Bảo số mệnh do Trời thì có những người số chết đói, chết đuối dù có né tránh, rốt cuộc vẫn chết đói, chết đuối. Còn bảo Đức năng thắng số thì cũng có những trường hợp đáng lẽ phải chết đói, chết yểu, mà nhờ biết tu tỉnh, làm nhiều âm đức, được thoát chết, sống lâu, lại khá giả. Vậy như thế nào mới đúng?
Người xưa bảo: “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền điện” (Ăn uống, cử động đều đã định trước), “Mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên” (Mưu tính nơi người mà thành bại do Trời).
Người xưa lại bảo “Đức năng thắng số” (Phúc đức có thể thắng số mệnh) “Nhân lực thắng Thiên” (Khả năng con người có thể cải số Trời)…
Hai lập luận trên đây tương đối mâu thuẫn, mà từ lâu chúng ta còn phân vân, không rõ luận thuyết nào đúng hơn, vì mỗi luận thuyết đều có những sự tích chứng minh.
- Như bảo số mệnh do Trời thì có những người số chết đói, chết đuối dù có né tránh, rốt cuộc vẫn chết đói, chết đuối.
- Còn bảo Đức năng thắng số thì cũng có những trường hợp đáng lẽ phải chết đói, chết yểu, mà nhờ biết tu tỉnh, làm nhiều âm đức, được thoát chết, sống lâu, lại khá giả chẳng hạn.
Vậy luận thuyết nào đúng hơn? Chúng tôi xin có đôi lời góp ý cùng quý bạn.
Số mệnh con người, do đâu?
Con người được hình thành bởi hai phần chính: thể xác do cha mẹ sinh ra và linh hồn tiếp nhận nơi Tạo hóa, và linh hồn là Tiểu Linh-Quang trong khối Đại Linh Quang của Tạo hóa. Vậy con người là một Tiểu Thiên địa, hay một Tiểu Vũ trụ.
Nhưng phải chăng Tạo hóa bất công, khiến con người có kẻ giàu sang, sung sướng, người lại nghèo hèn, khốn khổ, dù cùng sinh ra trên một dãy đất, trong một gia đình, hoặc cùng một năm, tháng, ngày, giờ với nhau?
- Chắc hẳn không phải thế.
Các tôn giáo và hầu hết loài người đều tin rằng có Thượng Đế, Chúa tể Càn Khôn, cầm quyền thưởng phạt muôn loài.
Nhưng tôi trộm nghĩ, tuy Thượng Đế là đấng Chí tôn, quyền năng vô tận, nhưng cạnh Ngài còn có một cái “Luật” mà Lão Tử tạm dùng chữ “ĐẠO” để gọi, đó là luật Trời, hay Thiên lý, mà Thượng Đế tùng theo, để điều hành vũ trụ (cũng như một Quốc gia, tuy vị Nguyên thủ là trên cao nhưng vẫn phải tuân hành Hiến pháp).
Do đó, sở dĩ có kẻ sướng người khổ là do số mệnh an bài, nhưng số mệnh chẳng phải do “ông Trời” hay các vị Thánh Thần sắp đặt, cho người này giàu, bắt người kia nghèo mà là do “NGHIỆP” (Karma) của chính con người, tức luật Nhân quả.
Nghiệp và luật Nhân Quả
Không ai có thể biết được con người có từ bao giờ, trải qua bao nhiêu kiếp, nhưng theo thuyết luân hồi thì hẳn đã quá nhiều!
Mỗi kiếp, con người đã làm bao nhiêu điều lành lẫn điều dữ, phước có, tội có năm này tháng nọ chất chồng, có khi chưa chịu thưởng phạt đúng mức đã mãn số, lại luân hồi kiếp mới để “trả đũa” cũ và lại tạo thêm “Nhân” mới.
