Lợi mặc giả làm anh trai cùng tỉa ngô. Vì thế, Lê Lợi đã thoát cuộc truy đuổi. Lê Lợi rất biết ơn cô gái và có hẹn sau này chiến thắng sẽ đón cô về cung phong công và phong phi tử. Tuy nhiên, sau này khi kháng chiến thành công, Lê Lợi cho người về đón thì được biết cô gái vẫn một lòng kiên trinh chờ đợi cho đến khi thác hóa. Cô gái còn có công lớn trong việc vận chuyển quân lương, quân lính của Lê Lợi trong suốt cuộc khởi nghĩa.”

Bên cạnh đó, để ghi tạc công đức của Cô, dân gian còn lưu truyền một số huyền tích khác nói về công trạng của Cô Bơ Hàn Sơn sau khi người thác hóa:

“Vào đầu triều đại Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), thái úy Lê Thọ Vực, được giao trấn giữ biên ải Ba Bông. Trong một trận chiến kéo dài, tình thế nguy cấp. Đêm đó. Lê Thọ Vực đã mơ thấy một tiên nữ mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu thoải tất ứng linh”.

Theo lời, Lê Thọ Vực đã dẫn quân xuôi về Thác Hàn Sơn dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm, khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công, thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào chìm đắm rất nhiều, quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Bơ và đền thờ mẫu Đệ Tam ở vùng này.”

Sau khi mãn hạn, xe loan rước cô về thoải cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng vũng ngã ba sông được thuận buồn xuôi gió nên người ta gọi cô là cô Bơ Bông.

Dù ai buôn bán trăm nghề
Mười hai tháng sáu thì về Bơ Bông
Hài cườm nón trắng hiến dâng
Lâm râm khấn nguyện chứng tâm lòng thành.

Tamlinh.org

(Sao chép, chia sẻ vui lòng trích dẫn link từ website. Cám ơn các bạn)