Ủa tao tưởng chiếc lược nhà của bé Thu chứ Mà không phải chiếc lược ông Sáu tặng bé Thu rồi, chiếc lược này ở tận Củ Chi....
Năm 2008 bố mẹ tôi có chuyến đi vào miền Nam du lịch, tham quan rất nhiều nơi, tới địa đạo Củ Chi, mẹ tôi thấy ở đây bày bán một loại hộp gương bằng gỗ khảm trai rất đẹp, nên có mua về làm quà biếu bà ngoại tôi. Hộp làm bằng gỗ dừa, bên ngoài đổ sơn bóng loáng, nắp trong hộp có gắn gương và lòng hộp thì dán một lớp vải nhung. Đi kèm hộp gương là một chiếc lược, theo như người bán hàng thì nó được làm từ sừng hay ngà gì đó, màu đen, chải lên không bị ăn tóc.
Trên chuyến xe đi về, mẹ tôi vô tình đem hộp gương ra khoe với mấy người trong đoàn, nhiều người hỏi mượn, họ lấy lược chải thử, xong bảo đúng là chải sướng đầu lắm. Mẹ tôi tóc dài, lúc nào cũng phải búi nên không tiện chải, thấy mọi người bảo lược dùng thích như vậy, cứ nghĩ là mình mua được hàng sừng thật, hí hửng tới tận lúc về đến nơi.
Sẽ chẳng có gì lạ nếu tôi không thấy cái hộp gương đó, sau khi chuyển hết đồ của bố mẹ xuống xe, nó cùng với mấy món lưu niệm khác để ở cái túi ngoài cùng, hồi đó tôi mới 14 tuổi, thấy cũng đẹp đẹp nên tôi mở nó ra, cầm cái lược bên trong lên chải. Răng lược chạm vào da đầu lạnh toát, tay tôi cầm lược không thấy lạnh, mà sao lúc chải lên đầu thì lại lạnh thế. Chải hai cái tôi rùng mình, nhìn lại cái lược thì mới hãi, trên răng lược dính bao nhiêu là tóc dài. Tôi lại là con trai.
Có thể là lúc chải tôi không để ý, mẹ bảo trên xe người ta chải thử, chắc có tóc dính vào đấy, tôi cũng cho là phải nên không để bụng nữa. Tối hôm sau nhà tôi đem quà sang biếu bà ngoại, lúc đấy là khoảng hơn 8h, nhà bà ngoại cách nhà tôi không xa, đi bộ chỉ mươi phút là đến. Trên đoạn đó có một bãi đất trồng cây dong để bán làm bánh chưng và một con mương, tôi với mẹ đi qua, bên dưới mương có tiếng nước bì bõm.
Đường không có đèn, chỉ có ánh sáng từ nhà dân hắt ra, mương tối om, tôi nghe rõ là tiếng lội nước ì oạp, quay lại nhìn thì không thấy gì. Tôi đã nghĩ đấy là con chuột, cho đến lần thứ ba quay lại, tôi thấy có một bóng đen đi sau mẹ con tôi. Sợ tới quýnh cả chân lên, tôi bảo mẹ cái gì kìa, mẹ tôi cầm đèn pin soi thì chẳng thấy nó đâu, nhưng mà tôi dám chắc là mình không nhìn nhầm cái hình người lúc đấy, nó chỉ cách tôi vài bước chân.
Mẹ vừa quay đi thì tay tôi bị giật một cái, túi đồ tôi cầm trên tay liền rơi xuống đất. Thề là tôi không biết vì sao luôn, tự nhiên cái túi bị giật xuống, có bao nhiêu thứ đều bị văng ra đất, mẹ còn mắng tôi, may mà cái hộp gương chưa bị vỡ. Bình thường đi đường này tôi chưa từng gặp chuyện gì như vậy, tôi cũng không biết đấy có phải là ma không, nhưng sau đó tôi vẫn tiếp tục đến nhà bà an toàn, cả lúc về cũng không thấy gì kỳ lạ nữa.
Bẵng đi vài tháng, hôm ấy là cuối tháng Chín, bác tôi từ trong nhà bà ngoại chạy ra báo bà bị cảm, phải đưa đi viện cấp cứu. Thực ra là không phải bị cảm, bà tôi là bị viêm gan, tới bệnh viện mới phát hiện ra, vì đã vào giai đoạn nguy hiểm nên phải lưu viện để điều trị. Tối hôm đó tôi được điều vào nhà bà ngoại ngủ để trông nhà.
