Có rất nhiều bài khấn, bài hướng dẫn các nghi lễ khi đi chùa nhưng không phải ai cũng biết đi lễ chùa nên khấn bài nào cho đúng. Nếu khấn tất cả các ban thì không thể nào nhớ hết, nếu khấn chỉ một ban thì lại lo thất lễ với chư Phật chư tăng. Vậy điều cốt lõi khi đi lễ chùa là gì? Bài khấn duy nhất nên khấn khi đi lễ chùa? ... Hãy cùng Tamlinh.org tìm hiểu.
Cách sắm sửa lễ chùa, thứ tự hành lễ tại chùa
Theo phong tục cổ truyền, trong các ngày rằm, mồng một, ngày lễ Phật giáo, Tết nguyên đán, hoặc những ngày gia đình có việc hệ trọng, người Việt thường đến chùa lễ Phật, thành tâm cầu khấn hồng ân chư Phật, chư đại Bồ Tát, Hiền Thánh Tăng gia hộ cho bản thân và gia đình mạnh khoẻ, tai qua nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hoà thuận, thế giới hoà bình và chúng sinh an lạc.
Tuy nhiên, để làm tốt việc vào chùa khấn gì cho phù hợp, người đi lễ cần phải biết những quy định căn bản của nhà chùa, từ thứ tự hành lễ tại chùa và cách sắm sửa lễ chùa.
Đến dâng hương tại các chùa, người đi lễ lưu ý chỉ sắm các lễ chay như hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh như trâu, dê, lợn, thịt mồi, gà, giò, chả…
Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện, tức là nơi chính điện thờ tự chính của ngôi chùa.
Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn nhưng thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau… thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ nếu xây riêng của Đức Ông, Đức Ông chính là vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa.
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa.
Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại. Cụ thể, đến chùa hành lễ cần theo thứ tự như sau:
- - Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước.
- - Sau khi đặt lễ ở ban thờ Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
- - Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
- - Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ, còn gọi là nhà Hậu.
- - Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tuỳ tâm công đức.
Bài khấn nôm duy nhất nên khấn khi đi lễ chùa
"Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con xin sám hối vì tất cả chúng sanh ở tận hư không cùng khắp pháp giới, người sống cũng như người đã qua đời, trong đó có cả các chư vị là oán thân trái chủ trong nhiều đời nhiều kiếp, cũng như hiện tại hữu hình và vô hình cùng tất cả các chư vị là oán thân trái chủ hiện đang là bệnh trên thân con.
Con xin vì tất cả mà sám hối....
Con xin hứa trọn đời này thành tâm sám hối vì tất cả tội lỗi của con.
Con xin hứa sẽ sống thiện tích đức, lấy công chuộc tội, lấy đức giải nghiệp.
Con xin hứa không tham lam ích kỷ, không trộm cắp, luôn rèn luyện thân tâm để trở thành con người lương thiện.
Con xin các ngài gia hộ cho con đủ nghị lực trí tuệ và sức chịu đựng để vượt qua mọi chướng duyên trên bước đường tu theo Phật pháp.
Hết thảy các tội, con xin chí thành quỳ nơi đây dâng lòng sám hối. Xin chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát chứng minh cho lòng thành của con. (1 lạy)
Con nguyện dâng lòng thành kính tri ân, cầu xin Chư Phật mười phương, chư Bồ Tát, Đức từ phụ A Di Đà Phật, Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi gia hộ (3 lạy)
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Vì sao nên khấn sám hối khi đi chùa?
Mọi người đi lễ chùa không nên xin quá nhiều mà chỉ nên sám hối tội lỗi mà mình đã gây ra trong kiếp này hoặc từ nhiều đời nhiều kiếp trước. Nên chí thành sám hối.
Khi hết tội lỗi, khi nghiệp đã vơi thì sức khoẻ, tình cảm, tiền tài.. tự khắc sẽ đến mà không cần cầu xin hay cúng bái.
Hãy nhớ rằng: Nếu bạn xin lỗi sẽ được tha lỗi tuỳ vào tâm của bạn, nhưng xin tiền bạc, công việc, bình an, sức khỏe, tài lộc hay chuyện làm ăn thuận lợi thì chắc chắn một điều sẽ không ai cho bạn. Ở chốn thiền môn thì lại càng không. Cửa Phật chỉ có lòng từ bi giúp con người ta sám hối, cầu xin cơ hội sửa chữa và làm việc thiện chứ không có vật chất, tiền bạc để cho ai.
Khi nghiệp đang treo trên đầu - cầu xin gì cũng là vô ích.
