04/06/2021 11:46 View: 13785

Tụng kinh, niệm Phật bị đau nhức đầu: Nguyên nhân & cách chữa

Nếu quá trình hành trì trong công phu tu tập của quý vị như trì danh hiệu Phật, ngồi thiền, hay trì chú,.... mà bị nhức đầu, căng thẳng, gặp ác mộng...... Khi bị như vậy thì chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao ? Vì không có lửa thì làm sao có khói.

bai dinh co xua, chua bai dinh

Bái Đính cổ xưa

Khi gặp những điều như thế, thì nó chứng tỏ việc dụng công của quý vị đang bị gặp vấn đề rồi, do đó chúng ta cần phải biết nguyên nhân mà điều chỉnh trở lại, để cho công phu tu tập được tiến triển tốt đẹp, giúp mang lại an lạc, hạnh phúc và thăng tiến trong tâm linh.

Có thể nói cái hiện tượng sau thời công phu niệm Phật thì bị nhức đầu và trong người lộn lạo khó an này rất nhiều người gặp phải. Thế nhưng đa phần mọi người lại không thể lý giải được hiện tượng này, cũng như biết cách để đối trị, thậm chí có 1 số ít người lại cho rằng mình đã bị tẩu hoả nhập ma, để rồi tự mình hoảng sợ không dám tiếp tục dụng công niệm Phật nữa, điều này thật là đáng tiếc biết bao. 

Theo hoà thượng Tịnh Không thì có 3 nguyên nhân sau đây

1. Khởi tâm cưỡng cầu mong ngóng kết quả

Là do trong quá trình dụng công, ta muốn sớm đi đến Nhất Tâm nên đã tập trung trí lực quá nhiều vào câu Phật hiệu, dẫn đến khí lực bị tổn hao, hoả bốc lên đầu làm cho nhức đầu, tứ đại theo đó mà chẳng được điều hoà nên trong người nghe lộn lạo khó an. Đối với trường hợp này thì chỉ cần ngồi an tĩnh mà điều hoà lại hơi thở, sao cho đều và sâu là được, rồi hiện tượng này sẽ hết, cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Ở đây có 1 điều chúng ta cần phải ghi nhớ là ta tu bất cứ pháp môn nào cũng vậy, dù là tham Thiền hay Niệm Phật thì điều quan trọng nhất chính là Tâm Bình Khí Hoà. Đối với Nhất Tâm, chúng ta chẳng thể cưỡng cầu mà có được, đây chính là thành quả sau 1 thời gian dài buông bỏ vạn duyên chân thật niệm Phật mà đạt được. Do đó, khi bước vào thời công phu niệm Phật, chúng ta chỉ cần chân thật niệm, thật thà mà niệm là được rồi, trăm ngàn lần đừng bao giờ khởi tâm cưỡng cầu, mong ngóng, điều này chỉ có hại mà chẳng có lợi.

2. Là do nghiệp chướng hiện tiền.

Đối với trường hợp này thì có 2 cách để vượt qua:

  • + Phát tâm sám hối chân thật, sau đó hồi hướng tất cả công đức từ việc sám hối đó đến cho tất cả oan gia trái chủ và thập loại cô hồn ở xung quanh nơi ở của ta.
  • + Phát cho được cái chí nguyện rộng lớn, tức là nguyện lực phải mạnh hơn nghiệp lực, thì ta dễ dàng vượt qua. Thế nào là chí nguyện rộng lớn? Nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc để 1 đời bất thoái thành Phật, nguyện tận hết sức mình để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, nguyện hoằng pháp lợi sanh đem pháp môn Tịnh Độ đến giới thiệu rộng khắp để mọi người biết và tu hành theo...

Ở đây có 1 điều chúng ta cần phải lưu tâm, đó là dù cho chúng ta sám hối hay là phát nguyện rộng lớn thì cần phải từ trong tâm thanh tịnh tức là cái tâm không có sự ô nhiễm của phiền não tật đố tham, sân, si, mạn mà phát ra, thì mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Nếu chỉ phát ra nơi cửa miệng thôi thì không được, là vì có miệng mà không có tâm, nên chẳng thể giúp cho nghiệp chướng của ta được tiêu trừ.

