04/06/2021 11:43 View: 1520

Truyện: Thằng Dím (Tập 2)

Với bản tính tò mò, lẽ ra ngay chiều hôm ấy tôi đã định mang chiếc xe đạp cũ ở nhà ông bà lên ông Kha để sửa. Nhưng phần vì nắng, phần vì lâu ngày mới về nên cả nhà cũng tính ăn uống, sum họp.

thang dim tap 2, truyen truong le

Hè mà, con cháu ai cũng nghỉ nên cả năm chỉ có mỗi dịp hè là gia đình mọi người mới được nhìn thấy mặt nhau lâu lâu một chút. Ngay cả ngày tết cũng chẳng được mấy hôm, ông bà hôm đó bắt gà, bắt vịt làm cơm mời các bác, các cậu sang cùng ăn.

Tất nhiên mấy anh chị em trong gia đình cũng được dịp gặp nhau nói chuyện, trong lúc người lớn làm cơm thì tôi lại lân la với mấy bà chị về chủ đề chuyện của anh Dím. Tôi hỏi:

-- Mấy chị ở đây có biết vì sao cái ông Dím ấy lại bị điên không..? Em thấy bảo trước đây có bị như vậy đâu, sau khi mẹ bị tai nạn chết mới thế.

Một bà chị hơn tôi 5 tuổi đáp:

-- À, cậu đang nhắc tới Dím hôi ấy hả..? Ở phường mình công nhận toàn nhân tài, hết Dím điên lại đến Khánh khèo, cả cô Nụ nữa. Cậu chắc còn nhớ cô Nụ chứ nhỉ..?

Nhắc đến cô Nụ thì tôi lạ gì, nỗi ám ảnh của tôi cả thuở nhỏ.

Người ta ngày ấy gọi là cô Nụ nhũn nhèo, người cô Nụ như không có xương, tay chân cứ nhũn ra vắt qua vắt lại, gương mặt cô Nụ biến dạng, nói chung nhìn cô Nụ tôi sợ lắm. Ngày nhỏ tôi mà đang nghịch cái gì mẹ tôi chỉ cần mang cô Nụ ra dọa là tôi sợ nghe lời răm rắp. Có lần tôi trốn đi tắm ao bị mẹ đi làm về bắt được, mẹ tôi kéo tay tôi miệng nói:

-- Đi….đi lên đây tao cho mày ở với cô Nụ, không cho mày về nữa.

Thề với mọi người, tôi sợ đến mức ngồi bệt xuống đất không dám đi. Cứ khóc xin mẹ tha cho, lần sau không dám tắm ao nữa. Nhưng cô Nụ chết cách đây mấy năm rồi, không nhầm thì cô Nụ chết hồi tôi học gần hết lớp 9. Hôm nay bà chị nhắc tới cô Nụ mà tôi vẫn còn thấy hơi sợ sợ. Thấy tôi không nói, bà chị tiếp:

-- Ngày xưa cả xóm sợ cô Nụ, mà sau này lớn lên thấy cô Nụ cũng bình thường. Lắm hôm đi ăn sáng gặp cô Nụ chị còn trả tiền hộ . Vậy mà cô Nụ cũng chết được mấy năm rồi, đám tang cô Nụ là phường, xã, xóm làng, bà con bù thêm với họ hàng rồi chôn cất cô Nụ ấy. Nhưng khác với Dím điên, cô Nụ sạch sẽ lắm…. Người như kiểu nhũn nhèo vậy mà ngày tắm hai lần. Sạch cực kỳ, còn ông Dím kia, nhắc đến đã thấy kinh. Mà cậu vừa hỏi sao Dím bị điên hả, chị cũng nghe kể thôi, thấy bảo ngày trước yêu con nào ấy xong bị nó bỏ bùa, thành ra điên dại... Mà tài, ai cũng công nhận Dím đẹp trai. Nhưng bẩn sợ, tóc tai lúc nào cũng bết bệt... Không ngửi được.

Tôi đáp:

-- Em thấy bà bảo Dím bị tiêm thuốc nên điên…. Chị lại bảo bị bỏ bùa…..

Bà chị cười:

-- Ừ thì chị cũng nghe kể thế, mà sao lần này về lại quan tâm đến Dím thế…. Tính đi theo chữa cho Dím à…. Cậu cũng ngon lành, cẩn thận không lại ăn bùa như Dím thì tím mặt.

