Có rất nhiều câu chuyện dân gian kể về việc kết duyên tơ tóc giữa người phàm và “tiên nữ” hay “nàng tiên”, kỳ thực đó là điều viễn vông, không thật bởi vì một người là cõi tiên tức là không còn tồn tại tình cảm luyến ái nam nữ thế gian nữa, mà đó có thể là các thiên nhân trong những cõi trời khác. Vậy cõi tiên có thật không? Cõi tiên là cõi như thế nào? Các loài vật có thể tu luyện thành tiên không? Cách tu luyện thành TIÊN của các loài vật như thế nào?
Vì sao cõi trời này được gọi là TAM GIỚI CÂU TIÊN CHIÊU THIÊN?
Bởi cõi trời này là nơi CÂU HỘI của tất thẩy chúng TIÊN trong Tam Giới được Vua Trời Đế Thích thụ phong, theo đạo giáo thì Chư Thần do Ngọc Đế cai quản, còn chư Tiên thì do Tây Vương Mẫu cai quản, tuy nhiên đó là quan điểm của Đạo Giáo mà thôi, kỳ thực thì chư vị Tiên không chịu sự cai quản nào của người nào là Vương Mẫu và cõi trời này không có vua, nhưng do họ vẫn còn trong Tam Giới cho nên tất nhiên vẫn chịu sự cai quản của vua trời Đế Thích – dân gian vẫn thường gọi là Ngọc Hoàng hay Ngọc Đế.
Cõi trời này là nơi hóa sanh của những người cực thiện đã gột rửa được tạp khí từ thân thể và tâm tánh (khác với cõi trời thứ 11 – Tam Giới Câu Thần Hội Thiên) vì cõi trời thứ 11 thì thiên nhân nơi đó vẫn chưa gột rửa được tâm tánh vẫn còn phàm tánh.
TAM GIỚI CÂU TIÊN CHIÊU THIÊN
Trong một lần nhận lời mời độ pháp của một vị Thiên Tướng có tên là Châu La Mi Cương vị đạo sư đã có một cuộc vấn đạo nơi cõi trời này, theo như lời tự thuật từ vị đạo sư thì cõi trời này như sau:
- - Có bề rộng 9.981 vạn ức do tuần.
- - Chiều cao đến cõi trời kế tiếp 9.999 triệu do tuần.
Tường thành được cấu từ “TIÊN LINH CHƠN KHÍ”, đây là lớp tiên khí hội tụ từ tất thẩy chúng tiên trong cõi trời này, với mỗi chúng tiên đều đã gột rửa được phàm tánh mới hình thành được tiên khí chơn nguyên và hội tụ lại thành một lớp tường thành, tuy rằng nó chỉ mà một màn khí hư ảo không có vẻ gì là kiên cố, nhưng không có bất kỳ một chúng sanh nào trong tam giới có thể đi qua đó được bởi vì một khi đi qua đó mà chưa phải là tiên nhân (tức chưa có tiên khí và được nhận phong ấn nhập thiên từ vua trời, thì thân xác và hồn phách sẽ bị tan hoại, vĩnh viễn không thể tụ lại được nữa), cho dù người đó có thần thông mầu nhiệm, pháp lực to lớn đến đâu kể cả chư thần, hoặc các vị Phàm Tiên (tức đã chứng được tiên khí ở các cõi giới khác mà chưa được nhận phong ấn nhập thiên) thì cũng không thể đi qua được lớp tường thành này. Đây cũng là nơi đã làm tan hoại không ít hồn phách yêu tinh tự cho mình đã chứng tiên và muốn nhập vào tiên giới cho nên tự đắc đi qua bức tường thành này và vĩnh viễn không thể nào trở ra được nữa.