Bởi thế mà trong lá số Tử Vi của một người, có những sao tốt, sao xấu lẫn lộn, cung này cung nọ liên quan chằng chịt nhau, biểu hiện cái “Nghiệp” của người ấy, trông cây gì được quả nấy, như bóng với hình, mà trong đó Vận hạn là con đường bắt buộc cá nhân phải trải qua để trả Nghiệp cũ (thưởng lẫn phạt), đồng thời tạo Nghiệp mới.
Nghiệp có lành có dữ thì Vận số có tốt có xấu. Vận tốt thì được thụ hưởng giàu sang sung sướng, vận xấu thì chịu nghèo hèn, hoạn nạn nhưng cán cân nghiệp lành, nghiệp dữ không đều, thì vận số cũng không đều nhau, do đó Họa và Phúc lẫn lộn hoặc nhiều hoặc ít, chẳng hạn tuy giàu sang mà đau ốm, vợ chồng căn đắng, con cái hư hỏng, hay ngược lại tuy nghèo hèn mà ít nạn tai, vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu thảo….
Cải số mệnh được không?
Như đa trình bày ở trên, thì số mệnh đã an bài do nghiệp của nhiều tiền kiếp, hễ vay ắt phải trả, cho nên số mệnh con người như đã được lồng vào một cái khung và vận hạn ví như một con đường duy nhất, bắt buộc con người phải đi qua, một lộ trình vạch sẵn.
Bởi vậy trên nguyên tắc, số mệnh là số mệnh, khó mà cải đổi được cái căn bản, tức cái khung của số mệnh, hay là những “nghiệp lớn”.
Nghĩa là nghiệp cũ phải trả, dù thụ hưởng hay bị hình phạt. Do đó chúng ta thấy có những người hung ác mà vẫn giàu sang, phè phỡn, còn người hiền lương, tu niệm, làm phúc lại cứ gặp hoạn nạn, là vì nghiệp cũ chưa “thanh toán” xong, mà “Nhân” mới chưa kịp có “hiệu lực”.
Tuy nhiên, con người có thể cải được một phần số mệnh vận hạn của mình, nhưng rất ít, hơn nữa, chẳng phải ai cũng có khả năng hoán cải, dù có cải cũng chỉ cải được vận số nhỏ, tức các nghiệp nhỏ thôi. Cũng ví như “cái khung” vẫn y nguyên, mà “cái cảnh” có thể thêm hoặc bớt. Đó là tạo “nhân” (tốt xấu) mới để bù đắp “quả” (xấu tốt) cũ.
Tôi xin đơn cử vài ví dụ, nếu dễ cải được số thì thuở xưa Văn Vương đã chẳng bị giam cầm 7 năm nơi Dũ Lý, Khương Tử Nha chẳng đợi đến 70 tuổi mới đặng công hầu. Tôn Tẫn khỏi bị chặt chưn và bảo vệ nước Yên khỏi bị Tần thôn tính. Khổng Minh thống nhất được giang sơn thời Hớn mạt. Hạng Võ và Hàn Tín đều anh hùng. Hạn xấu đến, đều chết thảm; lại như Lương Võ Đế cất 72 ngôi chùa mong cải số, rốt cuộc vẫn chết đói ở Đái Thành.
Ngay thế kỷ hiện tại, những nhân vật muốn xoay thời tạo thế, đem tài trí đấu tranh, mà không thuận với cơ trời rồi ra vẫn thất bại.
Chính tôi, sau gần 20 năm xem tướng số đã được chứng kiến nhiều trường hợp, có những người, sau khi đoán là vận hạn xấu, tôi khuyên nên an phận, chớ mưu sự to, liều lĩnh mà thất bại hoặc gặp nạn. Mặc dù tin số mạng song họ tự tin, cố đem tài sức, mưu trí (xin lưu ý là tài sức chứ không phải Đức) chống lại số mệnh, mà càng hoạt động to lớn, càng sa lầy hơn.