3. Là do các loài quỷ thần ở xung quanh nơi ta ở, họ muốn quấy phá, trêu chọc chúng ta.

Đối với trường hợp này thì ta không nên khởi tâm chán ghét hay oán giận họ, mà ta nên khởi tâm từ bi thương xót họ. Khi tâm từ bi thương xót của ta vừa khởi lên sẽ sản sinh ra 1 thứ năng lượng bao khắp chung quanh ta, luồng năng lượng này gọi là từ trường. Nếu tâm từ bi của ta càng lớn rộng thì từ trường sẽ càng lớn, phạm vi lan toả sẽ càng rộng. Các loài quỷ thần khi đó nhìn thấy và tiếp xúc với từ trường từ bi này, sẽ khiếp cho tâm của họ trở nên mát mẻ dễ chịu. Họ nhất định chẳng những không tiếp tục đến tìm bạn để gây rối hay chọc phá nữa, mà còn hộ pháp cho bạn.

Đặc biệt: Nếu người Niệm Phật bị nhức đầu mà còn lo lắng về nhức đầu thì càng bị nhức đầu nhiều hơn. Vì sao vậy? Vì không tin, không tha thiết việc Vãng Sanh, thành ra Niệm Phật không chí thành chí thiết đó!

Tín-Nguyện-Hạnh tuy ba mà một, một mà ba, thiếu một thì mất cả ba, chính vì thế mà Niệm Phật không được tương ưng. Đây cũng là do nghiệp chướng tạo nên. Hãy nghĩ đến cái khổ của chúng sanh thì cái khổ của mình tự nhiên tan biến. Còn cứ lo nghĩ để cái khổ của mình thì khổ tạo thêm khổ, gọi là "Khổ-Khổ" vậy! Sám hối chính là đây. Chứ còn than trời trách đất thì nghiệp chồng lên nghiệp. Chắc chắn bị khổ nhiều hơn.

Mơ thấy ác mộng sau khi tụng kinh trì chú? 

Còn việc nằm ác mộng sau khi tụng kinh, trì chú..., thì đây có lẽ do tâm mình bị vọng tưởng nhiều quá, lo lắng nhiều quá, sợ sệt nhiều quá, giận hờn nhiều quá, buồn phiền nhiều quá, bất an nhiều quá, thị phi nhiều quá... Ngược lại, không để tâm thanh tịnh, không an nhàn, không thoải mái, không vui vẻ, không coi đời là huyễn mộng, còn chấp quá nhiều vào tham sân si mạn... nói chung là tâm bị bất an, bất tịnh nhiều quá mới sinh ra mộng mị. Tự xét coi, mình có bị phạm những điều này không?

Vạn pháp giai không, thì ác mộng là giả! Vậy thì lúc bị ác mộng, cứ khởi tâm Niệm Phật thì hết liền. Chắc chắn. Còn Niệm Phật mà không hết thì coi chừng tại vì niệm không thành tâm, miệng niệm chứ tâm không tin. Niệm kiểu này vô ích!

Thế gian thường nói: "Tâm bất tịnh, thị chi bất kiến, thính chi bất văn, thực bất tri kỳ vị" là vậy đó. Thôi thì tất cả đều bỏ hết đi, coi sự đời nhẹ tựa lông hồng đi, để cho đầu óc mình thoải mái. Nghĩa là, phải vui vẻ, không lo lắng gì cả, thì tự nhiên vô sự.

Nên nhớ, người thành tâm Niệm Phật có quang minh của Phật gia bị, có 25 vị Bồ tát gia trì, có chư Thiên-long bát bộ bảo vệ...Mình đang tắm mình trong từ lực rất mạnh thì còn sợ gì nữa mà phải chịu ác mộng. Nếu có ác mộng đi nữa thì kệ nó, cứ lo Niệm Phật chứ cớ chi phải lo sợ đến ngủ không yên?!

Tin không? Tin thì hết. Không tin thì chịu thua!

Bên cạnh đó, phải hiểu giá trị của sự làm lành lánh dữ. Nên tập phóng sanh lợi vật, thành tâm sám hối nghiệp chướng, tu hành Niệm Phật phải luôn luôn hồi hướng công đức cho:

  • 1) Pháp giới chúng sanh;
  • 2) Ông bà cha mẹ cửu huyền thất tổ của mình;
  • 3) Oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp;
  • 4) Hồi hướng về Tây-phương, cầu Vãng Sanh thành đạo để độ tận chúng sanh.

Sám hối cũng là Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Thành tâm Niệm Phật thì linh ứng, Niệm Phật mà không thành tâm thì không có phần lợi ích lớn.

Không làm điều ác,
Phải làm điều lành,
Tâm hồn thoải mái,
Tự nhiên hết bịnh.