Chúng sanh trong cõi trời này khi chuyển sanh về đây đều do hóa sanh, khi hóa sanh về đây thì đã là một người trưởng thành, đầy đủ tuệ trí minh thông đó là với những bậc thiện nhân có tâm tánh thuần khiết vô nhiễm và đã đoạn diệt được dục niệm, tuy họ không còn bị nhục dục nam nữ sai xử nhưng vẫn còn ham thích vẻ đẹp bên ngoài (như cảnh trí hay âm thanh, các món ăn, đồ uống thuần khiết bất nhiễm) vì vậy cho nên họ vẫn còn nghiệp. Còn những bậc thượng tiên thì tất cả đều đã chứng đến thánh quả, cho nên tuy trong cõi trời này vẫn còn trong tam giới, tất nhiên vẫn còn chịu nghiệp nhưng đa phần chúng tiên đều dần dần liễu ngộ chánh pháp mà đoạn diệt được các lậu hoặc để tiến đến con đường triệt ngộ. Đối với những vị tiên do hóa sanh nhập thiên – tức là đã tu luyện gột rửa được phàm tánh và phàm khí, tuy vẫn còn thụ nghiệp nhưng thân thể và tâm trí đã tích tụ được tiên khí tạo thành tiên mệnh và những người đó sau khi chứng tiên sẽ được Ngọc Đế ban ấn thụ phong CHƠN LINH TIÊN THIÊN và được nhập vào cõi trời này.
Tuổi thọ cao nhất của chúng sanh trong cõi trời này là vô hạn định, họ chỉ chết đi theo các vấn đề của nghiệp lực tạo tác bởi các nạn kiếp hoặc các biến nghiệp của Thiên Giới chứ không còn chết đi do thọ mạng có hạn định như các cõi trời khác, vì vậy người đời có thể nói tiên là bất tử, nhưng kỳ thực họ vẫn chết, vì họ vẫn còn sanh mạng, vẫn còn chưa đoạn diệt được luân hồi cho nên không phải là bất tử.
Cõi trời này là nơi có nhiều ngoại cảnh xinh đẹp nhất trong tam giới, bởi mỗi ngoại cảnh được một tiên thiên tạo ra cho riêng mình, và nó là tồn tại bất hoại chứ không phải chỉ là ảo cảnh như cõi trời TÂM ẢNH MỊ THIÊN. Cũng vì lẽ này cho nên trong nhân gian mỗi khi nơi đâu có cảnh đẹp người ta lại ví như “tiên cảnh” chứ không ví như nơi nào khác.
Cõi trời này không có vua, mà tất thẩy tiên chúng đều là ngang nhau cho dù pháp lực hay đạo hạnh có sự khác biệt nhau, nhưng trong mọi vấn đề đều được xem xét như nhau, có những bậc thượng tiên là tôn sư của rất nhiều tiên chúng nhưng vì sự ngưỡng vọng của tiên chúng dành cho vị thượng tiên đó cho nên khi có vấn đề hệ trọng thì họ sẽ tham khảo ý kiến của bậc thượng tiên đó và vì vậy cũng có thể thấy rằng tuy là cõi trời này không có vua, cũng không có chủ quản nhưng những việc hệ trọng có liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa thì được xem xét bởi các vị thượng tiên chơn sư.
Chúng sanh trong cõi này vẫn có thân nam, thân nữ, nhưng đã không còn luyến ái (vì nếu còn luyến ái thì không thể tụ được tiên khí và tất nhiên không thể nhập thiên vào cõi này).
Có rất nhiều câu chuyện dân gian kể về việc kết duyên tơ tóc giữa người phàm và “tiên nữ” hay “nàng tiên”, kỳ thực đó là điều viễn vông, không thật bởi vì một người là cõi tiên tức là không còn tồn tại tình cảm luyến ái nam nữ thế gian nữa, mà đó có thể là các thiên nhân trong những cõi trời khác.
