14/04/2022 10:19 View: 1291

Cô Bé Cấm Sơn là ai, đền thờ ở đâu?

Trong đạo Mẫu, Cô Bé Cấm Sơn được mọi người cho là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn ở vùng đất Lào Cai. Vậy sự tích về Cô Bé Cấm Sơn như thế nào? Đền Cấm hiện nay thờ những ai?

Mẫu Thượng Ngàn

Tìm hiểu: Sự tích Cô Bé Cấm Sơn 

Truyền thuyết về Cô Bé Cấm Sơn là người con gái có tài chữa bệnh thần kỳ và được cho là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn tại vùng đất Lào Cai, gắn liền với cột mốc diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thời Trần. 

Vào năm 1257, tướng Trần Quốc Tuấn cùng binh lính nhận lệnh hành quân tới miền biên giới vùng Lào Cai phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ. Tại vùng đất nơi biên cương này, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, quân ta đã chiến đấu anh dũng quả cảm và có nhiều binh sĩ đã ngã xuống. 

Khu vực ga (nay là Phố Mới, Lào Cai) khi đó là một cánh rừng nguyên sinh, cây cối mọc rậm rạp và che khuất được tầm nhìn. Trần Quốc Tuấn trong một lần đi thị sát và chỉ huy phòng thủy biên giới đã chọn một vị trí tại đây để lập trạm căn cứ phòng thủ quân y tuyến 2. Sau đó, những tướng sĩ, binh lính bị thương trong trận đấu được đưa vào đây để chữa trị. 

Nhân dân bản địa (gồm người Việt, người Tày, người Giáy) khi đó cũng được phép đưa người ốm đau vào nhờ quân ý chăm sóc giúp. Cũng tại nơi đây, một sự việc ly kỳ xảy ra gắn liền với câu chuyện: 

Cứ vào buổi đêm, có một người thiếu nữ diện y phục màu xanh đến trạm bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người. Cô chữa bệnh rất giỏi, ai dùng thuốc của cô cũng trở nên khỏe mạnh nhanh chóng. Nhưng tuyệt nhiên vào ban ngày không ai nhìn thấy cô cả. Người bản xứ cũng khẳng định dân làng ở đây không có ai như vậy. Tất cả mọi người đều tin rằng, cô gái đó là hiển linh của Mẫu Thượng Ngàn đến để phù dân vệ quốc. 

Khu rừng đó sau có tên là rừng Cấm và tại trạm quân y khi xưa, người ta đã xây dựng một ngôi đền là đền Cấm. Đây là nơi thờ phụng các quan binh đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ đất nước của quân đội Nhà Trần ở thế kỷ thứ XIII. 

Hiện nay đền Cấm Lào Cai thờ ai? 

Hiện nay, đền Cấm Tọa lạc tại tổ 3, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Trước đây, đền là một ngôi miếu nhỏ do quan binh và dân làng cùng nhau tạo tác để thờ phụng 5 binh sĩ nhà Trần đã hy sinh tại trận chiến Nguyên Mông tại vùng đất này. Sau này vào thế kỉ XVI đã được nhân dân địa phương và chính quyền tôn tạo tu sửa thành đền. 

Đền được xây dựng theo kiến trúc truyền thống tại thời Trần hình chữ Đinh với hai gian đại bái và hậu cung. Trong khuôn viên đền sừng sững những bóng cây cổ thụ như cây si, cây mít và cây ngọc lan, tô điểm cho không gian linh thiêng của ngôi đền. 

Bên trong đền có thờ nhiều nhân vật tâm linh như Ngũ vị Tôn Ông, Quan Trần triều, ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bảy, bà Chúa Sơn Trang, Chúa Thác Bờ, Chầu Lục, Chầu bé Bắc Lệ, bà Chúa Cấm, Chầu Bát Ngàn cùng các đấng Thánh mẫu, Phật Quan Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. 

Đền cũng còn lưu giữ được một số sắc phong có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. 

Lễ hội đền Cấm Lào Cai vào ngày bao nhiêu?

Lễ hội của đền Cấm Lào Cai thường được tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch, là ngày được coi là ngày giỗ của 5 quan binh nhà Trần đã hy sinh tại vùng đất này trong trận chiến quân Nguyên Mông. 

Vào ngày này, người dân bảo nhau góp gạo góp thịt để làm lễ “xóa tội vong nhân” cho 5 vị binh sĩ. Còn phần hội được tổ chức đông vui, náo nhiệt với các trò chơi truyền thống như ném còn, đánh én…ngoài ra nơi đây còn là nơi tổ chức lễ hội xuống đồng hàng năm.

 Vào ngày hội hay các ngày đầu xuân năm mới, du khách gần xa và con nhang đệ tử lại sắm sửa hành hương về Lào Cai, tới đền Cấm tham quan chiêm bái và thắp hương các vị tướng anh hùng và Thánh Mẫu. 

Ai cũng bày tỏ sự biết ơn cũng như mong cầu các Ngài phù hộ tài lộc may mắn cho bản thân và gia đình, đất nước ngày một hưng thịnh… cùng với mâm lễ gồm những vật phẩm thành kính nhất. 

Ngày 27/12/2001 Đền Cấm được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia theo Quyết định số 51/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa và Thông tin.