Cả đời tôi cũng không quên được cái đêm rùng rợn ấy. Nhà bà ngoại chia làm ba gian, gian giữa là phòng khách, hai gian bên đặt hai cái giường, tôi và anh họ bằng tuổi ngủ một giường, giường còn lại là giường bà vẫn ngủ, đêm ấy nó bỏ trống. Anh họ ngủ trước, tôi lạ giường nên cứ trằn trọc mãi, lúc ấy chắc cũng gần nửa đêm, trong nhà im phăng phắc, tôi nhắm mắt nằm đấy nhưng không ngủ. Bỗng tôi nghe thấy tiếng cót két…
Không phải tiếng cánh cửa, tôi mở choàng mắt, đối diện với giường tôi là cửa ra vào, cánh cửa vẫn đóng chặt. Tiếng cót két ban đầu còn nhỏ, sau thì to dần, hay là tiếng mọt kéo gỗ? Tôi bình tĩnh ngóc đầu dậy, bộ bàn ghế đặt trên đầu giường tôi, tiếng cót két phát ra từ phía này, nhưng không gần tới thế. Lúc đó tôi chưa hình dung ra đó là tiếng gì, nên chưa sợ lắm, phải nhìn qua bộ bàn ghế sang tới giường bên kia, tôi mới giật mình.
Cạnh giường bà có một bóng trắng. Tôi sợ tới mức không dám nhúc nhích, bóng trắng đứng thẳng, không phải mờ mờ như sương, tôi thấy cả áo cả quần màu xanh, da trắng bệch, đầu trọc hếu, cũng không biết là trọc hay là trơ xương, chỉ biết là đang đừng quay lưng lại phía tôi. Đúng là ma rồi, miệng tôi cứng đờ, muốn lay anh họ dậy nhưng tay bủn rủn không nhấc lên được, càng không dám quay đi, thiếu chút nữa là tôi tiểu ra quần.
Bóng trắng kia không đứng im, hình như nó còn cầm cái gì trên tay, lúc tôi thấy thì nó đang giơ tay lên đầu. Cót kéttttt. Tiếng gì đấy? Tôi run bần bật khi nghe thấy âm thanh đó. Cót kétttt. Bóng trắng cào cái gì lên đầu nó, cào hai lần thì dừng. Kẽo kẹt. Bất thình lình bên cạnh tôi có động, tôi giật mình nhìn thì là anh họ tôi xoay người, chỉ liếc mắt đi chỗ khác thôi mà tới lúc quay lại bóng trắng kia đã không thấy đâu nữa.
Tôi lập tức nằm im, không dám nhìn ngang nhìn dọc nữa, vẫn chưa hết sợ tôi còn trùm cả chăn lên đầu, chắc chắn vừa rồi là ma, và nó vẫn ở trong nhà này. Tai tôi áp xuống giường, một lúc sau không nghe thấy tiếng cót két nữa, nhưng tôi nghe thấy tiếng bước chân. Tôi nhắm chặt mắt, không dám thở mạnh, đúng lúc đó anh họ tôi lại ngồi dậy. Hay là nó bắt anh tôi đi?
Ngay lập tức tôi bật tung chăn ra, vồ lấy anh họ, bấy giờ anh ấy đã xoay ra ngoài mép giường.
- Mày làm gì đấy? Giật cả mình.
Anh họ nhìn tôi nói. Tôi lắp bắp hỏi:
- Anh… anh làm gì đấy?
- Tao đi đái.
- Em đi với.
Tức là anh tôi chỉ dậy vì buồn tiểu, chứ không bị bắt bớ gì cả. Tôi có kể với anh họ về cái bóng trắng, nhưng anh ấy không tin, anh họ là con nhà bác cả, nhà bà và nhà bác cạnh nhau, anh ấy bảo tôi sợ bóng sợ gió vớ vẩn. Nhưng lúc vào ngủ, tôi nhất quyết đòi bật đèn, đang ngủ dở nên anh họ vào giấc rất nhanh, tôi thì cứ mở mắt thao láo, mãi tới gần sáng mới ngủ được một ít.
Hôm sau tôi về kể với mẹ, mẹ cũng bảo tôi luyên thuyên, nhà ở làm gì có ma. Hơn nữa bệnh tình của bà đang rất đáng lo nên mẹ không quan tâm được chuyện gì khác, và vì lúc đó tôi còn nhỏ nên dù rất sợ, tôi cũng chỉ mất ít ngày là quên luôn. Cho đến khi bà ngoại mất, tính ra là sau đó gần một năm, bệnh chuyển từ viêm sang u xơ, bà nằm liệt giường hai tuần và mất vào lúc 6h chiều thứ Bảy.
