04/06/2021 11:40 View: 20050

Cách tránh để không bị chết đuối do ma quỷ bắt?

Mỗi năm đến dịp mùa hè trên đài báo truyền thông ra rả rất nhiều về nạn đuối nước. Không cứ gì trẻ em, ngay cả thanh niên hay người lớn tuổi, biết bơi mà vẫn chết đuối. Loại bỏ những vấn đề đuối nước do không biết bơi thì những điều kỳ lạ và nguy hiểm luôn rình rập mà trong tâm linh hay gọi là ma quỷ. Vậy làm thế nào để tránh tình trạng chết đuối do ma nước (ma da) kéo?

duoi nuoc, ma da, ma nuoc

Ma da, ma nước là gì? 

Ma da là tên gọi những hồn ma chết trôi dưới sông nước, ao hồ, là một trong những truyền thuyết tâm linh gây khiếp sợ nhất Việt Nam.

Thời nay, đã không còn nhiều câu chuyện ma dân gian được ông bà, cha mẹ kể lại, vì thế với một số người, ma da có thể là cái tên xa lạ. Ma da hiểu đơn giản là những hồn ma dưới nước, có thể là sông, hồ, ao. Do Việt Nam có rất nhiều sông lớn, bãi biển và hồ nên việc người chết đuối thường xuyên xảy ra.

Từ xa xưa, câu chuyện về những hồn ma da đã lan truyền giữa những thế hệ người Việt, nhằm răn đe con nít không được tắm sông, tắm hồ một mình, đặc biệt vào buổi tối.

Ma da dìm chết người để "thế chỗ", để được lên bờ

Theo truyền thuyết, ma da thường là linh hồn của những người chết đuối mà không siêu thoát được, vì thế năm này qua năm khác cứ ở dưới đáy sông lạnh. Những ai bơi ở dưới nước nơi hoang vắng, hay một khúc sông, ma da sẽ xuất hiện từ bên dưới, kéo tay chân  người đó rồi lôi xuống nước. Kết quả là nạn nhân dù có biết bơi và bơi rất giỏi cũng chết đuối.

Ma da khi tìm được người chết thay sẽ leo được lên bờ, trên gò đống hay cành cây, thoát khỏi đáy nước lạnh lẽo. Có quan niệm còn cho rằng ma da khi kéo được người khác thế chỗ mình sẽ có thể siêu thoát, đầu thai. 

Những khu vực nguy hiểm, hay có ma da?

Ở Việt Nam, nơi có nhiều ma da nhất được cho là sông Đá, sông Lốt, sông Cái và các khúc sông, hồ sâu. Tại Hà Nội, Hồ Linh Đàm cũng là một nơi được cho có quá nhiều người chết đuối, tự tử, nhiều vong hồn và nặng ám khí. Thậm chí ở những nơi như hồ bơi, đôi khi ma da cũng xuất hiện bởi trước đó từng có người chết đuối.

Xác chết sau khi bị ma da kéo đi sẽ không thể tìm thấy ngay lập tức. Vì thế mà ngày xưa, ở nhiều khúc sông người dân phải mời thầy về cúng viếng, hoặc có người tự tử thì phải hương nhang đầy đủ. Thậm chí lập đàn "xin xác" mới có thể tìm thấy xác nạn nhân.

Lưu ý những điều sau đây để tránh bị đuối nước do ma quỷ?

1. Hạn chế tắm ở những nơi đã từng có người chết đuối 

Không đi tắm ở những nơi dòng chảy xiết, những khu vực mà trước đó nghe được rằng ở đây có người đã chết đuối.

2. Cẩn thận với những biểu hiện lạ

Khi đang yên đang lành mà người tự nhiên thấy nóng bức ngột ngạt, mà lại không muốn tắm ở bể bơi hay chỗ gần nhà, tự nhiên lại muốn đi đến một nơi khác xa lạ hơn vì thấy cực thích chỗ biển hay chỗ sông đó .. Như vậy là có vấn đề, hãy cẩn thận và không nên đi đến những chỗ lạ, người xưa hãy nói như thế rất có thể do ma quỷ hợp vía muốn bắt và mình dụ đi đó. 

3. Hãy trông coi trẻ em cẩn thận

Trẻ em nhiều khi đuối nước rất vô lý, chết ngay trong cái chậu nước sau nhà, hoặc chỉ là một vũng bùn nước nông nhỏ rồi bị ngã úp mặt vào đó không dậy nổi mà chết .....vv .

Đó rất có thể là do Ma Quỷ bắt hại, điều khiển, xui khiến cho bé không dậy nổi mà phải ngạt. Nếu gia đình hoặc mọi người không thấy để cứu kịp thời sẽ cực kỳ nguy hiểm.

4. Không soi mình xuống nước ở khu vực có người chết đuối

Tuyệt đối không được đứng trên cầu soi bóng mình xuống sông nước, đặc biệt là nơi đã có người chết đuối nước vì các cụ xưa truyền lại là như vậy rất dễ bị ma quỷ ghi nhớ và gây ra điều tang thương dẫn dụ đến lần sau.

Trẻ em không được soi bóng mình xuống giếng khơi, rất nguy hiểm đấy.

