04/06/2021 11:41 View: 15088

Cửu Tuyền là gì? Tại sao khi con người chết lại về nơi Chín suối?

Khi có người mới chết, ta thấy ông bà cha mẹ hay nói tránh bằng cách khác đó là về nơi Chín Suối, hay là về chốn Cửu Tuyền (cửu là chín, tuyền là suối). Vậy Cửu Tuyền là gì? Tại sao khi con người chết đi lại về nơi chín suối hay về nơi suối vàng?

cuu tuyen, chin suoi, suoi vang, luan hoi

Vòng luân hồi của con người sau khi chết

Vậy có phải thật sự dưới âm phủ có chín suối không?

Có người lại gọi Cửu Tuyền là Huỳnh Tuyền (tức là Suối Vàng).

Không phải là suối chứa vàng mà là suối có màu nước là màu vàng. 

Dù mỗi người chúng ta đã từng đã đi qua nơi đó trăm vạn ức lần rồi, nhưng mỗi lần qua lại mỗi lần quên, vì quên nên người ta không biết sợ, vì không biết sợ nên lại phạm ác nghiệp, phạm ác nghiệp thì lại rơi vào đó nữa! Vậy thì hôm nay Tamlinh.org sẽ mang cái quên đó nói ra nơi này để cho nhiều người có quên cũng cố mà ghi nhớ, cố gắng mà vun bồi thiện nghiệp, tránh tạo ác nghiệp sớm sanh về các cõi lành.

Có thể một số người sẽ cho rằng: "hơi đâu lo chuyện tầm phào, sống chưa lo xong mà lo tới chết", nhưng có tầm phào hay không thì tự mỗi người liễu ngộ. Bởi thân người sanh tử vô thường, hôm nay còn đây biết mai có còn hay không? Bây giờ còn khỏe mạnh, tinh tường không lo không nghĩ đến khi bệnh hoạn, già nua, thần trí lẫn thẩn thì làm sao lo? Lúc đó muốn lo, muốn nghĩ, muốn biết cũng không thể nào mà lo cho được nữa!

Vậy vì sao lại là Chín Suối (trong khi chỉ có lục đạo luân hồi)?

Cái này có lẽ nhiều người rất hoài nghi, mỗi tôn giáo lại giải thích khác nhau, tuy nhiên theo như lời tự thuật từ A Tỳ Nhất Đế thì thực sự đúng là có 9 suối, nhưng không phải suối nào cũng màu vàng.

Tức là sau khi qua xét xử công tội từ Thập Điện Diêm La thì linh hồn người chết sẽ được đưa đi luân hồi, 9 dòng suối nối tiếp nhau qua những cây cầu:

Dòng suối đầu tiên có màu đỏ rực

Đây là con đường dẫn đến Địa Ngục, kẻ nào gây tạo vô số ác nghiệp thì sẽ qua cây cầu này, bị nghiệp lực chiêu cảm thu hút mà rơi xuống đó, rơi vào Địa Ngục chịu sự trừng phạt đến trăm vạn ức kiếp khi nào trả xong mới có thể lên phía bờ bên kia mà đi tiếp, sang con suối thứ hai.

Suối thứ hai là con suối có màu đen huyền của loài Ngạ Quỷ

Khi đi qua chiếc cầu bắt ngang con suối này ai chịu ác nghiệp chiêu cảm luân hồi thành Ngạ Quỷ thì sẽ rơi xuống đây, nơi này là Luân Hồi thành loài Ngạ Quỷ, chịu đói khát, khổ sở hành hạ xác thân cho đến khi nào trả xong nghiệp thì mới chết đi, lại thấy mình nằm phía bờ bên kia mà đi tiếp đến một con suối thứ ba.

Con suối thứ ba này lại có tới hai màu chia đôi dòng suối.

Mỗi một nửa lại có một chiếc cầu nhỏ, chính giữa là một hòn đá làm cầu nối! Một nửa phía bên trong có màu nâu đất, một nửa bên ngoài có màu đỏ bầm. Khi đi qua cây cầu nhỏ bên trong tùy theo nghiệp lực có thể bị thâu hút mà rơi xuống đó, con suối này là đường dẫn luân hồi cho những loài thấp sanh, bàn sanh (tức là đạo súc sanh bậc thấp). Khi luân hồi trong đạo này thì linh hồn bị phân mảnh tan nát tất thẩy làm trăm ngàn mảnh nhỏ, mỗi mảnh tương ứng với một sinh linh.

Nếu ta nói con giun, con kiến là một linh hồn thì không phải vậy, tức là một phân mảnh của một linh hồn mà thôi, khi đi luân hồi linh hồn bị phân mảnh như thế cho nên chỉ có thể biết làm theo bản năng chứ không gì khác nữa! Sau khi chịu đọa nẻo này đến khi tất cả các phân mảnh hội tụ đủ đầy thì mới hợp lại thành vong linh để sang tiếp nửa bờ bên kia.

Thí dụ nếu một linh hồn đến đây bị phân mảnh thành một ngàn mảnh nhỏ, luân hồi thành một ngàn con kiến, có 999 con từ phân mảnh này chết đi thì linh hồn này vẫn ở nơi này chờ đợi khi mảnh còn lại chết và về lại nơi đây hội đủ thì mới lại đi tiếp.