Nhân nói về cõi trời này thầy lại mượn một phần trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân để giải thích thêm rằng các bậc Đại Tiên thì có thần thông vô ngại, tuy nhiên do vẫn còn thân mạng nên vẫn cần đến sự sanh tồn, vẫn dùng các loại tiên dược, linh đan hay các loài mộc tiên để kéo dài thọ mạng, tuy thọ mạng có thể coi là vô hạn nhưng nghiệp thì vẫn chưa sạch do vẫn còn thân mạng, và các lậu hoặc chưa sạch cho nên vẫn sẽ có vị vì nghiệp mà chịu mạng chung, chừng ấy công hạnh ngàn năm tu tập cũng đành bỏ lại, trôi theo dòng luân hồi mà thôi.
Có rất nhiều người, thậm chí là các loài chúng sanh khác (từ Ngạ Quỷ, Súc Sanh cho đến dạng vô tình như Cây Cỏ, Hoa Lá), nhưng khi chúng tu tập để để gột rửa phàm tánh khi chỉ còn lại chơn nguyên linh thần khi đó họ sẽ trở thành tiên, và tiên này tức là Địa Tiên, và Địa Tiên muốn nhập vào Tiên Thiên tức là vào cõi trời này để sanh sống thì tất thẩy đều huân tập về đây, một khi đã chứng được tiên thì không ai còn ở trong cõi giới ấy nhân gian nữa, bởi nó là nơi “nguy hiểm”, vì sao “nguy hiểm”, thì như vừa nảy thầy đã nói, tức là dù là tiên, thì sanh mạng vẫn có thể bị đoạn lìa, mà trong nhân giới thì rất nhiều điều bất tịnh, cho nên việc đưa đến nhân duyên làm đoạn lìa công hạnh tu hành ngàn năm là việc rất dễ xảy ra và như vậy cho nên khi đã tu thành đạo hạnh họ sẽ nhập vào Tiên Giới để hưởng phúc báo vô lượng và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn mà tu tập tiếp về sau.
CÁCH TU LUYỆN THÀNH TIÊN CỦA CÁC LOÀI VẬT
1. ĐỐI VỚI CÁC LOÀI THÚ VẬT (SÚC SANH ĐẠO).
Với các loài vật thì sự “tu luyện” của chúng không phải là hình thức (ăn chay, tụng kinh, hay nghe kinh phật, tọa thiền gì như anh đang nghĩ), mà sự tu hành của chúng là sự THIẾT ĐỘ các ham muốn, và kiềm tỏa thú tánh tự sanh nơi thần thức của chúng.
Chúng chế ngự thú tánh bằng cách ăn ít hơn sự ham muốn của mình, hoặc không ăn các con vật còn non, mới sanh, không có sức kháng cự, còn đối với các loài không ăn thịt như trâu bò thì chúng thiết chế bằng cách kiềm tỏa các thú tánh khi có sự xung đột, tranh giành với nhau. Một số loài chúng không phải là “tọa thiền” nhưng chúng sẽ “an tĩnh” trong một nơi trú ẩn nhất định nào đó, chỉ giữ cho thân không chết, nhưng chúng không ăn, không hoạt động trao đổi với bên ngoài (việc này có thể thí dụ như loài Hồ Ly khi chúng tu luyện để thành Tinh hoặc thành Tiên thì chúng an trú một nơi nào đó trong hang cùn, núi thẳm, rồi an tĩnh trong đó không cho cơ thể diễn ra sự trao đổi với bên ngoài, việc này ta cũng có thể thấy ở loài Gấu, hoặc loài Trăn, Rắn, nhưng các loài này chỉ là “tạm thời ngưng hoạt động” có khi là để chờ thời tiết thuận lợi hơn, còn các con vật tu hành thì đó là sự khởi nguyện của chúng, và thời gian này sẽ kéo dài đến một mức độ nào mà chúng có thể.
Ban đầu là chúng an tĩnh một ngày, sau thì kéo dài hơn một tuần, và khi cơ thể đã quen chúng sẽ kéo dài một tháng, có thể là một năm, va khi đã có thể đưa cơ thể về một trạng thái tạm thời (ngưng nghỉ) giống như một vị hành giả có thể “nhập định” thì thời gian trôi đi như là sự bất chuyển trong cơ thể này, các thú tánh dần được loại trừ, còn lại sự TINH YẾU của chơn linh và khi đã rột rữa được trọn vẹn quá trình này thì đó là lúc chúng thành tựu đạo hạnh.