Lại có những trường hợp, khách xem về các sự việc bình thường hằng ngày, để biết thành bại, đắc thất, sau khi gieo quẻ Dịch, quẻ ứng xấu, tôi bảo thẳng với khách là không hy vọng gì… khách buồn bã ra về, dùng mọi phương tiện, mưu mẹo, kể cả tiền bạc, cố xoay sở, nhưng rồi vẫn không kết quả, (vì hoàn cảnh không thuận lợi, được cái này hỏng cái kia, như định mệnh khiến xui như vậy) rốt lại số vẫn là số!
Cải số bằng cách nào?
Theo thiển ý riêng tôi thì có thể tạm chia thành 2 phương thức: “tiêu cực” và “tích cực”
- Về “tiêu cực” thì tương đối đơn giản hơn, có nghĩa ăn ở và hành động thuận theo số mệnh và Thiên Lý. Không gieo gió thì khỏi gặt bão. Khi gặp vận tốt thì nương đó tiến lên để thành đạt. Lúc gặp vận xấu thì chớ liều lĩnh, làm bạo, thấy hao tài thì chớ cho vay mượn, thấy đau ốm thì gìn giữ sức khỏe, thấy nạn tai thì tránh xe cộ, sông nước, thấy thị phi quan sự thì nên nhẫn nhịn, tránh phạm pháp…Tuy đến Năm, Tháng, Ngày, Giờ đó, vẫn bị hạn, song có thể nhẹ bớt ít nhiều.
Như có một tuổi Tân Mùi, thường nhờ tôi đoán số, đầu tháng 4 năm rồi, tôi có xem cho ông và đoán rằng khoảng giữa tháng ông có tai nạn nhẹ, độ hơn tuần lễ sau, ông đến nhà tôi với mấy vết băng ở mặt và tay chân. Hỏi ra mới biết ông vừa ngộ nạn vì xem Lam lật, bị xây xát cả người.
Ông nhờ tôi xem tiếp coi còn xui rủi nữa không? Tôi gieo quẻ Dịch, lần này quẻ ứng bổn mạng cũng xấu, e còn tai nạn nữa. Ông nhờ tôi đoán kỹ xem ứng vào ngày x tháng x…sau đó ít lâu ông lại đến, khen tôi đoán rất đúng và thuật rằng: “Chính cái ngày ấy, ông cố ở nhà suốt ngày, không ra khỏi cửa, 8 giờ tối ông giăng mùng đọc báo, kể như yên ổn. Nhưng đến 10 giờ đêm, trước khi ngủ, ông xuống nhà sau đi tiểu, bất ngờ trợt chân ngã té nằm sóng sượt bất tỉnh dưới đất, may người nhà hay kip đỡ lên xoa bóp, mấy phút sau mới tỉnh.
Ông kết luận “tưởng ở nhà yên thân, té ra cũng bị! Nhưng may là ở trong nhà chỉ bị xoàng, chứ nếu ngoài đường sá, chắc nặng hơn, chưa biết tới đâu”. Còn nhiều trường hợp tương tự, kể ra e chán ngấy.
- Về phương diện “tích cực” phức tạp hơn, nhưng tựu trung là cố gắng làm nhiều việc “Âm đức” để hóa giải các nghiệp nặng. Nhưng phải thật thành tâm, đầy thiện ý, hành động một cách tự nhiên theo lương tâm không tính không vụ lợi, không cầu danh, thì việc làm tuy nhỏ mà có khi Âm đức lại to.
Chớ không phải ỷ có nhiều tiền, vung tiền của phi nghĩa ra, gọi là bố thí, làm phước, để được khen ngợi, ca tụng, hoặc giả làm lấy có, lấy lệ, cúng chùa, lễ Phật, giải sao hạn…tuy là những việc làm có tánh cách từ thiện, cũng hay, cũng là những “Nhân” lành, song chưa thể gọi là “Âm đức” được. Vì Tạo hóa chí công vô tư, hẳn không vì nhiều tiền mà cho nhiều phúc, còn ít tiền lại cho ít phúc hay sao?
Tôi xin đơn cử vài việc làm có tánh cách Âm đức.
