Ai cũng một lần phải chết, nhưng Chết có phải là hết? Chết là chấm dứt là biến mất khỏi thế gian này, hay còn có một nơi nào khác để người chết trở về? Sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu? Chúng ta cần làm gì để tốt nhất cho người mới mất? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Con người sinh ra do nhân - quả
Giáo lý quan trọng của Phật giáo là Lý Duyên Khởi, là Nhân Quả, là cái này có cái kia có, cái này sinh cái kia sinh; cái này không cái kia không, cái này diệt cái kia diệt. Như vậy có nghĩa là chúng ta "gieo Nhân nào thì nhận Quả đó".
Trong đời sống hiện tại chúng ta đang thọ nhận cái Quả vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau là do chúng ta gieo Nhân làm khổ người hay mang hạnh phúc đến cho người từ đời trước. Và cái Quả trong hiện tại đời này, nếu không tu tập sửa chữa thì nó chính là cái Nhân để trổ Quả cho chúng ta nhận trong tương lai. Con người cứ như thế tương tục mãi không ngừng hết đời này qua đời khác theo vòng luân hồi mười hai mắt xích.
Từ điểm này chúng ta biết rằng con người sinh ra từ Nhân Quả và không phải chỉ sống một đời trong hiện tại này, mà đã trải qua nhiều đời trong quá khứ và trong tương lai còn tiếp nối nhiều cuộc sống khác. Như vậy chết là bỏ thân hiện tại trong đời này để có thân mới trong đời sống kế tiếp. Nói cách khác sống là thay thân cũ của đời trước để có thân mới trong đời này. Với con mắt của bậc trí tuệ thì con người của đời này và con người của đời sau không phải là một mà cũng không phải là hai.
Con người sau khi chết sẽ trở về trung giới
Người tu Phật thì tin rằng: Vong linh người sau khi chết sẽ đi về một cõi gọi là (trung giới) ở trong cõi u mịch đó thì ngày cũng như đêm, đợi chờ đến lúc thuận duyên sẽ có sự chiêu cảm luân hồi mà đi vào lục đạo chuyển kiếp hóa sanh!
Nhưng đó là một mô tả ngắn gọn, súc tích về cõi giới được gọi là (trung giới) đó.
Để lược tả cụ thể quá trình chuyển hóa tâm thức này, hôm nay Tamlinh.org xin mạn phép chia sẻ một số điều mà có lẽ tất cả mọi người còn chưa thấu tỏ!
Trước kia, trong một bài pháp (CỬU TUYỀN ĐÀI) đã có lược dẫn cụ thể hơn về sự chiêu cảm của tâm thức đối với luân hồi: rằng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu! Tùy vào tâm thức người đó ra sao mà khi đi qua các dòng suối sẽ bị chiêu cảm rơi xuống đó để luân hồi!
Nhưng sau khi chết, người chết đi đâu? Về đâu? Làm sao đến được nơi (CỬU TUYỀN ĐÀI) ấy?
Con người sau khi chết sẽ về bên dưới các dòng sông
Có rất nhiều vong linh lang thang vất vưởng nơi trần thế, bị gọi là (cô hồn, ngã quỷ) không biết đi đâu, về đâu!
Kỳ thực con người sau khi chết đi thần hồn còn chưa hội đủ sẽ vô thức đi về nơi câu nạp âm vong. Nơi đó là ở bên dưới các dòng sông! Từ sông bé đổ về sông lớn, rồi sông lớn hơn nữa, đổ về biển cả, đại dương!
Đối với người sống chúng là những con sông, nhưng đối với các vong hồn chúng là những âm lộ, chiêu dẫn tất cả vong linh về một nơi gọi là (trung giới).
Vì vậy cho nên người của dân tộc nào sẽ đi về con sông của dân tộc ấy, người của quốc gia nào sẽ theo dòng sông của quốc gia ấy, đến khi luân hồi, họ cũng từ những âm lộ này trôi vào các nơi có sự chiêu cảm tương đồng!
Vậy thì nếu một vong linh đang trên đường đi đến âm lộ mà bị sự tác động nào đó lạc mất phương hướng thì người đó sẽ như một người vô thức, không tỉnh táo, đi lang thang khắp nơi, chịu đói, chịu lạnh, chịu sự đọa đày thương tâm và bị coi là cô hồn, ngã quỷ!
Muốn bạt độ họ phải dẫn họ quy về âm lộ của họ, (tức phải biết quê quán, nơi mất) để tìm ra âm lộ mà quy vị cho họ thì họ mới có thể thoát kiếp cô hồn!
