04/04/2022 16:10 View: 1984

Vì sao các Phật tử hay niệm A Di Đà Phật?

Khi đi đến chùa làm lễ hay chào nhau lúc mới gặp, Chư Tôn đức và Phật tử tu tập tại các chùa theo pháp môn Tịnh độ thường hay niệm A Di Đà Phật. Vì sao lại như vậy?

 

Muốn hiểu được điều này, chúng ta cần nắm rõ, Ðức Phật A Di Ðà có công đức rất lớn và hạnh nguyện rất quảng đại. Ngài có nhân duyên hóa độ chúng sanh ở thế giới Ta-Bà này rất nhiều.

Ngay từ thời đức Phật Thích Ca tại thế, Ngài đã nói rõ về 48 hạnh nguyện và pháp môn Tịnh độ mà đức Phật A Di Đà đưa ra và hành trì.

 Đức Phật A Di Đà được nhiều Phật tử tin theo trong quá trình tu tập.

Theo đó, những người tu tập theo pháp môn này, từ thiện tri thức đến hạng thứ dân nếu ai chuyên tu, nhất tâm niệm Phật A Di Đà, khi lâm chung sẽ được tái sinh về cõi Tịnh độ, tiếp tục tu tập với Ngài.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở phẩm thí dụ, hóa thành có chép: "Ðức Phật A Di Ðà, kiếp trước là con của Đức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa cho chúng sinh nghe, nên thành Phật hiệu là A Di Ðà, ở cõi Tây phương Cực lạc".

Còn ở Kinh Quán Phật Tam - Muội - Hải thì ghi: "Ðời quá khứ Ngài làm Tỳ kheo, chăm lòng kính lễ quán tưởng tướng lông mày trắng của Đức Phật Không Vương, nên được thọ ký là Phật hiệu là A Di Ðà".

Qua Kinh Bi Hoa cũng nêu: Ðời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, Ngài là vua Chuyển Luân tên là Vô Tránh Niệm. Ngài có một quan Ðại thần tên là Bảo Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng.

Một hôm vua nghe Đức Phật Bảo Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành, Ngài với quan Ðại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng.

Vua phát tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phúc báu. Ðức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề tâm cầu đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Khi đó Đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi khắp cả thế giới của chư Phật mười phương, cho chúng hội đồng thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô Tránh Niêm: "Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế giới, vậy Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?".

Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện, cầu xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và nhân dân của Ngài, đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhân duyên ấy, sau Ngài thành Phật hiệu là A Di Ðà ở cõi Tây phương Cực lạc.

Ngài đã phát đại nguyện sẽ cứu vớt tất cả chúng sanh khi lâm chung nhất tâm niệm 10 lần danh hiệu A Di Đà Phật.

Đến thời Phật Thích Ca thì Ngài khai thị (PV – nói): "Ðời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan.

Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhật Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Ðế Chúng.

Khi ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật Thế Tự Tại xuất gia, thọ Kỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo.

Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, pháp 48 lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh; nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì Ngài thề chẳng thành Phật. Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa không trung có tiếng khen rằng:

"Pháp Tạng quyết định sẽ thành Phật hiệu là A Di Ðà".

Qua đó cho chúng ta thấy đức Phật A Di Đà có rất nhiều tiền kiếp. Dù ở kiếp nào Ngài cũng tu tập và quyết định cứu khổ chúng sanh. Ở ngôi vị Thái tử, Ngài cũng từ bỏ để xuất gia tu thành quả Phật.

Không chỉ có thế, trong 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà, Ngài cũng chỉ rõ nếu như có chúng sanh nào lúc lâm chung nhất tâm niệm danh hiệu Ngài 10 lần thì sẽ được Phật A Di Đà và đại chúng đến đưa về cõi Tịnh độ, trừ những người phạm tội ngũ nghịch và hủy báng Chính pháp.

Ngoài ra vì pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm Phật, mỗi người dù ở đâu và làm gì đều có thể niệm Phật nên rất được thịnh hành trong hàng Phật tử

Chính vì điều này nên rất đông Phật tử tại Việt Nam tu tập theo pháp môn niệm Phật. Dù ở đâu và làm gì, họ cũng đều niệm A Di Đà Phật.

Theo Vô Thường