04/06/2021 11:41 View: 9857

Những việc nên làm cho người mới mất?

Một câu hỏi với nhiều cách hỏi khác nhau nhưng có chung thắc mắc rằng: Người chết có nghe được lời người sống khóc than, thương tiếc hay không?! Việc nên làm cho người mới mất thực sự là gì?

viec nen lam cho nguoi moi chet, hum chet de da nguoi chet de tieng


Với cách nhìn tâm linh thì việc ấy hẳn nhiên đã được khẳng định từ đầu về sự tồn tại của một thể thức hình thái gọi là (linh hồn) của người sống sau khi chết, rằng linh hồn có đầy đủ lục căn như một người đang sống, biết nghe, biết cảm nhận, biết vui buồn...

Tuy nhiên để hiểu cho tận tường, thấu triệt hôm nay Tamlinh.org xin được tổng hợp lại qua những bài giảng của các vị sư, những trải nghiệm và liễu ngộ:

Một người được xác định là chết - là khi người đó không còn hơi thở, tim ngừng đập. Mọi tuần hoàn của cơ thể ngưng trệ, thâu tịch.

Tuy nhiên, đó không hẳn là đúng!

Đó chỉ là cái chết - đối với khoa học thực nghiệm hiện đại ngày nay mà thôi!

Còn đối với tâm linh, một người đương có tim đập, hơi thở vẫn có người đã chết!

Một người tim ngừng đập, mũi ngừng thở nhưng vẫn hiện hữu sự sống (đối với các vị tham thiền pháp ấn - điều này hoàn toàn là sự thật không hề huyễn hoặc, hư dối).

Tất cả mọi người đều hoàn toàn có thể đạt đến trạng thái này, điều khác biệt là với người phàm phu việc ấy chỉ xảy ra trong một thời khắc hạn hữu nhất định, khi thân thể bị đưa đến trạng thái đó mà thôi, còn với người tu đạo họ tự mình đưa về trạng thái đó bằng trí lực vô ngại, nhưng để thoát ra khỏi trạng thái đó thì cực kỳ khó khăn.

Năm xưa Đạt Ma Tổ Sư tự mình diện bích đưa mình về trạng thái đó, nhưng nếu không có người đánh thức sẽ khó lòng tự mình vượt qua vì trong trạng thái đó, chiều của thời gian gần như được tính đếm bằng thời gian của các cõi trời, cho nên mười năm trôi qua chỉ bằng như một khoảnh khắc trong cõi thức ấy!

Sở dĩ thầy cần nói rộng ra như thế để cho mọi người hiểu rằng: Chết - chỉ là một khái niệm của người còn sống!

Chết - không phải là tận cùng của một cuộc đời, mà nó chỉ mới là một giai đoạn chuyển tiếp các trạng thái, hình thái, và cõi giới mà thôi!

Và như vậy, trong lúc tang sự diễn ra, người chết hoàn toàn có đủ linh lực để cảm thụ người sống nghĩ gì về họ, nói gì về họ, và làm gì với họ!
Họ có đủ sự vi tế để cảm thụ được ý nghĩ của từng người một, điều mà khi sống không thể nào họ có được!

Tuy nhiên họ không thể nào tác động được đến thế giới vật chất, không thể nào kết nối được với trí tuệ người đương sống (trừ những trường hợp vô cùng hi hữu khi tâm thức người sống có cùng giao cảm với họ - người đời gọi nôm na là (nhập hồn).

Và như vậy, câu nói (hùm chết để da, người chết để tiếng) quả tình không có sai khác.

Tiếng đời không chỉ thường hằng lúc ta đương sống, mà còn vang vọng đến cả ngàn năm sau khi ta đã chết!

Vì vậy, trong mỗi việc ta làm, mỗi điều ta tạo tác nào phải đâu dễ trôi theo năm tháng, thời gian.

Phải biết luôn luôn cảnh tỉnh chính mình, phải biết cân nhắc, xét suy trước mỗi điều ta gieo tạo.

Tiếng đời là thước đo của một linh hồn

Đối với cõi giới (trung ấm - tức là người vừa chết, chưa được luân hồi hay thụ nghiệp báo) thì (tiếng đời) là thước đo của một linh hồn.

Vì khi đó họ không còn thể xác, không còn chức vụ, quyền hạn, không còn tiền bạc, giàu nghèo, không còn danh vọng, hèn sang.

Khi đó vọng ức của người sống sẽ làm cho linh hồn đó có vị thế ra sao trong cùng cõi giới.

  • Với những linh hồn được nhiều sự ngưỡng vọng, tôn kính, tiếc thương sẽ nhận được nhiều nguồn linh lực, thân thể sẽ phát ra màu vàng lấp lánh!
  • Với những vong hồn bị nhiều nguyền rủa, miệt thị, trách chê, sẽ có màu xám tối, linh lực rất yếu, bị rơi xuống tầng thấp của trung giới. Cho đến khi đủ thời niệm để chuyển tiếp luân hồi.

Vậy cho nên, những việc người sống cần làm là gieo điều thiện phúc cho người đã khuất, chớ nên tổ chức rình rang, chớ nên xây mồ cao, mả lớn làm gì cho vô ích.

Hãy dành tiền phúng điếu mà hành thiện bố thí, dành tiền làm mồ cao mả lớn mà phóng sanh, trợ pháp, công đức đó thật sự sẽ hữu ích cho những người vừa chết.

Vô minh - sanh ác nghiệp!
Trí tuệ - sanh an lành!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúc tất cả an lạc, tinh tấn!
Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web