04/06/2021 11:34 View: 1752

Kinh dị: Ma ăn phở

Đọc hết câu truyện thì cuối cùng là con ma nó muốn ăn phở. Người ta muốn ăn phở thì cho ăn đại là xong rồi. Lằn quằn đúng kiểu mấy khứa làm lớn. Đọc đến mấy lần "tao muốn ăn phở" là đã biết chỉ cần cho nó ăn phở là xong rồi mà...đến khổ.

Nhưng có người lại bảo: Cho nó ăn xong nó được nước làm tới luôn chứ ko có vụ “trọng tín” như này đâu. Ma là tâm linh, không nắm không bắt được, lấy gì đảm bảo ăn xong nó không nhập luôn ở đó ngày ngày đòi ăn phở?

ma an pho, truyen ma co that

Sài Gòn những năm đầu thập niên 60, còn thưa dân và có những nơi vắng vẻ đến lạnh người. Chung quanh khu vực nhà thương Đồn Đất-tức Bệnh viện Nhi Đồng II bây giờ, những người yếu bóng vía thường không dám lui tới vào ban đêm. Ngay góc Mạc Đỉnh Chi và Nguyễn Du, là nơi lính Pháp tử trận trong năm 1859 khi hạ thành Gia Định được vùi tạm trước khi chuyển “hộ khẩu chính thức” về Đất Thánh Tây (công viên Lê văn Tám bây giờ).

Bởi lẽ đó, những câu chuyện huyền hoặc và rùng rợn xảy ra không ít ở khu vực này, khiến những kẻ nhát gan xem là “vùng cấm”.

  • Câu chuyện bác xích lô gặp cô gái đẹp đón và trả tiền xe bằng một bộ ruột bỏ vào chiếc rổ mang theo, dân Sài Gòn háo chuyện đồn đại khằp nơi.
  • Rồi câu chuyện chú lính tây đen cụt đầu ngồi dưới gốc me vào những đêm mưa dầm ngay góc tòa đại sứ Anh càng khiến nơi này trở nên vắng ngắt.

Sau trận Bình Giã, gia đình thiếu tá Ph. Pháo binh diện địa quân đoàn III chế độ Sài Gòn, được cấp một căn nhà khá xinh xắn có cả mảnh vườn nho nhỏ, nằm ngay trên đường Đồn Đất (Thái văn Lung bây giờ).

Ngày qua ngày, gia đình thiếu tá Ph. quen dần với cuộc sống trong ngôi nhà trên con đường tĩch mịch vắng vẻ. Bạn bè cùng khóa ngày càng thăng quan tiến chức do lao vào chính trị trong khi thiếu tá Ph. chấp nhận làm một người lính sống kiếp công chức, sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Do vậy nên vẫn cứ là một viên sĩ quan quèn không có cả lính hầu và xe Jeep cấp riêng.

Thiếu tá đổi đời

Nguyễn văn Thiệu trở thành chủ tịch Hội đồng lãnh đạo quốc gia, tức quốc trưởng và Nguyễn cao Kỳ chủ tịch Hội Đồng Hành Pháp trung ương tức vai trò thủ tướng, đã khiến thiếu tá Ph. đổi đời. Vẫn mang hàm thiếu tá nhưng ông Ph. được cử về làm biệt khu thủ đô và bắt đầu có lính, có thực quyền. Thiếu tá Ph. bắt đầu giao thiệp trở lại với những sĩ quan hào hoa cùng cánh hẩu với tướng râu kẽm Kỳ và Nguyễn ngọc Loan.

Những cuộc chơi theo kiểu trưởng giả càng lúc càng nhiều và có những hôm thiếu tá Ph. không về nhà. Bà vợ thoạt đầu còn chì chiết, trách móc thái độ bỏ bê gia đình của chồng nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, bà cũng bắt được nhịp với những vị phu nhân của tướng tá khác. Bà bắt đầu sửa soạn quần là áo lượt, túm tụm mua sắm kim cương, bàn chuyện làm ăn nuôi lính ma lính kiểng.

Một buổi chiều nọ mưa nhỏ hạt nhưng dai dẳng

Bà vợ thiếu tá Ph. đi từ thương xá TAX về trên chiếc taxi. Trả tiền xong chợt bà lảo đảo như trúng gió khiến người tài xế không khỏi ngạc nhiên.

- “Thưa bà…bá có sao không? Hình như bà không được khỏe?”

Người tài xế hỏi và nhận được cái xua tay lắc đầu thay cho câu trả lời. Bà chạy vội vào nhà khi người giúp việc ra mở cổng mà không buồn mang theo đống hàng hóa trị giá hàng chục ngàn đồng mua từ thương xá. Người tài xế bưng vội vào giúp và còn dặn người giúp việc:

- “Hình như bà chủ của chị bị trúng gió…chị vô coi bả có bị gì không?”.