Đơn cữ như loài Cá Sấu người đời hay truyền tai nhau về hiện tượng Cù Dậy, tức là chúng sẽ nằm im trong một nơi nào đó để đưa cơ thể về một dạng “ngưng tụ tinh yếu” – giống như một hình thức ngủ đông của loài Gấu hay loài Rắn vậy và khi cơ thể chuyển biến dần thì thú tánh được rột rữa, TINH YẾU ngưng tụ lại thành Ngọc trong miệng chúng và khi đã thành tựu đạo quả chúng sẽ chuyển hóa thành một loài khác thượng đẵng hơn đó chính là LOÀI RỒNG do hóa sanh mà thành.
Đó là nguyên do vì sao con người RẤT HIẾM KHI gặp được các loài vật tu luyện, vì chúng hoàn toàn không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ngoại trừ những lúc mới bắt đầu tu luyện chúng sẽ rời nơi tu luyện để nạp năng lượng từ tinh túy trời đất hoặc tìm thức ăn cho một hoặc hai lần trong năm, đó là lúc con người hi hữu kiến ngộ với chúng, nhưng như đã nói, các loài vật tu hành này chúng không hề làm hại con người, ngoại trừ khi tình huống để bảo vệ mạng sống của chúng, ngày xưa nơi Núi Cấm trong dãy thất sơn người ta vẫn còn nhớ có cặp rắn (gọi là rắn ông và rắn bà) rất lớn tu trong các hang núi, chúng không bao giờ làm hại con người hay các loài vật, đó chính là sự tu luyện của các loài thú vật trong đạo súc sanh.
Có nhiều người nói (rùa, rắn, cá sấu, thậm chí là chim…) thường đến một ngôi chùa hay am thất nào đó để nghe kinh, thí dụ như một ngôi chùa ở xứ Bến Tre người ta vẫn còn thấy mỗi khi rằm tháng bảy hàng năm thì loài QUY (một loài như rùa) lại kéo về đúng ngày đó bò ngổn ngang khắp khuôn viên chùa để nghe kinh.
Loài vật mà khi đã có thể nghe được kinh hay gật gù theo tiếng mõ, tiếng kinh tức là đã thành TINH (TINH NÀY LÀ TINH YẾU) tức là sự tu hành đã bắt đầu có linh lực, còn khi mới tu hành thì chúng chỉ kiềm tỏa thú tánh như bên trên vừa nói đó mà thôi.
2. SỰ TU HÀNH CỦA LOÀI VÔ TÌNH HỮU SANH
Đối với các loài vô tình mà có sự sống (thí dụ như cây cỏ, hoa lá) thì sự tu hành không phải do ý thức của chúng đưa đến mà là do sự ngưng tụ từ hỗn nguyên trời đất mà thành.
Thí dụ có một cây đại thụ trãi qua hơn 1.000 năm sống nơi vực núi hiểm trở thì thời gian đó chúng sẽ hấp thụ được linh khí đất trời (như trong một bài ĐẠI TRƯỢNG XUYÊN MỘC) thầy đã có nhắc qua, và như vậy khi đó hỗn khí ấy được ngày ngày ngưng tụ lại và dần dần hình thành “tâm thức” đến một mức độ nào đó chúng sẽ có thể có cảm thụ như một loài hữu tình thế gian và khi đó sự tu luyện của chúng chính là sự gia tăng hấp thụ linh nguyên trong trời đất, nếu có thần khí hay tiên khí trong vùng đó thì chúng sẽ càng sớm thành tựu, cho nên có sự bổ trợ lẫn nhau này mà thông thường một vùng núi có “thần mộc” sanh sống thì tức là nơi đó cũng có tiên khí (sẽ có một vị tiên nhân ẩn thân tu hành), và ngược lại, nếu vùng núi nào có vị tiên nhân ẩn tu ất sẽ có không ít các loài hữu tình và vô tình “hiển tinh” để cùng câu hội về đó mà nương nhờ để sớm thành tựu viên mãn.