5. Đừng cậy mình bơi giỏi

Mọi người thường bảo: Đừng tự phụ mình bơi tài bơi giỏi, vì khi ma quỷ bắt người chẳng bơi nổi đâu. Khi đó chân tay như bị chuột rút cứng đơ người làm sao mà bơi được nữa, có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần. Không biết thực hư điều này ra sao, nhưng hãy khởi động kỹ trước khi xuống bơi để tránh chuột rút. Mặc áo phao cẩn thận nếu không biết bơi. 

6. Đừng nghĩ đến nhảy cầu

Gặp nghịch cảnh khó khăn đừng nghĩ đến nhảy cầu vì khi xuống đó mới biết còn khổ hơn ở trên trần. Muốn lên lên không được, muốn thoát không xong, ma quỷ cũ xấu xa lại bắt mình phải đi bắt người thế thân.

7. Không vất đồ dùng xuống sống. 

Nếu là nữ giới, hay thậm chí cả nam giới cũng chớ vất đồ dùng cá nhân của mình xuống nơi dòng nước, đặc biệt nơi đã có dớp của chết đuối. Ma quỷ sẽ ghi nhớ khí tức đó của bạn và sẽ lần theo dấu vết để đến tận nơi điều khiển, xui khiến.

Những câu chuyện kỳ bí về thế giới tâm linh, về các linh hồn sống dưới nước vẫn luôn là một bí ẩn chưa thể giải đáp mặc dù các nhà nghiên cứu ngoại cảm đã dành rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu. Vì vậy, mặc dù ta không thể chắc chắn việc có hay không loài ma nước này thì những nơi nguy hiểm, hay xảy ra đuối nước ta cũng nên tránh thật xa. Kiêng kỵ một số điều tâm linh cũng không mất quá nhiều thời gian hay bị chê cười, tính mạng là quan trọng nhất

Người chết đuối là do Hà Bá bắt đi, nên nếu cứu họ sẽ phải đền mạng?

Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra, bởi họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá. Nhưng quan điểm này thật sự quá nhẫn tâm và độc ác, chúng ta không thể hàng ngày đi chùa, ăn chay niệm phật, tâm niệm trong đầu lời dạy: "Cứu một người còn hơn xây bẩy toà tháp" mà lại đi dạy con cháu của mình đứng nhìn người khác chìm dần mà không cứu - chỉ vì sợ phải đền mạng.

Mặc dù trên thực tế đúng là có những khu vực bị dớp chết đuối nhưng điều này không có nghĩa là cứu người chết đuối thì bị hà bá bắt. 

Hãy đi dọc các bến sông, bạn sẽ thấy rất nhiều gia đình đã 3 - 4 đời cứu người gặp nan trên sông - mỗi lần cứu được người, họ và gia đình lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định “bỏ mặc” nạn nhân chìm dần giữa dòng sông lạnh lẽo.

Nếu Hà Bá bắt thật thì họ đâu thể nào hành thiện cứu người nhiều đời như thế. 

cuu duoi nuoc

Đừng dạy lớp trẻ sợ hãi, hãy dạy lớp trẻ kỹ năng cứu người đuối nước an toàn. Các giáo viên dạy bơi khuyến cáo, trong trường hợp gặp người bị đuối nước, để có thể vừa cứu được người bị nạn lại vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân, người tham gia cứu người gặp nạn phải bình tĩnh, không nên nhảy ngay xuống nước mà phải tìm sự hỗ trợ, tìm những người ở gần đến giúp. Ðồng thời, quan sát chung quanh để tìm những vật dụng có thể cứu được người bị nạn như sào, khúc gỗ, tấm ván nhẹ... Người cứu người gặp nạn có thể đứng ở trên bờ để cứu, vì tâm lý người bị đuối nước rất hoảng loạn, vớ được bất kỳ cái gì là ôm rất chặt và không buông cho nên sẽ rất nặng. Nếu người cứu đuối nước không có kỹ năng cứu người thì người bị đuối nước sẽ túm và ghì người cứu cùng chìm xuống, dẫn tới tất cả đều đuối nước.

Với người đuối nước, chỉ cần sử dụng sào đưa xuống thì chắc chắn người bị đuối nước sẽ tóm lấy rồi sau đó kéo vào bờ, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho mình mà vẫn cứu được người. Trong trường hợp người cứu nhảy xuống nước phải bơi giỏi và đủ sức khỏe, có kỹ năng cứu người. Trong trường hợp này, người cứu phải có khoảng cách an toàn 1,5 m, tìm cách tóm vào tóc của người đuối nước và kéo vào bờ hoặc có thể lặn xuống bên dưới tóm vào chân lôi vào bờ. Khi tham gia cứu người bị đuối nước, mọi người chú ý không để người đuối nước tóm tay vào người mình vì như thế vụ cứu đuối nước sẽ vô cùng phức tạp.

cuu duoi nuoc, chet duoi

Thực tế cho thấy, ranh giới của việc tham gia cứu người bị đuối nước và bảo đảm an toàn cho tính mạng của chính người tham gia cứu người bị nạn rất mong manh. Cứu người theo bản năng là tốt, nhưng cứu người cần phải có kiến thức sẽ tốt hơn, để vừa có thể bảo đảm an toàn cho bản thân và cho người được cứu. Vì vậy, khi gặp trường hợp bị đuối nước, người cứu phải thật bình tĩnh và nhanh chóng tìm sự cứu trợ của người chung quanh thay vì cứ lao mình xuống dòng nước.

Tamlinh.org (tổng hợp)