Vào đến nhà không thèm trả lời trả vốn gì những câu chào hỏi của 2 đứa con gái và thằng con trai út, bà đi nhanh vào phòng riêng đóng sập cửa lại. Ngay cả cô giúp việc đến gõ cửa để hỏi việc, bà thiếu tá Ph. vẫn im lặng không nói năng gì.

Ngày đó, thiếu tá Ph. lại khác với lệ thường, về nhà hơi sớm.

Chẳng là ông nhận lời đi dự đám cưới của con trai một tay tư bản Chợ Lớn đang hùn hạp thầu rác Mỹ ở Cát Lái với ông. Ông hỏi đứa con gái lớn:

- “Má mày đâu?”.

Đứa con gái chỉ vào phòng trong không buồn giải thích trong khi vẫn chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết của bà Tùng Long.

Đến tận phòng gõ cửa, cũng không nghe vợ trả lời, thiếu tá Ph. ngạc nhiên đẩy cửa bước vào. Cô giúp việc cúm rúm theo sau. Bà vợ ngồi trên chiếc giường nệm, vẫn trong bộ quần áo đi chợ của mình, nhưng quay mặt vào nhìn chăm chăm vào vách.

- “Bà làm cái gì vậy? Ra thay đồ lát đi đám cưới với tui…”.

Không nghe trả lời, thiếu tá Ph. cau mày gắt:

- “Bà sao vậy?”. Cũng chẳng nghe trả lời.

Thiếu tá Ph. tiến lại gần hơn đặt tay vào vai vợ.

- “Giận tui cái gì hả?”. Cũng vẫn im lặng.

Phát cáu, thiếu tá Ph. nạt luôn:

- “Bà muốn gì?”.

Câu trả lời của bà vợ làm thiếu tá Ph. chưng hửng:

“Tao muốn ăn phở!”.

Trố mắt nhiìn vợ, thiếu tá Ph. bối rối khi bà chỉ quay đầu lại nhìn chồng thật nhanh rồi tiếp tục quay mặt vào vách. Có điều chỉ trong tích tắc ấy, thiếu tá Ph. thoáng rùng mình vì ánh mắt vô hồn và gương mặt lạnh tanh của vợ.

- “Cái gì nữa đây? Bà nghe ai nói tào lao cái gì rồi về sinh sự phải không?” Ông chồng cáu tiết gắt.

- “Tao muốn ăn phở!” Bà vợ vẫn trả lời bằng điệp khúc gồm 4 từ.

Bực mình, thiếu tá Ph. bỏ ra ngoài. Ông quát với lũ con và bắt chúng vào hỏi vợ “muốn gì?”. Lũ con thay nhau vào và cả 3 đều mang ra đúng một câu:

- “Tao muốn ăn Phở!”.

Ông chồng tức điên người nhưng cố dằn vì con cái đã lớn và cương vị của ông không cho phép có chuyện lùm xùm trong gia đình. Ông lại vào và tiu nghỉu quay ra, vì sau một hồi thịnh nộ cũng chỉ được nghe vợ nói đúng 4 chữ:

- “Tao muốn ăn phở!”.

Ngồi ghế bành một lúc cho dịu cơn nóng giận, thiếu tá Ph. sực nghĩ ra một giải pháp. Ông điện thoại cho gia đình người bạn thân mà vợ ông ta là người gần gũi vợ thiếu tá Ph. nhất. Sau khi trao đổi, thiếu tá Ph. ngồi xuống ghế chờ đợi. Lát sau 2 vợ chồng trung tá Nguyễn Khắc Bình đến. Sau khi nghe thiếu tá Ph. thuật lại, vợ trung tá Bình lãnh sứ mạng vào “khuyên nhủ”. Nửa giờ trôi qua, vợ trung tá Bình quay ra mặt hoang mang.

- “Sao? Chị ấy nói gì?”Trung tá Bình hỏi.

Bà vợ nhún vai: “Tao muốn ăn phở!”.

Bàn bạc một lúc, vợ trung tá Bình chợt nêu ý kiến:

- “Trước đến giờ, thần kinh chị ấy ổn định không hả anh?”.

Hai người đàn ông im lặng. Hơn ai hết, trung tá Bình là người đi hỏi vợ cho bạn nên biết gia đình dòng họ bên vợ của thiếu tá Ph. quả có hai trường hợp bị điên.

Thiếu tá Ph. đắn đo một lúc rồi mở miệng nhờ trung tá Bình:

- “Anh giúp dùm, tôi rối quá rồi…”.

