26/03/2022 18:05 View: 1163

Lời Phật dạy về sống có đại khí, hiên ngang giữa đất trời

Bên trong nhân cách con người có một thứ mê lực hấp dẫn mọi người, gọi là “đại khí”. Bất luận người địa vị cao hay thấp, sự nghiệp lớn hay nhỏ, thân phận sang hay hèn, điều có khả năng lôi cuốn người khác nhất chính là “đại khí”. 

Cùng lắng nghe Lời phật dạy về sống có đại khí để hướng đến sống thiện lương, thư thái.

Thế nào là đại khí?

“Đại khí” là phong thái, khí chất, khí độ của một người, là một dạng biểu hiện bên ngoài của thế giới nội tâm, là sức mạnh vô hình toát ra từ tổ hợp các tố chất của một con người. 

Biểu hiện của một người “đại khí”

Lời Phật dạy về sống có đại khí cho rằng, người đại khí nói năng từ tốn, giao tiếp lịch sự, xử thế hài hòa tự nhiên, thái độ sống ôn hòa, không vội vàng, không lười biếng, khi không nên ra tay thì ngây ngô như tượng, khi cần đụng tay làm là khiến người khác trố mắt kinh ngạc.

Người đại khí luôn nhìn nhận vấn đề ở một tầm cao hơn, làm cho người khác cảm thấy được đãi ngộ. Người đại khí giống như một cuốn sách hay khiến cho người rung động tâm can, không cẩu thả, nông nỗi bộp chộp, bất kể đứng từ góc độ nào mà nhìn đều sẽ không cảm thấy nhạt nhẽo vô vị, và một khi đã cầm lên đọc sẽ không muốn dừng lại, thu được ích lợi vô cùng. 

Đại khí là một loại hồ đồ.

Không vì ham món lợi nhỏ mà mất đi khí tiết, trong tâm bảo trì vững nguyên tắc của mình, nhìn thì như hồ đồ, nhưng nội tâm sáng tỏ.

Đại khí là một loại nhường nhịn.

Lấy đức dày mà bao dung, nâng đỡ vạn vật, lấy ơn báo oán, không dễ dàng lấy tu dưỡng của chính mình khiêu chiến với sự nông cạn của người khác. 

Đại khí là một loại đạm bạc, giản dị

Coi tiền tài danh lợi như mây khói thoáng qua, trong lòng như trăng sáng, tâm như nước lặng xem nhật nguyệt, mắt tựa gương sáng nhìn xuân thu.

Đại khí là một loại thong dong.

Tâm tính tựa như ánh mặt trời ló rạng, cầm được thì cũng buông được, cần tiến thì tiến, cần lui thì lui, ổn định trầm tĩnh, bền gan vững chí, dẫu Thái Sơn đổ ngay trước mặt cũng không đổi sắc.

Đại khí là một loại cảnh giới.

Chiến thắng bản thân, tự mình trưởng thành; cao giọng làm việc, hạ giọng làm người, hạn chế biếng nhác, thường suy nghĩ có trách nhiệm, không quan tâm hơn thua, không kiêu căng ngạo mạn.

Đại khí là một dạng khiêm nhường.

Nửa chai nước luôn ở trong bình lắc lư, người ít học thường hay huênh hoang; trong ba người cùng đi ắt sẽ có người là thầy của ta, đừng xem thường, đánh giá thấp bất cứ ai, từ trên thân người khác tìm ra điểm yếu và khuyết điểm của mình, không sùng bái bất kỳ một ai nhưng luôn học hỏi những điểm mạnh của người khác.

Một người đại khí, không phải là không có thất tình lục dục, mà là hiểu rõ thế sự, thấu tỏ nhân tình. Bất kể là không thoải mái đến đâu, vẫn có thể nở nụ cười, sự tình đã qua thì cho trôi theo dòng nước, không để những thứ ô nhiễm bất tịnh tồn tại trong tâm mình, nội tâm vĩnh viễn bảo tồn sự thanh tịnh.

Đại khí là một dạng tài phú.

Luôn gắn chặt cùng với mình, không ai lấy đi được, bộc lộ ra ngoài sẽ luôn được mọi người tán dương khen ngợi, ẩn giấu đi giúp bạn ung dung lập thế.

Đại khí là một dạng tu dưỡng, có một độ thâm sâu.

Người khác có thể không dò biết được nội tâm bạn bao sâu, nhưng vĩnh viễn không khiến người khác ôm giữ hoài nghi hay đối địch với bạn.

Làm được tới người đại căn khí chân chính rất khó, nếu như làm tới được thì chính là có đại nhân cách, đại độ lượng và đã là thành công rồi. 

Lời Phật dạy - Sống sao cho có “đại khí”?

Lắng nghe lời Phật dạy về sống có đại khí, đối với người luôn khoan dung, không tính toán chi li. 

Đối đãi với người khác một cách thoải mái rộng lượng, lòng dạ khoan dung, đây là biểu hiện của một người có tu dưỡng tốt. Cổ nhân nói: “Người quân tử có thể nhẫn với người không thể nhẫn, khoan dung với người không thể khoan dung”.

Đồng thời, giữa người với người cần có sự thấu hiểu, quý trọng duyên phận, giúp đỡ nhau, phối hợp với nhau, lấy thành tâm đối đãi nhau. 

Đối với những mục tiêu chung cần hợp tác, hợp lực, tín nhiệm lẫn nhau cầu tiến bộ. 

Kẻ thù thông thường là do tự mình tạo nên. Trong lịch sử, người thành công đều có khả năng hóa thù thành bạn, bao dung người, thấu hiểu người, độ lượng để dùng người, khiến người khâm phục, đó cũng chính là trí tuệ làm người. 

Đối với sự tình luôn siêu xuất, không bị hãm sâu trong đó

Một đời người có thể phải gặp rất nhiều sự tình, tựa như mỗi lần chớp mắt là lại có một vấn đề phát sinh. Chúng đột nhiên xảy đến khiến ta không kịp trở tay, bất ngờ ập xuống, bất ngờ phát sinh.

Bất luận sự việc lớn hay nhỏ, mặc kệ là tốt hay xấu, đều không cần quá để ý, quá coi trọng. Chớ nên vừa thấy chuyện tốt liền vui mừng hớn hở; gặp chuyện xấu liền đăm chiêu ủ dột, ủ rũ héo úa. Gặp chuyện lại không dám đảm đương, sao có thể thành đại khí?

Đối với những bất công luôn rộng lượng, không mang bụng dạ hẹp hòi 

Một người sống trong hiện thực của xã hội, sẽ phải chịu những thiệt thòi, phải chịu ủy khuất, đó là chuyện rất bình thường. Đồng nghiệp nói năng lỗ mãng khinh mạn bạn, đơn vị làm việc bất công làm thương tổn bạn, cử chỉ lời nói của lãnh đạo không nể mặt mũi bạn, hết thảy những việc này đều không có gì đáng ngại, đều cần rộng lượng mà bỏ qua, đạm nhiên mà xử lý.

Nếu cả ngày vây quanh mình là những suy tính quẩn quanh, bản thân lúc nào cũng cân đo thiệt hơn được mất, lòng dạ hẹp hòi như thế, sao có thể thành đại khí? Lắng nghe lời Phật dạy về sống có đại khí để hướng đến lối sống thiện lương, thư thái.