Nửa phần màu đỏ bầm bên kia con suối này thì là nơi luân hồi làm thân súc vật, tức như trâu bò, heo gà... các thứ, nếu kẻ nào ác tâm mang nhiều sát nghiệp, chịu luân hồi làm thân súc sanh thì sẽ bị chiêu cảm mà rơi xuống đây, luân hồi thành thân súc sanh. Do thân súc sanh đã đủ hết các mảnh linh hồn cho nên loài vật có suy nghĩ, có tình cảm, có nhiều điểm tương hợp gần với loài người nhất.

Như vậy tuy là mới qua 3 đạo luân hồi nhưng có 4 con suối rồi, và đạo luân hồi thứ tư tức là cõi Người.

Huỳnh Tuyền thực sự

Đây mới là Huỳnh Tuyền thực sự bởi vì dòng suối dành để luân hồi có màu vàng, độ đậm nhạt lại khác nhau, trên dòng suối này lại có tới 3 màu đậm nhạt, tương ứng với 3 chiếc cầu nhỏ.

Nối tiếp giữa hai chiếc cầu là một mô đất trống giữa suối, khi đi qua suối này

  • Ai keo kiệt, dè xẻn, bủn xỉn hay là kẻ bòn rút của công bị đọa làm thân Bần Tiện thì rơi vào cái khoảng 1/3 đoạn đầu, tức là cây cầu nhỏ đầu tiên đã bị nghiệp lực chiêu cảm rơi xuống rồi, sanh ra làm thân bần tiện, nghèo khổ, vô minh
  • Người nào không có tội, cũng chẳng có công, tức là bất ác, bất thiện thì đi được đến đoạn thứ hai, màu sẽ càng đậm rõ hơn, rơi vào dòng suối này sẽ sanh làm thân người ở giai cấp trung bình, không quá giàu, không quá khó, giàu hay khó do họ tạo tác khi sanh ra (phần lớn con người ta rơi vào nẻo này).
  • Còn đoạn 1/3 còn lại thì có màu vàng óng, màu vàng tượng trưng cho Thiện Nghiệp nhiều hay ít. Ai sanh vào đoạn này thì đó là người có nhiều Phước Đức khi sanh thời biết hành thiện nghiệp, bố thí phóng sanh, hộ pháp, giúp người, cho nên sanh ra đời làm thân Tôn Quý, gia đình giàu có, quan lại, đó là do họ biết tu thân, biết làm phước chứ đâu phải do cầu xin ai mà có được. Đến khi sanh ra thấy có sự khác biệt này thì số người kia lại cảm thấy căm tức, ghen tị, kỳ thực là do mình vô minh mà ra, do họ khai trí mà được vậy, đâu phải ngẫu nhiên đâu!

Vậy là qua 4 nẻo luân hồi và qua 7 suối, chỉ có suối người là Huỳnh Tuyền mà thôi, tức là không có nẻo nào dễ tu hành hơn kiếp người, kể cả cõi trời.

Nẻo thứ năm đó là người có đức lớn nhưng tâm còn kiêu ngạo

Tâm họ còn hận thù, ganh đua nên sanh vào cõi Atula. suối này có màu trắng sữa, ai có nhiều phước đức mà chưa bỏ được cái ngã mạn tự cao, ghanh ghét thì sẽ rơi vào nẻo này.

Nẻo cuối trong lục đạo này tức là cõi Trời, con suối này có màu xanh da trời, không có cầu như mấy con suối trước mà cây cầu được dệt bằng mây, có 7 sắc như cầu vồng, đi qua cũng không rơi xuống mà sẽ có chim hạc bay từ dưới suối bay lên cho người đó cưỡi lên mà bay về cõi trời. Cõi này không có quên tiền kiếp nên vẫn có thể nhớ!

Đó chính là Chín Suối nơi Âm Ty.

Cầu siêu cho người đã khuất có tác dụng không?

Vậy cầu siêu cho người đã khuất có tác dụng không và tác dụng như thế nào? 

Cầu Siêu là gia trì hương linh, như người đi trong sa mạc cần được tiếp nước! Nước tuy có thể giúp người ấy can trường, dũng mãnh bước tiếp trên cát nóng nhưng nước không thể giúp họ bay bổng trên cát đến được nơi phải đến.

Vậy cầu siêu tất nhiên có linh lực gia trì, nhưng không phải là đũa thần cho sự siêu thoát nếu bản thân người được cầu siêu không tiếp nhận và chuyển biến.

----------------------------------------

Sở dĩ trước đây bạn sẽ khó tìm thấy những điều này trong sách vở vì đây là huyền cơ, phải là người có đủ tín nguyện mới có thể liễu ngộ được chánh ý này, hơn nữa trên các trang web cũng hạn chế nói ra, e làm cho một số tôn giáo, một số đồng tu nghi kỵ, phỉ báng chỉ thêm tội cho họ, nhưng Tamlinh.org là nơi tìm hiểu về những kiến thức tâm linh, cho nên không phải e dè chuyện đó nữa! Hôm nay ad đăng lên đây để mọi người có thêm tài liệu khảo cứu.

Biết thiện ác mà chọn lựa khi quyết định việc gì!

Tamlinh.org

Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web