14/04/2022 10:43 View: 3250

BAN CÔNG ĐỒNG là gì, thờ những vị nào?

Khi đi đến các đền phủ chúng ta thường lễ tại ban công đồng, cũng là ban chính và to nhất. Vậy ban công đồng là gì, Ban công đồng thờ những vị nào? Cùng Tamlinh.org tìm hiểu nhé.

Ban thờ Công Đồng hay điện thờ Tam Tứ Phủ là nơi thờ cúng Thần Phật, 4 vị vua cha, tam tòa Thánh Mẫu, các vị trong cộng đồng Tam Tứ Phủ.

Ban công đồng là gì?

Ban công đồng là điện thờ tam phủ, tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.

  • Tam phủ gồm các vị: Quan âm bồ tát, Tam vị vua cha, Tam tòa thánh mẫu.
  • Tứ phủ gồm các vị: Quan âm Bồ Tát, Tứ vị Vua Cha, Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Quan, Tứ phủ Thánh Chầu, Tứ phủ Thánh Hoàng, Tứ phủ Thánh Cô.

Vua Cha Bát Hải Động Đình tức Đấng A-di-đà hay danh trong Đạo Giáo là Nguyên Thủy Thiên Tôn hay Thái Cực. Ngài là Khối Sáng nơi phát xuất ra tất cả Đại Linh Quang và tất cả anh linh thấp cao bản thể của tế bào đến cây cỏ sinh vật.

Tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế thì Thượng Đế chỉ có một chính là Ngài còn Ngọc Hoàng thì có nhiều như từ Lưỡng Quảng đến đỉnh Hoành Sơn có Ngọc Hoàng là Mẫu Mẹ Âu Cơ, từ Mũi Cà Mau đến đỉnh Đèo Ngang có Ngọc Hoàng là Bà Chúa Ngọc. Mảnh đất Trung Hoa có Ngọc Hoàng là Bảo Linh Thiên Tôn. Trong mỗi vùng đất Ngọc Hoàng có thể là một Đấng Khởi Thủy trong Đại Đỉnh Thập Tuyệt Chân Linh (Nhị Bộ Lưỡng Nghi) hay những Đại Sứ Giả từ Thượng Đế gửi xuống sau 10 vị này.

  • Tượng Nam Tào thờ những Đấng Tối Cao ngự tại chòm sao nam tào
  • Tượng Bắc Đẩu thờ những Đấng Tối Cao ngự tại chòm sao bắc đẩu.

Ban công đồng gồm những vị nào?

Ban thờ Công Đồng hay điện thờ Tam Tứ Phủ là nơi thờ cúng Thần Phật, 4 vị vua cha, tam tòa Thánh Mẫu, các vị trong cộng đồng Tam Tứ Phủ.

2.1 Hàng thứ nhất: 

Trên cùng là đức quán thế âm bồ tát, ngài đại diện cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng trong đạo Phật. Theo huyền tích lưu lại thì Vân Hương Thánh Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh) quy y tam bảo và là đệ tử của đức Phật sau này ngài nên chính quả được tương truyền là Mã Hoàng Bồ Tát. Trong các đền thờ có thể thờ phật mẫu chuẩn đề, Phật Thích Ca, hay tam thế Phật.. làm đại diện.

2.2 Hàng thứ hai: 4 vị vua cha gồm

Vua cha Thiên phủ (Ngọc hoàng thượng đế) có quyền hạn lớn nhất lục giới; cai quản toàn bộ lục giới: Nhân – Thần – Ma – Yêu – Quỷ – Tiên. Trong Đạo Mẫu Việt Nam Ngọc hoàng được gọi là Vua cha ngọc hoàng (là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Vua cha Bát hải động đình Vĩnh công đại vương.

Vua cha Nhạc phủ – Tản viên Sơn Thánh: Vua cha Nhạc phủ là một vị thần tối linh trong Tứ bất tử của Việt Nam. Đức Thánh Tản là cha của Mẫu Thượng Ngàn, tức La Bình Công Chúa. Trong tứ bất tử thì Tản viên Sơn thánh là vị đứng đầu, ngài còn được phong là Nam Thiên Thánh Tổ.

Vua cha Diêm Vương: Vua cha Diêm vương còn gọi là Địa phủ Thánh đế Thập điện Minh Vương tòa Chương Địa Phủ, là vị Vua cha gắn liền trong tín ngưỡng Tam tứ phủ, ngài cai quản miền đất.