3. SỰ TU HÀNH CỦA LOÀI VÔ TÌNH VÔ SANH
Đây là sự hình thành “tâm thức” của một loài vô tình vô sanh (thí dụ như là một tản đá).
Trong phim Tây Du Ký có lẽ tất cả mọi người đều biết một con khỉ được sanh ra từ Tản Đá (đó chính là Ngộ Không), sự hư cấu này của Ngô Thừa Ân cũng không phải hoàn toàn là “bịa đặt”, mà trong sự tàng ẩn của trời đất việc ấy hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng mà loại vô tình vô sanh thì không thể tự mình hấp thụ chơn khí trời đất như loài VÔ TÌNH HỮU SANH. Mà phải là một sự hi hữu khác nữa kèm theo.
Cũng như ta thấy con trai dưới biển có ngậm ngọc, nhưng đó không phải là thứ chúng tự sanh ra mà là do một sự vô tình (trong một biến cố) nào đó làm cho hạt cát rơi vào miệng của nó và nằm im trong đó, trãi qua thời gian thì hạt cát được các chất trong cơ thể con trai tiết ra làm thành một viên ngọc, ở đây sự hình thành của loài VÔ TÌNH VÔ SANH cũng gần tương đồng như thế! Tức là một tản đá thì vẫn là tản đá, khi có một luồng “tiên khí” đủ mạnh nào đó được lưu giữ lại nơi tản đá đó mà không bị tán loạn (thông thường thì dù cho là có cũng sẽ bị tan hoại rất nhanh trong nhân giới.
Và như vậy luồng tiên khí này nếu được lưu giữ lại (như một dạng hình thành của hổ phách) thì khi đó sẽ lại tiếp tục được hội linh hấp thu linh khí đất trời để dần dần tích tụ tiên khí lớn dần lên.
Vậy thì ta hiểu rằng, nếu có một tản đá được ngưng tụ thành một hình người thì không phải do tản đá đó có thể tích tụ linh khí đất trời mà là chính luồng tiên khí được ngưng giữ lại bên trong tản đá đó mới là thứ có thể tích tụ lại linh khí trời đất, và tản đá chỉ là một vật bao bọc không hơn kém mà thôi!
Đó chính là sự ngưng tụ (mà người đời gọi là tu luyện) của các vật VÔ TÌNH VÔ SANH. Chứ không phải tản đá nó tự biết tu, hay biết hấp thụ linh khí đất trời gì cả.
Cho nên việc này là hi hữu trong hi hữu, ngàn vạn năm mới có một lần, tương truyền rằng ngày xưa THẠCH CƠ chính là sự ngưng tụ linh khí từ bà NỮ OA rồi hấp thụ dần thành hình người và đã có nhiều lần đấu pháp với THÁI ẤT CHÂN NHÂN, còn con khỉ đá TÔN NGỘ KHÔNG chính là sự sáng tạo từ việc này mà ra, tuy nhiên NGÔ THỪA ÂN sáng tạo chứ không tìm hiểu nguyên nhân sáng tạo, có truyền thuyết nói rằng là BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM ngồi lên tản đá và tản đá sanh ra Ngộ Không, cái này càng sai thêm nữa!
Bởi vì như thầy vừa nói bên trên là chỉ có “tiên khí” mới bị ngưng tụ hoặc được hấp thụ trong nhân giới, còn QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT đã là THÁNH tức là thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không còn sự ngưng tụ nào cả, cho nên sẽ không thể có trường hợp này xảy ra.
Chúng sanh trong cõi này được sanh về đây tất cả đều do hóa sanh, nhưng sự hóa sanh này thì sanh mạng vẫn chưa bị gián đoạn, những chúng tiên trong cõi trời này đều là sự tiếp nối sanh mạng từ các cõi giới khác chuyển về đây chứ không phải đi qua con đường luân hồi và vì vậy cho nên kiếp sống trong các cõi giới khác đều được họ ghi nhớ như một phần ký ức chứ không bị lãng quên.
