SA và THUỶ là hai yếu tố rất quan trọng khi xem thế đất trong phong thuỷ. Bài viết này hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu về khái niệm, ý nghĩa & vai trò của SA - THUỶ trong phong thuỷ/ Ảnh hưởng của sa thuỷ trong phong thuỷ?
SA và ý nghĩa của SA trong phong thuỷ?
Khái niệm SA trong phong thuỷ
Sa trong phong thủy là chỉ những đồi núi nhỏ xung quanh chủ long, đặc biệt là chỉ những thế núi tầng tầng lớp lớp bao xung quanh huyệt trường. Có loại sa do vị trí sắp xếp và tác dụng khác nhau mà có những tên gọi khác nhau.
Trong sách "Bát sơn thiên - Luận sa" có viết "Đứng thẳng hai bên, gọi là thị sa, có thể che chắn ác phong, rất có lực, bao bọc xung quanh long, gọi là vệ sa, có thể làm tán gió bên ngoài, tăng khí thế bên trong, bao bọc phía sau huyệt gọi là nghênh sa, thấp nhỏ như vái chào, nhường nhịn, giống như thị vệ đứng chầu phía trước, gọi là triều sa, bất kể xa gần đều rất quý"
Trong phong thủy còn đặc biệt chú trọng lựa chọn hộ sa bên trái, bên phải.
- Sa bên trái của huyệt trường gọi là thượng sa, hay còn gọi là Thanh long sa
- Sa phía bên phải gọi là hạ sa hay còn gọi là Bạch hổ sa.
Sở dĩ có phân biệt trái phải trên dưới, ngoài việc liên quan với quan niệm tôn trọng bên trái của người Trung Hoa, có thể còn có quan hệ đến vấn đề chắn gió, vì vậy thượng sa ở bên trái thường nên cao to hơn hạ sa ở bên phải.
Qua đó có thể thấy bất kể một huyệt địa phong thủy lý tưởng nào, cũng đều không thể tách rời sự bảo vệ của cát hộ sa bên trái bên phải, ở phía. trước cũng không được mở ra xa quá, mà phải có án sa, triều sa bảo vệ từ đó hình thành hoàn cảnh môi trường có thể chắn gió tụ khí.
Ý nghĩa của SA trong phong thuỷ
Trong phong thủy cho rằng các tầng lớp của sa càng nhiều càng tốt, "tầng tầng hộ vệ" phải hơi nghiêng và ôm vào phía trong, trông rất hữu tình, vậy mới có thể hình thành “phát phú phát quý chi địa" (đất phát phú quý), còn dưới chân sa phải có nước chảy uốn khúc, chậm rãi, đó mới gọi là phong thủy tốt .
Trong phong thủy còn chú ý đến hình thái bên ngoài của sa, cho rằng sa có ba loại:
- Đầy đặn tròn kín ngay thẳng là dáng phú (giàu)
- Thanh tú nhỏ nhắn đẹp đẽ là dáng quý (sang)
- Nghiêng ngả, phình to là dáng thấp hèn...
- Vỡ nát, nhọn hoắt, nhỏ hẹp, thấp bé, nghiêng ngả, thô kệch, gầy yếu, ngắn, lệch đầu, quay lưng, gãy quẹo, đều là loại tiềm ẩn mối họa".
Nói tóm lại những sa nhìn bên ngoài dễ chịu thoải mái là sa tốt, sa quý nhìn bên ngoài mà cảm thấy khó chịu là sa hung, sa xấu.
THỦY VÀ Ý NGHĨA CỦA THUỶ TRONG PHONG THUỶ
"Bát sơn thiên" viết: "Phàm khi nhìn núi (sơn, long mạch), đến nơi có núi, trước tiên phải xem nước (thủy)... nơi nước đến là nơi long mạch phát, nơi nước hết cũng là nơi long mạch tận.
Vì sao xem núi (sơn) trước tiên phải xem nước (thủy)?
Vì sơn và thủy luôn đồng hành với nhau. Biết nguồn gốc của thủy, là cũng biết nơi phát mạch của sơn; biết nơi tận cùng của thủy là cũng biết nơi long mạch chấm dứt). Các con sông lớn thường hình thành long lớn gọi là Đại cán long. Ở miền Bắc và Trung của Việt Nam thì Đại can long Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, đó là 3 đại cán long vĩ đại hình thành nên địa hình phong thủy lý tưởng để phát triển dân tộc Việt ngàn năm nay.