Tôi chẳng tin vào mấy thứ bùa ngải mà bà chị nói, đúng là khi nhắc đến một người điên thì luôn có những lý do khác nhau. Xã hội rất buồn cười, nhìn vào người điên họ hay thêu dệt lên những câu chuyện mang màu sắc sợ hãi, ghê rợn để lòe thiên hạ, để dọa trẻ con. Bản thân tôi ngày nhỏ cũng bị Dím hay cô Nụ ám ảnh cho đến tận bây giờ. Chỉ có điều giờ đây đủ suy nghĩ tôi không thấy sợ, tôi thấy thương những con người chẳng may mang một số phận nghiệt ngã như vậy hơn.

Biết hỏi mấy bà chị cũng chẳng đi đến đâu, bởi dẫu sao các chị cũng chỉ hơn tôi vài tuổi. Chi bằng tự mình đi tìm hiểu có lẽ sẽ có được câu trả lời. Nghĩ đơn giản là vậy, nhưng sáng hôm sau, khi dắt chiếc xe mini cổ lỗ sĩ của ông bà đến chỗ ông Kha sửa xe tôi chợt nhận ra thật khó mở lời. Ông Kha đang ngồi nắn nắn lại mấy chiếc đũa của một cái bánh xe đạp. Ông làm chăm chú đến mức nếu tôi không cất lời có lẽ ông Kha cũng không biết tôi đang đứng trước mặt:

-- Ông sửa cho cháu cái xe…..

Người đàn ông gầy gòm, da đen sạm, mặt mũi hốc hác điểm những nốt chân chim lấp tấm khắp mặt ngước lên nhìn tôi. Quả thật gương mặt ông Kha hơi dữ tợn, chẳng trách người ta gọi ông là Kha điên. Ông Kha cất giọng ồm ồm:

-- Sửa xe hả, xe bị làm sao…. Dựng ở đấy ngồi tạm vào ghế kia đợi ông một chút.

Tôi đáp :

-- Ông xem cho cháu cái xe nó bị trượt cá , đạp không được….Tiện ông xem xem cái gì hỏng thì thay mới hết cho cháu.

Ông Kha buông chiếc bánh xe xuống rồi chống hai đầu gối đứng dậy , ông dắt xe tôi vào sát lề đường rồi gật đầu :

-- Trượt cá hả , tí ông thay cho mấy viên bi chỗ bàn đạp là được thôi….Mà xe này cũ phết rồi nhỉ , thay hết là tốn tiền lắm đó con . Để ông xem trong nhà có đồ gì mà dùng được ông thay cho , nó rẻ mà dùng cũng tốt.

Qua câu nói của ông Kha tôi hơi sững người, người ta gọi ông là Kha điên nhưng ông chẳng điên chút nào. Từ cử chỉ , cách nói năng , cho đến chuyện ông quan tâm một người mang xe đến sửa như tôi , sợ tôi tốn tiền…..Điên ư , một lần nữa tôi thấy nếu điên mà tốt như này có lẽ tôi muốn cả thế giới này đều bị điên hết. Tôi cười cười :

-- Dạ vâng, ông xem thay được gì cứ thay cho cháu.

Nhìn xung quanh , nơi ông Kha sửa xe cũng chính là trước nhà của ông luôn , ngôi nhà được xây dựa lưng vào vách núi hướng mặt tiền ra bên ngoài , nhà cấp 4 nhưng được xây trên nền móng khá cao . Đã mấy chục năm trôi qua , xung quanh những ngôi nhà khác đã lên tầng , đã xây mới , chỉ có duy nhất nhà Dím vẫn không thay đổi gì. Móng nhà đã mọc rêu xanh , ngôi nhà cấp 4 sập xệ với những mảng tường đã ruội ra lộ cả gạch . Tôi thấy trong nhà chỉ có độc nhất một chiếc giường , một cái bàn gỗ cũ mèm , quần áo treo vào dây buộc ngang nhà , lộn xộn, bẩn thỉu. Mục đích của tôi đến đây là hỏi chuyện về anh Dím , nhưng giờ đây tôi lại chẳng biết mở lời ra làm sao. Chẳng lẽ lại hỏi : “ Anh Dím làm sao bị điên..” hay “ Anh Dím bị tiêm thuốc điên phải không ạ..?”

Nhưng may mắn cho tôi , ông Kha vừa sửa xe vừa hỏi tôi :

-- Thằng cháu là con nhà ai đấy , sao ông không biết mặt mày nhỉ..? Thanh niên tầm tuổi mày ở đây ai ông cũng biết , ngồi đường suốt mà hôm nay mới thấy mày lần đầu..?

Tôi trả lời :

-- Cháu là cháu của ông N bà L , ngày bé cháu cũng ở đây này...Nhưng sau đó chuyển nhà nên không ở đây nữa. Mấy năm nay cháu mới về chơi , thường thường thì hè cháu mới về.