Sau vài cuộc điện thoại nhờ vả, trung tá Bình quay qua trấn an bạn:

- “Thằng Quy sẽ cử xe đến đưa chị ấy vào nhà thương Chợ Quán, khám xem sao…Toa (Toi) yên tâm, để Moa (Moi) giải quyết vụ này cho…

Đêm hôm đó, trong khu dành riêng cho bệnh nhân loại VIP, các bác sĩ tay nhau khám bệnh, định bệnh. Các phương tiện tối tân, phương pháp khoa học và những bác sĩ trình độ nhất đưa đến kết luận:

- “Vợ thiếu tá Ph. hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh!”. Tuy nhiên các bác sĩ đều ngạc nhiên khi bệnh nhân luôn trả lời mọi câu hỏi bằng câu: “Tao muốn ăn phở!”…

Bà vợ được đưa về nhà và không chịu ăn uống gì. Thiếu tá Ph. bắt đầu hoảng, điện thoại cho hàng loạt bạn bè. Bất ngờ thiếu tá Phạm Kim Quy, bạn cùng khóa của thiếu tá Ph. nêu ý kiến:

- “Hay là ma nhập?”.

Cả nhà đang đông đúc bạn bè đến thăm hỏi, bỗng lặng ngắt như tờ. Vợ trung tá Bình rụt rè:

- “Hổng chừng đúng đó…chiều đến giờ em có nghĩ đến mà đâu dám nói ra…”.

Trung tá Bình nạt ngang: “Căn cứ vô cái gì mà bà nghĩ vậy?”.

Bà vợ trả lời tỉnh rụi nhưng câu trả lời làm mọi người rùng mình như bước ra gió lạnh:

- “Giọng nói này đâu phải giọng của chị ấy?”.

Thiếu tá Ph.cau mày suy nghĩ một thoáng rồi quày quả đi luôn vào phòng vợ. Ông đứng sau lưng vợ hỏi gằn:

- “Mày là ai?”

Lần này thì ông không còn nghe câu trả lời quen thuộc mà thay vào đó là một giọng đàn ông lạ hoắc:

- “Ờ, vậy chớ! Chiều đến giờ mệt mấy người quá…”.

Lặp lại câu hỏi lần nữa, trong lúc mọi người cùng kéo nhau vào đứng chung quanh, thiếu tá Ph. nghe mà bủn rủn cả người:

- “Tao là trung sĩ nhất Đoàn Thiện Hùng, số quân 50/ 789…phục vụ ở phòng 3 Tổng tham mưu…”.

Sau khi nghe “sơ yếu lý lịch” của một gã nào đó đòi ăn phở thông qua vợ mình, thiếu tá Ph. cùng mọi người lui ra ngoài bàn bạc.

Một linh mục quen biết lập tức được mời đến cầm theo cả sợi giây 7 buộc và quyển thánh kinh bọc bìa da đỏ. Ông vào phòng cùng thiếu tá Ph. và bắt đầu rảy nước thánh.

- “Thôi cha về đi, tui đâu có theo đạo đâu mà nghe lời cha! Tui chỉ muốn ăn phở thôi mà…gì mà rắc rối quá vậy?”. Chiêu thứ nhất coi như thất bại.

Cũng ngay trong đêm, vị sư trụ trì chùa trong quân trường Quang Trung, tên thật là Đặng Thành Tậm (quên mất pháp danh) được vời đến vì nghe nói ông đã từng trị khỏi nhiều ca ma quỷ nhập xác. Ông vừa đến nơi đã khoác mảnh y và cầm tràng hạt đi vào.

Sau một lát, ông tiu nghỉu quay ra, lắc đầu:

“Nó biểu nó cũng không theo phật giáo, chỉ muốn ăn phở!”.

Sáng hôm sau, thiếu tá Phạm Kim Quy điện thoại cho một người bạn để vời cấp tốc một thầy pháp lừng danh Sài Gòn-Gia Định-Chợ lớn là thầy Chín Củi.

Trong lúc chờ thầy và sắm sanh đủ lễ vật lập đàn cúng, trung tá Bình điện thoại cho một loạt bạn bè ở Tổng Tham Mưu. Lý lịch của con ma đòi ăn phở hóa ra có thật 100%! Gã trung sĩ nhất này chết vì tai nạn giao thông cách đây tròn 1 năm và được chôn ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp.