Tối hôm đó mẹ và các bác thay quần áo mới và vấn lại tóc cho bà, mọi người lấy chiếc lược trong hộp gương ra để chải, tôi lặng nhìn mớ tóc trắng quấn vào răng lược, trong lòng không khỏi xót xa. Đến đêm tôi ngủ mơ, thấy bà ngoại ngồi ở giữa nhà, tóc xõa đầy vai, trong nhà rất tối, nhìn mãi tôi mới thấy một người ngồi sau lưng đang chải tóc cho bà. Tôi không nhìn rõ mặt người kia, nhưng đấy không phải là bác hay mẹ, người ấy mặc một bộ quần áo xanh, tay cầm lược trắng bệch, chầm chậm đưa lên đưa xuống, mỗi lần chải tóc bà rụng ra từng mảng.
Sáng hôm sau tôi kể lại giấc mơ cho mẹ, lúc này bà mới nhập quan, mẹ tôi buồn rầu không nghe hết đầu đuôi tôi nói đã khóc nấc lên. Tôi đành tự mình ra nắp quan nhòm vào, trên đó có một lỗ trống nhỏ gắn cửa kính, bà tôi nhắm mắt thanh thản nằm trong, tôi ngó thấy hình như trên tóc vấn của bà có cài chiếc lược. Tới khi vãn khách tôi mới tìm bác cả để hỏi, sao lại để cái lược vào trong quan, bác cả bảo trần sao âm vậy, phải chôn theo cả tư trang cho bà nữa.
Đám tang diễn ra suôn sẻ. Một trăm ngày nhà tôi đưa bà lên chùa, sau khi lễ ngãi hoàn tất, thầy cúng nói với nhà tôi là bà ngoại yếu lắm, không gọi về được. Mọi người trong nhà sau này cũng nhiều lần đi gọi dí, nhưng không ở đâu kêu được bà lên với con cháu. Tôi từ đợt đó cũng không mơ thấy bà nữa, giống như là bà không còn liên hệ gì với gia đình họ hàng, cảm giác trong nhà bà lạnh lẽo tang thương khó tả.
Rồi thì cũng qua ba năm chịu tang, tầm cuối năm 2014 nhà tôi có đi xem thì thầy bảo được ngày cải mả, anh em con cháu họp mặt đông đủ, xét khi bà còn sống thì thuốc thang cũng ít dùng, nay được ngày đẹp chuyển bà sang nhà mới cho sạch sẽ. Cái này còn là vì nhà tôi nghi đất bà nằm có vấn đề, hoặc là sai hướng, hoặc là như một bác trong họ nói, quan bị nứt nên đất chui vào trong nấp hết người bà. Thế là nhất trí cho bốc mộ vào đợt ấy.
Quá trình bốc mộ tôi không tham gia, vì đợt đó tôi còn đang đi học đại học, nghe mẹ kể thì quan quách vẫn nguyên vẹn, da thịt bà chưa tiêu hết, nhưng đã mở ra rồi thì bằng mọi cách phải làm sạch để chuyển mộ. Bà tôi chôn ở chỗ đất khô, nên trong quan không có nước đọng, nghe người bốc mộ nói là trường hợp của bà tôi rất đặc biệt, bình thường xác người tiêu chưa hết thì tóc tai vẫn dính trên đầu, đây bà tôi tóc tiêu sạch, trong mộ không thấy sợi tóc nào của bà hết.
Sau khi nâng bà đặt vào tiểu, mọi đồ đạc trong quan cũ đều được thu gom để đem đi đốt, lúc này mới xảy ra một chuyện. Người bốc mộ thuê cho nhà tôi tìm được cái lược dưới đáy quan, ông ấy có thâm niên gần 30 năm trong nghề, đảm bảo là không bao giờ nhầm lẫn xương cốt với bất cứ cái gì khác, nên khi cầm cái lược lên, ông ấy đã quả quyết, cái lược này là làm từ xương chứ không phải ngà hay sừng.
Cả nhà tôi không ai tin, ông ấy mới lấy nước rửa qua một lượt, lớp sơn bên ngoài vì bị oxi hóa nên bong ra, để lộ màu nâu xỉn bên trong. Ông bốc mộ bẻ thử một răng lược, thấy nó mủn ra, càng vo thì càng mịn như bột. Cái này là vì xương để trong môi trường yếm khí lâu năm sẽ bị vôi hóa, không như sừng hay ngà thì trơ hơn. Còn là xương của con gì thì không biết, nhà tôi thấy vậy cũng không đáng lo, dẫu sao thì chuyện cũng đã xong xuôi rồi.