Ông Kha im lặng , đăm chiêu suy nghĩ :

-- Cháu ông bà N - L à, có phải mày con nhà Thành - Hương phải không..?

Tôi cười :

-- Dạ không , Thành - Hương là bác cháu , cháu là cháu ngoại thôi….

Tưởng nói đến đây ông Kha sẽ không biết nữa , ai dè ông đáp :

-- Cháu ngoại mà ở đây thì chắc chắn mày là con của thằng Hùng , cưới con Phượng con gái út của ông bà N-L rồi…..

Tôi há hốc mồm ngạc nhiên vì ông Kha nói không sai chút nào , ông ấy đọc vanh vách gia đình tôi từng tên một luôn. Tôi hơi hoảng , ông Kha cười khà khà :

-- Chuẩn chưa , nhìn mặt mày ông thấy cũng quen quen , giống ngoại thật đấy….Ông ngoại mày ngày xưa cờ bạc nổi tiếng cả cái tổng này ai mà chẳng biết. Hóa ra mày là cháu ông N à , về chơi có lâu không cháu.

Tôi cười :

-- Cháu về chơi hết hè rồi lại đi…..Mà cháu nhớ nhà bác còn có anh Dím phải không ạ..?

Ông Kha nghe đến Dím thì thoáng buồn , nụ cười đắc chí ban nãy khi đoán đúng tên bố mẹ tôi bỗng vụt tắt. Ông lại tiếp tục sửa xe , nhưng im lặng một lúc ông nói :

-- Ừ , còn thằng Dím , mà ở đây người ta chỉ gọi nó là thằng Dím điên thôi...Chẳng ai nó gọi là anh Dím như mày đâu. Mặc dù tính tuổi năm nay nó cũng 35 tuổi rồi.

“ Cạch...Cạch...Cạch..”

Tiếng búa chua chát được ông Kha đập xuống miếng đỡ bằng gỗ khiến tôi nao lòng , tôi thấy mình đã sai khi đang cố gắng tọc mạch vào đời sống của một người không quen biết. Nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn hỏi :

-- Cháu trước ở đây cũng nghe ông bà cháu nói anh Dím ngày xưa không như thế này . Hôm trước cháu đi đường thấy anh Dím lang thang thấy khổ quá ông ạ.

Ông Kha dừng búa, ông không đập nữa….

Tôi chợt lo lắng , có khi nào tôi đã hơi quá lời rồi không….Bất chợt ông Kha thở dài :

-- Haizzzz , cái số nó phải bị vậy rồi….Cũng không làm sao được , ngày trước nó ngoan mà đẹp lắm mày ạ . Nhưng mẹ mất , nó nghỉ học….Ông cũng không dạy được con , đúng là của nợ của tội.
Lúc này câu chuyện đã vào chủ đề , tôi tiếp tục hỏi trong lúc ông Kha vẫn đang cặm cụi sửa xe :

-- Vậy sao mà anh Dím lại bị như thế hả ông..?

Ông Kha đáp gọn lỏn :

-- Nghiện….Nghiện rồi thành ra như vậy đấy. Cái thời của nó dân ở đây thanh niên nghiện gần hết...Chết cũng nhiều lắm rồi.

Điều này ông Kha nói đúng , gia đình tôi cậu út bằng hay kém Dím 1-2 tuổi cũng nghiện. Ông bà tôi đến giờ vẫn khổ sở với cậu , cái thời mà cậu tôi nghiện , trong phường trong xóm ví dụ co 10 thanh niên thì 9 ông nghiện , một ông còn lại do không ở nhà nên thoát nghiện. Ngày đó chỉ cần nhắc đến nơi tôi sống , dân nơi khác đều thấy sợ vì quá nhiều người nghiện. Thuốc phiện, heroin ngày đó nó như một căn bệnh nan y , lây nhiễm tới tất cả các thanh niên trong phường.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh cậu tôi bị các bác , bị ông bà dùng xích buộc vào cổ , trói vào chân giường khi cậu lên cơn thèm thuốc . Mấy năm qua cậu tôi cũng phải quyết tâm vượt biên sang Hồng Kong để bị bắt vào tù với mục đích cai nghiện. Ngày cậu đi , cậu còn cầm theo mấy viên đạn giấu trong người để khi bị bắt công an bên đó họ tăng nặng mức án để ở lại cho lâu. Cũng may cậu tôi thoát khỏi cảnh nghiện, những người cùng trang lứa hầu như đều đã xanh cỏ vì bị Si Đa. Hiện tại còn có thuốc cầm chừng chứ cách đây mười mấy năm về trước thì Si Đa đồng nghĩa với án tử treo trên đầu. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao Dím nghiện mà lại bị điên , tôi toan hỏi thì ông Kha đã nói tiếp :

