10/01/2022 09:09 View: 1946

Luật Nhân - Quả đang đến rất nhanh?

Luật nhân quả đang đến rất nhanh theo sự vận hành của vũ trụ. Điều này có thật không? Mối liên quan giữa Tử vi và Phật pháp? Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu qua chia sẻ thực tế chuyện đời và đạo, dưới góc nhìn của một người bình thường, biết Tử vi và có học Phật pháp - tác giả Minh Hoàng. Mong rằng sẽ giúp ích một phần nào đó cho quý vị và các bạn yêu quý.

Tử vi và Phật Giáo.

Điểm cốt lõi trong tử vi chính là các ngôi sao, hay còn gọi là tinh tú, và sự sắp đặt của tinh tú đã hình thành nên lá số tử vi của từng cá nhân riêng biệt. Vậy thì tại sao các tinh tú ở xa lại có thể ảnh hưởng tới từng cá nhân được ?
 
Trong cuốn hành trình trở về Phương Đông, Lạt ma Babu nói rằng: "Tinh tú chỉ là biểu tượng thôi. Tự nó không ăn nhập gì đến chúng ta hết, mà chính dĩ vãng của ta ảnh hưởng đến đời sống hiện tại. Tinh tú chỉ phản chiếu lại cái ảnh hưởng này mà thôi".
 
Theo định luật nhân quả: Con người chết và tái sinh trở lại trong nhiều kiếp. Khi qua đời thể xác hư thối tan rã nhưng tính tình, dục vọng, ý chí vẫn còn nguyên cho đến khi ta đầu thai vào một kiếp sống mới thì những tính này sẽ trở nên cá tính (personality) của kiếp sau. Các hành tinh chỉ là tấm gương ghi nhận các nguyên nhân này và phản chiếu trở lại. Bất cứ một hành động nhỏ nào cũng tạo nên một nguyên nhân dù xấu hay tốt, ví như ta ném một trái bóng lên không trung. Trước sau gì nó cũng rơi xuống vì trọng lượng và ảnh hưởng của sức hút trái đất, nhưng đến khi nào nó rơi xuống còn tuỳ sức ném của ta nặng nhẹ ra sao. Khoa chiêm tinh nghiên cứu các vũ trụ tuyến này để đoán được khi nào cái nguyên nhân trước sẽ trở lại.
 
Khi sinh ra đời, mỗi cá nhân đều mang sẵn một tài sản khác nhau, đó là Nghiệp Báo. Tài sản này có thể tốt đẹp do các nguyên nhân hợp với thiên ý hoặc xấu xa bởi các lỗi lầm trong tiền kiếp. Tất cả nguyên nhân này đều chứa chấp trong Tàng thức hoặc A-lại-da-thức (alaya-vijnana), và trở nên một động lực chi phối đời ta. Động lực này được phân phối bởi các mãnh lực trong vũ trụ một cách vô cùng phức tạp, và biến thành một thứ gọi là Vũ trụ tuyến (cosmic rays). Những vũ trụ tuyến này không ồ ạt ảnh hưởng đến ta ngay, mà tuỳ theo sự thay đổi của tinh tú để phản chiếu xuống trần gian.
 
Điều này rất hợp lý vì trải qua vô lượng kiếp sống, con người đã làm biết bao điều xấu xa, đâu thể nào trong vài ba kiếp mà trả hết được. Đó cũng là lý do con người cứ trầm luân trong luân hồi sinh tử. Chiêm tinh học nghiên cứu sự xê dịch, vận hành của tinh tú mà đoán biết được các ảnh hưởng con người trong kiếp sống này.

Cộng nghiệp và Biệt Nghiệp.

Theo sự giải thích ở trên, mỗi chúng ta sinh ra đều là do Nghiệp báo.
 
Mỗi người chúng ta sinh ra trong cùng một đất nước, hay cùng gia đình, chúng ta bị ảnh hưởng bởi cái lớn là tình hình xã hội, kinh tế, hoàn cảnh gia đình,... ấy là cộng nghiệp.
 