Vậy thì gieo nhân lành thế nào sẽ được sanh về cõi trời này?
Để sanh về cõi trời này có rất nhiều thiện duyên khác nhau, có những bậc phàm nhân nhưng tâm tánh đã được gột rửa loại dần các phàm tánh, không còn luyến tiếc những thú vui vô thường mong muốn có một thân mạng dài lâu và sống đời an tĩnh và vì vậy họ sẽ chuyên tâm tu hành, từng ngày gột rửa phàm tánh, không còn bị nhiễm các thói thường tình, nhưng nghiệp thân chưa dứt do họ còn chưa đoạn diệt được các lậu hoặc, họ ẩn vào nơi thâm sơn, cùng cốc để tĩnh tịnh tu trì các pháp tịnh thân ngày càng làm cho thân xác trở nên thanh sạch, đến khi rũ bỏ được phàm tánh chỉ còn lại chơn nguyên linh thần thì khi đó đắc quả thành tiên nhân, tự thân sẽ có thể bay bổng lên trời. Các loài chúng sanh khác cũng có thể tu thành tiên nhân để lên trời hưởng phước báo, cho nên bên trên thầy có giới thiệu qua về việc tu hành của các loài chúng sanh.
Khi nơi nhân giới hoặc các cõi giới khác có một chúng sanh chứng được quả tiên, tức là phàm tánh gột rửa, khi đó trên cõi trời này sẽ có một linh mộc xuất hiện, trên thân cây này sẽ mọc ra một thứ pháp khí mà đó chính là phần phàm tánh của vị tiên nhân đó tu luyện mà thành, có khi pháp khí đó là linh thú. Nếu là linh thú thì sẽ xuất hiện ở trong một hang núi gọi là “CHUYỂN LINH TÁNH SƠN”. Và mây trời ngũ sắc sẽ lợp đầy cả cõi trời này, khi đó sẽ có một đôi chim hạc bay về nơi cõi giới ấy để đón rước vị tiên nhân mới này nhập vào thiên giới, khi đi chúng sẽ mang theo sắc ấn của Ngọc Đế sắc phong và thừa chí cho vị tiên nhân ấy nhập vào thiên giới. Bất kể chúng sanh đó có xuất thân từ bất kỳ loài nào.
Tiên Giới – hay TAM GIỚI CÂU THIÊN CHIÊU TIÊN là một cõi trời minh chứng cho sự không phân biệt giữa bất kỳ giống loài nào, chỉ cần chí thành tinh tấn tu trì vẫn có thể đạt đến viên mãn thành tựu đạo hạnh, và cũng nhờ cõi trời này để cho người thế gian hiểu rằng không phải trời sanh các con thú để làm mồi cho con người, như câu nói cửa miệng của nhiều kẻ ngoại đạo rằng “Vật dưỡng nhơn” cho nên trời sanh vật là để cho con người ăn thịt thì điều này là hoàn toàn sai trái.
Thông thường trong các sắc chỉ của Ngọc Đế khi thuận phong cho một chúng sanh trở thành tiên thân mà nhập vào cõi giới thì Ngọc Đế cũng đính kèm những điều kiện rất khắt khe, đó chính là những điều kiện về công đức, bởi vì người tu luyện thành tiên thân thì có khi chỉ ẩn mình mà tu trì chứ không tạo được duyên lành công đức với chúng sanh, với tam giới cho nên trước khi nhập vào tiên giới này thì trong các sắc chỉ sẽ có một vị thần đã liệt kê được các công đức của người đó, nếu đã tích đủ công đức rồi thì được lập tức nhập vào thiên giới, nếu còn chưa tích đủ công đức thì phải ở lại cõi giới đó mà tích thêm công đức đến khi đủ thì mới được nhập vào tiên giới. Chính vì việc này mà nó trở thành nguồn cội cho hằng hà sa các câu chuyện dân gian về việc người này, kẻ nọ được một ông “tiên” giúp cho cái này, việc kia, hoặc có khi là cứu sống họ trong lúc nguy cùng khốn tận. Vậy thì ta không bàn đến chuyện thật hư của các câu chuyện đó, tỉ dụ như có những câu chuyện về Hồ Tiên (tức là Hồ Ly tu luyện thành Tiên) và giúp người việc này, chuyện kia, điều đó ta nên hiểu một cách tận tường rằng vì chúng là loài Hồ Ly cho nên không có duyên phận với chúng sanh hay con người, vì vậy dù trãi qua ngàn năm tu luyện nhưng vẫn chưa tích đủ công đức để nhập vào Tiên Giới, cho nên để nhập vào tiên giới họ phải thực hiện các việc đó (theo sắc chỉ Ngọc Đế).