Khi xem thủy, các thầy phong thủy căn cứ vào hình thái ngũ hành để chia trạng thái vây bọc của thủy ra thành năm loại hình: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Đây gọi là năm loại thủy thành. Thủy thành hình là lấy nước làm khuôn mẫu, thủy thành cố tác dụng giới hạn thủy, làm cho long khí không bị tán thất.
Trong "Ngũ thành" có
- Kim thành và Thủy thành, nước chảy như dải lụa, quanh co hữu tình cho nên là nơi đất thượng quý (tốt nhất)
- Mộc thành và Hỏa thành có thế nước như tấn công, vỡ vụn, nhọn nghiêng cho nên không thể cho là cuộc đất tốt
- Còn thổ thành thì có hung, có cát, dòng chảy nhẹ nhàng, sâu, dâng nhẹ là tốt dòng chảy xiết là xấu.
Trong phong thủy người ta căn cứ tình hình nước chảy trên mặt đất để chia ra làm tốt xấu, cho rằng
- Chảy vòng vèo uốn khúc bao quanh hữu tình là đẹp, là cát
- Chảy xiết, đâm thẳng, cuốn đi là xấu, là hung.
Quan điểm về cái đẹp và cái xấu này thoạt nhìn tường như rất hoang đường, nhưng trên thực tế nó là sự kế thừa và phát triển từ kinh nghiệm thực tế của cuộc sống, từ đó hình thành nên nền văn hóa truyền thống với mục tiêu tìm kiếm phong cách kín đáo, sâu sắc trầm lắng.
Vì vậy yêu cầu đối với "Thủy khẩu" là: "Nguồn phải bao quanh hữu tình, không được đâm thẳng, bít kín; cửa ra phải kín kẽ, sợ nhất là đi thẳng ra xa mà không có uẩn khúc quay về.
"Thủy khẩu" là điểm quan trọng nhất trong việc xem thế nước.
Thủy khẩu là chỉ nơi nước chảy vào và nơi nước chảy ra của một khu vực nào đó, thông thường là chỉ nơi nước chảy ra. Thủy chủ về tài vận, cho nên tác dụng của thủy khẩu là tụ tài (tập trung tiền tài) Sách "Nhập địa nhãn đồ thuyết - "Thủy khẩu" viết: "Phàm nơi thủy đến gọi là thiên môn, nếu đến mà không thấy nguồn nước thì gọi là thiên môn khai (cửa trời mở); nơi thủy đi gọi là địa hộ, không thấy thủy đi thì gọi là địa hộ bế (cửa đất đóng). Nước chủ về tài, cửa vào mở thì tài đến, cửa đi đóng thì tài dùng bất tận."
Vì vậy trong "Táng thư" mới viết: "Phép xem phong thủy, lấy đắc thủy là ưu tiên, tàng phong là kế đến." Trên thực tế một môi trường phong thủy tốt tuyệt đối không thể thiếu tác dụng của thủy. Thủy một mặt là phản ảnh của khí hậu, mặt khác lại có ảnh hưởng đến thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật của khu vực, cuối cùng là ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái của một khu vực.
Đối với cuộc đất để làm nơi ở mà nói, nước lại là thứ không thể thiếu được cho sản xuất và đời sống. Vì vậy các làng xóm thời xưa đều đặc biệt chú trọng việc lựa chọn thủy khẩu, lấy thủy khẩu làm đường giao thông chính, làm tiêu chí cho các vườn cảnh của làng xóm. Những nơi này dân cư thường giàu có hơn những nơi khác, điều này chúng ta có thể thấy rõ trong thực tế.
Chính vì nước là tiêu chí của tài nguyên, vì vậy ở rất nhiều khu dân cư ở Trung Quốc đều yêu cầu phía trước nhà phải có sông nước, phía trước nhà không có sông nước thì phải đào hồ ao để làm cho tài nguyên phong phú. Thông thường người ta cho rằng: "Trữ nước trong hồ ao đủ để dưỡng địa mạch, dưỡng chân khí". Công dụng của việc đào hồ ao trước nhà còn có lợi cho sản xuất và sinh hoạt.
Tamlinh.org