Một số người hay một cộng đồng cùng hưởng chung hay gánh chịu một nghiệp do đã từng tạo ra những dòng nghiệp tương đồng gọi là cộng nghiệp.
 
Cộng nghiệp này do nhiều cá nhân tạo nên, và do đó, sự ảnh hưởng của Cộng nghiệp lên bản thân ta là tương đối lớn và dễ dàng, nhưng ngược lại, để làm thay đổi cộng nghiệp thì cần sự nỗ lực và chung sức của rất nhiều cá nhân.
 
Biệt nghiệp, là nghiệp quả của cá nhân, tự làm tự chịu, và là thứ ta có thể kiểm soát được thông qua suy nghĩ, tư duy và hành động của cá nhân.
 
Phước và tội chính là Nghiệp. Những việc làm tốt cộng lại thì là Phước, những việc làm xấu cộng lại thì là tội.

Phước đức Hữu lậu và Phước đức vô lậu.

Phước đức Hữu lậu:

Những việc tốt mà chúng ta làm hàng ngày, ví dụ như giúp đỡ người khác, làm từ thiện, yêu thương mọi người, thì chúng ta đã tạo nên Phước. Nhờ đâu mà chúng ta có được thân hình toàn vẹn, ngoại hình xinh xắn, có được những người bạn tốt, hay được mời đi ăn? Đó là nhờ Phước.
 
Tuy nhiên những Phước này sẽ giảm đi theo cách mà ta tiêu nó. Khi chúng ta gặp được 1 điều tốt, điều này đồng nghĩa với chúng ta đã chi ra Phước của mình. Và đó chính là Phước đức Hữu lậu, tức là Phước đức có hạn, nó nhiều lên khi chúng ta tích, và vơi đi khi chúng ta xài.
 
Nếu như xài hết mà không tích, chúng ta sẽ hết phước, và nếu như chúng ta xài nhiều quá, cũng giống như ta tiêu quá số tiền mà chúng ta có, thì chúng ta gặp rắc rối rồi. Hữu lậu từ đâu mà có, là từ nhu cầu và sự tham ái của con người khiến phước đức bị rò rỉ ( Lậu nghĩa là rò rỉ ).

Phước đức Vô Lậu:

Cũng là những việc tốt mà chúng ta làm, nhưng khác với Phước Hữu lậu, Phước Vô lậu xuất hiện khi chúng ta làm điều tốt với một động cơ thật sự trong sạch và làm vì lợi lạc của chúng sinh mà không mong nhận lại ( không tham ái ).
 
Ví dụ như khi chúng ta cúng dường xây dựng Đền chùa, nếu như chúng ta làm điều ấy vì cái danh, chúng ta cảm thấy thật hãnh diện khi cúng dường nhiều, thì chúng ta có Phước đức Hữu lậu, còn nếu như chúng ta hồi hướng và mong lợi lạc cho tất cả chúng sinh, trong tâm không nổi lên sự tham ái về danh tiếng, không chấp ngã vào việc chúng ta làm cho ai, bao nhiêu,... khi đó chúng ta có Phước đức Vô Lậu.
 
Kinh Pháp cú (kệ 126) ghi: “Người thiện lên cõi trời. Vô lậu chứng Niết-bàn"

Kết luận:

Chúng ta sinh ra trên cõi đời, với thân thể và trí tuệ trân quý này, tất cả đều có nguyên nhân, và chúng ta có thể sửa đổi nó thông qua việc thực hành các thiện hạnh. Hãy bắt đầu trưởng dưỡng tình yêu thương qua những việc làm nhỏ bé nhất.❤️
 
Mong rằng tất cả chúng ta sẽ hiểu hơn về định luật nhân quả, và cùng nhau sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.
 
Tri ân công đức tác giả Minh Hoàng