04/06/2021 11:47 View: 5148

Tại sao người có căn số, các thanh đồng luôn khổ?

Không xét đến những kẻ mượn danh đồng nhân lấy đạo tạo đời, những kẻ giả danh con nhà thánh, những “đồng đua đồng đú”… thì đồng nhân thực sự, 100% là khổ. Và người căn càng sâu càng khổ.

dong bong luon kho, mau lieu hanh

Các đồng nhân thực sự: 100% là khổ

Con đồng thì cũng là người, ai cũng mong bản thân cùng gia đình được yên ấm vẹn toàn, ai cũng cầu hạnh phúc bình an sung sướng… Đó là Thiên tính của con người, là mong cầu thiên tính.

Không xét đến những kẻ mượn danh đồng nhân lấy đạo tạo đời, những kẻ giả danh con nhà thánh, những “đồng đua đồng đú”… thì đồng nhân thực sự, 100% là khổ. Và người căn càng sâu càng khổ.

Dù có những người làm “đồng hầu” được bề trên ân duyên cho danh cho diện, cho tài cho lộc đề huề…nhưng vẫn có những nỗi khổ tự bản tâm mới biết, mới hiểu. Đồng nhân nói chung đều phải gặp những khổ đau, oan ức, bị ganh ghét, làm hại… hay gặp những oan trái khó giải thích trong cuộc sống. Những khổ đau về tình cảm, cuộc sống là luôn có.

Con người ai chẳng phải khổ, sinh ra không ai không có nỗi khổ, nhưng với đồng nhân thì những nỗi oan trái, những nỗi buồn, những khổ đau thường lớn hơn, bi ai hơn, thường trực hơn và có khi là gộp lại bởi nhiều sự oan trái, khổ đau.

Tại sao cuộc đời người căn đồng số lính lại khổ như vậy?

Đồng nhân ra đồng bởi nhiều lí do, bởi duyên, bởi nghiệp… Nhưng khi đã ra đồng ai cũng hiểu tu đồng là soi chiếu tấm gương Thánh đức để ngày một hoàn thiện bản thân mình. Vậy Thánh nhân Việt cửa đình thần, có mấy vị không oan khuất, khổ đau … mà thành Thánh, thành Thần không ?

Ví như không từng nếm trải những oan khuất, đắng cay, khổ đau, oan trái ở đời, khi trở thành Thánh Thần, các vị ấy có thấu hiểu, có thương cho những mảnh đời cơ cực oan trái khổ đau của con dân Việt không ?

Thánh nhân, đặc biệt là Thánh tứ phủ thường oan khuất, tại sao ?

Nếu mình không khổ, không từng trải qua cơ khổ, không đặt địa vị vào những người bị oan khuất, đau khổ…. Sau này có biết thương những người cùng khổ không? Có muốn “bảo ngã lê dân”, che chở cho con dân được bình an, hạnh phúc, để thương mà phù hộ gia trì cho những mảnh đời oan trái, khổ đau không ?

Hay nếu như bản thân con đồng, nếu chưa từng nếm trải qua khổ đau, oan trái trong đời người, chưa từng trải những nỗi vất vả, lo toan của cuộc sống, chưa hiểu được những nỗi buồn đau vô cùng… liệu người đó có biết thương “bách gia” mà hành đạo cứu người, vì người hay không.

Nếu cuộc sống trải đầy hoa hồng, chỉ hạnh phúc, vui vẻ, chỉ may mắn, thuận lợi… liệu con đồng có hiểu được những nỗi vất vả sinh nhai, nhưng lo toan đời thường, những mong cầu bình yên, hạnh phúc ấm no của người dân hay không ?

Và nếu sau này, nếu những con đồng chỉ biết có sung sướng hạnh phúc kia trở về với cửa Thánh, có nhất tâm phụng sự, có cùng chư Thánh yêu thương, lo lắng cho con người nói chung, cho con dân Việt nói riêng hay không ?

  • …Người chưa từng đói không biết quý đồ ăn thức uống?
  • Người chưa từng phải chăm con ốm con bệnh sao biết thương những bà mẹ lo lắng vì con?
  • Người chưa từng trải qua oan trái tình cảm sao biết thương những người đau khổ vì tình?
  • Người chưa từng vất vả vì cuộc sống khốn khó, thiếu thốn sao biết thương cảnh đời cơ cực tìm kế sinh nhai?
  • Người chưa từng biết đến vong ma cơ hành điên đảo, mộng ảo, mất ăn mất ngủ … sao biết thương những người đêm nằm mơ ma mơ quỷ?
  • Người chưa từng bị ốp nhập mất kiểm soát, điên khùng bệnh âm không tìm ra thuốc chữa… sao biết thương những kẻ cơ hành?
  • Người chưa từng bị phụ bạc, phản bội, ganh ghét… sao biết thương những kẻ cùng cảnh chịu thiệt thòi?
  • Người chưa từng bị vu oan, bị hãm hại… sao biết đến sự bất công bằng, sao biết thương kẻ bị hàm oan?...