-- Nó cũng chơi với thằng Toàn con ông N , ông mày đấy….Hồi đó lũ nghiện chơi với nhau hết. Mẹ chết , thằng Anh nó bỏ học , rồi nghiện lúc nào không hay….Ban đầu còn có tiền hút , sau hết tiền thì chuyển sang chích...Nó về nó ăn cắp đồ đạc , nó chửi tao...Nó nói vì tao mà mẹ nó chết , nó mới nghiện….Rồi….rồi...thì….đến lúc không còn….không còn...tiền chơi nữa..Nợ nhiều quá bọn kia nó mới bán thuốc đểu cho chích….Từ đó nó thành thằng điên dại , nó đi lang thang cả ngày lẫn đêm...Chỉ về nhà lúc ăn cơm….

Ông Kha không gọi con là Dím nữa , ông gọi Dím là Anh , là cái tên thật của Dím , Quốc Anh….Một cái tên đẹp , nhưng giờ hỏi Quốc Anh có lẽ chẳng ai biết….Họ chỉ còn biết đến thằng Dím Điên , hôi thối , bẩn thỉu mà thôi. Ông Kha vừa nói vừa lắc đầu , có lẽ có nằm mơ ông cũng không nghĩ cuộc đời mình lại khốn khổ như vậy. Vợ chết , con thì trở nên điên dại. Bao nhiêu năm qua một mình ông gắng gượng cố gắng nuôi Dím , mong sao một ngày con mình trở lại bình thường. Nhưng đến bây giờ mọi thứ vẫn vô vọng với người đàn ông đã trên 50 tuổi này.

-- Ông Kha bơm tôi cái xe nào..? Mà chết không có tiền lẻ , nợ mai tôi trả nhé.

Giọng một người đàn ông trung niên vang lên , ông Kha tay đầy dầu mỡ định đứng dậy bơm thì tôi đáp :

-- Để cháu bơm cho , ông cứ sửa đi.

Tôi bơm xe cho khách xong , đợi ông kia đi tôi làu bàu :

-- Mấy nghìn bạc còn nợ…

Ông Kha cười :

-- Ừ , nhà gần đây , lần nào cũng bơm chịu , có thấy trả tiền đâu….Nhưng thôi , hàng xóm láng giềng….Mà ở đây người ta cũng gọi tao là Kha điên đấy ha ha ha..

Ông Kha cười chua chát , đúng vậy , ở cái xã hội này người cực khổ , người nghèo khó , đôi khi là cả người tốt vẫn bị gán mác điên mà. Tôi cũng cười không kém phần chua cay :

-- Dạ vâng , điên như ông chứ tỉnh như người ta thì có mà quỵt tiền suốt.

Ông Kha cười ha hả , ông vừa sửa xe vừa đáp :

-- Thằng này nói chuyện hay này….Lâu lắm rồi tao mới có người để nói chuyện...Ở đây người ta bảo tao điên có ai nói chuyện với tao đâu. Hết trượt cá rồi này , để ông xem hỏng cái gì thay luôn cho nhé….Thằng oắt này khá, nói chuyện hay lắm…

Tôi mỉm cười gật đầu :

-- Dạ , thì cháu cũng điên mà….Chẳng giấu gì ông , hôm trước cháu ngồi uống nước tình cờ nghe được chuyện về anh Dím , tò mò nên cháu mới đến đây để hỏi chuyện ông. Có gì không phải ông bỏ qua cho cháu .

Ông Kha không ngạc nhiên , ông cười :

-- Bảo sao tao cứ thấy lạ lạ , thanh niên chẳng ai nó vác xe vào đây sửa đâu….Trên kia có mấy quán xịn hơn nhiều…...Thế giờ sửa xe hay nghe tao kể chuyện…?

Tôi gãi đầu :

-- Dạ cả hai , ông cứ vừa sửa vừa kể cũng được….Chứ cháu mang xe đi sửa lát mang về vẫn hỏng bà cháu chửi chết…..

Hôm nay trời mát mẻ, cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Kha điên dường như cũng khiến những người qua đường cảm thấy tò mò, khi mà thi thoảng ông Kha lại phá lên cười. Nghe ông Kha kể, tôi thật sự cảm thấy tiếc cho một kiếp người. Đằng sau một người điên là cả một câu chuyện dài đầy nước mắt…..

-------------------

Xem tiếp: 

(Tập 1)      (Tập 2)        (Tập 3)         (Tập 4)         (Tập 5)          (Tập 6)           (Tập 7)                (Tập 8)         (Tập 9) 

Đọc trọn bộ: MIẾU HOANG - TRƯỜNG LÊ

Bản quyền thuộc về tác giả Trường Lê