04/06/2021 11:46 View: 15593

Khẩu nghiệp là gì? Cách tu khẩu để có đức về sau?

Người xưa có câu: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”, tức bệnh từ miệng mà đến, hoạ cũng từ miệng mà ra. Khẩu nghiệp là có thật, đừng gieo khẩu nghiệp. Vậy khẩu nghiệp là gì? Cách TU KHẨU để tránh khẩu nghiệp và tích đức về sau. 

khau nghiep la gi

Khẩu nghiệp là gì? 

Khẩu nghiệp được hiểu như là một loại nghiệp chướng, bắt nguồn từ những lời nói của chính chúng ta. Theo như trong đạo phật thì khẩu nghiệp là một trong 4 nghiệp nặng nhất. Lời nói một khi nói ra thì sẽ không thể thu lại, giống như một bát nước đã hất đi thì sẽ không thể lấy lại được.

Khẩu có 4 nghiệp:

  • Một là nói dối.
  • Hai là nói hai lưỡi, hai lưỡi là nói đâm thọc, kích bác người này, kích bác người kia để cho họ mâu thuẫn nhau.
  • Thứ ba là nói lời thêu dệt, có ít mình xuýt ra nhiều, dệt gấm thêu hoa, tô đắp sự việc lên, nó không đúng sự thật.
  • Và thứ tư là nói lời ác khẩu, gọi là nói lời ác độc, nguyền rủa, nói những lời cay nghiệt.

Tất cả những điều này nếu chỉ làm lại ảnh hưởng dù là nhỏ nhất cho người khác cũng ắt sẽ mang khẩu nghiệp nặng nề. Đấy cũng chính là nghiệp của miệng.

Hậu quả/quả báo do khẩu nghiệp 

Theo nhà Phật, câu chuyện chú Sa-di chê vị Tỳ-kheo tụng kinh giọng như chó sủa. Vị Tỳ-kheo này đã chứng Thánh quả nên đã khuyên bảo chú Sa-di sám hối nếu không muốn bị đọa địa ngục. Tuy đã sám hối và thoát tội địa ngục nhưng chú Sa-di này vẫn phải chịu quả báo 500 kiếp làm chó. Từ câu chuyện chúng ta thấy rằng một lời nói dường như vô tình, vô ý, không ác hại ai mà phải chịu nghiệp báo rất nặng nề.

Có khi một lời nói của mình được phúc báu, một lời nói của mình có khi tổn hao phúc báu. Các Phật tử kiểm nghiệm ngay trên thân tâm mình. Khi mình phát ngôn về ai, về một Sư Thầy nào đó; mình nói một câu mà tự nhiên thấy người mệt, thấy người u ám là biết mình đã nói lời ác, tổn phước báu. Mới phát ngôn câu ấy xong, thấy người mệt; xong thấy đầu mình u ám, phước suy giảm rồi đấy. Đấy là biểu hiện của ác nghiệp, của mất phước báu. Cũng có khi chúng ta nói một lời xong thì ta thấy hạnh phúc, hoan hỷ, an vui, phấn chấn; lời ấy đã làm thêm phước báu cho mình.

khau nghiep

Quy tắc để tránh khẩu nghiệp 

  • Chuyện của người khác, hãy nói cẩn thận.
  • Chuyện của người lớn, ít nói.
  • Chuyện của trẻ con, hãy nhẹ nhàng khuyên bảo giảng giải.
  • Chuyện nhỏ, nói một cách hài hước.
  • Chuyện làm không được, đừng nói.
  • Chuyện buồn, chỉ tìm bạn tri kỉ nói.
  • Chuyện của bản thân, nên nghe người khác nói thế nào trước.
  • Chuyện vợ chồng, cùng nhau thương lượng.
  • Chuyện gấp, từ từ nói.
  • Chuyện có thể sẽ xảy ra, đừng nên nói bậy.
  • Chuyện tổn thương người khác, tuyệt đối không nói.

Cách TU KHẨU đơn giản? 

  • Không nên hai, ba người tụm lại nói chuyện lăng nhăng; hoặc kết bè đảng, phê bình người này kẻ nọ, thị phi đúng sai, trong lúc họ không hiện diện. Nếu làm vậy sẽ dễ gây ra sự bất an trong chúng, phạm vào giới quấy nhiễu đại chúng.
  • Tu khẩu đừng nên thị phi (chê bai, nói xấu người khác), đừng đặt điều.
  • Khi nói, lời lẽ cần phải tinh (chỉ nói điểm chính) và giản (đơn giản). Khi lời không cần phải thốt ra, đừng nói!
  • Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp. Tu hành chính là ở chỗ này mà tu thành; nếu không thì là kẻ chỉ biết ăn ngày ba bữa!
  • Đừng phê phán người khác là sai, là có lỗi. Lời nói một khi thốt ra, bạn đã sai trái rồi. Do đó, cái miệng thật quan trọng lắm!
  • Đừng nói thị phi; vì nói thị phi thì sẽ dẫn tới thất bại, và khiến kẻ khác không được yên ổn.
  • Muốn nói gì về người khác, trước hết hãy tự hỏi lương tâm mình.
  • Mỗi ngày phải tự huấn luyện để lòng đừng tham, đừng nói lăng nhăng.
  • Khi mở miệng, hãy nói những điều tốt đẹp, đừng nên tiếp tục nói những lời thế tục, thị phi nữa.
  • Đừng nói lời làm người nghe phiền não, buồn lòng. 

Hãy sáng suốt suy nghĩ để tránh “Khẩu nghiệp”:

  • Tu hành cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn; nghĩa là không được "khẩu thị tâm phi" (miệng nói một đằng, tâm nghĩ một ngả).
  • Tu hành phải chú ý đến khẩu nghiệp. Miệng tốt thì tâm mới tốt. Đừng cho rằng: "Tôi miệng tuy không tốt, song lòng tốt!"
  • Với người khi đã xuất gia rồi, trong chùa vẫn có kẻ nói chuyện thị phi. Song bạn đừng cùng bọn họ nói thị phi là đủ. Đừng nên cứ mở miệng là thị phi hoài. Kẻ nào nói phiếm, lẻo mép về chuyện người khác, thì y là kẻ thị phi.
  • Hễ có thời giờ rảnh rỗi, bạn hãy lạy Phật, niệm Phật.

Cho nên người xưa dạy ta nên tập ít nói "Cẩn ngôn, cẩn hạnh, cẩn thận quả báo" vì khẩu nghiệp là có thật, nên đừng gieo khẩu nghiệp. Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát, nhân quả thì không bỏ sót một ai. Nói xấu tạo khẩu nghiệp với người, rồi có khi sẽ gặp người nói lại đôi khi còn nói hơn mình đã từng, nói còn cay độc hơn, nặng nề hơn rồi dẫn đến gây gỗ, hiềm khích và cả thù hằn nữa, vì thế không nên gieo khẩu nghiệp