Nhiều vị tăng sư hằng năm thí tế cô hồn vào ngày rằm tháng bảy, họ chỉ thí thực cho cô hồn có đồ ăn thức uống chứ không thể giúp họ thoát kiếp cô hồn!
Vậy thì người mới chết bị tác động làm sao sẽ trở thành cô hồn?
Có rất nhiều nghịch cảnh tạo ra với việc một người chết không thể quy vị về âm lộ của chính mình:
- - Chết oan (không chịu đi luân hồi)
- - Chết không toàn thây (thây thể bị phân ra trước khi chết)
- - Không có quê hương.
- - Không có người thân chôn cất
- - Bị lạc mất phương hướng.
- - Chết đột ngột (chiến tranh, dao kiếm).
Giúp người mới chết tìm được âm lộ của chính mình
Con đường đi đến âm lộ có khi chỉ một vài bước chân, có khi mất hàng tuần, hàng tháng (đối với những người nơi biên địa xa xôi), cho nên để giữ cho người chết tìm được âm lộ của chính mình, ngày xưa khi tẩm liệm người ta thường bỏ vào hòm 3 nhúm đất. Đất này sẽ gợi cho linh hồn biết hương quán của mình mà tìm đến âm lộ của riêng mình, không bị lạc mất phương hướng!
Nhắc đến đây Tamlinh.org lại thấy các vị tín chúng phải sống xa quê hương xứ sở, cầu thực quê người, dù là trong nước hay nước ngoài, hãy cố gắng đưa họ về lại quê hương mà chôn cất (cho dù chỉ là tro cốt sau hỏa táng), để họ được sớm ngày quy vị, siêu sanh.
Việc làm này thiết thực và hữu ích gấp trăm vạn lần lời cầu siêu, đàn tế hay kinh kệ!
Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết người chết tái sinh về đâu?
Dấu hiệu nhận biết người chết không siêu thoát
Nếu sắp sanh vào đường A-tu-la, sẽ có các hiện tượng như sau: thấy những vườn cây khả ái và những vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu người chết thấy những cảnh tượng ấy mà sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là đầu thai vào đạo A-tu-la.
Nếu nghiệp cảm của kẻ chết sắp sanh vào đường súc sinh, thì họ tự cảm thấy có núi non, hang hố, vực sâu hiện ra trước mắt, nếu muốn vào trong đó tức là đầu thai vào đường súc sinh.
Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sắp sanh vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ tự thấy có một bãi sa mạc không cây cối, hoặc có những hang hố, cỏ cây khô héo… Đó là cảnh tượng của ngạ quỷ, nếu sanh vào trong đó thì luôn luôn chịu đói khát và hết sức khổ sở.
Nếu nghiệp cảm của người chết sắp sanh vào địa ngục, thì họ cảm thấy trong thân mình như bị gió lạnh áp bức. Rồi họ lại tự thấy những ngọn lửa của địa ngục bốc lên, vì ưa sự ấm áp, nên vội đi vào trong đó. Nếu kẻ chết sanh vào địa ngục Đại hàn, thì trước hết cảm thấy trong thân mình như bị chạm phải luồng gió nóng, hay bị lửa đỏ nung đốt, cho nên khi hơi mát trong địa ngục đại hàn bốc lên, họ cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Vì ưa mát mẻ nên vội vàng đi vào trong cảnh ấy, lập tức họ sẽ bị bó buộc không thể nào tránh thoát được nữa.
Hơn nữa, nếu lúc còn sống, trong khi gây nghiệp, thường có bạn bè hùa nhau giúp đỡ, thì khi lâm chung người chết sẽ thấy bạn bè đồng nghiệp với mình ngày trước hiện ra trước mắt. Khi đó vì xúc động, nhớ đến tình cảm ngày xưa, người chết vội vàng chạy đến với bạn. Nhưng khi đã đến rồi, thì cảnh ấy hoàn toàn thay đổi, người chết phải chịu mọi điều khổ sở.
Nếu biết được thế, khi thấy những cảnh tượng trên, ta phải giữ vững tâm chí, chớ nên vội vàng đi đến, cần phải nên chăm lòng cung kính niệm danh hiệu Phật A-di-đà, để cầu Ngài đến cứu độ cho mình là tốt nhất.
Chúc tất cả một ngày an lạc!
Tamlinh.org (tổng hợp)
Sao chép, trích dẫn, diễn đọc phải dẫn link từ web