Sau khi hoàn tất việc bốc dọn cho bà ngoại, nhà tôi có mời thầy cúng về nhà làm lễ, có mặt đông đủ con cháu trong họ, thầy cúng đọc được nửa bài thì đột nhiên bác cả tôi vật ra khóc. Nghe bảo đây là vong nhập nên mọi người xúm vào đỡ bác, bác tôi mặt đỏ tía tai, tay chân mềm nhũn, người cứ oặt ra chiếu, nước mắt nước mũi giàn giụa. Bác gào khóc thảm thiết, ai hỏi gì cũng không trả lời, được một lát thì bác cho tay lên bứt tóc, cứ túm từng nắm một mà dứt, giọng bác lạc đi nghe giống như sắp hết hơi. Nhưng phải hai người giữ tay mới kìm được bác lại, ai cũng bảo người âm khỏe lắm, thảo nào bác tôi gầy gò mà hai người hết sức mới giữ nổi.
Mọi người xúm đen xúm đỏ vào đỡ bác, vài người gọi bác là mẹ ơi, vài người khóc sụt sùi, bác thì nhắm nghiền mắt, đầu lắc quầy quậy, tóc xổ tung ra. Hay là bị âm binh nhập rồi? Có người hỏi thầy cúng, thầy bảo không phải, đây là bà uất quá nên bà quấy con cháu thôi, cứ dỗ đi là hết. Mọi người tạm tin lời thầy, tiếp tục dùng lời lẽ an ủi, vỗ về bác, xoa lưng xoa mặt cho bác nhanh hồi, chán chê, tới khi không còn sức nữa thì bác mới rũ người ra. Bà đi rồi à? Lại có người hỏi, tiếng khóc của ai đó thảm thiết vang lên, là bác gái thứ, bác khóc bà bỏ con bỏ cháu, bao năm đi biền biệt không về thăm nhà, giờ về lại không thèm nhìn mặt ai hết mà đã đi rồi.
- Cha tiên sư con Quý, mả cha tiên sư con Quý.
Bác cả tôi đột nhiên chửi đổng lên, Quý là tên bác gái thứ, nghe mà ai nấy lạnh cả người, hóa ra bà vẫn chưa đi, mọi người mới cầm tay bà, vừa xoa nắn vừa thủ thỉ:
- Mẹ ơi sao mấy năm liền mẹ đi đâu không về với chúng con?
- Tao không về được.
Bác cả tôi bắt đầu rấm rức khóc, bác thều thào nói như bà tôi lúc còn sống:
- Thằng Tây nó bắt tao đi theo nó vào trong kia – ý là vào Nam – không cho tao về, nó bảo tao lấy xương của nó, chừng nào tao còn giữ cái xương thì nó còn bắt tao đi, tao khổ trần đời…
Bác cả nói đại khái là có thằng Tây bắt bà đi vào Nam, tới chỗ nó chết để hành hạ bà, không cho bà về với con cháu. Nó chết do bị bắn trong chiến tranh, xác vùi dưới đống đất, có con chó rừng bới xác lên ăn, khẩu xương đùi nó tha vứt ra ngoài bìa rừng. Không biết sao có người nhặt xương đó về, mài đi làm thành lược, rồi bịa là bằng ngà, bán với giá cao. May sao nhà tôi cải mộ sớm, đem cái lược kia vứt đi, chứ còn để lâu thì bà tôi còn khổ.
Tôi được tận mắt thấy bác vừa khóc vừa kể, nếu là thầy cúng bị nhập thì tôi không tin, trước giờ tôi cũng không nghĩ là có chuyện người chết trở về nhập vào người sống, hơn nữa ba năm liền dùng đủ mọi cách áp vong mà không được, cả nhà tôi đã sớm hết hy vọng gì rồi. Thế mà lần này không phải áp vong, chỉ là làm lễ cúng thì bà lại về, chứng tỏ là bà tôi thực sự bị bắt đi.
Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi, rằng vong là ma rồi thì còn ai hành được vong nữa, hoặc là vong chỉ có đi hành người thôi, nhưng cứ suy từ câu trần sao âm vậy ra, người hại người được thì vong cũng sẽ hại được vong. Quan trọng là khi đem một vật gì đó từ ngoài về, nên chắc chắn là nó không liên quan đến người chết, ví dụ như không chôn cái lược kia đi, thì biết đâu người bị hại sẽ là ai đó trong gia đình tôi. Thật sự nếu có chuyện như vậy xảy ra, ngay cả tôi cũng không dám chắc mình có may mắn được ngồi đây để kể lại hay không, họa vô đơn chí chính là như thế đấy!
Tamlinh.org
Nguồn: Tong Ngoc