Có nhiều bậc thượng nhân khi tu thành tiên thân rồi nhưng lại không tích đủ công hạnh ở lại nhân gian tích thêm công hạnh, nhưng lại bị rơi vào bẫy nghiệp tức là do nghiệp chưa sạch cho nên bị giết chết. Đó chính là trường hợp của vị tiên nhân mà sau này tái sanh thành con trai của vua Tần Bà Sa La. Chỉ vì vị vua này biết được vị tiên nhân ẩn tu trong núi kia nếu chết đi sẽ luân hồi thành con trai của mình và vì vậy ông đã sai người đến sát hại (quý vị hãy tìm đọc lại trong các câu chuyện phật điển) nhưng ở đây thầy chỉ trích để tỉ dụ trường hợp đáng tiếc như vậy, và chúng ta lại thấy rằng không có con đường nào tối thắng hơn con đường tu Phật, chỉ có giác ngộ chánh pháp, chỉ có đoạn diệt các lậu hoặc, chứng thánh quả, đoạn luân hồi thì mới vĩnh viễn không còn chịu khổ mà thôi, còn cho dù là tiên nhân, nhưng hể bất kỳ ai còn trong tam giới tất vẫn sẽ còn chịu nghiệp, vẫn còn bị sai xử bởi sanh tử, luân hồi, chừng ấy công hạnh tu hành ngàn năm cũng chỉ như nước trôi, mây tạnh mà thôi.
Tiên Thiên thì có rất nhiều nhưng Địa Tiên thì lại rất ít
Nhân nói về cõi trời này thì thầy cũng xin chỉ rõ một việc đó là Tiên Thiên thì có rất nhiều nhưng Địa Tiên thì lại rất ít, tức là chỉ những vị đã chứng tiên thân mà còn chưa đủ công đức cho nên mới ở lại nhân gian để tích thêm công đức, còn nếu đã đủ thì không còn ai chịu ở lại nơi này, bởi họ không phải như hạnh bồ tát, họ không thệ nguyện độ sanh, một số vị ở lại vì những nguyên do khác nhưng rất ít khi ra tay độ chúng như những vị thần hay các vị hộ pháp, la hán.
Cũng có nhiều loài chúng sanh tu luyện được chân nguyên, tích tụ được tiên khí nhưng vì cách thức tu luyện đó làm hại đến chúng sanh khác, cho nên khi tu thành tiên khí thì không được nhận sắc chỉ ấn phong nhập thiên giới và cũng vì điều đó cho nên thân xác bị tan hoại, bởi vì chân nguyên ban sơ khi luân hồi đã bị đảo lộn, và vì vậy để tồn tại được họ ở nơi nhân gian họ phải hoán chuyển thân xác, có khi họ nhập vào một cái cây, có khi họ nhập vào một con thú vừa chết, hoặc có khi họ nhập vào một cái thân người vừa chết để họ sống tạm, trong tam giới gọi dạng này không phải là Địa Tiên như những bậc Địa Tiên đã thành đạo mà gọi là Bàng Tiên. Đa phần là do họ tu luyện theo các cách tà ác cho nên họ không được thừa nhận trong thiên giới, ngay cả nơi Nhân Giới nếu các vị thần, tiên khác bắt gặp họ cũng tìm cách thâu phục, trừng trị.