*****************
Nếu vẫn muốn cầu tài lộc, cầu học hành, công danh, thi cử đỗ đạt, may mắn, cầu an khang thịnh vượng... thì hãy tới ban Đức Ông, nhà thờ Mẫu, Tứ phủ để đặt lễ và dâng hương cầu khấn. Cầu gì thì người dân cũng cần biết mọi việc đều theo luật nhân quả, có gieo nhân thiện lành mới gặt được quả phúc tốt đẹp. Nếu là tiền không mồ hôi của mình có cố tham cầu thì tiền tài đến rồi lại đi nhanh chóng. Còn cái gì thuộc về mình thì dù có vứt đi nó vẫn quay lại.
Xem thêm: Bài khấn tại ban Đức Ông, ban Mẫu Tứ Phủ... trên chùa?
Không tranh mà được.
Nghe có vẻ lạ nhưng không xa lạ với những người đi trên đường tâm linh.
Chuyện gì đã có nhân quả, dẫu chúng ta thì có đến đâu cũng không tránh thoát, thích hay ghét cũng thế, chỉ có thể đón nhận. Chuyện số mệnh hay duyên phận chỉ có thể có, không thể tầm cầu bên ngoài. Nhưng nhiều người không hiểu cứ muốn kiếm tìm, tranh đoạt.
Có thể tranh đoạt được tiền tài, người tình, danh lợi, nhưng cuối cùng thì không phải chỉ là tay trơn ôm nước thôi sao? Như trong lá bài bánh xe vận mệnh của Tarot, mọi thứ luôn xoay chuyển, hôm nay lên cao mai xuống đáy. Ai không hiểu điều này, chính là có tranh thì cũng chỉ tranh lấy đau khổ vào người.
Không tranh mà được, là do tâm an trước mọi thứ, nỗ lực trong khả năng, mệt mỏi thì buông, đói thì ăn, để mọi thứ tự nhiên, thì tâm trí không rộn ràng hơn thua nữa. Những quả lành, phúc báu đưa đến là thành tựu của tâm chân thành. Người ta có thể cướp đoạt của cải, vật chất nhưng chẳng thể tranh được trí tuệ và phúc báu của người khác.
Nên mới nói, số mệnh luôn đứng về người lương thiện, và có gặp mưa gió gian nan đến đâu cũng sẽ luôn có lối ra, luôn có phúc lành bên cạnh.
Thật nghĩa Đi Chùa
Bạch Thầy!
Đi chùa tìm chút bình an
Ai dè chùa cũng rộn ràng không ngơi..
Lên chùa tìm chút thảnh thơi
Dè đâu chùa cũng như đời ngoài kia..
Cũng này nọ, cũng phân chia
Cũng son, cũng phấn trau tria khác gì!..
Trước chùa ''Mô Phật'', từ bi..
Ra đằng sau bếp thị phi dẫy đầy..
- Con không đến nữa thưa thầy..
Về nhà đóng cửa từ rày yên tu..
Lên chùa con thấy lu bu..
Dạ, xin sám hối nói như lòng mình..
Này con!
Thầy thông cảm được tâm tình..
Chùa là cửa Phật, chúng sinh ra vào.
Chùa cho bá tánh, đồng bào
Chùa như bịnh viện chữa bao bịnh tình...
Chùa không huyên náo, linh đình
Chuyện đời đa sự đã rinh vào chùa.
Chùa không phải chốn hơn, thua
Bởi lòng còn nặng tranh đua bước vào.
Thế nhưng chùa vẫn đón chào..
Vì mong nhân thế ngày nào đổi thay..
- Hoa sen mọc giữa bàn tay
Hay là nở giữa bùn lầy bẩn nhơ?
Hoa thành rác chỉ vài giờ
Rác thành hoa phải đợi chờ chuyển lưu..
Nghịch duyên tu được - là tu
Đừng mong vạn sự giống như lòng mình.
Tâm bình thì cảnh sẽ bình
Tu là chấp nhận tâm tình thế gian!
- Đi chùa nên biết tự An
Đi chùa hãy học Đạo vàng Như Lai..
Ai làm chi đó mặc ai
Mỗi người mỗi tật.. quan hoài mần chi!
Đi chùa biết ''Tự Quy Y''
Trong ta có Phật tuệ tri, nhắc mình..
- Khi lòng chưa thực lặng thinh
Thì bao cái khổ chúng sinh vẫn còn..
Cho dù có chạy lên non
Não phiền chưa dứt.. đời hoàn khổ đau.
Tu lấy Hỷ Xả làm đầu
Chuyện người ''thội kệ'', nhiệm mầu phút giây!
Xoay ra, lòng mãi loay hoay
Nhìn vào, thanh tịnh, là đây Phật về..
Trong phiền não có Bồ Đề
Sát na tỉnh thức cần kề Như Lai.
Tamlinh.org (Tổng hợp)