Xế trưa, “thầy Chín” đến trên xe Jeep có còi hụ đường hoàng. Bàn cúng được cấp tập bày biện. Đặt “ông tướng thầy ba”(một loại linh tượng nhỏ)lên bàn, thầy Chín bắt đầu xõa tóc vung gươm gỗ làm phép. Chưa kịp đốt xong lá bùa trừ tà thì con ma đòi ăn phở đã tuột xuống giường, xấn xổ vào thầy pháp giật thanh gươm gỗ chém nát cả đàn tràng! Sợ xanh mặt, thầy Chín lật đật cuốn tượng dông tuốt ra đường bắt taxi “quy hồi cố quận”!

Hết nước, thiếu tá Ph. bèn ngồi phịch xuống đất vái “vợ” như tế sao.

Thiếu tá Quy và mọi người lắc đầu rút dần ra ngoài sân. Lúc này con ma đòi ăn phở đưa ra một yêu cầu thương lượng:

- “Nếu cho ăn 10 tô phở, sẽ hứa đi luôn không làm phiền gia đình nữa!”

Một ngày nữa trôi qua, thiếu tá Ph. lo sợ khi thấy vợ không ăn uống gì mà cứ ngồi trên giường “tôi nhìn tôi trên vách”. Bí thế, thiếu tá Ph. bàn với 2 ông bạn chí cốt là thiếu tá Quy và trung tá Bình:

- “Phải thua con ma này thôi!”.

Thế là “thể theo lời yêu cầu”, thiếu tá Ph. sai cô giúp việc đi mua phở. Vừa mang vào phòng, không buồn quay lại nhìn, con ma đã nạt:

- “Nhà giàu mà bần tiện quá vậy? Nói mua 10 tô mà sao mua có 2 tô?”. Cả nhà giật bắn mình vì quả thực là mua chỉ 2 tô.

Sá gì 10 tô phở, nhưng chỉ sợ “vợ” bị bội thực do con ma tham ăn nên thiếu tá Ph. cũng chỉ mua 5 tô, sớt ra 10 cái chén nhỏ.

Cũng không thể qua mặt con ma, gã nhấn mạnh:

”Mười tô là mười tô! Chín tô cũng không đi…”

Mười tô phở được sắp hàng trước mặt con ma trung sĩ nhất, gã hít một hơi rồi mỉm cười hài lòng. Thiếu tá Quy nghĩ sao chặn lại:

- “ Lỡ mai mốt ông ăn xong, quay lại nữa thì sao?”

Con ma tỉnh rụi: “Tui hứa!”.

Thiếu tá Quy mang giấy bút ra bắt con ma làm bản-cam-đoan. Dường như vì quá thèm nên con ma lật đật cầm giấy bút nguệch ngoạc mấy chữ rồi ký tên. Đoạn, gã cầm đũa thọc vào tô thứ nhật khiến cả nhà hồi hộp. Hóa ra gã chỉ nhúng đũa vào cả 10 tô rồi đưa lên mũi hít một cái!
Vừa xong, chợt bà vợ thiếu tá Ph. như lên cơn co giật rồi ngã ra bất tỉnh.

Khi tỉnh lại bà vợ hoàn toàn ngơ ngác không biết chuyện gì và ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều người trong nhà. Được dặn dò trước, mọi người đều nói cho bà biết bà bị trúng gió mấy ngày nay và bác sĩ đã trị cho bà thuyên giảm.

Số lượng phở của con ma dùng qua, đưa cho người làm và tài xế đều bị trả lại vì chẳng hiểu sao tất cả đều bị sình chương và đổ nhớt!

Đáng ngạc nhiên hơn khi hôm sau, thiếu tá Quy mang về một số tài liệu có chữ viết của trung sĩ nhất Đoàn thiện Hùng. So tự dạng thì…giống hệt! Ba ông bạn nối khố gồm: Thiếu tá Ph., thiếu tá Quy và trung tá Bình đi lên tận nghĩa trang quân đội Gò Vấp và đứng trước ngôi mộ của con ma đòi ăn phở, cả 3 đều có cảm giác rờn rợn.

Chuyện qua đi cho đến 2 tháng sau, một buổi chiều u ám, tên trung sĩ nhất lại trở về đòi ăn phở. Bực mình, thiếu tá Ph. đưa tờ giấy có bút tích của gã ra. Đọc lướt qua thật nhanh, gã “à há” một câu rồi xuất ra khỏi bà vợ ngay lập tức. Hóa ra, đây là một con ma hết sức trọng chữ tín và khá hài hước…

Cho đến giờ phút này, tất cả những người liên quan đã xuất cảnh sinh sống ở phương trời khác, có kẻ còn người mất, ngay cả căn nhà năm xưa bây giờ cũng đã phá bỏ để xây lên một khách sạn cỡ 2, 3 sao…nhưng câu chuyện về con ma đòi ăn phở vẫn là một câu chuyện ma ngộ nghĩnh nhất.

Phạm Kim Quy

Tamlinh.org