Nói về Bàng Tiên cho nên ta lại thấy các câu chuyện nhân gian kể về “ông thần đèn”, hay kể về “cây sáo tiên”, tức là trong đó có một “ông tiên” mà cái ông tiên này hể ai chiếm được cái thứ đó (như cái đèn, hay cây sáo) thì người đó có thể là chủ nhân của họ, và họ sẽ thực hiện các yêu cầu của chủ nhân mình, họ có thần thông, nhưng họ không có thân xác ổn định nào cả, và khi thân xác thực của họ bị tan hoại thì bất kỳ thứ nào gần đó họ có thể nhập vào để lưu trú thì đó là nơi chưa đựng nguyên thần của họ, vậy cho nên ta mới thấy có vị nhập vào cái đèn, có vị nhập vào cây sáo để làm việc này, điều nọ cho chủ nhân, nhưng nếu thứ đó bị tan hoại thì họ cũng sẽ chết đi. Vì vậy mới thấy rằng tu hành trăm năm, ngàn năm nhưng nếu đi sai một lần thì vĩnh viễn khó mà quay đầu lại được.
Vòng đời của chúng sanh trong cõi này vô hạn định, do họ không bệnh, không già, nhưng vẫn sẽ chết đi do nghiệp lực chi phối.
Chúng sanh trong cõi này tồn tại duy nhất một thế hệ, không có con cháu do không có vợ chồng.
Thiên Nam, Thiên Nữ trong cõi trời này không có tình cảm luyến ái nam nữ với nhau, tất cả khi chuyển sanh về đây đều được phong ấn ban hiệu. Khác với cõi thần là mỗi vị tiên khi chứng được tiên thân nhập vào thiên giới sẽ được Ngọc Đế ban ấn và ban cho một Tiên Hiệu để làm danh xưng, thông thường thì tiên hiệu đó nói lên quá trình tu trì gian khó của vị tiên thiên đó hoặc công đức lớn lao nào đó mà vị tiên thiên đó đã gieo tạo được.
Chúng tiên trong cõi này thường chỉ độ sanh theo sắc chỉ Ngọc Đế vì tiên thiên là người sống khá dị biệt với thế gian, cho nên việc độ sanh họ cũng ít dự phần, chỉ có những bậc thượng tiên đã chứng thánh quả là họ thường độ chúng để tạo thêm phúc nghiệp và vun bồi để đắc hạnh A La Hán mà thôi.
Sau khi viếng cõi trời này, vị đạo sư đã khái lược về cõi trời này bằng một bài thơ:
Vịnh Cõi Tiên
Đây chốn bồng lai, lạc cảnh tiên
Trời thanh, mây thoảng, nhạc trầm miên
Tạo hóa khéo bày trong nhân quả
Gieo duyên ất hữu phúc lai truyền.
Thiên Nam hùng tráng ngự đài cao
Tay sẵn: chùy, thương, gươm với đao
Ngày đêm canh giữ trời tam giới
Định tướng oai nghiêm ngút cửu trùng.
Thiên nữ dạo đàn điệu 'tâm thanh'
Ru hồn tiên cảnh lạc vào tranh
Ai đó đã gieo nhiều mỹ nghiệp
Sanh thiên, thọ phúc nữ yêu kiều.
Lớp lớp bụi mờ che thế gian
Một đời mấy chốc đặng bình an?
Có biết thân ai rồi cũng hoại?
Ngàn đời nghiệp tạo mãi còn mang
Một lần tâm tỏ thiệt cùng hơn.
Nơi này, thiên giới đặng hồi nhơn.
Thiện nghiệp chí thành năng kiến tạo
Lai sanh ất hữu phúc lai quờn!
Bài giảng của sư thầy Tuệ Minh - Quy luật tam giới
Trích sách Đạo Vấn Cửu Trùng Thiên