Còn nhiều, nhiều lắm những nỗi oan trái, khổ đau nữa. Đồng nhân phải trải qua mới thấu hiểu, mới cảm thông, mới biết trân trọng cuộc sống, mới càng kính ngưỡng chư Thánh hơn nữa.

Chư Thánh cũng đã trải qua những nỗi oan khuất, khổ đau 

Bởi Chư Thánh đã trải qua những nỗi oan, những khổ đau mà người thường rất khó có thể nghĩ đến chứ đừng nói là trải qua. VD như

  • Đức Thánh Trần nắm trong tay binh quyền, xả thân vì nước vì dân, khi tháp tùng vua dùng giáo không đầu… mà vẫn bị dị nghị chốn hoàng cung, để quyết bảo vệ vua còn phải tự cung… những việc làm, sự hi sinh đó khiến người đời kính nể, khâm phục.
  • Thánh Quan Đệ Ngũ oan trái mà bị ngục tù, thác đi vẫn bảo vệ cho non song, phù cho quốc gia
  • Thánh Cô Bơ vượt qua nỗi buồn chờ đợi mỏi mòn, tâm kiên trinh giúp dân, giúp nước
  • Hay truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu đệ tam với nỗi đau bị người chồng nghi kỵ phụ bạc, truyền thuyết về cậu bé Lệch sinh ra đã chịu nhiều cay đắng thân thể…
  • .............................

Tất cả những nỗi đau, những nỗi khổ, những oan ức, những oan trái trên đời không làm cho những vị Thánh Việt từ bỏ lòng yêu thương, nhân từ. Mà chính bởi những khổ đau ấy, chư Thánh Việt thấu hiểu sự khổ đau trên đời, thương cho con dân mà muôn đời anh linh phù trợ.

Có đồng mới biết thương đồng

Đồng nhân ngày nay, nếu ai đã từng ra đồng mà ham tài ham lộc, đã từng có lúc quấn tâm bởi sung sướng lợi danh hay dị năng…mà quên đi việc tu đạo, hành đạo cứu người…thì hãy tự vấn tự sửa lại mình, xem có xứng với hai chữ “đồng nhân” chưa?.

Còn những ai đã từng trải qua đau khổ cơ hành, oan trái cuộc sống, vất vả lo toan việc đời việc đạo… thì cũng hãy nhìn lại mình. Những nỗi đau, những nỗi vất vả, những nỗi oan trái buồn phiền của mình đã là gì so với Chư Thánh Việt ???

Kính Thánh, noi theo chư Thánh không phải là cố để “thử” các nỗi khổ, cũng không phải là không dám mong cầu cuộc sống yên ấm hạnh phúc, hay cứ khổ cứ oan trái là lại kêu than rằng mình khổ do Thánh, do Thần, do căn đồng... Mà là khi cuộc sống của đồng nhân có lắm nỗi éo le buồn tủi, có những oan ức khổ đau… hãy cứ bình tĩnh sống, hãy ngưỡng vọng học theo Thánh đức để dần dần nỗi đau, nỗi oan ức gặp phải đều trải qua và vượt qua được.

Để dù cuộc sống này có trăm điều buồn khổ không như ý, nhưng có một niềm vui với đời với đạo, cũng là đáng sống và phải sống cho thật tốt. Để học theo chư Thánh, gieo nên trong tâm mình sự từ bi, thuần thiện. Để khi đã trải qua những nỗi đau khổ oan trái ấy, sẽ biết thương những phận đời đau khổ, biết hành đạo cứu người cho đúng nghĩa.

Bởi biết rằng: Đồng nhân luôn khổ, khổ bởi cơ hành, khổ bởi nghiệp bởi oan gia, cũng khổ bởi nghiệp duyên tu đạo, nên phải nhớ lấy câu: “Có đồng mới biết thương đồng” mà sống cho đúng, cho vẹn toàn nghĩa tình anh chị em bản hội, dòng đồng và đồng nhân với nhau.

Cùng là phận đồng nhân cửa Thánh, đừng thấy người khổ mà vui, đừng thấy người sướng mà khó chịu, đừng thấy người được yêu quý mà ganh ghét đố kỵ, đừng thấy người cam chịu hay im lặng mà được nước bắt nạt nói xấu…Nỗi khổ của đồng, chỉ đồng mới hiểu, nhưng nỗi khổ của mỗi người, chỉ người đó mới là biết hết.

“Có đồng mới biết thương đồng
Có cơ mới biết thương người cơ hành”

Còn cuối cùng, ai vượt qua đau khổ oan trái, ai hành đạo, tu đạo đúng phép … ,ai “sạch sành sanh còn manh áo đỏ” được về với Chư Thánh thì là phúc tu của từng người.

Đồng thầy Trần Thêm – Tự Tuệ Trần.