Như thấy vợ chồng người ta xích mích, định lìa bỏ nhau, mình cố công khuyên bảo, trợ giúp cho họ hòa hiệp, sống chung lại; Thấy người chết đuối, mình chẳng ngại nguy hiểm, cứu vớt người ta sống lại; Thấy người nguy ngặt, động lòng trắc ẩn, mình tận tâm giúp đỡ, có bao nhiêu giúp bấy nhiêu, mà không nghĩ đến sự đền bồi, hay được người ca tụng…như thế mới gọi là “Âm đức”, có tác động mạnh đến “Nghiệp”, cảm động lòng trời, mới có ảnh hưởng ngay vào số mệnh và vận hạn (Như tích ông Lê Bùi Độ đời Đường trả đai ngọc cho người, chuộc mạng cha, chẳng hạn).
- - Nhờ Đức tin và lòng thành, tức những người tiền căn, hiện kiếp có sự liên quan, giao cảm với cõi Trung giới hay cõi Âm, nay vận hạn tuy xấu, gặp hoạn nạn, nhưng ăn ở hiền lương, ngay thật, lại có đức tín và lòng thành khắc được Thánh Thần và các vong linh quá vãng phù trợ, thấy dữ hóa lành.
- - Mồ mả tổ tiên, phúc đức hay tội lỗi của ông bà cha mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến vận số con người. Ví dụ: vận hạn đang xấu, có ông cha quá vãng mà an táng nơi đất kết phát thì có ảnh hưởng tốt. Hoặc biết con cái số phải long đong mà cha mẹ biết làm phúc chứa đức thì con cái được nhờ, sớm thì hiện tại, chậm thì tương lai.
- - Ngoài ra, vấn đề chỗ ở, nhà cửa, bếp núc cũng có ảnh hưởng một phần vào vận số con người. Chẳng hạn như số mệnh đã tốt mà chỗ ở được vùng đất tốt, nhà cửa bếp núc day đúng phương hướng với mạng, thì sự tốt tăng thêm. Nếu vận hạn xấu mà dời chỗ ở cho hạp phong thổ, nhà, bếp day hướng tốt hạp với cung Mạng của mình thì cũng đỡ được khá nhiều.
Để tạm kết luận bài này, tôi xin thưa cùng quý bạn rằng: Chúng ta nằm trong “quỹ đạo” của Nghiệp, chi phối bởi số mệnh, cho nên số - mệnh vẫn là số mệnh. Chúng ta tìm hiểu số mệnh để ăn ở, hành động hợp với số mệnh hay Thiên lý, để lánh dữ tìm lành.
Chúng ta đừng tự phụ bảo rằng cải được số mệnh bằng tài sắc và mưu trí, đã vô ích mà còn nặng nghiệp hơn đấy!
Nếu chúng ta có một định số kém sáng sủa, chúng ta cũng chớ quá bi quan, phó mặc Hóa công, tới đau hay đó, rồi cái gì cũng Số, cái gì cũng Mệnh! Không làm gì cả, cũng vô ích. Mà chúng ta phải cố công bồi tu Âm đức để hóa giải Nghiệp cũ (tùy theo cán cân Đức và Số).
Ví dụ phúc đức tạo ra chưa đủ đền bù Nghiệp cũ quá nặng, chúng ta có thể hãnh diện rằng đã giep được “Nhân” lành, mà khi Nghiệp cũ trả xong chắc chăn “Quả” lành sẽ đến.
Cũng xin lưu ý quý bạn là chính ta mới có thể tự cải số chung ta mà thôi. Ngoài ta ra không ai cải số giùm ta được, kể cả các đấng vô hình.
Vậy quý bạn hãy suy ngẫm kỹ về cúng kiến, lễ bái, cầu đồng cốt hay dùng bùa phép. Có dịp, tôi xin trở lại với những đề tài mới
Nguồn: Huyền Linh - Tạp chí khoa học huyền bí