(Ngoài nội dung đã ở trên xin bổ sung thêm một ý kiến khác để các bạn cùng hiểu thêm: Các vị vua cha chỉ gồm 3 vị: Vua cha Ngọc Hoàng cai quản thiên giới. Vua cha Bát Hải cai quản các công việc dương gian.

Vua cha Diêm Vương cai quản âm giới. Chính vì vậy mới có câu: Tam phủ Công Đồng. Nhạc phủ cũng được tính dưới quyền cai quản của vua Cha Bát Hải. Tản Viên Sơn Thánh nếu xét trong lịch sử thì Ngài không thể xếp ngang hàng với 3 vị vua cha kia được).

2.3 Hàng thứ ba: 

Là tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhất (áo đỏ), Mẫu Đệ Nhị (áo xanh), Mẫu Đệ Tam (áo trắng).

2.4 Hàng thứ tư: 

Là ngũ vị tôn quan : Quan Đệ Nhất (áo đỏ), Quan Đệ Nhị (áo xanh), Quan Đệ Tam (áo Trắng), Quan Đệ Tứ (áo vàng), Quan Đệ Ngũ (áo xanh da trời đậm)

2.5 Hàng thứ năm:

Là tứ phủ thánh Chầu với các vị đại diện là Chầu Đệ Nhất (áo đỏ), Chầu Đệ Nhị (áo xanh), Chầu Đệ Tam (áo trắng), Chầu Đệ Tứ (áo vàng), Chầu Lục (phía ngoài cùng bên phải), Chầu Bé (phía ngoài cùng bên trái)

2.6 Hàng thứ sáu:

Là tứ phủ thánh hoàng với đại diện là ông Hoàng Cả (áo đỏ), Hoàng Bơ (áo trắng), Hoàng Bảy (áo xanh lam đậm). Hoàng Mười (áo vàng)

2.7 Hàng thứ bảy:

Là tứ phủ thánh cô (bên trái) và tứ phủ thánh cậu (bên phải).

Phía bên trái có các vị đại diện là Cô Bơ (áo trắng), Cô Tư (áo vàng), Cô Chín (áo hồng) và Cô Bé Thượng Ngàn (áo chàm xanh).

Phía bên phải có các vị đại diện là Cậu Cả (áo đỏ), Cậu Bơ (áo trắng), Cậu Tư (áo vàng), và Cậu Bé (áo xanh).

Qua bức tranh ta thấy các vị thánh đại diện ở mỗi hàng đều tương ứng với tứ phủ (một cách tương đối):

  • Thiên phủ (màu đỏ hoặc hồng)
  • Nhạc Phủ (màu xanh lá cây, xanh chàm..)
  • Thoải Phủ (màu trắng)
  • Địa Phủ (màu vàng).

Tín ngưỡng thờ Mẫu, tam tứ phủ là tín ngưỡng tôn thờ toàn vũ trụ (thiên địa thủy nhạc) có thờ cả nam thần – nữ thần, thiên thần – nhân thần, các vị hiển tích ở miền xuôi cũng như miền ngược… Cao hơn hết là Thánh Mẫu , người mẹ của tâm linh luôn có lòng bao dung độ lượng thương xót chúng sinh. Cửa Mẫu luôn rộng mở để chờ đón chúng ta, những khi vui hãy tìm đến Mẹ, lúc ta buồn hãy mở lòng tâm sự với Mẹ, Lúc khốn khó lại tìm đến mẹ để cầu xin mẹ che chở giúp đỡ chúng ta. Hãy an tâm trong cuộc sống bởi ta đã có mẹ, luôn có mẹ và mãi mãi có Mẹ. Mẹ là tất cả.

Mỗi người mỗi nước mỗi non

Đã về cửa mẹ như con một nhà…

Bài cúng, văn khấn lễ Ban Công Đồng

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư phật, Chư phật mười phương

Con lạy đức Vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế

Con lạy Tam Toà Thánh Mẫu

Con lạy Tam phủ Công Đồng, Tứ phủ Vạn linh

Con lạy Tứ phủ Khâm sai

Con lạy Chầu bà Thủ Mệnh

Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Hoàng

Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Cô

Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Cậu

Con lạy cộng đồng các Giá, các Quan, mười tám cửa rừng, mười hai cửa bể.

Con lạy quan Chầu gia.

Hương tử con là:……………………

Cùng đồng gia quyển đẳng, nam nữ tử tôn

Ngụ tại:……………………………….

Hôm nay là ngày….. tháng….. năm. Tín chủ con về đây……… thành tâm kính lễ, xin Chúa phù hộ độ trì cho gia đình chúng con sức khoẻ dồi dào, phúc thọ khang ninh, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)